Học sinh trường dân tộc Nội trú THCS Mai Châu biểu diễn văn nghệ tại xã Hang Kia. ảnh: Quốc Dũng (TTV)
(HBĐT) - Ngày xuân, vùng đất Mai Châu lại lung linh, rộn ràng trong điệu xòe của người Thái. Mỗi độ xuân về, khắp các bản làng người Thái mọi người dân gác bỏ những bộn bề, lo toan thường nhật để cùng vui điệu xòe.
Múa xòe là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian phát triển mạnh và phổ biến của người Thái ở huyện Mai Châu. Múa xòe Mai Châu mang nét đẹp độc đáo riêng, đặc trưng với nét duyên dáng, chắc khỏe và có tính chất địa phương rõ rệt. Đồng chí Lò Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Mai Châu cho biết: Múa xòe có nhiều điệu như xòe ồng bổng, xòe chá, xòe vòng, xòe đánh máng, xòe kiếm... Các điệu xòe đều xuất phát từ cuộc sống lao động sản xuất, tập quán sinh hoạt của đồng bào nơi đây và dần trở thành nét truyền thống, văn hóa và phong tục của người dân bản địa. Trong đó, xòe ồng bổng là hình thức múa cổ, động tác rất đơn giản khi mọi người cầm tay nhau nhảy quanh đống lửa theo nhịp hò huậy, hò huây để mừng thắng lợi sau buổi đi săn hay mừng nhà mới, đặc điểm của điệu xòe này chỉ có đàn ông xòe, động tác tuy đơn giản nhưng mạnh mẽ, tinh thần vui nhộn và phóng khoáng. Với điệu xòe đánh máng lại dành riêng cho nữ giới được tổ chức cứ 3 cặp một, mỗi cặp cầm hai chày gõ vào thành máng dùng để giã gạo, tạo ra những tiếng chày chắc giòn, nhịp điệu mỗi lúc một nhanh, mạnh. Còn điệu xòe kiếm lại được tổ chức trong các cuộc mo lớn và ông mo thực hiện những động tác múa kiếm theo nhịp mo. Bên cạnh đó còn có xòe đơn lẻ, vừa xòe, vừa đánh trống, đánh chiêng với đội gồm 2 người tham gia.
Có thể thấy, trước kia múa xòe thường được tổ chức vào các ngày lễ hội, ngày tết, đám cưới... Hiện nay, múa xòe đã phổ biến hơn trước và cũng đã được cải biên hấp dẫn hơn trước nhiều. Tại các bản làng người Thái ở huyện Mai Châu đều có đội xòe, riêng tại các bản làm du dịch như: bản Lác, bản Pom Coọng, bản Văn... đều có từ 3- 5 đội xòe. Mỗi khi có các đoàn khách đến du lịch, sau khi tham quan, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, đời sống sinh hoạt của người dân, những nét văn hóa, ẩm thực của người Thái và khi hoàng hôn dần buông xuống cũng là lúc mọi người được thả hồn, hòa mình vào các tiết mục văn nghệ, điệu múa, điệu xòe. Hầu hết các điệu xòe cổ đều đã được cải biên và nâng cao, trở thành các điệu múa hấp dẫn với nhiều động tác, đạo cụ, trang phục và nhạc đệm thu hút người xem. Với các điệu xòe khăn, xòe hoa, xòe trống chiêng... Mỗi điệu xòe lại có những nét đặc sắc riêng. Ta có thể bắt gặp hình ảnh những cô gái Thái duyên dáng với khăn piêu, ô vải mềm mại, váy áo rực rỡ. Bên cạnh là những dụng cụ, nhạc cụ vô cùng độc đáo như chiêng, cóng, trống. Mỗi một điệu múa lại mang đến cho ta cảm nhận khác nhau về nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây. Tuy nhiên xòe vòng lại luôn thu hút được đông đảo du khách cùng tham gia. Khi tiếng chiêng, trống được cất lên, mọi người tay trong tay, không phân biệt chủ khách cùng nhau vui điệu xòe và vòng xòe như sợi dây gắn kết con người với nhau. Trên khoảng đất rộng, mọi người không kể tuổi tác, giới tính cùng nắm tay nhau trong điệu xoè rộn rã. ở giữa trung tâm của vòng xoay thường được đặt hũ rượu cần và đốt củi lửa và vòng xòe cứ tiếp tục được mở rộng vì người tham gia ngày càng đông cho đến khi đống lửa tàn vòng xòe mới kết thúc.
Với người Thái ở huyện Mai Châu, xoè là sinh hoạt văn hoá đặc sắc. Xoè dường như đã làm cho vùng đất thơ mộng này nổi tiếng hơn. Cho đến bây giờ, người Thái ở Mai Châu múa xoè thường xuyên hơn, hay hơn và dẻo hơn, quyến rũ hơn. Họ xoè vào nhiều dịp vui hơn và ở bất kỳ đâu: Trên nhà sàn, ở đầu bản, dưới sân nhà hay ở bãi sân rộng... khi tiếng chiêng, trống vọng lên rộn ràng nhịp bước. Mọi người với trang phục rực rỡ, khăn xoè đủ sắc màu, tay nắm tay, lúc chụm vào, khi nở ra như những bông hoa rừng. Cũng theo đồng chí Lò Văn Tuấn, ngày nay, dưới sự tác động mạnh mẽ của các dòng văn hoá hội nhập, người Thái ở huyện Mai Châu luôn ý thức gìn giữ và phát huy những điệu xoè của mình. Để xoè Thái được bảo tồn và ngày càng phát triển cùng với việc duy trì và phát triểm thêm các đội xoè, dự kiến trong năm 2016, Trung tâm VH-TT huyện sẽ tổ chức 1 lớp truyền dạy xoè Thái cho cán bộ văn hoá và các hạt nhân nòng cốt ở cơ sở để thông qua đó tiếp tục lưu giữ và truyền dạy cho lớp trẻ.
Với ý thức như vậy, xoè của người Thái ở huyện Mai Châu vẫn luôn tồn tại, phát huy để giữa không gian núi rừng, giữa những bản làng yên bình no ấm, các chàng trai, cô gái Thái lộng lẫy trong trang phục, uyển chuyển duyên dáng với điệu xoè làm đắm say bao du khách khi đến với vùng đất Mai Châu.
Đỗ Hà
(HBĐT) – Sông Đà mênh mang trải dài và rộng lớn cả ở thượng lưu và hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình là nỗi khát khao, hứng thú bất tận của dân câu. Từ chỗ tò mò theo chân các “bậc tiền bối”, rồi nghiện và đam mê, anh Minh đã trở thành dân câu đích thực trong làng câu Hòa Bình. Vẻ thư sinh ngày nào được thay thế bằng nước da nhẻm sông nước. Ngoài giờ làm việc, hầu như anh dành trọn thời gian cho thú câu cá dưới hạ lưu thủy điện.
(HBĐT) - Trekking tour - tour du lịch đi bộ không còn xa lạ với du khách trong và ngoài nước khi đến với Hòa Bình. Trekking là tổng hợp của niềm đam mê chinh phục thiên nhiên, yêu thích khám phá, thể thao, ưa mạo hiểm và hơn hết là cảm giác tìm lại chính mình. Những chặng đường trekking thường rất hoang dã nhưng cũng nhiều thú vị bất ngờ. Phượt thủ ưa mạo hiểm, thích khám phá rất thích loại hình trekking tour vì đây là cơ hội rèn luyện thân thể, hòa mình vào thiên nhiên hoang dã và có những cảm nhận mới lạ về cuộc sống, con người nơi bước chân mình đi qua.
(HBĐT) - Đá vốn là vật vô tri, vô ngôn, nhưng bản thân nó ẩn chứa sức sống diệu kỳ, tựa hồ quả núi hùng vĩ, kiên định, thể hiện linh khí của đất trời. Cùng với sự bào mòn của thời gian, dưới tài năng chế tác của con người, những khối đá vô tri được “thổi” vào đó tâm tư, suy nghĩ và cảm nhận về giá trị nghệ thuật độc đáo. Mỗi tác phẩm đá cảnh giờ đây đã mang ý nghĩa, nét riêng mới lạ, thể hiện tài hoa của nghệ nhân.
(HBĐT) - Cùng với sự phát triển văn hóa dân tộc và ẩm thực Việt, uống trà được nâng lên thành mộtự nghệ thuật, một thú chơi, một niềm vui hay những suy tư gửi gắm tâm sự. Từ người nông dân đến bậc trí thức đều biết uống trà. Cách uống và thưởng thức trà đôi khi ở những cấp độ khác nhau nhưng rồi đều quy tụ về một điểm chung là lòng mến mộ khách đến chơi nhà và thú vui thưởng thức.
(HBĐT) - Một ngày cuối năm, chúng tôi có dịp gặp gỡ các bạn Nhật Bản đang làm việc tại Công ty TNHH Sankoh Việt Nam. Khi được hỏi “Các bạn biết gì về ngày Tết của đất nước chúng tôi?”. Chúng tôi thật vui khi được nghe trả lời: “Nấu bánh chưng, lì xì, xông đất, hái lộc”... để thấy Tết Việt rất gần gũi và ấm cúng với họ. Những phong tục độc đáo của Tết cổ truyền Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với những người bạn Nhật Bản đang sống và làm việc tại Hoà Bình. Đoàn tụ gia đình là điều mà các bạn Nhật Bản nhắc đến nhiều nhất khi được hỏi về Tết Nguyên đán ở Hoà Bình.
(HBĐT) - Tối ngày 7/2 (tức 29 Tết âm lịch), tại tiền sảnh Cung văn hóa tỉnh, Sở VHTT&DL phối hợp với Công an tỉnh, UBND thành phố Hòa Bình tổ chức chuơng trình nghệ thuật “dâng Đảng - tiếng hát mùa xuân” chào mừng Xuân Bính Thân 2016. Đến dự có lãnh đạo Sở VHTT&DL, Công an tỉnh và đông đảo người dân trên địa bàn.