NATO tăng cường tập trận tại vùng Ban-tích.
Mối quan hệ vốn không “xuôi chèo mát mái” giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục đối mặt nhiều thách thức khi NATO quyết định mở rộng phạm vi hoạt động ở sườn phía đông của khối này, bất chấp phản ứng gay gắt từ Mát-xcơ-va. Cuộc họp Hội đồng Nga - NATO diễn ra mới đây dù được đánh giá hữu ích nhưng vẫn chưa thể giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa hai bên.
Việc NATO hành động ngược lại cam kết không thiết lập các căn cứ quân sự mới tại các nước Đông Âu và ngừng mở rộng về phía đông, được đánh giá là một trong những nguyên nhân chính khiến mối quan hệ giữa khối này và Nga rơi vào tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Tại hội nghị cấp cao diễn ra mới đây, các nhà lãnh đạo NATO đã quyết định tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực sườn phía đông của khối, bắt đầu từ năm 2017, với việc triển khai bốn tiểu đoàn thường trực đa quốc gia đến Ba Lan và ba nước vùng Ban-tích là E-xtô-ni-a, Lít-va và Lát-vi-a. Ngoài ra, NATO còn tuyên bố, hệ thống phòng thủ tên lửa của khối ở châu Âu đã đi vào giai đoạn hoạt động tác chiến ban đầu. Bước đi này đang đổ thêm dầu vào những căng thẳng và mâu thuẫn vốn âm ỉ từ lâu trong quan hệ giữa NATO và Nga, quốc gia luôn coi bất kỳ hành động bành trướng nào của NATO về khu vực phía đông giáp biên giới nước này là mối đe dọa an ninh và làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin giữa hai bên. Mặc dù NATO khẳng định, những biện pháp quân sự nêu trên chỉ nhằm tăng cường khả năng phòng thủ ở sườn phía đông của khối, Đại sứ Nga tại NATO A.Grút-cô cho rằng, kế hoạch này không thỏa đáng, thiếu tính xây dựng, làm gia tăng căng thẳng và đưa mối quan hệ giữa hai bên trở lại thời chiến tranh lạnh. Trước đó, Nga đã nhiều lần chỉ trích quyết định tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực phía đông của NATO và cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả thích hợp. Những động thái gây căng thẳng nêu trên đã khiến cuộc họp của Hội đồng Nga - NATO diễn ra mới đây kết thúc với kết quả không mấy khả quan. Hội đồng Nga - NATO được thành lập năm 2002, là cơ chế để hai bên tham vấn, thỏa hiệp và đưa ra quyết định chung về các vấn đề cùng quan tâm. Cuộc họp Hội đồng cấp đại sứ lần này là lần thứ hai hai bên ngồi lại với nhau sau một thời gian dài đình trệ do quan hệ giữa Nga và NATO xấu đi từ năm 2014 liên quan cuộc khủng hoảng U-crai-na. Tuy nhiên, cuộc họp vẫn chỉ là diễn đàn bày tỏ quan điểm mà chưa thể đi đến bất cứ thỏa thuận thu hẹp bất đồng nào. Nga và NATO đã không tìm được tiếng nói chung trong tất cả các nội dung chính của chương trình nghị sự, như: cuộc khủng hoảng U-crai-na, vấn đề kiểm soát rủi ro trong các hoạt động quân sự, tình hình an ninh tại Áp-ga-ni-xtan… Tổng Thư ký NATO G.Xtôn-ten-bớc thừa nhận, hai bên tiếp tục bất đồng dai dẳng và sâu sắc về vấn đề U-crai-na, nhưng nhất trí sẽ tiếp tục đối thoại trong thời gian tới. Kết quả khiêm tốn này không nằm ngoài dự đoán, bởi Nga và NATO đang trong cuộc khủng hoảng niềm tin sâu sắc. Tuy nhiên, dù vẫn tồn tại nhiều khác biệt khó có thể được giải quyết một sớm, một chiều, việc hai bên đồng ý ngồi vào bàn đối thoại được ghi nhận là một động thái tích cực, mở đường cho triển vọng nối lại quan hệ hợp tác trong những vấn đề cùng có lợi. Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định, quan hệ ảm đạm kéo dài giữa Nga và NATO đang gây không ít tổn hại cho lợi ích của hai bên. Hiện nay, NATO đang đối mặt những thách thức truyền thống và phi truyền thống ngày càng gay gắt. Theo đó, chủ nghĩa khủng bố, nhất là mối đe dọa từ tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), tiếp tục là nguy cơ đối với tình hình an ninh tại khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Ngoài ra, cuộc xung đột chưa có hồi kết ở Xy-ri và làn sóng người di cư ồ ạt tràn vào châu Âu đang làm đau đầu các nhà lãnh đạo khối. Nhiều chuyên gia cho rằng, vai trò quan trọng của Mát-xcơ-va trong cuộc chiến chống IS, cũng như giải quyết nhiều điểm nóng trên thế giới cho thấy, con đường tốt nhất để Nga và NATO tìm lời giải cho những bài toán an ninh, chính trị hóc búa hiện nay là đối thoại và xây dựng lòng tin. Theo Nhandan | |
|
Sau khi Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Phi-li-pin đối với Trung Quốc liên quan các tranh chấp tại Biển Đông, phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn và ghi lại ý kiến của một số Đại sứ các nước tại Việt Nam chung quanh sự kiện này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Cuộc chạy đua giành chiếc ghế lãnh đạo Liên hiệp quốc đang nóng dần lên sau vòng bỏ phiếu kín không chính thức đầu tiên diễn ra hôm 21-7. Ông Antonio Guterres, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha đồng thời là cựu lãnh đạo Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn đã dẫn đầu cuộc bỏ phiếu này. Nhưng mọi việc vẫn chưa kết thúc.
Philippines đang ra sức đẩy mạnh cuộc chiến không khoan nhượng với tội phạm ma túy dưới thời tân Tổng thống Rodrigo Duterte.
Rạng sáng 26-7 đã xảy ra một vụ tấn công bằng dao tại một cơ sở dành cho người khuyết tật tại thành phố Sagamihara thuộc tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Ít nhất 19 người thiệt mạng và gần 30 người bị thương, trong đó có 20 người bị thương nặng.
Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á hôm nay ra tuyên bố chung nhưng không nhắc đến Trung Quốc hay phán quyết từ Tòa Trọng tài về "đường lưỡi bò".
Reuters cho biết, chiều 24-7, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã bế mạc tại Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc).