Một số quan chức Mỹ vừa nhậm chức đã có một vài tuyên bố cứng rắn về chính sách của Mỹ ở biển Đông khiến dư luận lo ngại căng thẳng sẽ gia tăng tại biển Đông trong năm 2017, thậm chí nhiều phương tiện truyền thông còn cho rằng có nguy cơ xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, sau đó cũng các quan chức Mỹ đã tuyên bố muốn giải quyết các vấn đề tại biển Đông bằng giải pháp hòa bình.

 

Căng thẳng leo thang

Theo nhận định của tạp chí Forbes số ra ngày 6-2, trong khi dư luận thế giới đang tập trung theo dõi cuộc chiến pháp lý của Mỹ về vấn đề nhập cư hay lãi suất, tỷ giá USD… thì ở một nơi khác, “cơn bão” có thể trỗi dậy, đó là khu vực biển Đông, đe dọa phá vỡ một trong những tuyến đường biển thương mại lớn nhất thế giới và đưa tới những hậu quả tàn phá các nền kinh tế trong khu vực và các công ty đa quốc gia.

 

 

       Tàu khu trục Mỹ USS Lassen từng tuần tra biển Đông (năm 2015)

Theo Forbes, gần 3 năm trước đây, Trung Quốc bắt đầu làm gia tăng căng thẳng trong khu vực bằng cách xây dựng trái phép hàng loạt đảo nhân tạo ở biển Đông. Mỹ phản đối bằng cách mở rộng sự hiện diện của hải quân trong vùng và bằng kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa THAAD tại Hàn Quốc. Sau đó, Bắc Kinh tuyên bố rằng họ sẽ đưa tàu ngầm hạt nhân vào khu vực để “ngăn chặn” sự hiện diện của Mỹ. Thêm vào đó là phán quyết của Tòa trọng tài thường trực LHQ (PCA) cuối tháng 7-2016 bác bỏ yêu sách vô lý của Trung Quốc về đường 9 đoạn ở biển Đông cũng như lên án việc Bắc Kinh hủy hoại môi trường ở biển Đông khi xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo.

 

Thách thức phán quyết này, Bắc Kinh tiếp tục gây căng thẳng khi tái khẳng định quyết tâm tiếp tục xây dựng đảo nhân tạo, thiết lập “ranh giới đỏ” và gửi thông điệp đến các nước lân cận. Bắc Kinh cảnh báo Nhật Bản “không được đưa lực lượng phòng vệ để tham gia các hoạt động của Mỹ tuần tra bảo đảm tự do hàng hải ở biển Đông”.

 

Cuối tháng 12-2016, Trung Quốc đã tiến hành cất cánh và hạ cánh thử nghiệm máy bay J-15 từ tàu sân bay Liêu Ninh ở biển Đông. Động thái này diễn ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống mới đắc cử Donald Trump và người đứng đầu chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn.

 

Forbes cho rằng vào tháng 1, sau đợt phô diễn lực lượng hải quân Trung Quốc ở eo biển Đài Loan, lãnh thổ Đài Loan đã gửi một thông điệp thẳng thừng với Trung Quốc bằng cách chuẩn bị các lực lượng quân sự “chống lại các mối đe dọa của Bắc Kinh”.  Hẳn là biển Đông nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương có vị trí quan trọng trong chính sách của chính phủ của Tổng thống Donald Trump nên chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis là chuyến thăm Đông Bắc Á với cam kết “tự do hàng hải” biển Đông.

 

Máy bay J-15 của Trung Quốc tập cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh ở biển Đông

Tuy nhiên, không giống như Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong cuộc điều trần trước Quốc hội khi nhậm chức, ông Mattis bác bỏ việc Mỹ sử dụng biện pháp quân sự ở biển Đông. Ông Rex Tillerson từng tuyên bố trong buổi điều trần rằng các đảo của Trung Quốc xây dựng ở biển Đông là “bất hợp pháp”, đồng thời cho rằng “Mỹ sẽ phải gửi Trung Quốc tín hiệu rõ ràng rằng trước hết Bắc Kinh phải ngừng xây dựng các đảo và Mỹ sẽ ngăn không cho phép Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà họ xây dựng”.

 

Tờ Global Times của Trung Quốc sau đó có bài xã luận ngôn từ mạnh mẽ nói rằng “Trừ khi Washington có kế hoạch tiến hành một cuộc chiến tranh quy mô lớn ở biển Đông, bất kỳ phương pháp nào để ngăn chặn quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với các đảo sẽ là hành động ngu ngốc”.

 

Theo Japan Times, một tài liệu được tiết lộ sau phiên điều trần của ông Rex Tillerson dường như cho thấy ông có quan điểm ít căng thẳng hơn với Trung Quốc về biển Đông. Theo tài liệu này, trả lời bằng văn bản cho những câu hỏi của Thượng nghị sĩ Ben Cardin bang Maryland trong buổi điều trần xác nhận ông Tillerson là ngoại trưởng trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông Tillerson viết: “Trung Quốc không được phép sử dụng các đảo nhân tạo của họ để gây sức ép với các nước láng giềng hoặc hạn chế tự do hàng hải ở biển Đông. Mỹ sẽ duy trì tự do hàng hải bằng cách tiếp tục tuần tra bằng tàu và máy bay ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.

 

Cẩn trọng cân nhắc hành động quân sự

Cố vấn cao cấp về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, bà Bonnie Glaser, cho biết tuyên bố ban đầu của ông Tillerson trong cuộc điều trần trước Thượng viện chỉ nhằm thu hút phiếu ủng hộ để ông trở thành ngoại trưởng. Mặc dù câu trả lời bằng văn bản của ông có thể không hoàn toàn vô hiệu hóa những nhận xét trước đó nhưng theo bà Glaser, đây là cách “khéo léo sửa đổi, loại bỏ hàm ý rằng Mỹ sẽ thách thức quyền tiếp cận của Trung Quốc tại những hòn đảo nhân tạo” do Bắc Kinh xây dựng trái phép.

 

Theo James Kraska, giáo sư chuyên về pháp luật biển và chính sách của Mỹ nói rằng, tuyên bố cứng rắn đầu tiên của ông Tillerson “đơn giản là sự cần thiết để nói lên quan điểm của Mỹ muốn kiểm soát biển, một yếu tố quan trọng trong bất kỳ cuộc xung đột nào”  và đây là điều “hữu ích với một nhà lãnh đạo Mỹ  khi nói về những lợi ích chung của Mỹ và các nước trong khu vực trong việc duy trì sự cân bằng quyền lực”. Giáo sư Kraska cũng có lời khen ngợi dành cho cách tiếp cận của ông Tillerson, gọi đây là điều “vô cùng cần thiết”.

 

Riêng về quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, tờ nhật báo Hàn Quốc Kookmin Ilbo cho rằng ông Mattis là người “bình tĩnh và thận trọng với các đồng minh”. Theo tờ New York Times, nhiệm vụ của ông Mattis - một thành viên hàng đầu của đội ngũ an ninh quốc gia của chính quyền Trump, trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên là để củng cố mối quan hệ với 2 đồng minh thiết yếu - Hàn Quốc và Nhật Bản. Điều này đòi hỏi một sự cân bằng khó khăn: Mỹ sẽ phải có chính sách thích hợp trước những hành động khiêu khích của Triều Tiên và tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Đông. Và chuyến đi của ông cũng làm các đồng minh này yên tâm phần nào sau khi lo lắng vì chiến dịch của ông Trump trong khi tranh cử tổng thống cho rằng ông sẽ rút lại cam kết an ninh của Mỹ ở khu vực châu Á. Theo New York Times, ông Mattis không muốn lặp lại ngôn ngữ của chính quyền Obama về “tái cân bằng” ở châu Á, bởi vì theo ông điều đó ngụ ý rằng Mỹ đặt trọng tâm quân sự ở những nơi khác. Với Triều Tiên, ông Mattis rõ ràng cho thấy sự cứng rắn của Mỹ nhưng cũng không muốn phá vỡ sự ổn định của nền kinh tế Hàn Quốc khi lấy xuất khẩu làm định hướng phát triển. Một cuộc xung đột vũ trang giữa 2 miền Triều Tiên sẽ khó dự báo được hậu quả, nhưng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (THAAD) của Mỹ ở Hàn Quốc vẫn tiếp tục theo kế hoạch từ thời của ông Obama để đánh chặn tên lửa tầm trung của Triều Tiên.

 

Theo nhận định của New York Times, từng là tướng xông trận, ông Mattis, được xem là khôn ngoan nhất trong số các quan chức chính quyền của Tổng thống Trump khi cân nhắc đến hành động quân sự vì ông đã nhìn thấy những gì chiến tranh gây ra.

 

Tờ Washington Post trích dẫn bài xã luận trên tờ China Daily (nhật báo tiếng Anh của Trung Quốc) cho rằng chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis là một “viên thuốc êm dịu”, giải tỏa những đám mây chiến tranh mà nhiều người lo sợ gây ra trên biển Đông. Trong khi cảnh báo rằng lập trường của Mỹ đối với Hàn Quốc và Nhật Bản có thể gây nguy hiểm cho an ninh khu vực, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết những nhận xét về biển Đông của ông Mattis là “lời khẳng định có giá trị".

 

 

                                                                         TheoNhandan

Các tin khác


Làn sóng phản đối sắc lệnh chống người nhập cư của Tổng thống Mỹ Đ.Trăm

Theo Roi-tơ, trên toàn thế giới và ngay cả ở nước Mỹ tiếp tục dấy lên làn sóng phản đối và chỉ trích mạnh mẽ sắc lệnh chống người nhập cư của tân Tổng thống Mỹ Đ.Trăm. Theo sắc lệnh này, thời gian xét thị thực đối với người tị nạn được nâng lên bốn tháng và tạm thời ngừng cấp thị thực nhập cảnh Mỹ đối với công dân bảy quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số, gồm Xy-ri, I-rắc, I-ran, Xô-ma-li-a, Li-bi, Xu-đăng và Y-ê-men trong 90 ngày, với lý do đối phó nguy cơ tiến công khủng bố.

Chủ tịch Cuba hy vọng tiếp tục bình thường hóa quan hệ với Mỹ

Chủ tịch Cuba Raul castro ngày 25-1 cho biết, Cuba hy vọng tiếp tục bình thường hóa quan hệ với Mỹ nhưng tuyên bố rõ rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump không nên kỳ vọng vào những nhượng bộ từ phía Cuba gây ảnh hưởng đến chủ quyền của quốc đảo này.

Mở ra một chương mới cho quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc

Cách đây 25 năm, Việt Nam và Hàn Quốc bắt đầu hành trình quan hệ hợp tác và đối tác, đạt những tiến bộ đáng kể, tạo được những xung lực lớn hơn. Nhớ lại năm 2012, kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chúng ta hết sức ngạc nhiên trước những thành quả mà hai bên đạt được. Sau 5 năm, kể từ đó tới nay, chúng ta đạt những bước tiến to lớn hơn. Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng gấp ba lần, đạt 50 tỷ USD; kim ngạch thương mại song phương tăng gấp hai lần, đạt 40 tỷ USD năm 2016; tổng số khách du lịch hai nước cũng tăng hai lần, đạt con số kỷ lục 1,75 triệu người. Quả thật, rất ít quốc gia có thể đạt mức độ hợp tác như Việt Nam và Hàn Quốc có được trong thời gian 25 năm.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên thệ nhậm chức

Tối 20-1 (giờ Việt Nam), Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 45 Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại tòa nhà Quốc hội.

Mỹ và Cuba ký hiệp định phân định biên giới tại Vịnh Mexico

Chính phủ Mỹ và Cuba vừa ký kết hiệp định song phương phân định biên giới trên biển tại phần phía đông Vịnh Mexico, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 18-1 thông báo.

Chiến lược Brexit: Vấp nhiều rào cản

Sau những phát biểu cứng rắn của Thủ tướng Anh Theresa May về việc nước này rời Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi Brexit, chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm cho thấy giới đầu tư bất an với chiến lược đàm phán Brexit.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục