Thủ lĩnh nhóm Abu Sayyaf Isnilon Hapilon với lá cờ IS. (Ảnh: CNN) Nguy cơ IS xâm nhập Đông Nam Á ngày càng rõ nét Ngày
23-5, khi quân đội Philippines tổ chức vây bắt Isnilon Hapilon, một thủ lĩnh
của nhóm vũ trang Abbu Sayyaf ở thị trấn Marawi trên đảo Mindanao, tên này đã
kêu gọi sự hỗ trợ khẩn cấp từ nhóm Hồi giáo cực đoan Maute. Hàng trăm tay
súng thuộc các nhóm phiến quân có liên hệ với IS đã đánh chiếm thành phố, đốt
phá các tòa nhà và cắm lá cờ đen trắng của IS ở khắp mọi nơi trong thành phố.
Trong hơn
một tháng qua, bất chấp việc quân đội Philippines đã huy động cả xe bọc thép
và máy bay ném bom, nhưng họ vẫn không thể quét sạch nhóm phiến quân này.
Cuộc xung đột thậm chí đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho quân đội
Philippines. Các tay súng IS đã giết hại ít nhất 66 binh sĩ Philippines và
làm bị thương hàng trăm người khác. Đây có thể coi là thiệt hại về người cao
nhất trong lịch sử quân đội Philippines gần đây.
CNN dẫn
lời một binh sĩ Philippines tham gia chiến đấu ở Marawi khẳng định lực lượng
phiến quân được tổ chức tốt và "khôn ngoan” hơn những lần tấn công trước.
Chúng đã học được các chiến thuật chiến đấu đô thị mà IS có được từ các chiến
trường Trung Đông. Binh sĩ này cho biết: "Chúng sử dụng các chiến thuật từ
Iraq và Syria, đó là mìn tự chế (IED) và súng chống lựu (RPG)”. Tháp chuông
của nhà thờ Marawi giờ đây cũng được quân IS tận dụng làm vị trí cho các tay
bắn tỉa.
Theo
nguồn tin quân đội Philippines, có khoảng 40 người nước ngoài, phần lớn là từ
các quốc gia láng giềng như Indonesia và Malaysia, nằm trong số 500 tay súng
IS tham gia chiến đấu ở Marawi. Các báo cáo cho thấy trong số những tay súng
bị tiêu diệt có ít nhất một người Ả-rập Xê-út, một người Chechen và một người
Yemen.
Từ đầu
năm 2016 đến nay, nhiều vụ tấn công khủng bố khác cũng đã liên tiếp xảy ra
tại các quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Indonesia và Malaysia. Hầu hết
các vụ tấn công này đều có sự dính líu của mạng lưới khủng bố Nhà nước Hồi
giáo tự xưng (IS).
Có thể kể
tới hai vụ khủng bố tháng 1-2016 và tháng 5-2017 ở thủ đô Jakarta của
Indonesia làm hàng chục người thương vong, đều được IS đứng ra nhận trách
nhiệm. Vụ tấn công bằng lựu đạn vào hộp đêm ở Kuala Lumpur của Malaysia vào
tháng 6-2016, được cảnh sát nhận định là tiến hành theo mệnh lệnh của
Muahammad Wanndy Mohamed Jedi, một tay súng IS người Malaysia từng chiến đấu
ở Syria. Hay vụ đánh bom ở khu chợ đêm thành phố Davao của Philippines hồi
tháng 9-2016 làm ít nhất 15 người thiệt mạng và hơn 70 người bị thương. Cảnh
sát quy trách nhiệm vụ tấn công này cho các nhóm Ansar Khalifa và Maute, các
nhóm vũ trang có liên hệ với IS.
Rõ ràng
nguy cơ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) xâm nhập khu vực Đông Nam Á đã được
cảnh báo sau những vụ tấn công lẻ tẻ. Và kể từ sau vụ tấn công vào Marawi,
nguy cơ này đã trở thành hiện thực.
Mindanao,
nơi trú ẩn của các nhóm cực đoan
Bộ trưởng
Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu ước tính hiện đang có khoảng 1.200 tay
súng IS đang hoạt động ở Philippins, trong đó có cả 40 tên từ Indonesia. Ông
nói: "Mối đe dọa khủng bố trong khu vực đang gia tăng ở một mức độ khẩn cấp
chưa từng có. Khu vực hoạt động của các tay súng này đã lan rộng ra toàn cầu”.
Ông Jose
Calica, một luật sư của chính phủ Philippines cho rằng: "Những gì xảy ra ở
Mindanao không chỉ còn là một cuộc xung đột của người Philippines nữa. Nó đã
trở thành một cuộc xâm lược của các nhóm khủng bố nước ngoài. Chúng muốn biến
Mindanao trở thành một phần của Đế chế Hồi giáo (Caliphate)”.
Từ lâu
nay, hòn đảo cực nam Philippines này đã bị chìm trong các cuộc xung đột giữa
các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan, dân tộc chủ nghĩa và các đợt trấn áp của
quân đội chính phủ. Là một khu vực mất ổn định, lại có vùng biển tiếp giáp
với Malaysia và Indonesia, Mindanao đang trở thành một khu trú ẩn lý tưởng
cho những kẻ buôn ma túy, cướp biển, bắt cóc tống tiền và các nhóm khủng bố
đến từ khắp khu vực.
IS
đang gia tăng tầm ảnh hưởng trong khu vực
Các
chuyên gia cảnh báo, ảnh hưởng của IS đã lan rộng trong khắp Đông Nam Á trong
những năm gần đây, với hơn 60 nhóm vũ trang trong khu vực cam kết trung thành
với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi. Tầm ảnh hưởng của IS ở Đông Nam Á đã
vượt xa mức mà các tổ chức khủng bố khác như Al Qaeda hay Jemaah Islamiyah
đạt được.
Tại Hội
nghị Đối thoại Shangri-La được tổ chức ở Singapore năm nay, Bộ trưởng Quốc
phòng Singapore Ng Eng Hen đánh giá khủng bố đã trở thành "mối lo ngại về an
ninh lớn nhất” trong khu vực. Ông khẳng định Philippines đã trở thành một cục
nam châm thu hút các nhóm cực đoan. Có nhiều dấu hiệu chứng tỏ mối lo ngại
này không phải là không có căn cứ.
Năm 2016,
một đoạn video chiếu cảnh những người đàn ông vũ trang cầm súng trường và các
loại vũ khí khác trên nền nhạc Ả-rập đã được phát tán rộng rãi trên mạng.
Những người này thề trung thành với Thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi. Trong
video, một tay súng người Malaysia kêu gọi những kẻ ủng hộ IS, nếu không thể
đến chiến đấu ở Trung Đông có thể "tới Philippins”. Tiếp theo, tên này đã
cùng với hai tay súng khác, bao gồm một người Philippines và một người
Indonesia, chặt đầu ba tù binh người Thiên Chúa giáo.
Đoạn
video đã cho thấy tầm quan trọng ngày một gia tăng của khu vực Đông Nam Á đối
với nhóm lãnh đạo IS. Những số tạp chí Rumiyah (tạp chí tuyên truyền bằng
nhiều thứ tiếng của IS) gần đây cũng đã nêu bật các hành động của các chiến
binh IS chống lại "quân đội Viễn chinh Philippines” trong khu vực Đông Nam Á.
Có một
thực tế là sau một thời gian dài hoạt động riêng rẽ, không có sự hợp tác, các
nhóm khủng bố ở Đông Nam Á đang xuất hiện dấu hiệu kết hợp với nhau. Năm
2016, sau khi được thủ lĩnh IS Baghdadi phong làm Tiểu vương (emir) của IS ở
khu vực Đông Nam Á, Isnilon Hapilon đã tìm cách tập hợp các nhóm khủng bố
khác trong khu vực. Chỉ trong vòng vài tháng, tên này đã kêu gọi được 14 nhóm
vũ trang tập hợp dưới lá cờ của IS. Chiến dịch chiếm đóng Marawi chính là lần
đầu tiên các nhóm này cùng chiến đấu dưới danh nghĩa IS.
Thêm vào
đó, nhiều quan chức trong khu vực cũng lên tiếng báo động về việc nguy cơ từ
những tay súng IS trở về từ Trung Đông. Theo một bản báo cáo của Hội đồng
Carnegie, đã có tới "hơn 1.000 tay súng Đông Nam Á có thể đã tới các vùng
lãnh thổ do IS kiểm soát ở Trung Đông”.
Các
nước ASEAN tăng cường hợp tác chống IS
Trước
nguy cơ này, tại Hội nghị Shangri-La, bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN đã
cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong nỗ lực chống khủng bố. Ba nước
Indonesia, Philippines và Malaysia đã thống nhất sẽ tiến hành tuần tra chung
trên biển nhằm kiểm soát an ninh tại vùng biển nơi phiến quân và cướp biển
đang hoành hành. Các nước Đông Nam Á cũng có kế hoạch sử dụng máy bay không
người lái và máy bay trinh sát để ngăn chặn các tay súng Hồi giáo cực đoan di
chuyển qua biên giới giữa các nước.
Bộ trưởng
Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nói: "Chúng ta có bằng chứng về việc các
mạng lưới khủng bố trong khu vực đang đẩy mạnh các hoạt động xuyên quốc gia.
Địa hình phức tạp và rừng rậm ở các khu vực biên giới là điều kiện lý tưởng
cho bọn chúng ẩn náu và tổ chức các trại huấn luyện khủng bố. Nếu vẫn để bọn
chúng tiếp tục có chỗ ẩn nấp trong khu vực, sẽ còn xảy ra nhiều vụ tấn công
vào các thành phố ở ASEAN. Chúng ta phải ngăn chặn điều này".
Tuy
nhiên, các nhà phân tích cho rằng trong khi IS đã tìm cách kết hợp được các
nhóm cực đoan ở Đông Nam Á, thì phần lớn hoạt động của lực lượng an ninh và
chống khủng bố của các nước vẫn bị giới hạn trong phạm vi quốc gia.
Các nhà
phân tích cho rằng, cuộc xung đột ở Marawi là một bước ngoặt trong cuộc chiến
chống khủng bố ở Đông Nam Á. Nó đã giúp tất cả các quốc gia trong khu vực
hiểu rõ mối đe dọa từ IS. Sự phối hợp khu vực nhằm chống lại các chiến binh
như Hapilon đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, khi nguy cơ IS tăng
cường sự hiện diện tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Philippines nói riêng
đang dần hiện rõ. Nếu chính phủ các nước Đông Nam Á không sớm có hành động,
khu vực này rất có thể sẽ bị biến thành một cứ điểm của IS, một điểm nóng gây
bất ổn trong khu vực và trên thế giới.
|
TheoNhandan
Cảnh sát London xác nhận ít nhất 6 người đã thiệt mạng và 74 người bị thương trong vụ hỏa hoạn tại tòa nhà 24 tầng Grenfell ở phía tây thành phố vào rạng sáng nay. Con số này được dự đoán tiếp tục tăng.
Tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) có sự hiện diện ở gần như toàn bộ các tỉnh của Indonesia, quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo chiếm đa số lớn nhất thế giới, Tư lệnh quân đội Indonesia Gatot Nurmantyo cuối ngày 12-6 cho biết.