Tình trạng dân số già hóa nhanh chóng đã đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế Nhật Bản.
Trong một cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê đã chỉ thị các thành viên Chính phủ đẩy nhanh các bước chuẩn bị nhằm triển khai kế hoạch bổ sung nguồn nhân lực, theo đó sẽ mở rộng cánh cửa cho lao động nước ngoài trong một số ngành nghề. Không chỉ có vậy, Chính phủ của Thủ tướng S.A-bê cũng thành lập một cơ quan chuyên xử lý các vấn đề liên quan lao động nước ngoài không yêu cầu tay nghề cao. Chính phủ Nhật Bản cũng dự định trình dự thảo sửa đổi luật nhập cư của nước này tại phiên họp bất thường của Quốc hội diễn ra vào mùa thu tới. Theo đó, lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản sẽ được cấp thị thực thời hạn 5 năm, song không được phép đưa người thân đi cùng. Các lao động nước ngoài muốn sang Nhật Bản làm việc cần đáp ứng các điều kiện nhất định, trong đó có việc vượt qua bài kiểm tra kỹ năng và tiếng Nhật.
Nhiều năm qua, các công ty Nhật Bản phải chật vật tìm cách giải quyết vấn đề thiếu hụt lực lượng lao động do tình trạng già hóa dân số của nước này. Và một trong những giải pháp mà hầu hết các công ty lựa chọn chính là tự động hóa lực lượng lao động. Các công ty đẩy mạnh chế tạo rô-bốt để thay thế các công nhân Nhật Bản sắp đến tuổi về hưu. Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê cũng từng nhấn mạnh ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo trong lao động và các dịch vụ phục vụ con người, nhằm bù đắp tình trạng thiếu hụt nhân công trầm trọng. Một số công ty đã sử dụng rô-bốt để hỗ trợ xây dựng các công trình cao tầng. Tại những công ty này, rô-bốt và các phương tiện tự điều khiển như xe nâng hàng chủ yếu hoạt động vào buổi tối và cuối tuần, nhằm tạo môi trường làm việc an toàn hơn cho công nhân bởi họ không phải làm việc cùng địa điểm với những cỗ máy này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng thừa nhận rằng, vấn đề sử dụng rô-bốt trong các ngành nghề, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ phục vụ con người, vẫn đối mặt hai thách thức lớn, đó là chi phí và mức độ an toàn.
Bức tranh dân số tương lai của Nhật Bản đang thiếu hụt những gam màu tươi sáng nhất, đó là những người trẻ tuổi. Theo Chính phủ Nhật Bản, hơn một phần tư số dân nước này (tương đương 26,7%) ở độ tuổi từ 65 trở lên. "Xứ sở mặt trời mọc" còn đối mặt tình trạng số dân giảm do tỷ lệ sinh đẻ thấp. Số liệu do Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 13-4 vừa qua cho thấy, số dân nước này đã giảm 227 nghìn người, xuống còn 126,7 triệu người vào tháng 10-2017, giảm 0,18% so cùng kỳ năm trước đó. Trong đó, có 40 trong tổng số 47 tỉnh của Nhật Bản có tỷ lệ dân số giảm. Một viện nghiên cứu của Chính phủ Nhật Bản đã dự báo rằng, dân số của nước này sẽ giảm xuống mức dưới 100 triệu người vào năm 2053 và giảm xuống còn 88,08 triệu người vào năm 2056. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, với tình hình dân số giảm và già hóa nhanh chóng như hiện tại, các trường học nhiều khả năng phải gộp lại do không đủ lượng học sinh cần thiết; các tuyến đường sắt, xe buýt phải đóng cửa; nhiều gói chính sách miễn phí cũng phải giảm bớt…