Binh sĩ Ấn Độ điều tra bên chiếc máy bay của Không quân nước này bị rơi tại quận Budgam, cách thủ phủ Srinagar, bang Kashmir khoảng 30 km ngày 27-2-2019. (Nguồn: TTXVN)
Phóng viên TTXVN tại Ấn Độ cho biết, tại cuộc làm việc, Bộ Ngoại giao Ấn Độ bày tỏ hy vọng Pakistan sẽ lập tức triển khai các hành động có thể kiểm chứng nhằm vào các phần tử khủng bố đang ẩn náu trên phần lãnh thổ do Islamabad kiểm soát. Ấn Độ cũng bảo lưu quyền hành động cứng rắn và quyết đoán trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trước bất cứ hành vi gây hấn hay khủng bố nào từ bên ngoài.
Cùng ngày, truyền thông Ấn Độ đưa tin nước này đang cho xây dựng hơn 14.000 boong-ke dọc theo đường biên giới với Pakistan ở bang Jammu và Kashmir để làm nơi trú ẩn cho người dân mỗi khi có giao tranh hay xung đột. Những boong-ke này vốn được lên kế hoạch xây dựng từ trước khi bùng phát căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan trong tuần này.
Quan hệ giữa hai nước xấu đi nhanh chóng kể từ sau vụ đánh bom đẫm máu ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát hôm 14-2 làm 40 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Sau đó, căng thẳng tiếp tục tăng cao sau khi hai bên có một loạt hành động quân sự trả đũa lẫn nhau như Ấn Độ không kích trại huấn luyện của nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammad (JeM) ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, chặn các máy bay chiến đấu của Pakistan vi phạm không phận và buộc các máy bay này phải quay đầu. Đáp lại Không quân Pakistan tấn công các cơ sở quân sự của Ấn Độ, bắn rơi hai máy bay và bắt giữ một phi công Ấn Độ.
Trước tình hình căng thẳng không ngừng leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi chính phủ hai nước thực hiện các biện pháp kiềm chế nhằm đảm bảo tình hình căng thẳng không trở nên tồi tệ hơn.
Phóng viên TTXVN tại LHQ dẫn lời người phát ngôn của TTK LHQ, ông Stephane Dujarric, cho biết người đứng đầu LHQ đang theo dõi sát diễn biến tình hình tại khu vực Kashmir và kêu gọi hai bên "kiềm chế tối đa”.
Nhiều nước như Mỹ, Anh, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã kêu gọi hai bên giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp ngoại giao vì hành động quân sự không chỉ gây tổn hại cho hai nước mà còn cho các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế. Liên hiệp châu Âu (EU) cũng kêu gọi New Delhi và Islamabad hết sức kiềm chế nhằm tránh tiếp tục thổi bùng căng thẳng. Trong khi đó, Nepal - quốc gia láng giềng của Ấn Độ - hối thúc hai quốc gia hạt nhân Nam Á hạ nhiệt căng thẳng và bình ổn tình hình thông qua các biện pháp đối thoại hòa bình.
TheoNhandan