Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết, trong vòng 24h qua, "đảo quốc sương mù” đã ghi nhận thêm 18 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mang lên 53. Số trường hợp mắc bệnh COVID-19 tại Anh cũng tăng lên 1.543 người.
Trước tình hình dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi người dân không tới những nơi đông người như câu lạc bộ, quán bar, nhà hàng, nhà hát, cũng như hạn chế đi ra ngoài nếu không cần thiết. Ông Johnson cho biết thêm nhà chức trách đã đề nghị người dân Anh làm việc tại nhà và tránh mọi giao tiếp xã hội nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2.
Chính phủ Anh ngày 15/3 đã biện hộ cho kế hoạch kiểm soát dịch COVID-19 bị dư luận chỉ trích của nước này là nhằm "bảo vệ cuộc sống" theo cách "bền vững", trong bối cảnh London chuẩn bị công bố các biện pháp "kiểu thời chiến" để chống dịch.
Cho đến nay, chính phủ nước này vẫn chưa áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ như nhiều quốc gia châu Âu khác, bất chấp dịch COVID-19 đang lan rộng. Tuy nhiên, phát biểu trên kênh truyền hình BBC, Bộ trưởng Y tế Hancock khẳng định London sẽ công bố các biện pháp khẩn cấp trong ngày 17/3 (giờ địa phương), dự kiến gồm lệnh cấm tụ tập đông người.
Theo một số nguồn tin được truyền thông sở tại đăng tải, một số biện pháp khác được cân nhắc như yêu cầu những người trên 70 tuổi cách ly chặt chẽ ở nhà hoặc các trung tâm chăm sóc trong 4 tháng.
Bộ trưởng Hancock cũng cho hay kế hoạch chống dịch của Chính phủ Anh dựa trên khuyến nghị khoa học có thể tin tưởng. Ông cho hay dữ liệu cơ sở được dùng cho mô hình của Anh sẽ được công bố trong những ngày tới. Bộ trưởng Y tế Anh cũng bác bỏ ý tưởng tạo ra "miễn dịch cộng đồng" nằm trong chiến lược của chính phủ.
Trong khi đó, một quốc gia châu Âu khác thậm chí còn đang đối mặt với thảm kịch COVID-19 nghiêm trọng hơn, đó là Italy. Tính tới sáng 17/3 (theo giờ Việt Nam), Italy đã ghi nhận thêm 349 ca tử vong và 3.233 trường hợp mắc bệnh mới. Như vậy, tới thời điểm này, Italy đã có 2.158 người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 và tổng cộng 27.980 người mắc bệnh. Đây là tâm dịch lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc.
Theo nguồn tin chính phủ ngày 16/3, Chính phủ Italy đã thông qua sắc lệnh chi 25 tỷ euro (tương đương 27,8 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế chống chọi với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Sắc lệnh này giúp Italy có thể giảm nhẹ tác động từ dịch COVID-19, bao gồm việc hoãn thanh toán nợ đối với các công ty nhờ có nhà nước bảo lãnh với các ngân hàng, tăng ngân sách giúp các doanh nghiệp chi trả lương cho những nhân viên phải tạm nghỉ do lệnh phong tỏa. Dịch bệnh nghiêm trọng đã buộc chính phủ phải phong tỏa toàn quốc, đóng cửa trường học, cửa hàng, trong khi người dân được yêu cầu ở trong nhà.
Tới ngày 17/3, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 179.836 trường hợp mắc bệnh, trong đó có trên 7.091 ca tử vong. Tuy nhiên, tới nay thế giới cũng đã ghi nhận 78.292 người khỏi bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gọi châu Âu là tâm dịch COVID-19 của thế giới, trong đó tình hình ở Italy là nghiêm trọng nhất. Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia khi số ca nhiễm tăng nhanh.