Phát biểu sau cuộc họp trực tuyến qua video với lãnh đạo các nước EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel tuyên bố các nước thành viên sẽ đóng cửa biên giới đối với người ngoại khối trong thời hạn 30 ngày để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Ông nhấn mạnh: "EU và các nước thành viên sẽ làm bất kỳ điều gì để ứng phó với các thách thức hiện nay".
Phát biểu sau cuộc họp, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định các nước thành viên EU đã nhất trí áp đặt lệnh cấm nhập cảnh vào khối này, ngoại trừ công dân các nước thuộc Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) và Anh.
Nhà lãnh đạo Đức thông báo lệnh trên sẽ có hiệu lực trong 30 ngày và Berlin sẽ lập tức thực thi lệnh cấm nhập cảnh này. Ngoại trừ một số ngoại lệ, như trường hợp người lao động phải qua biên giới làm việc, các nhà ngoại giao hay nhân viên y tế.
Việc đi lại trong nội khối giữa các nước thành viên với nhau tạm thời chưa bị cấm. Công dân và thân nhân của họ ở các nước EU được phép đi qua Đức và điều này cũng áp dụng với các công dân từ Anh, Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. Những trường hợp muốn vào vì lý do khẩn cấp - ví dụ để dự tang lễ hoặc phiên tòa - sẽ phải được cấp phép.
Ngoài lệnh cấm trên, tại hội nghị trực tuyến, các nhà lãnh đạo EU cũng đã thảo luận về cuộc chiến chung chống lại những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế do đại dịch gây ra, trong đó các nước nhất trí duy trì lưu thông dòng hàng hóa. Các nhà lãnh đạo EU cũng nhận định đại dịch COVID-19 sẽ gây ra những "hậu quả rất thảm khốc” đối với nền kinh tế.
Tới ngày 9/3, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại tất cả 27 nước thành viên EU. Trong cuộc họp báo với Chủ tịch Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố triển khai việc đóng cửa biên giới sẽ tùy thuộc vào quyết định của từng quốc gia thành viên.
EU cũng thống nhất thiết lập các "hành lang xanh" ưu tiên cho giao thông thiết yếu để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt. Điều này cũng áp dụng cho việc vận chuyển trang thiết bị y tế. EU cũng tìm cách phối hợp mua thiết bị y tế chung cho các nước thành viên. Các quốc gia thành viên cũng sẽ phối hợp để hồi hương các công dân châu Âu bị mắc kẹt ở nước ngoài bởi vô số lệnh đóng cửa biên giới và cấm giao thông áp được đặt trước sự lan rộng của đại dịch. Bà Ursula von der Leyen cho biết thêm EU sẽ không ngần ngại thực hiện các biện pháp bổ sung khi có những diễn biến mới.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde và Chủ tịch của Nhóm các bộ trưởng tài chính các nước sử dụng đồng euro (Eurogroup), Mario Centeno, cũng đã tham dự cuộc họp bất thường này, trong đó có đề cập đến những vấn đề liên quan đến kinh tế nảy sinh trong quá trình đối mặt với đại dịch COVID-19.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gọi châu Âu là tâm dịch COVID-19 của thế giới, trong đó tình hình ở Italy là nghiêm trọng nhất. Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia khi số ca nhiễm tăng nhanh.