Tiêm chủng ngừa COVID-19 tại Siliguri, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với
617.483 ca tử vong trong tổng số 34.419.981 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với
389.661 ca tử vong trong số 30.002.691 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 502.817
ca tử vong trong số 17.969.806 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là
quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 578
người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 310 người và Bosnia-Herzegovina với 294
người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và
Caribe hiện có trên 1,2 triệu ca tử vong trong trên 36,1 triệu ca nhiễm. Tiếp
đến là châu Âu, có trên 53,9 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 1,1
triệu ca tử vong. Bắc Mỹ có trên 628.100 ca tử vong trong trên 34,9 triệu ca
nhiễm. Châu Á ghi nhận trên 559.200 ca tử vong trong trên 39,2 triệu ca nhiễm.
Trung Đông có trên 148.100 ca tử vong, châu Phi ghi nhận trên 137.900 ca tử
vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là trên 1.100 người.
Campuchia ngày 22/6 ghi nhận số ca
tử vong do COVID-19 cao thứ hai từ trước đến nay với 18 người. Trong khi đó,
nước này cũng có thêm 678 ca mắc mới, trong đó có 620 ca lây nhiễm cộng đồng.
Như vậy, hiện tổng số ca bệnh tại Campuchia là 44.124 ca, trong đó có 459 ca tử
vong. Tại Siem Reap, bắt đầu từ ngày 21/6, chính quyền tỉnh đã đưa vào sử dụng
ứng dụng tự đăng ký đối với khách vào tỉnh hoặc đi qua địa bàn tỉnh này nhằm
tạo thuận lợi cho việc truy vết COVID-19. Theo Tỉnh trưởng tỉnh Siem Reap Tea
Seiha, tất cả khách đến tỉnh này phải hoàn thành đăng ký truy vết qua ứng dụng
tại điểm kiểm soát ở ranh giới của tỉnh.
Lào ghi nhận 13 ca mắc mới trong 24
giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 2.067 ca, trong đó có 2 ca
lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn. Để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch
bệnh từ bên ngoài, đặc biệt là người nhập cảnh bất hợp pháp, Cơ quan kiểm soát
và phòng ngừa COVID-19 các tỉnh của Lào giáp biên với Thái Lan đang tiếp tục
đẩy mạnh hoạt động tuần tra đường thủy trên sông Mekong. Trước đó, những người
Lào làm việc ở Thái Lan đã tìm cách nhập cảnh bất hợp pháp qua sông Mekong vì
không có đủ giấy tờ hợp pháp, đồng thời để tránh phải cách ly y tế, tiềm ẩn
nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng.
Hãng hàng không quốc gia Lào Lao
Airlines thông báo sẽ nối lại các chặng bay nội địa kể từ ngày 25/6 sau hơn hai
tháng đình chỉ hoạt động do bùng phát dịch COVID-19. Quyết định này của hãng
hàng không quốc gia Lào xuất phát từ bộ quy tắc phòng dịch mới của chính phủ
vừa công bố, trong đó cho phép người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách
đường bộ, hàng không và đường thủy giữa thành phố Viêng Chăn và các tỉnh nếu đã
tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19
Nội các Thái Lan đã thông qua kế hoạch cho phép hoạt động
du lịch miễn cách ly tại địa điểm nghỉ dưỡng Phuket nổi tiếng của nước này, có hiệu
lực từ ngày 1/7. Kế hoạch này được gọi là "Hộp cát Phuket" sẽ cho
phép du khách quốc tế đến và tự do đi lại trên đảo Phuket mà không phải trải
qua cách ly, miễn là những du khách này được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ và đến
từ những nước mà Chính phủ Thái Lan coi là có nguy cơ lây nhiễm thấp hoặc trung
bình.
Theo kế hoạch, những du khách đủ
tiêu chuẩn có thể lưu trú ở Phuket trong khoảng thời gian mà thị thực cho phép
trước khi rời Thái Lan. Tuy nhiên, nếu họ muốn tới các nơi khác của Thái Lan
thì phải lưu trú trên đảo này 14 đêm. Cơ quan Du lịch Thái Lan (TAT) cho biết
các du khách này phải tiêm vaccine được Thái Lan hay Tổ chức Y tế Thế giới
(WHO) phê chuẩn ít nhất 14 ngày trước khi khởi hành tới Thái Lan. Các điều kiện
khác bao gồm chính sách bảo hiểm y tế đối với bệnh COVID-19 với chi trả bảo
hiểm ít nhất là 100.000 USD và chứng nhận có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính
với virus SARS-CoV-2 được cấp trong vòng 72 giờ trước khi tới Thái Lan. Kế
hoạch mở cửa trở lại đảo du lịch Phuket được coi là chương trình thử nghiệm của
Thái Lan trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đặt mục tiêu vào đầu tháng 10
tới mở cửa các điểm du lịch cho các du khách nước ngoài đã tiêm chủng nhằm hồi
sinh nền kinh tế vốn dựa vào du lịch này.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận
thêm 42.640 ca nhiễm mới và 1.167 ca tử vong. Đây cũng là ngày đầu tiên trong
91 ngày qua, số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày tại nước này dưới 50.000 ca.
Tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên tới 29,98 triệu ca, trong khi đó số
bệnh nhân không qua khỏi đã lên tới 389.302 ca.
Ngày 22/6, bang New South Wales
(NSW) của Australia ghi nhận 10 ca mắc mới COVID-19. Đây là ngày có số ca lây
nhiễm trong cộng đồng cao nhất trong gần một tuần qua tại NSW. Điều này làm gia
tăng khả năng chính quyền sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn tại
thủ phủ Sydney - cùng là thành phố lớn nhất của Australia. Trong hàng loạt nỗ
lực nhằm kiểm soát ổ dịch mới nhất liên quan biến thể Delta có khả năng lây lan
cao, chính quyền NSW đã bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi đi xe buýt,
tàu hỏa và phà tại Sydney trong vòng 5 ngày, đồng thời hối thúc 5 triệu cư dân
của thành phố có ý thức đeo khẩu trang ở các không gian kín.
Tajikistan cũng xác nhận đã xuất
hiện các ca mắc COVID-19 đầu tiên ở nước này sau hơn 5 tháng không ghi nhận ca
bệnh nào tại đây. Bộ Y tế nước này cho biết những ca bệnh này "được ghi
nhận tại các cơ sở chăm sóc y tế", nhưng không nêu con số chi tiết. Theo
bộ trên, việc người dân bất cẩn, không đeo khẩu trang và không tuân thủ các
hướng dẫn an toàn khác nhiều khả năng là nguyên nhân dẫn tới các ca mắc mới lần
này.
Cũng trong ngày 22/6, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho
biết nước này đang lên kế hoạch nới lỏng hạn chế đi lại đối với những công dân
đã tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, tạo điều kiện cho những người này
du lịch đến các bãi biển châu Âu vào mùa Hè này. Hiện nay, về cơ bản, công dân
Anh bị hạn chế đi du lịch đến hầu hết các quốc gia, trong đó có cả các nước
thuộc Liên minh châu Âu (EU) vì các quy tắc phòng ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt và
tốn kém. Anh hiện là nước có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ 7 thế giới với
gần 128.000 ca, nhưng cũng là một trong những quốc gia triển khai tiêm vaccine
nhanh nhất thế giới khi có đến 80% dân số là người trưởng thành đã được tiêm
chủng, trong đó gần 60% đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Từ ngày 28/6 tới, việc đeo khẩu
trang ở ngoài trời sẽ không còn là quy định bắt buộc tại Italy - một trong
những quốc gia ở châu Âu từng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVD-19.
Theo Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza, việc bỏ yêu cầu đeo khẩu trang sẽ có hiệu
lực ở các vùng có nguy cơ thấp (vùng trắng) về COVID-19. Những vùng này bao gồm
toàn bộ đất nước Italy ngoại trừ khu vực Val d'Aosta nhỏ bé ở miền Tây Bắc xa
xôi.
Từ ngày 26/6 tới, Tây Ban Nha cũng
sẽ dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời do tỷ lệ mắc COVID-19 đã giảm nhờ
chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh. Khoảng 29% dân số nước này đã được tiêm đủ
liều vaccine ngừa COVID-19 và 48% đã được tiêm ít nhất 1 mũi. Giới chức Tây Ban
Nha thông báo cho phép các câu lạc bộ đêm mở cửa trở lại ở một số khu vực,
trong đó có thủ đô Madrid và thành phố Barcelona, trong bối cảnh tỷ lệ mắc
COVID-19 đã giảm mạnh. Tuy nhiên, một số biện pháp hạn chế vẫn còn hiệu lực,
trong đó có việc giới hạn công suất hoạt động và rút ngắn giờ làm việc để hạn
chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo sẽ sớm dỡ bỏ lệnh phong tỏa
vào mỗi Chủ nhật và dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế chống dịch trong bối
cảnh tình hình dịch bệnh dần lắng dịu. Quốc gia 84 triệu dân này đã từng bước
mở cửa trở lại sau khi lần đầu tiên áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc vào
cuối tháng 4. Số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày đã giảm từ hơn 60.000 ca/ngày
trước khi phong tỏa xuống còn khoảng 5.000 ca/ngày trong tháng này.
Theo Baotintuc