Một điểm tiêm vaccine COVID-19 lưu động tại New York, Mỹ ngày 31/8/2021.
Ba quốc gia có số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (41.192 ca), Mỹ (trên 34.000 ca) và Ấn Độ (30.136 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (790 ca), Indonesia (612 ca) và Iran (583 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ làquốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19. Mỹđang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng quốc gia bị trì trệ và biến thể Delta lây lan mạnh. Số ca mắc mới, nhập viện và tử vong do COVID-19 tại nước này đang ngày một tăng. Hiện Mỹ vẫn đứng đầu thế giới với trên 40,8 triệu ca mắc, trong đó 666.539 ca tử vong.
Trong khi số ca mắc mới do biến thể Delta tăng trên toàn cầu, các chuyên gia thế giới lại tiếp tục cảnh báo về biến thể khác có tên Mu. Ngày 6/9, giới chuyên gia y tế Malaysia cảnh báo cần theo dõi chặt chẽ biến thể này vì nó có khả năng lây nhiễm cao hơn, độc lực mạnh hơn và có thể vô hiệu hóa vaccine ngừa -19. Biến thể Mu, còn được gọi là biến thể B.1.621, lần đầu tiên được phát hiện ở Colombia vào tháng 1.
Giáo sư dịch tễ học, Tiến sĩ Awang Bulgiba Awang Mahmud của Đại học Malaya cho biết, mặc dù biến thể Mu có thể không phải là Biến thể có hậu quả nghiêm trọng (VOHC), song biến thể này vẫn có thể tàn phá cơ thể bằng cách dễ lây nhiễm hơn hoặc độc hại hơn. Chỉ một trong hai điều này đã có thể khiến biến thể Mu được phân loại là Biến thể đáng lo ngại (VOC). Nếu biến thể dễ lây lan nhanh hơn sẽ làm số ca lây nhiễm tăng nhanh chóng đến mức làm tê liệt hệ thống y tế, dẫn đến các dịch vụ y tế giảm sút dưới mức tiêu chuẩn và do đó, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong tăng lên. Nếu biến thể độc hại hơn sẽ khiến mức độ mắc bệnh trầm trọng hơn, gây tử vong nhiều hơn hoặc bệnh kéo dài hơn.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể Mu đã xuất hiện ở 39 quốc gia và vùng lãnh thổ. Báo cáo cập nhật dịch tễ học hàng tuần COVID-19 được công bố vào ngày 31/8 cho biết biến thể Mu "có một loạt các đột biến cho thấy các đặc tính vô hiệu hóa tác dụng của vaccine".
Philippines ghi nhận số ca mắc mới tăng cao nhất từ trước đến nay
Bộ Y tế Philippines ngày 6/9 thông báo thêm 22.415 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất từ trước đến nay, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 2.103.331 ca. Đây là ngày thứ tư liên tiếp số ca mắc mớiở Philippines vượt ngưỡng 20.000 ca.
Cũng trong 24 giờ qua, số ca tử vong vì dịch COVID-19 ở Philippines cũng tăng 103 ca lên 34.337 ca.
Vùng đô thị Manila và các khu vực phụ cận chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chủ yếu do biến thể Delta. Phát biểu họp báo, Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết tình hình dịch COVID-19 và hệ thống y tế nước này "vẫn đang trong tình trạng rủi ro cao". Hiện 95% số tỉnh, thành ở Philippines đang được đặt trong tình trạng báo động cấp độ 3 và 4, trong khi hệ thống y tế tại hơn 50% khu vực có rủi ro cao. Riêng vùng đô thị Manila, có tới 16/17 thành phố phải áp dụng tình trạng báo động cấp độ 4. Bà Vergeire cảnh báo số ca mắc COVID-19 ở nước này có thể sẽ còn tăng trong vài tuần tới do biến thể siêu lây nhiễm Delta.
Cùng ngày, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, Harry Roque cho biết sẽ dỡ bỏ lệnh phong toả tại thủ đô Manila vào ngày 8/9 tới trong bối cảnh quốc gia này tiến hành thử nghiệm chỉ phong toả cục bộ nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan và phục hồi nền kinh tế.
Theo ông Roque, các biện pháp phong toả cục bộ sẽ được thực hiện thí điểm ở vùng đô thị Manila. Một hộ gia đình, một toà nhà hay một khu phố có thể là mục tiêu bị áp đặt phong toả. Các biện pháp hạn chế ở mức nhẹ hơn này sẽ giúp nhiều cơ sở kinh doanh vốn chịu thiệt hại nặng nề do tác động của đại dịch COVID-19 có thể hoạt động trở lại và thúc đẩy ngành du lịch địa phương. Theo các hướng dẫn ban hành trước đây, các nhà hàng sẽ được phép tiếp nhận thực khách đến ăn tối và các tiệm làm đẹp được phép mở cửa trở lại với công suất hoạt động giảm. Các tín đồ tôn giáo sẽ được phép tham dự các hoạt động của nhà thờ, song với số lượng hạn chế.
Thái Lan cảnh báo về đợt lây nhiễm mới nếu người dân hạ thấp cảnh giác
Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 6/9 đã cảnh báo về một đợt lây nhiễm mới vào tháng tới nếu người dân hạ thấp cảnh giác do các hạn chế được nới lỏng và sự tự mãn do số ca mắc mới ngày càng giảm.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi thảo luận với Bộ Y tế, người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết các ca mắc mới COVID-19 ở nước này có thể lên tới 30.000 ca/ngày trong tháng tới nếu người dân nới lỏng giản cách xã hội và các biện pháp khác.
Người dân Thái Lan đã có thể đến các trung tâm mua sắm và nhà hàng kể từ ngày 1/9 khi một số hạn chế được nới lỏng. Số lượng các ca mới tiếp tục giảm trong những ngày gần đây và Bộ Y tế cho rằng điều đó là nhờ việc phong tỏa từng phần nhằm khống chế làn sóng COVID-19 thứ ba bùng phát từ đầu tháng 4. Theo người phát ngôn, CCSA sẽ đánh giá tác động của việc nới lỏng các hạn chế vào ngày 10/9 hoặc vào đầu tuần tới.
Số ca mới hàng ngày tại Thái Lan ngày 6/9 đã lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 14.000 ca sau khi đạt đỉnh 23.418 ca hôm 13/8. Bộ Y tế Thái Lan sáng 6/9 thông báo có thêm 13.988 ca mắc và 187 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số từ đầu dịch tới nay lên 1.294.522 ca, trong đó có 13.042 người không qua khỏi. Thủ đô Bangkok vẫn là địa phương có số ca mắc mới và các ca tử vong cao nhất nước, với 3.660 ca mắc mới và 24 ca tử vong được ghi nhận trong ngày 6/9.
Hàn Quốc xem xét chuyển dần sang chiến lược chống dịch mới
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 6/9 công bố khả năng nước này có sự điều chỉnh lớn trong chiến lược chống dịch COVID-19 căn cứ trên tiến độ tiêm chủng hiện nay.
Phát biểu trong một cuộc gặp hàng tuần với các trợ lý cấp cao, ông Moon Jae-in nhấn mạnh với tỷ lệ tiêm vaccine tiếp tục tăng và nếu tình hình dịch bớt căng thẳng, Hàn Quốc sẽ có thể xem xét chuyển sang hệ thống kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh mới phù hợp với cuộc sống của người dân.
Tuyên bố của ông Moon Jae-in được đưa ra trong bối cảnh cơ quan chức năng Hàn Quốc đang thảo luận về khả năng nước này sẽ thông qua một chiến lược mới từ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt và sống chung với dịch.
Trong buổi họp báo thường kỳ 6/9, quan chức Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Son Young-rae cho biết chính phủ nước này đang thảo luận phương án khôi phục dần cuộc sống thường nhật cho người dân, song phải đảm bảo không đột ngột làm giảm ý thức cảnh giác phòng dịch. Phương án này được thực hiện khi số ca COVID-19 mới giữ ổn định trong tháng 9.
Ông Son Young-rae nhấn mạnh Chính phủ Hàn Quốc đang cố gắng không sử dụng cụm từ "sống chung với dịch COVID-19", bởi cụm từ này có thể gây hiểu nhầm rằng không cần coi trọng việc phát sinh ca nhiễm mới, xóa bỏ hệ thống giãn cách xã hội hay có thể dẫn tới tâm lý lơ là cảnh giác phòng dịch.
Hiện tại, tỷ lệ giường bệnh dành cho bệnh nhân nặng ở Hàn Quốc đang ở ngưỡng 60-70%. Nếu người dân lơ là phòng dịch khiến số ca nhiễm mới tăng vọt, hệ thống y tế sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Đặc biệt, số ca nhiễm ở Seoul và các địa phương lân cận đang có chiều hướng tăng, nên bộ trên khuyến cáo người dân cần đặc biệt ý thức mức độ nguy hiểm của dịch bệnh.
Cũng trong ngày 6/9, Chính phủ Hàn Quốc đã thông báo phương án giãn cách xã hội điều chỉnh, trong đó nới lỏng một số quy định về thời gian kinh doanh nhà hàng, quán cà phê.
Iraq hạn chế số người hành hương nước ngoài
Tại Iraq, nhằm khống chế dịch COVID-19, chính quyền đã quyết định hạn chế người hành hương nước ngoài đến nước này trong dịp lễ Arbaeen của người Hồi giáo dòng Shi’ite.
Theo đó, cuộc họp của Ủy ban cấp cao về sức khỏe và an toàn quốc gia, do Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi đứng đầu, đã quyết định cho phép 30.000 người hành hương từ nước láng giềng Iran và 10.000 người từ các nước khác đến Iraq trong kỳ lễ Arbaeen, bắt đầu vào ngày 27/9. Iraq cũng quy định những người hành hương nước ngoài phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi đến các sân bay của Iraq.
Trong 24 giờ qua, Iraq ghi nhận thêm 5.560 ca mắc mới COVID-19 và 62 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 1.922.942 và 21.162.
Australia cân nhắc cho phép người dân tự xét nghiệm tại nhà
Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt ngày 6/9 xác nhận chính phủ nước này đã phê duyệt 28 loại xét nghiệm kháng nguyên nhanh và Cơ quan Quản lý dược phẩm Australia (TGA) sẽ sớm đưa ra quyết định cuối cùng.
Bộ trưởng Hunt cho biết TGA đang tiến hành đánh giá xem liệu các bộ xét nghiệm nhanh nói trên có thể được thực hiện mà không cần tới sự giám sát của nhân viên y tế hay không và dự kiến sẽ đưa ra quyết định phê duyệt sớm nhất trong vài tuần tới. Các bộ xét nghiệm nhanh này có thể cho kết quả trong vòng 15 phút đang được sử dụng tại nơi làm việc, cơ sở chăm sóc người cao tuổi và một số cơ sở khác ở Australia.
Tuần trước, Giám đốc TGA John Skerritt cho biết các xét nghiệm kháng nguyên nhanh không chính xác bằng xét nghiệm PCR nhưng lại phát huy hiệu quả hơn ở những nơi có nhiều ca mắc COVID-19.
Về tình hình dịch bệnh tại Australia, trong ngày 6/9, tổng số ca mắc mới COVID-19 mới ở nước này là 1.533ca. Cho đến nay, hơn 62% người dân Australia từ 16 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19 và 38,2% đã được tiêm đủ liều.
New Zealand dỡ bỏ các hạn chế phòng chống COVID-19
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 6/9 thông báo sẽ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng, chống COVID-19 trên cả nước, ngoại trừ ở thành phố Auckland, trong bối cảnh nước này đang tiến tới thoát khỏi một đợt bùng phát biến thể Delta.
Theo bà Ardern, các hạn chế sẽ được nới lỏng ngoài phạm vi Auckland từ ngày 8/9 tới. Thủ tướng Arden nêu rõ mặc dù New Zealand đang tiến tới xóa bỏ dịch bệnh, song bà không muốn hành động quá nhanh khiến dịch bệnh bùng phát trở lại.
Như vậy, khoảng 1,7 triệu người dân ở Auckland – "tâm dịch” của New Zealand, sẽ vẫn phải thực hiện mức độ phong tỏa hoàn toàn cấp 4 cho đến ít nhất ngày 14/9. Các địa phương còn lại giảm trạng thái cảnh báo từ mức 3 xuống mức 2, theo đó các trường học, văn phòng, doanh nghiệp được mở cửa trở lại. Việc đi lại giữa các vùng cũng sẽ nối lại. Tuy nhiên, người dẫn vẫn phải đeo khẩu trang bắt buộc bên trong hầu hết các địa điểm công cộng, trong đó có cửa hàng và trung tâm thương mại. Các buổi tiệc trong nhà sẽ giới hạn tối đa 50 người tham dự, ở ngoài trời giới hạn 100 người.
Số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày tại New Zealand đã giảm từ mức đỉnh 85 ca hôm 29/8 xuống còn 20 ca trong ngày 6/9. Tổng cộng 821 người mắc bệnh trên cả nước trong làn sóng lây nhiễm hiện nay, trong tổng số 3.400 ca mắc COVID-19 kể từ khi bắt đầu bùng phát đại dịch.
Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt của New Zealand đã giúp khống chế số ca mắc COVID-19, song chính phủ nước này đang đối mặt với chỉ trích triển khai tiêm vaccine chậm trễ. Hiện mới chỉ có khoảng 30% trong số 5,1 triệu người dân của nước này đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, chậm nhất trong số các quốc gia thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Châu Âu đánh giá dữ liệu vềliều vaccine tăng cường
Ngày 6/9, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) thông báo đang đánh giá các dữ liệu liên quan liều tiêm tăng cường của vaccine COVID-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển. Mũi tiêm này hiện được dự kiến sẽ tiêm cho những người từ 16 tuổi trở lên vào thời điểm 6 tháng sau mũi tiêm thứ 2.
Theo EMA, kết quả đánh giá dự kiến sẽ được công bố trong vòng vài tuần tớihoặc có thể lâu hơn nếu cần các thông tin bổ sung. Cơ quan này cũng cho biết đang tiến hành đánh giá dữ liệu về việc tiêm thêm liều tăng cường vaccine ứng dụng công nghệ mRNA đối với những người có hệ miễn dịch kém.
EMA nêu rõ trong quá trình cơ quan này đánh giá các dữ liệu liên quan, các quốc gia thành viên có thể xem xét các kế hoạch chuẩn bị triển khai các liều tiêm tăng cường.
Chile cấp phép sử dụng vaccine của Sinovac cho trẻ em trên 6 tuổi
Ngày 6/9, Viện Y tế Chile (ISP) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp loại vaccine ngừa COVID-19 của công ty Trung Quốc Sinovac cho trẻ em từ 6-12 tuổi trong bối cảnh 86% dân số quốc gia Nam Mỹ này đã hoàn tất số mũi tiêm miễn dịch theo quy định.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Chile, Enrique Paris nhấn mạnh đây là một thông tin tuyệt vời đối với trẻ em đang độ tuổi đến trường, đối tượng chưa được xem xét trong các chương trình tiêm chủng trước đó. Theo dự kiến, cơ quan y tế sẽ triển khai chương trình tiêm chủng cho trẻ em ngay tại các trường học.
Chile là một trong những quốc gia đi đầu ở Mỹ Latinh trong việc triển khai việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đại trà cho người dân. Dù mới bắt đầu khởi động kế hoạch tiêm vaccine từ đầu tháng 2 năm nay, song đến nay đã có hơn 13 triệu người dân Chile từ 12 tuổi trở lên hoàn tất 2 mũi tiêm theo quy định, tương đương với 86% dân số. Ngoài ra, có khoảng 1,8 triệu người Chile tiêm đủ 2 mũi vaccine của Sinovac đã được tiêm bổ sung thêm một mũi thứ 3 bằng vaccine của hãng AstraZeneca.
Kể từ khi đại dịch bùng phát ở Mỹ Latinh hồi đầu năm 2020, đến nay Chile đã ghi nhận khoảng 1,6 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 37.108 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 mới liên tục giảm mạnh trong 2 tháng trở lại đây. Theo thống kê, ngày 6/9, quốc gia Nam Mỹ này chỉ ghi nhận 435 ca bệnh mới và 18 trường hợp tử vong.