Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,7 triệu ca mắc COVID-19 và trên 3.100 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là trên 307,6 triệu ca, trong đó trên 5,5 triệu ca tử vong.
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại một điểm xét nghiệm lưu động trên Quảng trường Thời Đại ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Pháp (296.097 ca), Mỹ (trên 235.000 ca) và Ấn Độ (180.438 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (763 ca), Mỹ (250 ca) và Mexico (202 ca).
Mỹ và châu Âu là hai khu vực đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 mới tăng vọt do biến thể Omicron lây lan nhanh. Trong số trên 1,7 triệu ca mắc trong 24 giờ qua thì có tới trên 1 triệu ca tại hai khu vực này. Tuy nhiên, diễn biến trong 2 ngày qua cho thấy dịch bệnh cũng đang có chiều hướng gia tăng tại châu Á, đặc biệt là Ấn Độ.
CH Cyprus phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Nicosia, CH Cyprus ngày 2/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Y tế CH Cyprus Michalis Hadjipantelas thông báo một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được đặt tên là Deltacron đã được phát hiện ở nước này, nhưng hiện biến thể này không đáng quan ngại.
Một nhóm nghiên cứu do Leondios Kostrikis, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học và virus học phân tử tại Đại học Cyprus dẫn đầu, đã phát hiện ra biến thể trên.
Phát biểu với truyền thông địa phương, ông Kostrikis cho biết biến thể mới của SARS-CoV-2 có chung nền tảng di truyền của biến thể Delta cùng với một số đột biến của Omicron, do đó nó được đặt tên là Deltacron.
Ông cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã phát hiện biến thể này ở 25 mẫu bệnh phẩm được lấy ở CH Cyprus, sau khi giải trình tự gene của 1.377 mẫu bệnh phẩm trong khuôn khổ chương trình truy tìm các đột biến có thể có của virus SARS-CoV-2 ở Cyprus. Ông nói: "Tần suất phát hiện biến thể cao hơn ở những người nằm viện, điều đó có nghĩa là có mối tương quan giữa Deltacron và tỷ lệ nhập viện". Theo Bộ trưởng Y tế Hadipantelas, hiện biến thể mới này không đáng quan ngại.
CH Cyprus đang trải qua làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ năm, với số ca mắc mới tăng vọt. Báo cáo giám sát quốc gia Cyprus về dịch COVID-19 được công bố hôm 7/1 cho thấy độ tuổi trung bình của những người bị mắc COVID-19 là 28 tuổi, phản ánh tốc độ lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 trong giới trẻ.
Số ca tử vong vì COVID-19 tại Anh vượt ngưỡng 150.000 ca
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Vương quốc Anh đã trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới có trên 150.000 người tử vong vì dịch COVID-19, sau Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga, Mexico và Peru.
Trong 7 ngày qua, số ca tử vong trong vòng 28 ngày kể từ khi được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2 tăng 38,3% so với tuần trước lên 1.271 người. Các bệnh viện tại Anh đang đối mặt với sức ép do số người nhập viện vì COVID-19 tăng cao và tình trạng thiếu nhân viên y tế. Tại vùng Scotland, số người nhập viện do COVID-19 đã tăng hơn 50% trong tuần trước.
Thủ tướng Boris Johnson cho biết dịch COVID-19 đang gây ra "thiệt hại khủng khiếp cho đất nước" và cách để thoát khỏi đại dịch là tất cả mọi người đều hoàn thành liều vaccine cơ bản hoặc tiêm mũi tăng cường. Thủ tướng Johnson hy vọng nước Anh có thể vượt qua làn sóng dịch hiện tại mà không phải áp dụng thêm các biện pháp hạn chế.
Tháng 1/2021, Anh là quốc gia châu Âu đầu tiên và là quốc gia thứ 5 trên thế giới vượt ngưỡng 100.000 ca tử vong do COVID-19. Sáu tuần sau, Anh chứng kiến thêm 25.000 ca tử vong. Sau đó, số ca tử vong bắt đầu giảm nhờ chương trình tiêm phòng COVID-19 và Chính phủ áp lệnh phong tỏa.
Theo Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI), hầu hết mọi người chưa cần đến mũi vaccine thứ tư bởi dữ liệu cho thấy 3 tháng sau khi tiêm mũi tăng cường, 90% số người từ 65 tuổi trở lên đã tránh được nguy cơ nhập viện.
Anh đang áp dụng Kế hoạch B ngừa COVID-19, bao gồm quy định đeo khẩu trang tại các không gian công cộng trong nhà, áp dụng hộ chiếu vaccine tại một số địa điểm tổ chức các sự kiện lớn, và làm việc tại nhà nếu có thể.
Đức khẳng định tiêm chủng bắt buộc là giải pháp để thoát COVID-19
Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho rằng thật "ngây thơ" khi nghĩ rằng biến thể Omicron sẽ là dấu chấm hết cho đại dịch. Ông cảnh báo các biến thể mới của virus gây đại dịch COVID-19 vẫn có thể xuất hiện.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Die Welt, người đứng đầu ngành y tế Đức khẳng định tiêm vaccine bắt buộc là cách duy nhất để thoát khỏi đại dịch, trong bối cảnh biến thể Omicron đang tiếp tục lan rộng ở Đức và trên toàn thế giới. Theo ông Lauterbach, việc đạt miễn dịch cộng đồng thông qua quá trình lây nhiễm không phải là giải pháp.
Cho đến nay, biến thể Omicron được cho là có vẻ nhẹ hơn so với các biến thể trước đây, nhưng Bộ trưởng Y tế Đức cảnh báo rằng nhiều người có thể sẽ gặp biến chứng nặng với những tổn thương kéo dài nếu Omicron không được kiểm soát. Theo ông Lauterbach, người nhiễm biến thể Omicron không có nghĩa là sẽ tạo ra miễn dịch cần thiết với các biến thể tiếp theo của virus. Ông cũng cảnh báo khả năng một biến thể mới, nguy hiểm hơn có thể xuất hiện và lây lan.
Theo ông Lauterbach, việc bảo đảm đủ vaccine tiêm phòng vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới. Đức đã mua thêm 25 triệu liều vaccine của hãng Moderna, đủ để tiêm 50 triệu mũi nhắc lại trong quý đầu năm 2022.
Số liệu thống kê của Viện Robert Koch (KRI) cho biết Đức đã ghi nhận 30.812 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua và 60 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp tử vong do COVID-19 tại Đức lên 114.712 người.
Tỷ lệ tiêm chủng của Đức hiện vẫn thấp hơn so với một số nước châu Âu khác, với 71,5% dân số được tiêm đầy đủ và 40,9% đã tiêm mũi tăng cường. Chính phủ đặt mục tiêu tiêm chủng 80% dân số và hy vọng sẽ tiêm 30 triệu mũi tăng cường vào cuối tháng 1 này.
Philippines tiếp tục ghi nhận số mắc COVID-19 cao chưa từng thấy
Ngày 9/1, Philippines tiếp tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 ở mức cao mới với 28.707 ca sau con số kỷ lục 26.458 ca mắc mới một ngày trước đó.
Theo Bộ Y tế Philippines (DOH), tỷ lệ số ca dương tính với COVID-19 trên tổng số người tiến hành xét nghiệm cũng đã tăng lên mức cao kỷ lục 44%. Kể từ đầu dịch đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã có tổng cộng 2.965.447 ca nhiễm, bao gồm 52.150 bệnh nhân không qua khỏi.
Vùng thủ đô Manila và các tỉnh phụ cận có số ca mắc mới và bệnh nhân COVID-19 tập trung đông nhất. Nhiều cơ quan nhà nước và văn phòng tư nhân phải ngừng hoạt động do có nhiều nhân viên xét nghiệm dương tính.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ Philippines đã chỉ đạo các bệnh viện tại vùng thủ đô Manila và khu vực lân cận tăng số giường bệnh và đảm bảo có sẵn các cơ sở điều trị tạm thời trong trường hợp bệnh nhân COVID-19 nhập viện điều trị tăng đột biến.
Từ đầu dịch đến nay, Philippines đã tiến hành xét nghiệm hơn 24 triệu người trong tổng dân số 110 triệu người của nước này.
Israel nới lỏng hàng loạt quy định giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp
Ngày 9/1, Israel công bố số ca mắc COVID-19 mới tại nước này trong 24 giờ qua tiếp tục tăng cao kỷ lục lên 18.780 ca. Dù vậy, việc nới lỏng một loạt quy định phòng chống dịch vẫn được thực hiện như dự kiến.
Bộ Y tế Israel cho biết số bệnh nhân chuyển biến nặng đã tăng 30 ca so với ngày trước đó, lên 172 ca. Trong đó, 63 bệnh nhân trong tình trạng rất nặng và 49 bệnh nhân phải thở máy. Có tới 50% số ca nặng là người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính cũng tăng lên 9,48%. Tuy nhiên, đây chỉ là con số được ghi nhận tại các điểm xét nghiệm chính thức. Trên thực tế, số xét nghiệm trong dân còn cao hơn nhiều, do từ ngày 7/1, Chính phủ Israel đã cho phép những ca F1 và F2 dưới 60 tuổi và không có bệnh nền được làm xét nghiệm nhanh, để dành xét nghiệm PCR cho các trường hợp cần thiết hơn.
Cũng trong sáng 9/1, Israel đã bãi bỏ lệnh cấm đi lại tới các nước có nguy cơ COVID-19 cao, được áp dụng từ cuối tháng 11/2021 sau khi phát hiện biến thể Omicron. Theo đó, người nước ngoài đã hoàn thành tiêm chủng cơ bản nếu 24 giờ sau khi nhập cảnh có kết quả xét nghiệm PCR âm tính sẽ không phải cách ly.
Đồng thời, kể từ ngày 9/1, Israel cũng bãi bỏ quy chế "đèn giao thông COVID-19” trong trường học, cho phép học sinh tiếp tục đến trường bất kể tỷ lệ lây nhiễm ở địa phương cao hay thấp. Trong trường hợp phát hiện một học sinh hoặc giáo viên bị nhiễm, học sinh chỉ cần làm xét nghiệm nhanh và sẽ không phải nghỉ học nếu kết quả âm tính.
Số ca nhiễm mới tại Ấn Độ tăng gấp 5 lần kể từ đầu Năm mới
Nước này ngày 9/1 thông báo ghi nhận 180.438 ca nhiễm, tăng gấp 5 lần kể từ đầu Năm mới. Omicron đang lây lan với tốc độ chưa từng thấy tại nước này, và hiện có 27 bang của Ấn Độ đã ghi nhận ca nhiễm biến thể này.
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, giới chức nhiều bang như Delhi, Uttar Pradesh, Punjab, Tamil Nadu, West Bengal và Karnataka đã siết chặt các biện pháp phòng dịch như giới nghiêm ban đêm hoặc hạn chế số lượng người tập trung tại các sự kiện, đóng cửa các trung tâm thương mại và các khu vực giải trí.
Cùng ngày, truyền thông địa phương cho biết đã có hơn 400 nhân viên làm việc trong tòa nhà Quốc hội của Ấn Độ dương tính với COVID-19. Đối tượng xét nghiệm ngẫu nhiên và được lấy mẫu từ ngày 4 đến 8/1. Phần lớn số ca nhiễm này đều không có triệu chứng. Hiện cơ quan chức năng Ấn Độ đang tiến hành xét nghiệm bổ sung để xác định các ca này có nhiễm biến thể Omicron hay không.
Kể từ đầu dịch đến nay, Ấn Độ có tổng cộng trên 35,7 triệu ca nhiễm, đứng thứ 2 thế giới.
Trung Quốc xét nghiệm 14 triệu dân ở thành phố Thiên Tân vì ca nhiễm Omicron cộng đồng đầu tiên
Ngày 9/1, Trung Quốc đã bắt đầu kế hoạch xét nghiệm 14 triệu dân thành phố Thiên Tân, gần thủ đô Bắc Kinh, sau khi phát hiện 20 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó có 2 ca cộng đồng đầu tiên nhiễm biến thể Omicron.
Dự kiến, thành phố Thiên Tân sẽ hoàn tất việc xét nghiệm cho người dân trong 2 ngày. Những người có kết quả âm tính sẽ được cấp mã y tế để được đi lại. Thành phố cũng khuyến cáo người dân không rời khỏi Thiên Tân nếu không có lý do chính đáng.
Ủy ban Giao thông vận tải thành phố Thiên Tân đã ban hành lệnh cấm các dịch vụ xe buýt liên tỉnh từ ngày 9/1.
Giới chức y tế lo ngại tình hình dịch bệnh ở Thiên Tân có thể gây rủi ro tới thủ đô Bắc Kinh do 2 thành phố nằm gần nhau và có lượng người di chuyển qua lại đông đúc. Ngoài ra, dịch bệnh lây lan cũng có thể đe dọa tới Thế vận hội mùa Đông 2022 dự kiến khai mạc ngày 4/2 tới ở thủ đô Bắc Kinh.
Trong ngày 8/1, Trung Quốc thông báo ghi nhận 165 ca nhiễm COVID, tăng so với 159 ca ghi nhận ngày hôm trước. Trong 165 ca có 92 ca là lây nhiễm cộng đồng. Hầu hết các ca cộng đồng mới ghi nhận ở Hà Nam và Thiểm Tây.
Trung Quốc là quốc gia hiếm hoi còn lại trên thế giới áp dụng chiến lược chống dịch "Zero Covid" thông qua các biện pháp truy vết, phong tỏa, xét nghiệm quyết liệt trên diện rộng. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng siêu lây nhiễm Omicron với số đột biến nhiều chưa từng có được xem sẽ là thách thức không nhỏ với nỗ lực ngăn dịch lan rộng của Bắc Kinh trong bối cảnh các lệnh phong tỏa diện rộng đang gây ra những tổn hại nhất định về mặt kinh tế.
Tính đến ngày 8/1, hơn 1,21 tỷ người dân Trung Quốc đã được tiêm đủ các liều cơ bản. Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 103.619 ca mắc COVID-19, trong đó số ca tử vong là 4.636 trường hợp.
Mông Cổ bước vào làn sóng dịch COVID-19 thứ tư
Ngày 9/1, Bộ trưởng Y tế Mông Cổ Sereejav Enkhbold đã xác nhận 5 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
Theo ông Enkhbold, trong những ngày gần đây, Mông Cổ ghi nhận trên 1.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày do người dân ăn mừng năm mới, đồng thời lưu ý rằng số ca mắc mới hàng ngày đang tăng lên.
Trước đó, Mông Cổ ngày 7/1 đã xác nhận 12 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron là những người nhập cảnh. Theo Bộ trưởng Enkhbold, việc phát hiện các ca nhiễm Omicron nhập cảnh và trong cộng đồng đã đánh dấu sự khởi đầu của đợt đại dịch COVID-19 thứ tư ở Mông Cổ, đồng thời kêu gọi người dân bình tĩnh và tuân thủ các hướng dẫn y tế. Ông Enkhbold dự báo làn sóng thứ tư tại nước này sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 tới.
Đến nay Mông Cổ đã ghi nhận 394.480 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.072 trường hợp tử vong. Hiện 66,5% trong tổng dân số Mông Cổ gồm 3,4 triệu người đã được tiêm 2 liều vaccine phòng COVID-19, trong khi hơn 936.000 người trên 18 tuổi đã được tiêm liều thứ 3. Ngoài ra, hơn 2.000 người đã được tiêm liều thứ tư sau khi nhà chức trách nước này bắt đầu kêu gọi dân chúng đi tiêm trên cơ sở tự nguyện hôm 7/1 vừa qua.
Australia cảnh báo số ca mắc COVID-19 tăng cao trong những tuần tới
Giới chức y tế Australia cảnh báo trong những ngày tới sẽ có thêm nhiều ca mắc COVID-19, yêu cầu các gia đình chuẩn bị sẵn thuốc paracetamol cho việc điều trị tại nhà.
Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt ngày 9/1 cho biết số ca mắc mới COVID-19 trên hầu hết các địa phương ở Australia trong tuần qua tăng cao, tuy nhiên tình hình dịch bệnh ít nghiêm trọng hơn nhiều so với các đợt bùng phát trước do chủng Omicron gây bệnh nhẹ hơn. Hiện cả nước có 76 bệnh nhân đang phải thở máy.
Phó Giám đốc y tế liên bang Michael Kidd nhận định, nhiều người dân Australia có khả năng sẽ có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 trong những ngày và tuần tới khi số ca bệnh tiếp tục tăng mạnh.
Giáo sư Kidd nhấn mạnh, điều quan trọng là phải bảo vệ những bệnh nhân có các triệu chứng vừa phải nói trên, người cao tuổi hoặc những người có bệnh mãn tính, do đó cần ngăn chặn lây nhiễm ở những nơi như nhà riêng.
Cảnh báo trên được đưa ra sau khi hai bang đông dân nhất ở Australia là New South Wales và Victoria lần lượt ghi nhận thêm 30.062 ca và 44.155 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, giảm so với một ngày trước đó.
Hiện gần 95% người dân Australia từ 16 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất một mũi vaccine và hơn 90% tiêm đủ hai mũi.
Theo Baotintuc.vn
Ngày 5/1, Pháp ghi nhận hơn 332 nghìn ca mắc mới, mức cao nhất kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, buộc chính phủ phải xem xét các biện pháp ứng phó quyết liệt hơn. Nhiều nước ở châu Âu cũng đối mặt nguy cơ lây lan rộng của làn sóng biến thể Omicron.
Châu Âu đang đối mặt một mùa đông lạnh giá vì có khả năng cạn kiệt hoàn toàn khí đốt. Sau nhiều tháng loay hoay tìm giải pháp, các quốc gia "lục địa già” vẫn chưa thể tìm thấy "ánh sáng cuối đường hầm” cho vấn đề hóc búa này, vốn đang đe dọa nghiêm trọng tiến trình phục hồi kinh tế thời kỳ hậu Covid-19.
Phóng viên TTXVN tại London dẫn số liệu chính thức của chính phủ công bố ngày 5/1 cho thấy, cứ 20 người Anh thì có hơn 1 người mắc COVID-19. Đây là tỷ lệ cao nhất được ghi nhận kể từ khi đại dịch bùng phát tại "xứ sở sương mù".
Ngày 5/1, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Nur-Sultan trong bối cảnh các cuộc biểu tình bạo lực leo thang tại một số thành phố lớn của nước này.
Ngày 6/1, Triều Tiên cho biết đã tiến hành phóng thử thứ mà họ gọi là một tên lửa "siêu thanh" một ngày trước đó. Bình Nhưỡng khẳng định họ đã tiến hành thành công vụ phóng thử tên lửa này.
Để chung sống với dịch Covid-19, các nhà khoa học cho rằng, ưu tiên hàng đầu hiện nay là thực hiện tiêm chủng trên toàn thế giới, các chính phủ cũng cần đầu tư nhiều hơn vào các loại thuốc kháng virus.