Trong khi hai tháng lạnh giá nhất của mùa đông còn đang ở phía trước, ngày càng có nhiều ý kiến lo ngại về việc châu Âu có thể cạn kiệt hoàn toàn lượng dự trữ khí đốt. Thời tiết giá rét khiến nhu cầu sưởi ấm gia tăng, cùng với nguồn cung hạn chế đã đẩy mức giá khí đốt tăng vọt. Hàng loạt cuộc thảo luận của lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) xoay quanh bài toán năng lượng đã được tiến hành trong những tháng gần đây, song chưa thể giúp kiềm chế đà tăng phi mã của giá khí đốt. Những ngày cuối năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử, giá khí đốt ở châu Âu cán mốc 2.190 USD/1.000 m3. Mùa đông năm nay được ví như một "mùa sưởi ấm đắt đỏ” khi giá khí đốt đã tăng gấp 5 lần kể từ tháng 1/2021, đẩy người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp vào cảnh kiệt quệ tài chính, đồng thời đe dọa tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Đây không phải lần đầu châu Âu đối mặt tình trạng thiếu nhiên liệu, nhưng "cơn khát” lần này bùng nổ vào đúng thời điểm các nước đẩy mạnh tốc độ phục hồi kinh tế sau một thời gian trì trệ do đại dịch. Các nguồn cung dầu mỏ, khí đốt, than đá đều không thể bắt kịp nhu cầu sản xuất, phục hồi kinh tế. Việc châu Âu thiếu các thỏa thuận khí đốt với Nga cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bài toán khan hiếm khí đốt trầm trọng hiện tại. Ông Massimo Di Odoardo (M.Ô-đô-át-đô), Phó Chủ tịch Công ty tư vấn toàn cầu Wood Mackenzie nhận định, châu Âu không thể đạt được mức dự trữ khí đốt cần thiết trong các kho chứa nếu không có nguồn cung bổ sung từ Moskva (Mát-xcơ-va) qua tuyến đường ống Dòng chảy phương bắc 2 hoặc các tuyến đường ống khác.
Năng lượng luôn là chủ đề nóng được bàn thảo tại các hội nghị cấp cao gần đây của EU. Các thành viên EU đều nỗ lực tìm cách giải bài toán giá năng lượng tăng vọt sao cho không tạo ra hệ lụy tiêu cực với thị trường. Tuy nhiên, hiện tại, các nước EU mới chỉ nhất trí về những biện pháp mang tính tạm thời, đó là tiếp tục triển khai "gói công cụ” khẩn cấp gồm một số giải pháp như hỗ trợ thu nhập trực tiếp cho các hộ gia đình, trợ cấp cho doanh nghiệp khó khăn, giảm thuế năng lượng... Còn khi bàn đến những giải pháp mang tính bền vững, dài hơi, các bên vấp phải một số bất đồng khó hóa giải. Theo đó, Tây Ban Nha, Pháp, Italia, Hy Lạp… ủng hộ thiết lập một hệ thống mua khí đốt chung giữa các nước EU kết hợp với xây dựng kho dự trữ chiến lược trên toàn khối; kêu gọi EU đưa ra quy định bảo vệ người tiêu dùng trước sự biến động về giá năng lượng. Tuy nhiên, đề xuất trên vấp phải sự phản đối quyết liệt của Đức, Áo, Hà Lan, Đan Mạch, Phần Lan, Estonia, Luxembourg... Với lý do là những đề xuất cải cách nêu trên sẽ cản trở việc mua bán điện giữa các quốc gia, đồng thời làm suy giảm động lực tăng thêm nguồn năng lượng tái tạo. Với thế mạnh về năng lượng tái tạo của mình, các nước Bắc Âu thường ít chịu tác động từ diễn biến của thị trường năng lượng hóa thạch.
Giới chuyên gia dự báo, cuộc khủng hoảng nhiên liệu tại châu Âu trước mắt chưa có dấu hiệu thuyên giảm và điều tồi tệ nhất có thể đến vào cuối tháng 1, đầu tháng 2/2022, khi nền nhiệt độ hạ xuống mức thấp nhất. Cuộc khủng hoảng này là thách thức, song cũng là cơ hội để cả thế giới nhận thấy sự cần thiết của việc xây dựng hệ thống năng lượng bền vững cho tương lai, trong đó có đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng xanh.
TheoNhanDan