Đại sứ Phần Lan tại NATO Klaus Korhonen (trái), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Đại sứ Thụy Điển tại NATO Axel Wernhoff ngày 18/5/2022.
Ngày 20/6, tại trụ sở NATO đã diễn ra cuộc họp giữa đại diện của Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó thảo luận về việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối tư cách thành viên NATO của hai quốc gia Bắc Âu. Nhằm tạo bước đột phá trước hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid (29–30/6 tới), ông Stoltenberg đã đảm nhận vai trò hòa giải và công khai nhấn mạnh những quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào giữa tháng 6, ông đã đến thăm Thụy Điển, Phần Lan và điện đàm với Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan. Các cuộc đàm phán không mang lại giải pháp cho các vấn đề tranh cãi, nhưng việc tiếp tục đối thoại đã mang lại những tín hiệu tích cực.
Hồi giữa tháng 5, một vài ngày trước khi Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO, Ankara đã đưa ra những yêu cầu sâu rộng đối với cả hai nước và chặn việc khởi độngcác cuộc đàm phán gia nhập. Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu dẫn độ tổng cộng 33 người, xóa bỏ mọi quan hệ giữa chính phủ Thụy Điển và Phần Lan với các tổ chức liên kết với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và phong trào Fethullah Gülen (được Ankara cáo buộc là các nhóm khủng bố), ngăn cản các tổ chức này hoạt động ở hai nước, đồng thời dỡ bỏ lệnh cấm vận cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo bình luận của các chuyên gia Justyna Gotkowska và Jacek Tarociński trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu phương Đông của Ba Lan (osw.waw.pl) ngày 24/6, Sự phản đối của Ankara chủ yếu liên quan đến Thụy Điển. Quốc gia này có cộng đồng người Kurd lớn nhất trong các nước Bắc Âu (khoảng hơn 100.000 người chủ yếu chuyển đến từ Thổ Nhĩ Kỳ). Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu dẫn độ một số nhà hoạt động người Kurd, cũng như những nhân vật có liên quan đến phong trào Gülen, bị cho là nguyên nhân gây ra cuộc đảo chính bất thành vào năm 2016.
Những chuyên gia trên cho rằng, vì lý do chính trị nội bộ, Thụy Điển sẽ gặp khó khăn trong vấn đề này. Tuy nhiên, Thụy Điển bắt đầu có sự thay đổi quan điểm như đưa các lợi ích an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ vào chính sách của mình, sửa đổi luật chống khủng bố và tuyên bố sẽ không chặn khả năng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ sau khi gia nhập NATO.
Các cáo buộc của Ankara nhằm vào Stockholm cũng liên quan đến sự ủng hộ mà đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền dành cho người Kurd ở Syria (tổ chức chính trị PYD và lực lượng dân quân YPG/YPJ). Các tổ chức này mặc dù được Mỹ hỗ trợ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS), nhưng lại liên kết với PKK và bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là các nhóm khủng bố (Ankara đã tiến hành các hoạt động quân sự nhằm vào họ ở miền Bắc Syria từ năm 2016).
Vào tháng 11/2021, Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển, vốn cần một phiếu bầu để thành lập chính phủ của Thủ tướng Magdalena Andersson, đã ký một thỏa thuận với một nghị sĩ người Kurd, trong đó cam kết sẽ hỗ trợ các nhóm nói trên ở Syria. Bất chấp sự phản đối của Ankara, hiệu lực của thỏa thuận đã được xác nhận vào tuần đầu tiên của tháng 6/2022 liên quan đến cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Bộ trưởng Tư pháp (Thủ tướng Andersson đe dọa có thể sẽ từ chức nếu Bộ trưởng này không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm). Sau đó, Chính phủ Thụy Điển đã thoát khỏi nguy cơ sụp đổ, nhưng đồng thời phá hủy mọi cơ hội thỏa hiệp nhanh chóng với Thổ Nhĩ Kỳ.
Với Phần Lan, các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng ở mức độ thấp hơn. Điều này là do cộng đồng người Kurd ở Phần Lan ít hơn nhiều (cuối năm 2021 có gần 16.000 người), chủ yếu đến từ Iraq và người gốc Kurd không hoạt động chính trị nhiều như ở Thụy Điển. Ankara chỉ yêu cầu dẫn độ tổng cộng 12 người ở Phần Lan, một nửa trong số này có quan hệ với PKK và phần còn lại với phong trào Gülen. Từ năm 2019 đến đầu tháng 6/2022, Phần Lan đã nhận được 10 yêu cầu dẫn độ từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng danh sách những người này không được tiết lộ.
Trong số nhiều yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, yêu cầu tác động đến các đài truyền hình công cộng sẽ khó được chính quyền địa phương ở Phần Lan chấp nhận. Tuy nhiên, đối với Phần Lan, tư cách thành viên NATO được coi là bước cơ bản trong việc đảm bảo an ninh của họ, nên việc đáp ứng các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là thách thức lớn như đối với Thụy Điển. Mặc dù vậy, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö gần đây đã bác bỏ tin đồn về một thỏa thuận đơn phương với Thổ Nhĩ Kỳ và việc mở các cuộc đàm phán gia nhậpNATO độc lập ở Stockholm. Hiện các quan chức chính phủ Phần Lan cũngđang chuẩn bị về khả năng đóng băng quá trình gia nhập, chỉ ra rằng họ đã bị Tổng thống Erdoğan lừa dối.
Do đó, bất chấp sự can thiệp của Tổng thư ký NATO, sẽ rất khó để tạo ra một thỏa hiệp giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Phần Lan và Thụy Điển vào cuối tháng 6 này, trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid. Mỹ rõ ràng không muốn tham gia vào cuộc tranh cãi cũng như đàm phán về vấn đề của 3 nước trong NATO. Do cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra vào tháng 9, chính phủ Thụy Điển do đảng Dân chủ Xã hội lãnh đạo sẽ không sẵn sàng nhượng bộ. Tranh chấp giữa Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề người Kurd sẽ chỉ có thể được xoa dịu sau khi một chính phủ mới được bầu ra.
Có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ đang coi việc mở rộng NATO là một cơ hội để củng cố vị thế của mình trong liên minh quân sự này, giải quyết các vấn đề trong quan hệ với một số thành viên (liên quan đến việc ủng hộ hoặc dung túng các tổ chức người Kurd hoặc phong trào Gülen ở các nước NATO khác, dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí), giải quyết tranh chấp với Hy Lạp (phi quân sự hóa các đảo ở Biển Aegean) hoặc có được sự đồng ý của phương Tây cho một cuộc tấn công quân sự mới ở miền Bắc Syria và tạo vùng đệm dọc theo biên giới với Hy Lạp.
Những căng thẳng trong quan hệ với Thụy Điển và Phần Lan cũng được cho là một yếu tố chính trị trong nước trước cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2023. Vì vậy, quá trình gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu có thể sẽ tiếp tục kéo dài.