Lực lượng ủng hộ Tổng thống Muammar Gadhafi hôm qua khẳng định quân chính phủ đã chiếm lại quyền kiểm soát những thành phố chủ chốt ở Libya, trong khi các nhân chứng cho biết giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn trên khắp quốc gia Bắc Phi này.
Các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Gadhafi đã mở cuộc oanh kích và giao tranh trên bộ với các lực lượng nổi dậy đang tiến từ miền đông của nước này. Hôm qua, các nguồn tin cho biết các lực lượng chính phủ đã đẩy lui phe nổi dậy ra khỏi thị trấn Bin Jawwad. Nhưng quân nổi dậy đã chỉnh đốn lại hàng ngũ ở đó sau khi giao tranh tại Bin Jawwad.
Phe nổi dậy cho hay họ sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi họ đến được thị trấn Sirte, quê hương của ông Gadhafi, cách phía tây Bin Jawwad chừng 150 km, và sau đó là thủ đô Tripoli.
Trong khi đó, các nhân chứng có mặt tại Tobruk và Ras Lanuf xác nhận rằng cả hai thành phố này vẫn còn trong tay quân nổi dậy. Người dân địa phương và quân nổi dậy nói lực lượng chống ông Gaddafi vẫn kiểm soát hai thành phố Misrata và Zawiya.
Tại Tripoli, giao tranh dữ dội đã diễn ra trước sáng hôm qua và đã kéo dài ít nhất 2 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, các quan chức tại Tripoli nói rằng các tiếng súng nổ vào lúc rạng đông là để ăn mừng lực lượng trung thành với Đại tá Gaddafi "đã chiếm lại" hai thành phố Misrata và Zawiya.
Cùng ngày hôm qua, tại Bahrain, hàng ngàn người chống đối chính phủ đã tụ tập ngoài văn phòng Thủ Tướng, nỗ lực mới nhất của họ trong chiến dịch kéo dài nhiều tuần lễ đòi cải cách chính trị. Phe đối lập đứng đầu là người Shiite tại đảo quốc nhỏ bé vùng Vịnh này đã tranh đấu để đòi toàn thể chính quyền, do hoàng gia al-Khalifa nắm quyền, phải từ chức.
Thủ Tướng Sheikh Khalifa bin Salam al-Khalifa đã cầm quyền trong 40 năm nay, trong khi ông bác của ông là Quốc vương Hamad bin Issa al-Khalifa. Những người chống đối cho biết họ muốn chế độ quân chủ trao quyền cho một chính phủ dân cử, có tính đại diện cho đa số người Shiite trong nước.
Tại thủ đô Cairo và nhiều địa phương ở Ai Cập, văn phòng của cơ quan an ninh quốc gia Ai Cập đã bị những người biểu tình tấn công, nhằm tìm kiếm các hồ sơ tài liệu liên quan đến những hành vi tra tấn, lạm dụng quyền lực của chế độ cũ, đồng thời ngăn cản việc tiêu hủy những bằng chứng này. Việc giải thể cơ quan an ninh quốc gia là một trong những yêu sách của những người biểu tình đòi cải cách dân chủ tại Ai Cập.
Văn phòng của cơ quan an ninh quốc gia tại nhiều nơi cũng bị những người biểu tình tấn công, chiếm giữ như ở thành phố Marsa Matrouh, phía tây bắc Ai Cập, tại Zagazig, ở châu thổ sông Nile.
Hôm qua, tin tức từ Ai Cập cho biết ông Nabil Elaraby, một cựu thẩm phán tại tòa án Quốc tế, đã nhận chức vụ Ngoại trưởng Ai Cập. Việc bổ nhiệm ông Elaraby diễn ra 3 ngày sau khi quân đội Ai Cập, hiện tạm thời đảm nhiệm việc cai quản quốc gia, bổ nhiệm kỹ sư công chánh Essam Sahaf, cựu bộ trưởng giao thông, vào chức vụ tân thủ tướng của chính phủ lâm thời.
Yemen đang đối đầu với các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần lễ, do những người phản đối chính phủ thực hiện, đòi Tổng Thống Ali Abdullah Saleh từ chức. Các cuộc xung đột giữa các lực lượng chính phủ Yemen và những người hoạt động tích cực đối lập đã gây nhiều tử vong. Các tổ chức khủng bố, kể cả nhóm al-Qaida tại bán đảo Ả Rập có trụ sở ở Yemen, cũng đang hoạt động tại nước này.
Hôm qua, chính phủ Mỹ khuyến cáo người Mỹ không nên đếnYemen, và khuyên những người đang có mặt ở Yemen hãy xét tới việc rời khỏi nước này. Bộ Ngoại giao Mỹ nói mức độ đe dọa tại Yemen đang “cực kỳ cao”, do những hoạt động khủng bố và tình trạng bất ổn trong dân chúng gây ra.
Theo Dantri
Nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống trong thời buổi lạm phát, giá hàng hóa tăng cao, rất nhiều quốc gia trên thế giới hiện đã có các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội.
Tại Iraq, Thị trưởng thành phố Baghdad, ông Saber al-Essawi ngày 3/3 đã nộp đơn xin từ chức sau khi tại thủ đô xảy ra hàng loạt cuộc biểu tình.
Nước Bỉ đang nắm giữ một kỷ lục ở châu Ấu khi trải qua hơn 200 ngày không có một chính phủ chính thức, kể từ khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội tháng 6-2010. Nguyên nhân bởi các đảng cánh hữu của cộng đồng nói tiếng Hà Lan và các liên minh cánh tả của cộng đồng nói tiếng Pháp chưa thể dàn xếp những mâu thuẫn gay gắt.
Nhật Bản hôm qua lên tiếng bày tỏ quan ngại trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, 1 ngày sau khi hai chiếc máy bay của hải quân Trung Quốc áp sát chuỗi đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm qua khẳng định lại kế hoạch của Washington triển khai các đơn vị tên lửa phòng thủ và không quân ở Ba Lan, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Nga.
Nhật Bản hôm qua 2.3 đã lên án và gọi kế hoạch triển khai tên lửa chống tàu ngầm của Nga tại đảo tranh chấp Kuril là "vô cùng đáng trách".