Chuyên gia y tế kiểm tra nồng độ phóng xạ cho người dân sống gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi tại một trại sơ tán ở thành phố Koriyama, tỉnh Fukushima vào ngày 16/3

Chuyên gia y tế kiểm tra nồng độ phóng xạ cho người dân sống gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi tại một trại sơ tán ở thành phố Koriyama, tỉnh Fukushima vào ngày 16/3

Hàng loạt chính phủ tại châu Á hôm nay bác bỏ những tin đồn nhảm về việc bụi phóng xạ phát tán ra bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản, trong khi người dân nhiều nước bắt đầu tích trữ hàng Nhật và thuốc men.

 

Trong khi đó người dân ở nhiều nước châu Á đua nhau tích trữ những sản phẩm ưa thích do Nhật Bản sản xuất, vì lo ngại những sản phẩm tương tự trong tương lai sẽ nhiễm chất phóng xạ.

AFP cho hay những thông điệp cảnh báo người dân tránh bụi phóng xạ được gửi tới điện thoại di động và hòm thư điện tử của nhiều người. Được phát tán xa tới tận Ấn Độ, những tin nhắn này khuyên người dân ở trong nhà và dùng khăn tẩm dung dịch i-ốt chà xát vào tuyến giáp để ngăn chặn chất phóng xạ.

Nguy cơ thảm họa hạt nhân tại Nhật Bản tạo nên làn sóng mua những viên thuốc chứa i-ốt, mặc dù giới chuyên gia khẳng định chúng chỉ có tác dụng hạn chế đối với bụi phóng xạ. Dung dịch i-ốt, thường được dùng để khử trùng, hoàn toàn không thể ngăn chặn chất phóng xạ.

Ở đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc, nhiều người xếp hàng để mua sữa bột Nhật Bản cho trẻ em với tâm trạng lo lắng. Họ tích trữ sữa bột Nhật Bản bởi lo ngại sản phẩm này sẽ nhiễm bụi phóng xạ trong tương lai.

Sau vụ tai tiếng chất độc melamine đối với ngành công nghiệp sữa bột tại Trung Quốc năm 2008, các nhãn hiệu sữa bột Nhật Bản trở thành thứ được các bậc phụ huynh yêu thích.

Lửa và những vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I (Dai-ichi) đẩy một lượng bụi phóng xạ từ nhà máy vào không khí. Nồng độ phóng xạ ở thủ đô Tokyo cao hơn mức bình thường, song nhà chức trách khẳng định không có bất kỳ nguy cơ nào đối với sức khoẻ người.

Bất chấp lời trấn an của giới chuyên gia, mối đe dọa bụi phóng xạ vẫn khiến giới chủ nhà hàng tại châu Á lo lắng.

“Mối lo ngại về bụi phóng xạ gây nên tác động tâm lý lâu dài. Chúng tôi chẳng thể làm gì. Dù hy vọng điều tốt đẹp nhất, song chúng tôi chẳng thấy bất kỳ viễn cảnh tươi sáng nào trong tương lai gần”, William Mark, chủ tịch Hiệp hội các chủ nhà hàng Hong Kong, tâm sự.

Chính phủ Hàn Quốc kêu gọi người dân bình tĩnh sau khi tâm lý hoang mang tràn qua các cộng đồng mạng. Giới chức cam kết truy tìm và trừng phạt những người phát tán thông điệp nhảm nhí khiến xã hội bất ổn. Luật pháp Hàn Quốc phạt một năm tù đối với tội danh này.

Philippines cũng tuyên bố chính phủ sẽ trấn áp mạnh tay đối với hành vi tuyên truyền thông điệp lừa đảo, sau khi hàng loạt trường học đóng cửa vì tin đồn nhảm. Nhà máy Fukushima Dai-ichi cách Philippines tới 2.800 km, một khoảng cách khá an toàn.

Bộ trưởng Tư pháp Philippines, bà Leila de Lima, nói những người tung tin vịt sẽ bị truy nã và xét xử.

“Đây là giai đoạn khó khăn và đáng sợ bởi sự xuất hiện của thiên tai. Chúng tôi không muốn tình hình trở nên tồi tệ hơn bởi những tin vô căn cứ”, bà nói.

Tại Việt Nam, các quan chức Viện năng lượng Nguyên tử hôm nay khẳng định chưa có bất thường nào về mức độ phóng xạ. Các chuyên gia bác bỏ tin đồn về mây phóng xạ và mưa axít lan truyền qua tin nhắn điện thoại và mạng.

Giống như Ấn Độ, Singapore, Thái Lan và Hàn Quốc, Trung Quốc cũng ra lệnh kiểm tra bụi phóng xạ trong các thực phẩm từ Nhật Bản.

Chuỗi nhà hàng Sushi Express trên đảo Đài Loan trấn an khách hàng rằng mọi nguyên liệu làm món sushi của họ được nhập khẩu trước khi trận động đất hôm 11/3 xảy ra nên an toàn.

Một số đại sứ quán châu Âu tại Tokyo kêu gọi công dân của họ rời Nhật Bản. Người nước ngoài đang lần lượt di chuyển ra khỏi Tokyo. Họ cũng hủy chuyến đi tới các thành phố châu Á khác do lo ngại cuộc khủng hoảng hạt nhân có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

Nhiều sân bay tại châu Á kiểm tra nồng độ phóng xạ của hành khách tới từ Nhật Bản, trong khi hơn 500 trung tâm cấy tủy xương tại châu Âu tuyên bố họ sẵn sàng nhận những nạn nhân phơi nhiễm phóng xạ, đặc biệt là công nhân trong nhà máy điện hạt nhân.

Vài trăm người sẵn sàng cung cấp chỗ ở cho những người Nhật Bản mất nhà hoặc những người muốn rời khỏi đất nước trên couchsufing.org – một trang web về chia sẻ chỗ ở. Những người này ở khắp nơi trên thế giới, từ Australia, Mỹ tới các nước Trung Đông.

Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga thông báo nồng độ phóng xạ tại vùng Viễn Đông vẫn ở mức bình thường và nhấn mạnh bụi phóng xạ từ nhà máy Fukushima Dai-ichi không gây nên bất kỳ nguy cơ nào đối với sức khỏe con người. Nhưng nhiều người dân tỏ ra không tin.

Tại thành phố Vladivostok, trung tâm hành chính của vùng Viễn Đông và cách nhà máy Fukushima Dai-ichi hơn 1.000 km, các hiệu thuốc không còn máy đo phóng xạ để bán. I-ốt, chất được dùng để chống nhiễm phóng xạ, cũng bị vét sạch. Nhiều người mua vé tàu và máy bay tới thủ đô Matxcơva.

“I-ốt hết từ hôm qua và chúng tôi không biết bao giờ những chuyến hàng mới sẽ đến”, nhân viên bán hàng tại một hiệu thuốc nói.

Tatyana Zaitseva, một phụ nữ lớn tuổi, nói bà tìm i-ốt ở nhiều hiệu thuốc trong thành phố nhưng không thể mua được.

“Tôi tin nhà chức trách công bố sự thật về những diễn biến xảy ra tại Nhật Bản. Nhưng bạn chẳng thể biết được điều gì sẽ xảy ra. Hôm nay tình hình thế này, nhưng ngày mai gió có thể đổi hướng và chúng tôi có thể nhiễm phóng xạ”, bà nói.

Mikhail Obukhov, một thanh niên 20 tuổi, kể rằng anh không thể mua thuốc theo đơn mà bác sĩ kê cho bà vợ.

“Những người thực sự cần thuốc không thể mua thuốc do quá nhiều người hoảng sợ”, anh nói.

Giới chức địa phương tuyên bố người dân không nên hoảng loạn sau khi các chuyên gia khẳng định hướng gió chủ đạo trong giai đoạn hiện nay đẩy bụi phóng xạ ra khỏi vùng Viễn Đông.

“Không có nguy cơ nhiễm bụi phóng xạ ở Viễn Đông. Vì lý do này, người dân không nên vội vã mua và tích trữ các loại i-ốt”, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời người phát ngôn của Bộ Tình trạng khẩn cấp tại vùng Viễn Đông.

Nhưng Roman Vilfand, giám đốc trạm khí tượng Gidromettsentr, cảnh báo tình hình có thể thay đổi tùy theo hướng gió.

“Nếu gió đổi hướng đột ngột, Primorye, Kamchatka, đảo Sakhalin, quần đảo Kuril sẽ trở thành những nơi dễ nhận bụi phóng xạ nhất”, ông nói với báo Izvestia.

 

                                                                           Theo VnExpress

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Cam-pu-chia quy định kết hôn với người nước ngoài

Cam-pu-chia đã ban hành một số các nghị định mới về hôn nhân giữa phụ nữ Cam-pu-chia và người nước ngoài. Theo đó, quy định người nước ngoài muốn kết hôn với phụ nữ Cam-pu-chia phải dưới 50 tuổi và có thu nhập hơn 2.550 USD/tháng. Việc ban hành các nghị định này nhằm đối phó hoạt động mua bán người

Lò phản ứng số 4 bốc cháy lần thứ hai

Sáng sớm nay (16.3), lò phản ứng số 4 tại nhà máy hạt nhân Fukushima số 1 lại một lần nữa bốc cháy. Vừa mới hôm qua, một vụ cháy nổ cũng đã xảy ra tại chính lò phản ứng này.

'Nhật Bản như vừa trải qua chiến tranh'

Thứ trưởng ngoại giao Nhật Makiko Kikuta hôm qua tuyên bố tổn thất do động đất và sóng thần gây ra khiến quốc gia này không khác gì vừa trải qua một cuộc chiến.

Các nước vùng Vịnh gửi quân tới Bahrain

Theo BBC, những toán quân đầu tiên của các nước vùng Vịnh ngày 14-3 đã tới Bahrain theo lời yêu cầu của nước này.

Nhiều dân thường thương vong trong các chiến dịch của NATO ở Áp-ga-ni-xtan

Roi-tơ ngày 15-3 đưa tin, một vụ không kích của lực lượng NATO do Mỹ đứng đầu ở Áp-ga-ni-xtan đã làm chết hai trẻ em ở tỉnh Cu-na, miền đông nước này.

Tiếp tục vụ nổ thứ 3 ở nhà máy hạt điện nhân Nhật Bản

Sáng nay (15.3), vụ nổ thứ 3 trong vòng 4 ngày qua lại xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ở đông bắc Nhật Bản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục