Đã tròn 100 ngày kể từ khi nổ ra bạo động ở Tunisia, mở màn chuỗi nổi dậy và bạo động ở Bắc Phi và Trung Đông. Đánh giá tổng quát về giai đoạn này, Tân Hoa xã cho rằng hàng ngàn thường dân vô tội là nạn nhân đáng thương nhất.

 

Đám tang tập thể người dân Libya chết do các vụ không kích của liên quân.

Người dân lãnh đủ

100 ngày qua, Bắc Phi và Trung Đông đã chứng kiến xung đột với nhiều mức độ khác nhau. Tổng thống Tunisia từ bỏ quyền lực vào ngày 14-1-2011 sau 23 năm cầm quyền, tiếp theo sau là Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak rút lui vào ngày 11-2 sau 30 năm tại vị.

Cuối tháng 2, giao tranh đẫm máu giữa lực lượng chính phủ Libya và lực lượng nổi dậy buộc hàng trăm ngàn lao động nước ngoài phải sơ tán. Ngày 15-3, Quốc vương Bahrain tuyên bố tình trạng khẩn cấp trước các cuộc biểu tình của lực lượng đối lập dẫn đến việc các nước vùng Vịnh, đứng đầu là Saudi Arabia đưa quân tới giúp chính phủ Bahrain.

Ngày 19-3, Pháp, Mỹ và Anh bắt đầu không kích Libya. Đến ngày 25-3, Tổng thống Yemen  Ali Abdallah Saleh tuyên bố sẵn sàng chuyển giao quyền lực trong hòa bình.

Nếu như tại Tunisia và Ai Cập, các cuộc nổi dậy xuất phát từ nhu cầu cải thiện đời sống của người dân thì tại Bahrain, xung đột bắt nguồn từ tôn giáo. Tại Libya và Yemen là các bất đồng sâu sắc giữa các bộ tộc. Dù là lý do gì, các cuộc xung đột và can thiệp quân sự của nước ngoài vào những nơi này đã dẫn đến số dân thường thương vong rất cao.

Theo chính phủ Libya, các cuộc không kích của phương Tây đến nay làm 114 người chết và hàng trăm người bị thương. Tại Tunisia đã có 110 người chết, Ai Cập có 365 người chết và tại Yemen gần 100 người chết.

Hơn thế nữa, các cuộc xung đột đã khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó có khoảng 1 triệu người tị nạn tìm tới châu Âu (theo ước tính của Ý). Riêng Libya có tới hơn 330.000 người rời đất nước này (không tính các lao động nước ngoài) từ khi xung đột bộc phát.

Tại những nước đã lật đổ các nhà lãnh đạo, an ninh trở thành vấn đề nóng. Người dân Cairo bây giờ có thói quen ngủ không quên để súng hay dao dưới gối. Đời sống của người dân Yemen, Bahrain, Syria… chao đảo vì tiếng súng đạn mỗi ngày.

Lý do của chiến lược can thiệp

* Với hàng loạt vụ không kích của liên quân tại thành phố Sirte, quê hương nhà lãnh đạo Libya Gaddafi, lực lượng nổi dậy cho biết, họ chỉ còn cách trung tâm thành phố Sirte khoảng 100km.

* Ngày 28-3, Nga đã ra tuyên bố chỉ trích liên quân tấn công các lực lượng của chính phủ Libya, tạo điều kiện để quân nổi dậy phản công, xem đây là hành động vi phạm Nghị quyết LHQ theo đó chỉ bảo vệ thường dân và không cho phép đứng về phía nào ở Libya.

Thực ra đối với Mỹ, Libya không nằm trong những lá bài chủ yếu của chiến lược quân sự. Số lượng dầu khí do Libya sản xuất cũng chỉ là một phần nhỏ so với sản lượng dầu khí của khối OPEC. Quan hệ kinh tế tài chính của Mỹ ở Libya cũng chẳng mấy quan trọng. Mặc khác, Mỹ còn vướng ở Iraq và Afghanistan.

Trong khi đó, Libya lại nằm trên vùng biển Địa Trung Hải, là “láng giềng” của châu Âu, những gì xảy ra ở Libya cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với châu Âu. Vì thế, lần này, cả Anh lẫn Pháp đều muốn chủ động lật đổ chế độ Gaddafi để làm lại quan hệ từ đầu với Libya.

Theo báo chí Ý, vấn đề then chốt mà cho đến hôm nay phía Tây Âu vẫn còn tự hỏi là: Tấn công Libya để làm gì? Nếu nói là để lật đổ Gaddafi thì câu hỏi tiếp sẽ là: Ai sẽ thay thế ông Gaddafi? Hiện tình hình chính trị nội bộ của Libya cũng còn quá nhiều ẩn số để có thể tiên đoán được giai đoạn hậu Gaddafi. Chắc chắn một điều là nếu các cuộc không kích lần này không giải quyết nhanh vấn đề “Gaddafi” thì châu Âu sẽ bị sa lầy, điều mà xưa nay châu Âu rất sợ. 

Còn sở dĩ Mỹ và phương Tây không can thiệp vào tình hình những nước khác như Yemen hay Bahrain là do Bahrain hiện có căn cứ của Mỹ, chính phủ Bahrain được Mỹ ủng hộ nên cần trấn áp lực lượng đối lập. Yemen đang là đồng minh của Mỹ chống Al-Qaeda nên Mỹ không thể quay lưng chống Tổng thống Saleh. Những nước khác như Algeria hay Syria cũng không phải là đồng minh của Mỹ nhưng tình hình chưa đến mức “báo động đỏ” và Mỹ cần cân nhắc lợi ích trước khi can thiệp. 

Báo Rebelion của Tây Ban Nha cho rằng, các nước phương Tây kích động đối đầu tại Tunisia và Ai Cập theo một cách có kiểm soát nhưng đã tạo ra hiệu ứng dây chuyền tới Yemen, Algeria và nhiều nước Arab khác. Theo một báo cáo đăng trên trang báo Guardian, Pháp, Anh, Mỹ và một số nước đang ngày càng bị chỉ trích. Nhiều người tin rằng tin họ can thiệp vào Libya để phục vụ những mục tiêu riêng.

Dù gì đi nữa, trước mắt, bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi đã đẩy giá dầu thế giới tăng cao, ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của nền kinh tế thế giới…

 

                                                                                        Theo SGGP

 

Các tin khác


Nỗi lo thời tiết nắng nóng làm gián đoạn việc học tập của trẻ em châu Á

Tháng 4 vừa qua, nhiều quốc gia ở châu Á đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục khiến chính phủ quyết định đóng cửa trường học. Điều này đã cho thấy rõ tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu đe dọa việc học tập của hàng triệu trẻ em tại châu lục này.

Số người sơ tán trong nước trên toàn cầu ở mức kỷ lục 75,9 triệu vào năm 2023

Năm 2023, 7,7 triệu người phải di dời do thiên tai, 68,3 triệu người sơ tán do xung đột và bạo lực, trong đó cuộc chiến ở Sudan, Gaza đã đẩy con số này lên kỷ lục mới.

Liên đoàn Arab thống nhất lập trường chung về Gaza

Trong cuộc họp ở thủ đô Manama của Bahrain, Bộ trưởng Ngoại giao các quốc gia Arab đã nỗ lực để đạt được lập trường chung về vấn đề Gaza trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) vào ngày 16/5.

Người học vấn cao xin làm nhân viên tang lễ khi Trung Quốc khan hiếm việc làm

Công việc nhân viên hỏa táng thuộc nhóm nghề có mức lương tốt và ổn định nên đang thu hút sự quan tâm của người trẻ Trung Quốc, dù tốt nghiệp trái ngành ở nhiều trường đại học danh tiếng.

Xung đột Hamas - Israel: Dân thường Israel thiệt mạng do đạn bắn từ Liban

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Quân đội Israel (IDF) ngày 14/5 thông báo 1 người dân đã thiệt mạng và 5 quân nhân bị thương do đạn chống tăng bắn từ phía Liban trúng vào khu dân cư Adamit của Israel nằm sát biên giới.

Bầu cử Mỹ 2024: Ứng cử viên Donald Trump gia tăng ưu thế tại các bang chiến địa

Ngày 14/5, kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa tiếp tục gia tăng ưu thế tại hầu hết các bang "chiến địa" quan trọng trước đương kim Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục