Theo các nhà quan sát, Trung Quốc đã công khai kế hoạch đóng tàu sân bay và chắc sẽ không chỉ là một chiếc.
Khi lần đầu tiên thừa nhận “đang đóng tàu sân bay”, Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh “mục đích huấn luyện và nghiên cứu”. Lên tiếng trước và sau đó, Tướng lĩnh Trung Quốc tung hô “để bảo vệ lợi ích chiến lược”. Mục đích thực sự đằng sau tàu sân bay là gì?
“Trung Quốc cần ít nhất 3 tàu sân bay”
Tham vọng có tàu sân bay của quân đội Trung Quốc đã được biết đến từ nhiều năm nay. Năm 1998, Bắc Kinh mua lại chiếc vỏ tàu sân bay cũ của Ukraine về để nâng cấp trang bị thành chiếc tàu sân bay đầu tiên của mình. Thời gian gần đây, khi mà các tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với các nước láng giềng có chiều hướng gia tăng, thì Bắc Kinh liên tục đưa ra thông tin úp mở về việc hạ thủy con tàu sân bay đầu tiên này.
Trong bối cảnh các nước láng giềng của Trung Quốc đang lo ngại về việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự, kế hoạch đóng tàu sân bay sẽ càng làm rõ thêm hình ảnh một nước Trung Quốc hung hăng, vì vậy bộ Quốc phòng Trung Quốc đã phải công khai giải thích tham vọng đóng tàu sân bay của mình.
Hôm 27/7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh cho biết nước này sẽ sử dụng chiếc tàu sân bay đầu tiên này “cho mục đích huấn luyện và nghiên cứu”.
Theo các nhà quan sát, Trung Quốc đã công khai kế hoạch đóng tàu sân bay và chắc sẽ không chỉ là một chiếc.
Và đúng như vậy, chỉ ít ngày sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc thừa nhận đang đóng chiếc tàu sân bay đầu tiên, Bắc Kinh lại khẳng định thêm tham vọng phát triển hải quân qua tuyên bố của thiếu tướng La Viện (một nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc), rằng Trung Quốc cần ít nhất 3 tàu sân bay “để bảo vệ lợi ích chiến lược của mình”.
Nhật báo Tin tức Bắc Kinh dẫn lời ông này nói: “Nếu nhìn vào các nước láng giềng của chúng ta, Ấn Độ từ nay đến năm 2014 sẽ có 3 tàu sân bay, Nhật Bản đến năm 2014 cũng sẽ có 3 tàu chiến tương đương với tàu sân bay, vậy thì tôi cho rằng Trung Quốc phải có tối thiểu 3 chiếc tàu sân bay nếu chúng ta muốn bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải của mình một cách hiệu quả”.
Trong một cuộc họp báo chung mới đây với Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mike Mullen, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức cho rằng việc cường quốc châu Á có một tàu sân bay là cần thiết và ông còn so sánh rằng Mỹ cũng đang có 11 tàu sân bay. "Trung Quốc là một nước lớn nhưng lại chỉ có một số chiếc tàu, mà hầu hết là loại nhỏ. Điều này không tương xứng với tầm vóc của một đất nước như Trung Quốc".
Đô đốc Lee Dyanzhen, đại biểu mới đây tham dự phiên họp Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Trung Quốc) đã nói với báo chí địa phương rằng: “nếu nhiều nước hiện nay sở hữu các tàu sân bay, thì một quốc gia lớn như Trung Quốc cũng cần phải có chúng”.
Trong loạt những phát biểu, một chuyên gia Trung Quốc về chiến lược quân sự, đô đốc Chan ChaoChun, đã lưu ý tới sự lạc hậu của Hải quân Trung Quốc so với các nước khác. Theo đánh giá của ông, hạm đội trên biển của Trung Quốc chỉ đứng thứ 8 trên thế giới. Đặc biệt, Trung Quốc tụt hậu về các tàu có trọng tải lớn hơn 10.000 tấn. Ở đây, Trung Quốc thua xa Mỹ, Nga, Anh và thậm chí Ấn Độ.
Hạm đội ngầm của Trung Quốc giữ vị trí thứ 5. Sự lạc hậu thấy rõ trong yếu tố tàu ngầm hạt nhân. Việc chế tạo tàu sân bay qui mô là sự tìm cách gia tăng sức mạnh hải quân, rút ngắn khoảng cách với các nước hàng đầu khác. Trung Quốc cho rằng, như một quốc gia lớn trên thế giới, họ có quyền sở hữu các thành phần quân sự kiềm chế, không nhằm mục tiêu bành chướng.
Nỗ lực tăng cường ảnh hưởng toàn cầu?
Giới phân tích trong và ngoài khu vực cho rằng sự xuất hiện tàu sân bay ở Trung Quốc có thể hiểu như nỗ lực tăng cường ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh.
Thực tế là sau nhiều thế kỷ không nuôi tham vọng lớn trên biển, hiện Trung Quốc đang “có trong tay” lực lượng chống hải tặc túc trực thường xuyên ở Ấn Độ Dương. Đầu năm nay, một tàu chiến Trung Quốc đã tới Địa Trung Hải để sơ tán công dân của họ khỏi Libya - nơi xa nhất mà lực lượng hải quân của họ từng tới.
Trung Quốc cũng đang xây các cảng thương mại ở Pakistan, Sri Lanka và các nơi khác. Bắc Kinh cho biết không có ý định biến các cảng này thành căn cứ quân sự, nhưng các đối thủ của họ như Washington và New Delhi vẫn lo lắng.
Giáo sư Đại học MGIMO Sergey Luzianin, Phó Hiệu trưởng Học viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga cho rằng, bản chất việc hé lộ và những bàn luận tích cực xung quanh đề án “tàu sân bay” là nhằm chuẩn bị cho dư luận trong và ngoài nước về sự xuất hiện đòn bẩy ảnh hưởng mới mang tính toàn cầu của Trung Quốc, xứng đáng với vai trò “một cường quốc vĩ đại”.
Khi được hỏi về nguyên nhân bước ngoặt trong ý nghĩa chiến lược của các nhà quân sự Trung Quốc, ông Luzianin đã nói: “Ở đây, theo tôi tồn tại hai hoàn cảnh từ các phía khác nhau, liên quan tới những lợi ích xây dựng tàu sân bay đang ngày càng tăng của Trung Quốc”.
“Một bên, đó là việc tìm cách giải quyết vấn đề chiến thuật bán khu vực, tăng cường sự có mặt hải quân của mình xung quanh Đài Loan cũng như trên Biển Đông. Mặt khác, ngoài phương diện bán khu vực, đề án này còn mang ngữ cảnh toàn cầu. Trước hết, đó là sự kiểm soát các hành lang năng lượng thế giới”.
Hãng tin Reuters cũng dẫn lời giới phân tích cho rằng với tàu sân bay mới, Trung Quốc đang mở rộng tầm với trên thế giới, và khả năng mới này của Bắc Kinh cũng đang khiến một số nơi trên thế giới chú trọng trở lại vào lĩnh vực hải quân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều điểm nóng tiềm tàng trên vùng biển gần Trung Quốc, bao gồm cả Đài Loan và tranh chấp lãnh hải với Việt Nam và các nước khác, một số chuyên gia cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột.
Hải quân các nước trong khu vực đã phản ứng khi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sở hữu các vũ khí tối tân từ tàu ngầm tới tên lửa đạn đạo chống tàu chiến và cả tàu sân bay. Các nước châu Á-Thái Bình Dương đang tăng cường các hạm đội của họ và "mối lo Trung Quốc" cũng làm cho các quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ tập trung vào những lĩnh vực như chống tàu ngầm vốn gần như bị lãng quên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản là ông Yukio Edano hôm 28/7 tuyên bố: “Vấn đề chính sách quốc phòng của Trung Quốc và việc họ bành trướng quân đội đang làm Nhật Bản và các nước trong vùng, cũng như cộng đồng thế giới, lo lắng”.
Theo ý kiến của ông Rory Medcalf, thuộc Viện chính sách quốc tế ở Sydney (Australia), chương trình đầy tham vọng về tàu sân bay của Trung Quốc “có thể làm dấy lên cuộc chạy đua mua tàu ngầm trong vùng”.
“Nhật Bản đang dự định tăng số tàu ngầm từ 16 lên 22 chiếc vì Trung Quốc tăng cường Hải quân quá lộ liễu. Đài Loan cũng đang theo dõi sát tình hình và Philippines đã cho tăng ngân sách quốc phòng thêm từ 5 tỉ peso lên 8 tỉ peso”, ông nói.
Theo Dantri
Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi không hề có dấu hiệu nhượng bộ nào dù phe nổi dậy mới giành được thêm nhiều sự công nhận của các nước khác, bởi vậy, nếu không có một sự đột phá nào trong cuộc chiến này thì thế bế tắc xem ra sẽ kéo dài sang tháng Ramadan của đạo Hồi.
Các phi công của hãng hàng không Air France đã mắc phải hàng loạt sai lần trước khi chiếc máy bay mang số hiệu 447 của họ đâm xuống Đại Tây Dương 2 năm trước, làm 228 người thiệt mạng, các nhân viên điều tra Pháp cho biết hôm qua.
Tân Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng, nước Mỹ bị vỡ nợ sẽ là một sự kiện hết sức nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đối với nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng tới kinh tế thế giới.
Lãnh đạo lực lượng chống đối ở Libya Moustafa Abdel-Jalil ngày 28/7 cho biết Tổng tư lệnh quân nổi dậy Abdel Fattah Younes đã bị thiệt mạng.
Tin tặc có nguồn gốc từ Trung Quốc bị tình nghi thực hiện vụ tấn công mạng lớn nhất từ trước đến nay ở Hàn Quốc.
Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc ngày hôm qua lên tiếng cảnh báo rằng, việc Mỹ hiện đại hoá vũ khí hạt nhân và mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa rốt cục sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua hạt nhân mới.