Nhiều người Mỹ biểu tình ở Washington kêu gọi “siêu ủy ban” quốc hội không cắt giảm các chương trình dành cho người nghèo.

Nhiều người Mỹ biểu tình ở Washington kêu gọi “siêu ủy ban” quốc hội không cắt giảm các chương trình dành cho người nghèo.

“Siêu ủy ban” Quốc hội Mỹ, vốn có trách nhiệm tìm giải pháp giảm thâm hụt, đã thất bại do bất đồng sâu sắc giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Chính phủ Mỹ lại đối mặt với nguy cơ bị cắt giảm 1.200 tỉ USD ngân sách.

 

Tính đến ngày 15-11, nợ công của Mỹ đã vượt qua mức 15.000 tỉ USD, chiếm 99% GDP của Mỹ được Nhà Trắng dự kiến cho cả năm 2011.

Với trách nhiệm cắt giảm thâm hụt ngân sách ít nhất 1.200 tỉ USD trong 10 năm, “siêu ủy ban”, được thành lập vào tháng 8-2011 gồm sáu nghị sĩ Dân chủ và sáu nghị sĩ Cộng hòa, đã rơi vào bế tắc do không thể hàn gắn những bất đồng sâu sắc.

Theo luật pháp Mỹ, từ tháng 1-2013 ngân sách Mỹ dành cho quốc phòng và các chương trình nội địa sẽ tự động bị cắt giảm 1.200 tỉ USD. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cảnh báo việc chi phí quốc phòng bị cắt giảm 600 tỉ USD, bao gồm 454 tỉ USD ngân sách hoạt động của Lầu Năm Góc, sẽ “gây hậu quả tàn khốc” và biến quân đội Mỹ thành “một lực lượng trống rỗng”.

Bên muốn tăng thuế, bên không muốn nghe!

Vấn đề gây chia rẽ nhất là việc có gia hạn thêm chương trình giảm thuế cho giới nhà giàu hay không. Việc giảm thuế này được đưa ra dưới thời tổng thống George W. Bush, vốn sẽ hết hạn vào năm 2012. Đảng Dân chủ thì muốn tăng thuế, còn Đảng Cộng hòa lại không muốn nghe!

“Tất cả mọi người cần phải có một nỗ lực trong những lúc đất nước gặp khó khăn - thượng nghị sĩ Dân chủ Patty Murray, đồng chủ tịch “siêu ủy ban”, tuyên bố - Những người giàu nhất nước Mỹ, những người thu nhập hơn 1 triệu USD/ năm, cần phải chia sẻ. Nhưng đó lại là một lằn ranh mà những người Cộng hòa lại không sẵn sàng bước qua “.

Đáp lại, thượng nghị sĩ Jeb Hensarling, lãnh tụ phe Cộng hòa trong “siêu ủy ban”, nói: “Không ai muốn đánh mất hi vọng. Nhưng có lúc thực tế còn vượt trước cả hi vọng”. Nói chung, phe Cộng hòa không muốn tăng thuế thêm đối với người giàu, thậm chí còn đòi giảm thêm nữa mức thuế đối với người giàu trong gói giảm thuế Bush và đòi cắt giảm chi tiêu cho các chương trình dành cho tầng lớp trung lưu và người nghèo như chương trình y tế Medicare, Medicaid và chương trình an sinh xã hội.

“Đây là ủy ban giảm thâm hụt chứ không phải ủy ban giảm thuế - thượng nghị sĩ Dân chủ John Kerry bức xúc - Nếu tình hình không nghiêm trọng thì có lẽ tôi đã cười phá lên vì sự hài hước đó”. Ông Kerry cảnh báo nguy cơ Mỹ có thể bị hạ định mức tín dụng, dẫn tới những đảo lộn trên thị trường tài chính nếu ngân sách chính phủ tự động bị cắt giảm 1.200 tỉ USD. “Sự bế tắc này đồng nghĩa với thông điệp nước Mỹ không thể tự lo được chuyện nhà”.

Đổ lỗi cho nhau

Phe Cộng hòa bị cáo buộc là đã bị chi phối bởi các nhà vận động hành lang của giới doanh nghiệp Phố Wall và giới nhà giàu. Các nghị sĩ Đảng Dân chủ thậm chí còn chỉ rõ nhà vận động hành lang Grover Norquist, chủ tịch tổ chức chống tăng thuế “Cải cách thuế Mỹ”, đã có ảnh hưởng quá lớn đối với Đảng Cộng hòa. Ngược lại, phía Cộng hòa lại chỉ trích Đảng Dân chủ muốn tăng thuế lên “những người tạo ra công ăn việc làm cho người lao động” giữa lúc nền kinh tế Mỹ đang suy thoái.

Nhiều chuyên gia kinh tế bị mô tả là “ăn phải bả cánh tả” như nhà kinh tế đoạt giải Nobel Paul Krugman, người từng nhiều lần lên tiếng khẳng định chương trình giảm thuế cho người giàu dưới thời Bush không tạo ra công ăn việc làm cho người lao động Mỹ như phe Cộng hòa tuyên bố. Trên thực tế, sức mua của tầng lớp trung lưu mới là yếu tố quyết định trong việc tạo ra công ăn việc làm.

Giới quan sát nhận định thất bại của “siêu ủy ban” càng khiến tình hình chính trị - kinh tế Mỹ trở nên bất ổn khi nước Mỹ bước vào năm bầu cử 2012. Những rối loạn tại Washington sẽ càng khiến công chúng Mỹ mất niềm tin vào quốc hội. Trên các trang Yahoo! News, CNN, MSNBC xuất hiện hàng ngàn lời chỉ trích cho rằng các nghị sĩ không xứng đáng nhận lương, vì đã chẳng làm được việc gì cho ra hồn! Theo khảo sát mới đây của Gallup, phần đông người Mỹ đã tỏ ra cực kỳ thất vọng với quốc hội, 66% muốn quốc hội hành động để tạo công ăn việc làm cho người dân.

Chính bất đồng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về mức trần nợ công đã dẫn đến việc Mỹ bị hạ định mức tín nhiệm, gây ra một cơn phong ba trên thị trường tài chính. Có lẽ phải chờ đến sau cuộc bầu cử vào tháng 11-2012, chính trường Mỹ mới có thể thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay.

 

                                                                          Theo TuoiTre

Các tin khác


Nỗi lo thời tiết nắng nóng làm gián đoạn việc học tập của trẻ em châu Á

Tháng 4 vừa qua, nhiều quốc gia ở châu Á đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục khiến chính phủ quyết định đóng cửa trường học. Điều này đã cho thấy rõ tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu đe dọa việc học tập của hàng triệu trẻ em tại châu lục này.

Số người sơ tán trong nước trên toàn cầu ở mức kỷ lục 75,9 triệu vào năm 2023

Năm 2023, 7,7 triệu người phải di dời do thiên tai, 68,3 triệu người sơ tán do xung đột và bạo lực, trong đó cuộc chiến ở Sudan, Gaza đã đẩy con số này lên kỷ lục mới.

Liên đoàn Arab thống nhất lập trường chung về Gaza

Trong cuộc họp ở thủ đô Manama của Bahrain, Bộ trưởng Ngoại giao các quốc gia Arab đã nỗ lực để đạt được lập trường chung về vấn đề Gaza trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) vào ngày 16/5.

Người học vấn cao xin làm nhân viên tang lễ khi Trung Quốc khan hiếm việc làm

Công việc nhân viên hỏa táng thuộc nhóm nghề có mức lương tốt và ổn định nên đang thu hút sự quan tâm của người trẻ Trung Quốc, dù tốt nghiệp trái ngành ở nhiều trường đại học danh tiếng.

Xung đột Hamas - Israel: Dân thường Israel thiệt mạng do đạn bắn từ Liban

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Quân đội Israel (IDF) ngày 14/5 thông báo 1 người dân đã thiệt mạng và 5 quân nhân bị thương do đạn chống tăng bắn từ phía Liban trúng vào khu dân cư Adamit của Israel nằm sát biên giới.

Bầu cử Mỹ 2024: Ứng cử viên Donald Trump gia tăng ưu thế tại các bang chiến địa

Ngày 14/5, kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa tiếp tục gia tăng ưu thế tại hầu hết các bang "chiến địa" quan trọng trước đương kim Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục