Học hết cấp III, Sùng A Thanh thi đỗ vào trường Trung cấp An ninh nhân dân I, Bộ Công an. Năm 2011, anh tốt nghiệp ra trường nhận quyết định về công tác tại phòng An ninh xã hội (PA88), nay là Phòng Chống phản động và chống khủng bố, Công an tỉnh. Với cương vị là Phó Bí thư đoàn thanh niên, anh được lãnh đạo tin tưởng, giao phụ trách vùng đồng bào Mông Hang Kia - Pà Cò. Là người con của Pà Cò, am hiểu địa hình và thông thạo tiếng Mông, anh hiểu rằng, việc thay đổi nhận thức của người dân và xua đuổi "cái chết trắng” ra khỏi thung lũng này, không chỉ một sớm, một chiều mà cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn.
Sinh ra, lớn lên tại xã nên Sùng A Thanh thuận lợi hơn trong tiếp xúc với người dân để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Anh đến tận lán, nương, đến từng nhà gặp gỡ, thuyết phục đối tượng truy nã đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật. Kết quả có 5 đối tượng ra đầu thú và trực tiếp bắt 1 đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm. Điển hình năm 2011, anh cùng đồng đội vận động 3 đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm đầu thú là Vàng A Tủa sinh năm 1982; Khà A Cáu, sinh năm 1984 và Tràng A Chìa, sinh năm 1982. Hiện cả 3 đối tượng đều tích cực lao động, cải tạo.
Từ xa xưa, khẩu súng không đơn giản là vật dụng sử dụng để bảo vệ mùa màng, săn bắn và trưng bày kỷ niệm mà sâu thẳm trong tâm thức truyền đời, khẩu súng đã trở thành vật gia bảo, bất ly thân. Có những khẩu súng được truyền từ đời này sang đời khác. Hiểu rõ tập tục truyền thống của địa phương, anh kiên trì thuyết phục, vận động người dân giao nộp vũ khí để tránh hệ quả do súng gây ra. Anh gõ cửa từng nhà, tranh thủ già làng, trưởng bản và những người có uy tín, tranh thủ sự giúp đỡ của họ để tác động, thuyết phục người dân giao nộp vũ khí. Anh trực tiếp vận động người dân giao nộp trên 30 khẩu súng các loại, hàng chục viên đạn, thuốc nổ… Do vậy, hạn chế thấp nhất những hiểm họa do súng gây ra. Anh tham mưu cấp ủy, chính quyền thành lập 6 dòng họ tự quản về ANTT và đề xuất "5 không” (không tổ chức tuyên truyền mê tín dị đoan, không trồng cây thuốc phiện, không tảo hôn, không vận chuyển và buôn bán ma túy, không tàng trữ vũ khí)..., phát động phong trào "Toàn dân BV ANTQ” ngay tại cơ sở.
Từ đó, A Thanh cùng đồng đội tạo thế chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh phòng - chống âm mưu đen tối của những phần tử xấu, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật sâu rộng đến từng bản làng, cảm hóa người lầm lỗi, xóa bỏ cây thuốc phiện, chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang cây trồng, vật nuôi, phối hợp các cơ quan chuyên trách KH-KT nông - lâm nghiệp hướng dẫn nông dân chăn nuôi gia súc, gia cầm, phòng ngừa dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Những nỗ lực phấn đấu của trung úy Sùng A Thanh góp phần không nhỏ ổn định tình hình bản Mông, đẩy lùi tệ nạn ma túy ở vùng quê từng là "chảo lửa ma túy”, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bà con dân bản.
Nguyễn Hùng (Công an tỉnh)
(HBĐT) - Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta kết thúc thắng lợi. Hiệp định Giơ - ne - vơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam tạm thời dưới ách thống trị của kẻ thù, vĩ tuyến 17 tạm thời là giới tuyến giữa 2 miền Nam - Bắc.