HBĐT) - Với vị trí địa lý đặc thù, vừa là cửa ngõ vùng Tây Bắc, vừa là cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, nằm trên tuyến QL6 - đây được xác định là tuyến trọng điểm về tội phạm ma túy của vùng Tây Bắc, địa bàn tỉnh trở thành nơi trung chuyển của các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Trong những năm qua, hoạt động của các loại tội phạm ma túy ngày càng phức tạp.


Có nhiều đường dây tội phạm vận chuyển ma túy với số lượng rất lớn qua địa bàn, sử dụng vũ khí nóng sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ. Từ năm 2014 đến nay, các lực lượng chức năng Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 155 vụ, 207 đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ 173 bánh heroin, 14.663 viên ma túy tổng hợp. Trong 6 tháng đầu năm nay đã phối hợp bắt giữ 62 vụ, 83 đối tượng phạm tội, thu giữ 154 bánh heroin, gần 5.000 viên ma túy tổng hợp.


TAND tỉnh mở phiên tòa lưu động tại xã Phú Cường (Tân Lạc) xét xử đối tượng Bùi Văn Nguyển, trú tại xã Phú Cường về tội mua bán trái phép chất ma túy, tuyên phạt mức án 20 năm tù. Phiên tòa thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân.

 

Đồng chí Đinh Thế Hệ, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho biết: Từ năm 2014 đến nay, án ma túy khởi tố có chiều hướng giảm cả về số vụ và số bị can so với những năm trước nhưng số vụ án lớn, tính chất đặc biệt lại có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng móc nối hình thành đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước Lào qua biên giới vào Sơn La, Hòa Bình đi thành phố Hà Nội, các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh… đưa ra nước ngoài tiêu thụ (chủ yếu là Trung Quốc) với số lượng rất lớn. Đơn cử như vụ án Trần Đức Duy, trú tại Lương Sơn vận chuyển 94 bánh heroin, 1 khẩu súng ngắn kèm 1 băng đạn 7 viên, bị bắt tại xã Thu Phong (Cao Phong). Điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan điều tra đã khởi tố 23 bị can với số ma túy đã mua bán liên tỉnh, xuyên quốc gia từ năm 2012 đến đầu năm 2015 là 1.415 bánh heroin, thu lời bất chính hơn 13 tỷ đồng và 708.000 nhân dân tệ. Tháng 3/2017, TAND tỉnh đã mở phiên tòa xét xử vụ án, trong đó có 9 bị cáo tuyên phạt mức án tử hình, 9 bị cáo mức án tù chung thân về tội buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Quá trình đấu tranh với tội phạm ma túy, các cơ quan chức năng nhận định, phương thức hoạt động của loại tội phạm này ngày càng tinh vi, sử dụng phương tiện hiện đại, thường xuyên thay đổi địa bàn, phương thức, thời gian hoạt động. Khi bị phát hiện hết sức manh động, sẵn sàng chống đối và sử dụng vũ khí nóng. Đối tượng phạm tội thuộc nhiều thành phần, dân tộc, chủ yếu là người Việt Nam. Ngoài ra có một số trường hợp quốc tịch Lào, độ tuổi phạm tội ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Theo thống kê, từ năm 2014 đến ngày 31/5/2017, có 375 bị can phạm tội về ma túy, trong đó, từ 18-30 tuổi 127 người, chiếm 33,86%; trên 30 tuổi 248 người, chiếm 76,54%; có 159 người dân tộc thiểu số, 26 trường hợp là nữ.

Theo đồng chí Nguyễn Khắc Minh, Phó trưởng phòng Tham mưu tổng hợp (Công an tỉnh), có nhiều nguyên nhân dẫn đến phạm tội về ma túy. Trên địa bàn tỉnh có 2 xã Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu) là nơi cư trú của đồng bào Mông, giáp với các xã trọng điểm về ma túy của huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) và huyện Vân Hồ (Sơn La). Có nhiều đường tiểu ngạch xuyên rừng sang biên giới Việt - Lào, thuận lợi cho việc thẩm lậu nguồn ma túy từ nước ngoài vào. Có tuyến QL 6 chạy xuyên suốt qua địa bàn thuận lợi cho hoạt động vận chuyển ma túy về Hà Nội và đi các tỉnh khác tiêu thụ. Việc mua bán trái phép chất ma túy mang lại siêu lợi nhuận nên nhiều người cố tình tham gia để làm giàu bất chính, lôi kéo người thân, họ hàng, bạn bè cùng tham gia phạm tội. Nhiều đối tượng truy nã nguy hiểm về tội phạm ma túy chưa truy bắt được. Các đối tượng câu kết, lôi kéo, tạo dựng các đường dây tiếp tục hoạt động manh động, liều lĩnh. Sau 3 năm thực hiện Đề án 03 của Tỉnh ủy và Phương án 592 của Bộ Công an, tình hình AN-TT trên địa bàn 2 xã Hang Kia, Pà Cò cơ bản ổn định. Tuy nhiên, sau khi sơ kết và ngừng thực hiện Phương án 592 (tháng 7/2013), tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn phức tạp trở lại. Ngoài ra, công tác tuyên truyền pháp luật về ma túy, vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, công tác cai nghiện, giáo dục, quản lý sau cai chưa đạt hiệu quả tích cực. Lực lượng, kinh phí, phương tiện phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy còn thiếu thốn…

Đến nay, hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều phát sinh tội phạm về ma túy, tập trung nhiều ở TP Hòa Bình. Hoạt động mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy xảy ra trên địa bàn tỉnh chủ yếu là mua bán nhỏ lẻ phục vụ cho đối tượng nghiện, trong đó có cả đối tượng nghiện ma túy bị nhiễm HIV tham gia phần nào gây khó khăn trong việc bắt, giữ, xử lý. Mặt khác, các điểm kinh doanh quán bar là nơi đông thanh niên đến vui chơi giải trí, các đối tượng đã lợi dụng để mua bán trái phép ma túy.

Đồng chí Đinh Thế Hệ, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho rằng: Để tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phối hợp tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống và xử lý đối với tội phạm ma túy, đảm bảo đồng bộ, thống nhất; gắn công tác tuyên truyền với xây dựng và triển khai các dự án, mô hình phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân để có thu nhập ổn định; đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma túy cho HS,SV, phụ nữ, người dân tộc thiểu số; chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân ở địa bàn "điểm nóng” về ma túy của tỉnh là Hang Kia - Pà Cò; nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy, hạn chế tình trạng tái nghiện sau cai; tăng cường công tác xét xử lưu động tại nơi xảy ra tội phạm nhằm làm tốt hơn công tác tuyên truyền pháp luật và răn đe, phòng ngừa chung.


                                                                                Hà Thu


Các tin khác


Đại hội thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang huyện Lạc Sơn giai đoạn 2019 - 2024

Ngày 17/5, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức Đại hội thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang (LLVT) huyện giai đoạn 2019 - 2024.

Tham ô gần 3 tỷ đồng, nguyên Trưởng phòng Tài chính, Trường Cao đẳng Kinh doanh và công nghệ Hà Nội lĩnh 15 năm tù

Sau 3 ngày nghị án, sáng 17/5, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh bước vào phần tuyên án bị cáo Nguyễn Tiến Kính (SN 1964), trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), nguyên Trưởng phòng Tài chính, Trường Cao đẳng Kinh doanh và công nghệ Hà Nội về hành vi "tham ô tài sản”.

Công an huyện Kim Bôi xử phạt người bình luận trên Facebook nội dung kích động bạo lực

Công an huyện Kim Bôi cho biết, ngày 14/5 đã làm việc với B. V. B, trú tại xã Mỵ Hoà (Kim Bôi) liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội Facebook. Trước đó, ngày 3/5, B. V. B đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để bình luận tại Trang "Hoà Bình Đa Chiều" với nội dung kích động bạo lực.

Đoàn luật sư tỉnh: Cầu nối đưa pháp luật đến với người dân

Tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, phản biện và giám sát xã hội, phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý (TGPL), bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người yếu thế, hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở vùng sâu, xa tại các phiên tòa... Từ những hoạt động tích cực, hiệu quả đó, những năm qua, Đoàn Luật sư tỉnh đã phát huy tốt vai trò, trở thành cầu nối đưa pháp luật đến với người dân.

Phúc thẩm vụ Việt Á: Đề nghị bác kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Chiều 16/5, đại diện Viện Kiểm sát đã công bố bản luận tội và quan điểm giải quyết đối với 11 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án Công ty Việt Á. Đáng chú ý, mặc dù nộp thêm 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả, nhưng bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) vẫn bị đề nghị không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Lĩnh 19 năm tù vì giết vợ để níu giữ tình yêu

Ngày 16/5, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Bùi Văn Nhuận (SN 1985), trú tại xã Miền Đồi (Lạc Sơn) về tội "giết người”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục