(HBĐT) - Ngày càng nhiều người "dính” vào tín dụng đen, hoạt động cầm đồ trá hình và mất tài sản, phải chạy trốn, sống trong lo âu, sợ hãi. Tín dụng đen "lan” vào cả CB, CC, VC, không ít người bị buộc thôi việc hoặc khai trừ khỏi Đảng. Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, gây bức xúc trong xã hội, tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT, vi phạm pháp luật.
Theo Công an tỉnh, toàn tỉnh hiện có 191 cơ sở
kinh doanh dịch vụ cầm đồ với 252 người làm nghề. Ngoài ra có khoảng 50 cửa
hàng đăng ký kinh doanh cho thuê xe ô tô, mô tô, tư vấn hỗ trợ tài chính. Đây
thực chất là hình thức kinh doanh cầm đồ trá hình, cho vay tiền không thế chấp.
Người vay chỉ cần giấy CMND, giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu, thẻ sinh viên… Chủ
cơ sở ép người vay tiền phải viết khống giấy nhận thuê xe với những nội dung bất
lợi khi xảy ra tranh chấp. Đây là thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt nhằm gắn
trách nhiệm hình sự cho người vay. Do vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ANTT, vi
phạm pháp luật.
Khách hàng của
dịch vụ này chủ yếu là nam thanh niên không có nghề nghiệp ổn định, chơi bời,
những người ham cờ bạc, lô đề, cá độ… Có cả học sinh, sinh viên, người lao động
nghèo, người kinh doanh buôn bán và cả CB, CC, VC. Có khoảng 80% cơ sở cầm đồ
biến tướng. Khi cho khách vay tiền, chủ cơ sở cắt luôn ẳ tiền lãi vào số tiền
vay. Sau đó, mỗi ngày khách phải trả số tiền nhất định trong 50 ngày để trả nợ
gốc. Hình thức này dễ nảy sinh tranh chấp, mâu thuẫn giữa 2 bên. Trong khi đó,
việc xử lý, ngăn chặn tình trạng kinh doanh cầm đồ biến tướng gặp nhiều khó
khăn do chủ cơ sở thường có hành vi che giấu, không xuất trình sổ, sách, giấy
tờ liên quan đến việc cho vay tiền. Người vay thường có tâm lý giấu giếm thông
tin.
Đáng chú ý có
nhiều đối tượng không đủ điều kiện đứng tên trong giấy chứng nhận đủ điều kiện
về ANTT do cơ quan công an có thẩm quyền cấp lách luật bằng cách thuê người
khác đứng tên. Số đối tượng này chủ yếu ở các tỉnh, thành: Hải Phòng, Hà Nội,
Quảng Ninh, Thanh Hóa… đến thuê người địa phương đứng tên các cửa hàng cầm đồ.
Sau đó tụ tập đông người, thuê nhiều đối tượng côn đồ, đi thu nợ. Khi phát sinh
nợ xấu, người vay không có khả năng trả, các đối tượng sẽ huy động đàn em ở
khắp nơi đến dùng dao, kiếm, mã tấu… để đe dọa, uy hiếp tinh thần, kể cả thủ
đoạn ném chất bẩn, chất thải vào nhà người vay và người thân của họ. Đây là nguyên
nhân phát sinh tội phạm, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân gây bức
xúc dư luận, ảnh hưởng đến an toàn xã hội.
Ngày 5/5/2017, Công an tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số
159 về việc tổng kiểm tra, rà soát đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ,
dịch vụ đòi nợ trên địa bàn tỉnh. Quá trình kiểm tra, các cơ sở thường đối phó,
thái độ không hợp tác như: đóng chặt cửa, tắt điện thoại, bố trí người không có
trách nhiệm làm việc… Trong 126 cơ sở đã kiểm tra, tổ công tác phát hiện 17 cơ
sở vi phạm các điều kiện về ANTT, tạm giữ 16 xe mô tô, 94 giấy đăng ký xe mô
tô, 12 giấy chứng nhận đủ điều kiện ANTT, thu giữ 2 kiếm, giáo mác. Tổ đã lập
biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 9 trường hợp với
trên 21,2 triệu đồng; đình chỉ hoạt động, tước giấy chứng nhận đủ điều kiện
ANTT trong 3 tháng đối với 1 cơ sở. Vi phạm chủ yếu của các cơ sở cầm đồ: nhận
cầm cố tài sản theo quy định tài sản đó phải có giấy tờ sở hữu nhưng không có;
nhận cầm cố tài sản nhưng không có hợp đồng theo quy định; cầm cố tài sản thuộc
sở hữu người khác mà không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang
tài sản đi cầm cố…
Điển hình như
cửa hàng cầm đồ Hiền Kiểu tại tổ 1, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) cầm cố 10 xe
mô tô nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký xe. Khách đến cầm đồ không phải
chủ sở hữu của 10 chiếc xe đó. Tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ xe để xác
minh nguồn gốc, chủ sỡ hữu hợp pháp. Tại cửa hàng cầm đồ 28 ở ki ốt số 37, chợ
Thái Bình, phường Thái Bình, tổ công tác phát hiện 18 giấy vay tiền của khách,
6 quyển sổ ghi chép có nội dung giao dịch vay tiền giữa khách và chủ cơ sở. Cơ
sở đã kinh doanh không đúng ngành, nghề trong giấy chứng nhận đủ điều kiện
ANTT.
Thực tế kiểm
tra cho thấy, khi Nghị định số 96, ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định điều
kiện về ANTT với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có hiệu lực
đã tạo hành lang pháp lý góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động
cầm đồ. Tuy nhiên, khó khăn là chưa có quy định cụ thể danh mục loại tài sản,
hàng hóa cầm cố phải có giấy chứng minh quyền sở hữu hợp pháp, chưa có tiêu
chuẩn cụ thể về kho chứa tài sản cầm cố. Trong khi đó, Công an một số huyện,
thành phố thực hiện công tác quản lý đăng ký hồ sơ chưa đúng quy định.
Để phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen và
siết chặt quản lý dịch vụ cầm đồ, theo đại tá Hoàng Duy Dũng, Trưởng phòng Cảnh
sát QLHC về TTXH, cần tăng cường phối hợp kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành
các quy định về điều kiện ANTT đối với các cơ sở. Kết hợp sử dụng các biện pháp
nghiệp vụ để đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các cơ sở cầm đồ trá hình, biến
tướng có biểu hiện hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Công an các huyện,
thành phố thực hiện nghiêm các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm định cấp
giấy chứng nhận đủ điều kiện ANTT. Không cấp đổi cho những cơ sở không đáp ứng
đủ điều kiện. Thu hồi giấy đối với các cơ sở sau ngày 1/1/2018 theo quy định
tại Nghị định số 96.
P.V