Lãnh thổ nhỏ bé Guam của Mỹ trở thành tâm điểm chú ý sau khi quân đội Triều Tiên đe dọa sẽ dùng tên lửa đạn đạo để tạo ra một lưới lửa vây quanh hòn đảo này.
Dưới đây chúng ta sẽ cùng xem xét khía cạnh quân sự của đảo Guam – hòn đảo trở thành lãnh thổ Mỹ vào năm 1898.
Cơ sở quân sự trên đảo
Có 2 căn cứ quân sự chính trên Guam: Căn cứ không quân Andersen ở phía bắc và căn cứ hải quân Guam ở phía nam. Cả hai căn cứ đều đặt dưới quyền quản lý của bộ chỉ huy liên hợp JRM.
Căn cứ hải quân có từ năm 1898, khi Mỹ tiếp quản Guam từ tay Tây Ban Nha sau cuộc chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ. Căn cứ không quân được xây vào năm 1944, khi Mỹ chuẩn bị điều máy bay ném bom sang Nhật Bản trong Thế chiến 2.
Ngày nay, căn cứ hải quân tại đây sở hữu 4 tàu hạt nhân tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân và hai tàu hỗ trợ tàu ngầm.
Căn cứ không quân Andersen có một phi đoàn trực thăng hải quân và các oanh tạc cơ không quân được luân chuyển đưa sang Guam từ đại lục Mỹ. Căn cứ này có 2 đường băng dài 3km và các kho đạn dược và nhiên liệu lớn.
Tổng cộng có 7.000 quân nhân Mỹ đồn trú trên đảo Guam. Đa phần là thủy thủ và lính không quân.
Quân đội Mỹ đang có kế hoạch đưa thêm hàng ngàn lính thủy quân lục chiến từ Okinawa (ở nam Nhật Bản) tới đảo Guam.
Vai trò của các căn cứ quân sự
Guam nằm ở vị trí chiến lược, cách bán đảo Triều Tiên một quãng bay ngắn. Đảo này cũng gần các điểm nóng tiềm tàng ở Đông Á. Đảo cách Seoul 3.200km về phía tây bắc, Tokyo 2.400km về phía bắc và Đài Bắc (Đài Loan) 2.700km về phía tây.
Căn cứ hải quân ở Guam là một tiền đồn quan trọng cho các tàu ngầm tấn công nhanh của Mỹ. Các tàu ngầm này là công cụ chính để Mỹ thu thập thông tin tình báo trong khu vực, bao gồm bán đảo Triều Tiên và vùng Biển Đông, nơi Trung Quốc xây dựng phi pháp nhiều đảo nhân tạo.
Mỹ dùng Guam để đối phó với Triều Tiên ra sao?
Quân Mỹ bắt đầu luân phiên đưa các máy bay ném bom, bao gồm oanh tạc cơ tàng hình B-2, cũng như máy bay B-1 và B-52, sang căn cứ Andersen vào năm 2004. Mỹ làm vậy để bù trừ cho lực lượng Mỹ bị rút khỏi một số căn cứ khác ở châu Á-Thái Bình Dương để tham chiến ở Trung Đông.
Việc luân chuyển này cũng để đáp trả việc Triều Tiên tăng cường đối đầu trong việc phát triển vũ khí hạt nhân.
Năm 2013, Lục quân Mỹ đã đưa một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Guam.
THAAD có nhiệm vụ tiêu diệt tên lửa đạn đạo của đối phương vào giai đoạn cuối của hành trình bay. Một tổ hợp THAAD bao gồm một bệ phóng đặt trên xe tải, radar theo dõi, các tên lửa đánh chặn và một hệ thống kiểm soát hỏa lực tích hợp.
Lịch sử quân sự của Guam
Mỹ giành quyền kiểm soát đối với Guam vào năm 1898, khi giới chức Tây Ban Nha đầu hàng hải quân Mỹ.
Tổng thống Mỹ William McKinley đã ra lệnh cho hải quân Mỹ quản lý hòn đảo này. Hải quân Mỹ đã sử dụng hòn đảo này làm căn cứ tiếp tế than và trạm liên lạc cho đến khi đảo bị Nhật Bản chiếm vào ngày 10/12/1941. Quân Mỹ tái chiếm đảo Guam vào ngày 21/7/1944.
Trong Chiến tranh Việt Nam, không quân Mỹ đã đưa 155 máy bay B-52 sang Andersen để từ đó xuất kích oanh tạc các mục tiêu ở Đông Nam Á. Guam cũng đóng vai trò một trạm tiếp nhiên liệu và trung chuyển quân nhân Mỹ gửi sang Đông Nam Á./.
(HBĐT) - Ngày 9/8, Huyện Lạc Thủy đã tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh (16/8/1947 – 16/8/2017).