1 - Với lão thành cách mạng - cụ Lê Thị Tâm, tôi là người may mắn khi mỗi lần đến đều được nghe kể những câu chuyện hoạt động cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa năm 1945. Đó là câu chuyện về những đoàn tù cộng sản ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), quá trình phát vãng lên Sơn La trong lúc dừng chân ở chợ Phương Lâm đã tranh thủ tuyên truyền lý tưởng cách mạng cho người dân. Hay câu chuyện về lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay giữa sông Đà trước ngày khởi nghĩa giành chính quyền.
Theo trí nhớ của cụ Tâm, thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, đời sống nhân dân TX Hòa Bình vô cùng cực khổ, lầm than. Đến năm 1945, sau khi hất cẳng Pháp, phát xít Nhật càng ra sức bóc lột nhân dân. Chúng bắt nhổ lúa trồng đay, trồng gai. Đời sống người dân càng trở nên cơ cực. Mặt khác, chúng tăng cường bắt bớ những người hoạt động cách mạng. Trước tình hình đó, đầu tháng 4/1945, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng tỉnh cùng chi bộ Đảng TX Hòa Bình mở đợt tuyên truyền mạnh mẽ trong quần chúng. Đồng thời vạch trần âm mưu, luận diệu lừa bịp của Nhật và bù nhìn tay sai.
Thực hiện chủ trương trên, Chi bộ Đảng TX Hòa Bình đã quyết định tổ chức cuộc treo cờ, rải truyền đơn trên địa bàn. Thời gian được ấn định vào ngày 12/4/1945, đúng phiên chính của chợ Phương Lâm nhằm tạo tiếng vang và ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh trong các tầng lớp nhân dân. Trong điều kiện vô cùng khó khăn nhưng những chiến sỹ cách mạng vẫn hăng hái tham gia rải truyền đơn, dán áp phích, kẻ khẩu hiệu phản đối địch và phân công nhau khâu cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm.
Có cờ, các chiến sỹ cách mạng đã chọn đường dây điện của địch bắc ngang sông Đà từ đỉnh đồi Ba Vành sang đỉnh đồi ông Tượng là nơi treo. Với sự mưu trí, sáng tạo, những chiến sỹ cộng sản đã treo lá cờ đỏ sao vàng được thêu bằng kim tuyến ra giữa sông trong mùa lũ. Lá cờ được treo hiên ngang bay trong gió đã làm cho binh lính Nhật và bè lũ tay sai bất lực trong việc tháo gỡ. Sau nhiều lần tìm cách gỡ lá cờ xuống bất thành, cuối cùng binh lính Nhật dùng súng trung liên bắn liên hồi mới hạ được lá cờ đỏ sao vàng ở giữa sông.
Không chỉ là câu chuyện về việc treo lá cờ đỏ sao vàng giữa trung tâm tỉnh lỵ trước ngày khởi nghĩa. Chúng tôi còn được cụ Tâm kể cho nghe nhiều câu chuyện về thời kỳ gây dựng phong trào cách mạng, vận động nhân dân đánh Tây của những chàng trai, cô gái mười tám, đôi mươi nơi núi rừng Hiền Lương - Tu Lý trong thời kỳ đầu cách mạng thành công.
2 - Câu chuyện về thời sôi nổi của ông Giang Hồng Phúc đến với tôi cũng là cơ duyên khi chúng tôi đi tìm nhân chứng sống cho thời kỳ đầu thành lập Trung đoàn 12 Hòa Bình.
Câu chuyện của ông bắt đầu từ khi là cậu bé mới 15 tuổi trở thành đội viên đội tự vệ của phố Khâm Thiên (Hà Nội). Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào 22h ngày 19/ 12/1946, cậu bé Giang Hồng Phúc đã tham gia chiến đấu như một "Quyết tử quân” ngay tại phố Khâm Thiên. Sau do thực dân Pháp với trang bị phương tiện vũ khí hơn hẳn đã tập trung tấn công dồn dập, buộc những "cảm tử quân” rút khỏi Thủ đô hoa lệ. Đơn vị của Giang Hồng Phúc được sáp nhập vào Tiểu đoàn 145 thuộc Trung đoàn 48 Thủ đô, rồi được lệnh lên đường đi Tây Tiến. Lúc này đơn vị của ông chuyển thành Tiểu đoàn 164. Khi lên Hòa Bình, Tiểu đoàn 164 đã nhập vào Trung đoàn 52 Tây Tiến, đóng quân ở xóm Vó, xã Thượng Cốc (Lạc Sơn). Tại đây, ông được tham gia nhiều trận đánh. Điển hình là trận đánh chặn địch ở dốc Cun nhằm phá tan âm mưu tấn công theo đường 12 qua Bưng, Bằng vào Lạc Sơn. Trận này địch có khoảng 1 trung đội có xe tăng đi đầu. Trận này tuy không gây tổn thất nhiều cho địch nhưng đã buộc chúng phải rút chạy, từ bỏ âm mưu tiến đánh vào Lạc Sơn theo đường 12.
Sau này, khi Trung đoàn 52 Tây Tiến rút về đồng bằng, ông Phúc đã ở lại tham gia xây dựng, củng cố LLVT tỉnh và trở thành một trong những người đầu tiên của Trung đoàn 12 Hòa Bình, là cán bộ tiểu Ban Tác huấn có nhiệm vụ vừa chỉ đạo huấn luyện, vừa chỉ đạo chiến đấu.
3 - Không giống như ông Giang Hồng Phúc, thời trẻ, ông Nguyễn Quốc Sự ở xóm Dụ 7, xã Mông Hoá (Kỳ Sơn) là bộ đội chủ lực. Thời kỳ chiến dịch Hòa Bình, ông là lính của Trung đoàn 320 được phân công phụ trách tham gia chiến dịch Hòa Bình. Địa bàn chiến đấu chủ yếu ở Kỳ Sơn, dọc theo tuyến đường 6. Ngày 10/12/1951, ta bắt đầu mở màn chiến dịch Hòa Bình. Cùng với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đã tổ chức đánh địch dọc tuyến đường 6. Tại đây, bằng vũ khí thô sơ, hỏa lực hạn chế nhưng đã có những trận đánh làm quân Pháp phải kinh hồn bạt vía. Ngoài những trận đánh trên, trong thời gian diễn ra chiến dịch Hòa Bình, đơn vị của ông còn phối hợp với dân quân huyện Kỳ Sơn quấy rối địch ở nhiều vị trí như Đồng Bến, Gò Bùi, tổ chức gài mìn, bắn tỉa, bẻ gãy nhiều đợt càn quét của địch. Trong đó trận đánh ở vị trí từ đồi Dụ, cầu Mè đến Hang Nước trong ngày 23/2/1952 là một trong những trận đánh điển hình. Tại vị trí này, chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, đơn vị ông đã phối hợp cùng du kích và bộ đội địa phương tổ chức phục kích, tiêu diệt 1 tiểu đoàn giặc, phá hủy 34 xe quân sự.
Trong những trận đánh ở khu vực đồi Dụ, cầu Mè không thể không kể đến chiến công của bà Nguyễn Thị Hạnh ở xóm Vành, xã Mông Hoá, nguyên là chiến sỹ Đại đội 16 Kỳ Sơn năm xưa. Bà là người đã dùng lựu đạn tiêu diệt chiếc xe cơ giới đầu tiên của địch trong trận phục kích tại cầu Mè. Chiến công này góp phần tiêu diệt được 34 chiếc xe cơ giới và hàng chục tên lính âu - Phi ngay trên tuyến giao thông huyết mạch.
Trải qua thời gian trên 70 năm, khi sức khỏe đã cạn, trí nhớ giảm sút nhiều nhưng với họ, ký ức về một thời thanh niên sôi nổi đánh Tây vẫn vẹn nguyên, đầy tự hào. Bởi từ trong gian khó, trong chiến đấu họ đã trưởng thành và trở thành nhân tố trong tiến trình lịch sử đấu tranh cách mạng của xứ Mường.
Mạnh Hùng