(HBĐT) - Từ ngày 1/1/2018, 10 luật có hiệu lực thi hành. Sau đây là khái quát những nội dung chính của các luật này.
1. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH 13 đã sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng giới hạn trong 28 tội danh cụ thể được liệt kê tại Bộ luật; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội đối với 2 tội danh là "tội giết người” và "tội cướp tài sản”; sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội; bỏ tội danh "cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông”; bổ sung "tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp”.
2. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự.
3. Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành tạm giữ, tạm giam; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành tạm giữ, tạm giam.
4. Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự bổ sung quy định về Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (cấp bộ), Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (cấp tỉnh). Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra để tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng này làm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và tội phạm trên biển trong tình hình hiện nay.
5. Luật Trợ giúp pháp lý quy định chỉ thực hiện trợ giúp pháp lý đối với 3 hình thức: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng mà không quy định "các hình thức trợ giúp pháp lý khác’‘, tránh tình trạng lạm dụng, thực hiện dàn trải, gây lãng phí nguồn lực dành cho trợ giúp pháp lý.
6. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định: Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập, thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo (theo trình tự, thủ tục luật định) tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.
7. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa quy định: Hỗ trợ chung cho DN nhỏ và vừa bao gồm: về tín dụng; thuế, kế toán; mặt bằng sản xuất; công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; mở rộng thị trường; thông tin, tư vấn và pháp lý; phát triển nguồn nhân lực.
DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ nếu đáp ứng các điều kiện: Có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu; chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần.
8. Luật Quản lý ngoại thương quy định: Hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau bị áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu: Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép nhập khẩu của cơ quan Nhà nước; gây nguy hại đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng; gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục; gây nguy hại đến môi trường, đa dạng sinh học, có nguy cơ cao mang theo sinh vật gây hại, đe dọa an ninh lương thực, nền sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hàng hóa bị cấm xuất khẩu trong các trường hợp: Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép xuất khẩu của cơ quan Nhà nước; bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
9. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định về quản lý Nhà nước đối với tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.
10. Luật Du lịch sửa đổi quy định: Các tổ chức, cá nhân kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng từ 1 - 3 sao; hạng 4 và 5 sao do Tổng cục Du lịch thẩm định, công nhận.
Mai Huệ (Sở Tư pháp) (tổng hợp)