Thiếu tướng Bùi Đình Phái, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 141, Sư đoàn 2 năm xưa từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên kể về những trận đánh ác liệt.
Chiến thắng của những chiến sĩ quả cảm
Nhập ngũ tháng 12/1970, khi đó ông Phái đang ở tuổi 17, gác lại bao ước mơ, hoài bão lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Sau thời gian huấn luyện tại Sư đoàn 320, ông được chuyển sang Sư đoàn 2, hành quân vào chiến trường Kon Tum (Tây Nguyên), trận chiến đấu mở màn là trận đánh ác liệt Ngọc Hồi – Đắc Tô – Tân Cảnh. Đây cũng là tuyến phòng thủ mạnh nhất của địch chặn đứng đường vào thị xã Kon Tum, cách đó chừng 40 km. ông Phái nhớ lại: "Để chọc thủng phòng tuyến đó, không ít đồng đội đã phải nằm lại chiến trường vì hỏa lực của địch. Thế nhưng, ý chí và lòng tự tôn về độc lập dân tộc không cho phép bất cứ ai trong chúng tôi lùi bước. Sư đoàn 2 và Sư đoàn 10 chiến đấu không nghỉ. Được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ bắn hạ xe tăng địch, tôi với khẩu B41 trong tay đã bắn cháy chiếc xe tăng M113 của địch góp phần cùng quân ta đánh tan phòng tuyến mà quân địch tự hào”.
Chiến thắng trận đó, người đồng đội cùng chiến đấu với ông là đồng chí Hoàng Việt Cường, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, chiến sĩ Trung đoàn 66, Sư đoàn 10 bị thương và trở ra Bắc để điều trị. ông cùng đồng đội lập chiến công và bắt sống đại tá Vi Văn Bình, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 22 Mỹ - Ngụy cùng hơn 1.000 tù binh, thu được nhiều vũ khí, tư trang. Tiếp tục củng cố lực lượng sau chiến thắng, các chiến sĩ tập trung đào hầm ban ngày, làm đường ban đêm để xe tăng của ta tiến vào đánh chiếm thị xã Kon Tum đang bị địch đóng giữ.
Những con người "thép” tạo nên chốt chặn tự hào
Nhắc đến trận chiến năm đó, không thể quên được lực lượng làm nhiệm vụ chốt chặn, cắt đường chi viện vũ khí, đạn dược, lương thảo của địch. Đó là Trung đoàn 95 thuộc Sư đoàn 10 của ông Bùi Tuấn Hải đã phối hợp cùng Trung đoàn 631 làm nhiệm vụ trấn giữ con đường tiếp tế độc đạo của địch. ông Hải nhớ lại: "Tôi đã từng chiến đấu 5 trận đánh ác liệt ở Tây Nguyên từ năm 1972 - 1978. Việc chặn đứng đường tiếp tế của địch đã giúp các chiến sĩ của ta chiến thắng trận mở màn Ngọc Hồi - Đắc Tô – Tân Cảnh ác liệt năm đó”. Đơn vị của ông Hải và Trung đoàn 631 đã chiến đấu anh dũng, sáng tạo, tạo thế gọng kìm chắc chắn, khiến quân địch thất bại nhiều lần khi định đưa quân tiến đánh hòng cắt đứt chốt chặn của ta để chuyển lương thảo, khí giới. Trận thứ nhất và trận thứ hai diễn ra trên đồi thông thuộc núi Chư Thoi, Pleiku (Tây Nguyên), quân ta đẩy lùi 6 đại đội của địch. Sau trận thứ hai với chiến công tiêu diệt hơn chục tên địch, ông Hải được kết nạp Đảng và chuyển sang phụ trách quân khí giới của tiểu đoàn. ông Hải tâm sự: "ác liệt nhất là trận thứ ba ở núi Chứ Rệp, quân địch đông, hỏa lực mạnh, chúng tôi đã chống trả quyết liệt khiến địch không thể di chuyển để tiếp tế. Bên cạnh đó, nhiều đồng đội của ta đã ngã xuống mang lại chiến thắng cho lực lượng kháng chiến”.
Giờ đây, điều khiến ông Hải vẫn rưng rưng mỗi khi nhắc đến là người lính đồng hương tên Đỗ Cao Cường. "Chúng tôi may mắn thoát chết một lần, đó là lúc 2 chúng tôi chiến đấu cùng đơn vị ở điểm chốt chặn. Đang trú ẩn dưới hầm uống chén nước lá cây bỗng địch bắn pháo bất ngờ đúng nơi chúng tôi trú ngụ may thay quả pháo đó không phát nổ”, ông Hải nhớ lại. Nhưng sau đó trong lúc chiến đấu, anh Cường đã hy sinh.
Ký ức về cuộc chiến vẫn còn trong tâm trí của ông Hải. Nay thôi thúc ông cùng Ban liên lạc tích cực tìm đồng đội đã hy sinh, giúp đỡ thân nhân các liệt sĩ. Đến nay, đã tìm được 320 người lính của mảnh đất Hòa Bình trong danh sách chiến đấu năm ấy đã ngã xuống. Trong đó, 232 hài cốt đã tìm được địa chỉ và 20 hài cốt trong số đó được ông cùng các đồng đội đưa họ về với quê hương. ông Hải luôn tâm niệm rằng: "Đã là đồng đội thì tình nghĩa luôn nằm trọn trong tim mỗi người lính”.
Thanh Sơn