Đội tuyên truyền xã Toàn Sơn (Đà Bắc) tuyên truyền pháp luật về hôn nhân - gia đình bằng hình thức sân khấu hóa.
10 năm gắn bó với nghề, chị Đinh Thị Quyến, cán bộ Chi nhánh Trợ giúp pháp lý (TGPL) huyện Đà Bắc có nhiều chuyến đi TGPL cho bà con các xóm, bản trong huyện. Chị Quyến chia sẻ: Làm công tác tuyên truyền pháp luật ở huyện có thể nói khó khăn nhất là về giao thông. Địa bàn huyện có xã vùng lòng hồ, vùng cao, giao thông bằng cả đường thủy và đường bộ, đường sá nhiều nơi chưa được đầu tư, nhất là ở các xóm vùng sâu, vùng xa nên đi lại hết sức khó khăn. Có những xóm phải để xe máy ở đường chính đi bộ vào vài km. Mỗi chuyến đi ngắn thì một ngày, nhiều thì ngủ lại 1 - 2 đêm ở bản. Khó khăn là vậy nhưng khi đến với bà con, được bà con tiếp đón nhiệt tình, các buổi tuyên truyền, tư vấn, trợ giúp được đông đảo bà con đến dự giúp chúng tôi có thêm động lực, tích cực hơn với hành trình của mình.
Mỗi năm, Chi nhánh TGPL huyện Đà Bắc phối hợp tổ chức trên 10 đợt đi tư vấn, trợ giúp pháp luật. Địa bàn hướng đến các xóm, bản vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn, nơi bà con chưa có nhiều cơ hội, điều kiện tiếp cận kiến thức pháp luật, hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Niềm động viên lớn với những người làm công tác tuyên truyền pháp luật của huyện là các buổi tuyên truyền đều thu hút đông đảo bà con tham dự, nhu cầu tư vấn, trợ giúp cao, nhiều người hỏi và yêu cầu được tư vấn. Những vấn đề bà con hỏi là những việc xảy ra trong gia đình, làng bản, gắn bó thiết thực với cuộc sống người dân như về hôn nhân - gia đình, đất đai, mâu thuẫn do xâm canh, xâm cư… Đôi khi là những việc rất đời thường nhưng do không nắm được pháp luật nên không biết xử lý ra sao. Do nhận thức hạn chế, nhiều người muốn hỏi nhưng không biết phải trình bày thế nào, diễn đạt không rõ ràng... Vì vậy, mỗi cuộc tư vấn trở thành cuộc trò chuyện, giải thích, cung cấp thông tin cho người dân về quy định của luật pháp, giúp họ hiểu và làm đúng luật. Năm 2017, Chi nhánh phối hợp TGPL lưu động tại 17 điểm thuộc các xã: Tiền Phong, Vầy Nưa, Tân Minh, Tân Pheo, Yên Hoà, Đồng Ruộng, Đồng Nghê, Mường Chiềng với trên 1.000 lượt người tham dự, tư vấn 382 việc. Từ đầu năm đến nay tổ chức TGPL 2 đợt tại 3 điểm thuộc 6 xóm của các xã: Tân Minh, Hào Lý, Tu Lý, thu hút trên 200 lượt người tham dự, tư vấn, trợ giúp khoảng 20 vụ việc.
Cùng với hoạt động TGPL, tư vấn pháp luật, huyện còn đa dạng hình thức tuyên truyền, phát huy vai trò của các ngành, hội, đoàn thể, thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) huyện để tổ chức, thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Phát động các đợt tập trung cao điểm tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành pháp luật theo từng nội dung, chủ đề như: phòng, chống ma tuý, mại dâm, an toàn lao động, an toàn giao thông, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng... Năm 2017, huyện đã tổ chức 143 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL cho trên 41.900 lượt người. Phòng Tư pháp huyện với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện phát huy vai trò kết nối, phối hợp với các ngành thành viên Hội đồng tích cực đưa pháp luật về cơ sở. Trong năm qua, Phòng đã phối hợp với các ngành, đoàn thể huyện, các chương trình, dự án hỗ trợ pháp lý và tuyên truyền PBGDPL về những thông tin cơ bản nhất của Luật Đất đai, Luật Hôn nhân - Gia đình cho nhóm cộng đồng tự quản tại 2 xã Toàn Sơn, Tiền Phong, thu hút 100 lượt người tham dự; phối hợp với Viện Tư vấn phát triển KT-XH nông thôn và miền núi (CISDOMA) tổ chức truyền thông về "Quyền của phụ nữ trong tiếp cận đất đai” tại nhà văn hoá các xóm”: Sưng, Lanh, Sèo và Trung tâm học tập công đồng xã Cao Sơn với 288 lượt người tham dự...
Với phương châm đa dạng hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, những người làm công tác tuyên truyền, PBGDPL ở vùng cao Đà Bắc không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn, tạo điều kiện để người dân nắm bắt thông tin pháp luật từ nhiều nguồn, nhiều kênh, từng bước nâng cao ý thức, hiểu biết pháp luật, giảm bớt những hành vi vi phạm pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống.
Hà Thu