Ngày 16/5, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Thanh Hải (sinh năm 1966, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a-Bộ luật Hình sự năm 2015.


Bị cáo Phạm Thanh Hải tại phiên tòa. (Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN)

Phiên tòa có 5 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Phạm Thanh Hải và hơn 100 bị hại đến tham dự. 


Theo cáo trạng, Công ty cổ phần thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (viết tắt là Công ty IDT) do Phạm Thanh Hải là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty. 

Sau khi thành lập, Công ty IDT hoạt động kinh doanh trên mạng Internet nhưng không hiệu quả. Do cần tiền để chi phí và phục vụ mục đích cá nhân nên từ năm 2008, Phạm Thanh Hải bắt đầu tổ chức hoạt động huy động vốn cho cá nhân. 

Mặc dù huy động vốn cho cá nhân nhưng tất cả các hoạt động giới thiệu, quảng bá để thu hút các nhà đầu tư biết đến Hải và góp vốn cho Hải đều được Hải thực hiện thông qua Công ty IDT, với danh nghĩa công ty và tại trụ sở của Công ty IDT. 

Cụ thể, Hải đứng ra tổ chức các cuộc hội thảo, thành lập trang mạng xã hội "hoclamgiau.vn"; Hải tự giới thiệu bản thân là tiến sỹ, có nhiều kinh nghiệm kinh doanh tại Liên Xô (cũ), là người có tài đầu tư, kinh doanh... 

Công ty IDT do Hải là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây "tỷ đô"... nhằm quảng bá thu hút nhiều người biết đến Công ty IDT và đầu tư cho các dự án đó. 

Để tạo niềm tin, bị cáo Phạm Thanh Hải đưa ra các hợp đồng với lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng, cắt lãi ngay khi nộp tiền (mặc dù chưa có hoạt động kinh doanh), đồng thời Hải khuyến khích việc mở rộng mạng lưới huy động vốn bằng cách chi từ 2-10% tiền thưởng kết nối, môi giới cho mỗi hợp đồng mới. 

Ngoài việc ký kết giữa các cá nhân với Hải, trong hợp đồng Phạm Thanh Hải còn ký sử dụng con dấu của Công ty IDT với tư cách là Tổng Giám đốc Công ty IDT để các nhà đầu tư tin tưởng việc huy động vốn là cho Công ty IDT mà đại diện là Tổng Giám đốc Phạm Thanh Hải. 

Bằng thủ đoạn trên, trong vòng 1 năm (từ tháng 10/2014 đến tháng 10/2015), bị cáo Phạm Thanh Hải đã huy động được số tiền rất lớn từ các nhà đầu tư lên đến trên 2.725 tỷ đồng. 

Sau khi có tiền, Hải sử dụng số tiền này vào mục đích cá nhân chủ yếu là cho vay, thanh toán gốc và lãi cho những hợp đồng đến hạn, chi thưởng kết nối, chi phí tổ chức các cuộc hội thảo, tham quan, du lịch quảng bá dự án... để tiếp tục mở rộng mạng lưới huy động vốn của nhiều người. 

Trong số tiền trên 2.700 tỷ đồng này, Hải chỉ sử dụng một phần số tiền huy động được để góp vốn với danh nghĩa cá nhân vào một số công ty, dự án (114 tỷ đồng). 


Kết quả điều tra xác minh các dự án mà Hải góp vốn này đều mới thành lập, hoạt động không hiệu quả, không có khả năng sinh lợi nhuận cao như Hải hứa hẹn với các nhà đầu tư và đều không phải là dự án của Công ty IDT như Hải đã cam kết trong hợp đồng với các nhà đầu tư. 

Theo Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội, mặc dù huy động vốn với số lượng tiền lớn, của rất nhiều người nhưng Hải không quản lý việc thu, chi tiền theo sổ sách kế toán; không nắm được số tiền đã huy động, số nhà đầu tư góp vốn...

Để có tiền chi trả tiền gốc và lãi cho các hợp đồng đến hạn, Hải phải tiếp tục dùng thủ đoạn nêu trên để huy động tiền góp vốn nhằm đảm bảo việc thanh toán đúng hẹn, tránh bị đổ vỡ, không bị các nhà đầu tư phát hiện Hải không có khả năng chi trả tiền gốc và lãi, không để các nhà đầu tư tố cáo với cơ quan pháp luật. 

Trong vụ án này, tổng số người bị hại đã đến khai báo tại cơ quan điều tra là 508 người với số tiền chiếm đoạt là hơn 476 tỷ đồng. Tổng số tiền của các bị hại đề nghị được bồi thường theo hợp đồng thỏa thuận là hơn 594 tỷ đồng. 

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 1 tuần./.

 

 

                  Theo Vietnamplus

Các tin khác


Xây dựng cơ chế để ''hiệp sỹ đường phố'' chống trộm cướp

"Tội phạm hiện nay rất manh động, liều lĩnh, sắn sàng dùng vũ khí nóng để chống trả nên nếu cứ để các hiệp sỹ "đơn độc”, không có cơ chế phối hợp với lực lượng công an thì hiểm nguy rất lớn”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nói.

Xét xử vụ tai biến chạy thận khiến 8 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh

(HBĐT) - Theo chương trình công tác, sáng nay ngày 15/5, TAND Thành phố Hòa Bình mở phiên tòa xét xử vụ tai biến y khoa khi chạy thận khiến 8 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, nguyên Giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh), bị truy tố về tội "Vô ý làm chết người”; bị cáo Trần Văn Sơn (SN 1990, nguyên cán bộ phòng Vật tư, trang thiết bị y tế) và Bác sỹ Hoàng Công Lương (SN 1986, nguyên Bác sỹ khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cùng bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cảnh sát vây bắt nghi can đâm chết 2 hiệp sĩ ở Sài Gòn

Trinh sát lần theo dấu vết từng nghi can, xác định một tên đang lẩn trốn tại quận Gò Vấp, kẻ còn lại cũng bị bắt.

Khẩn trương truy xét các đối tượng đâm tử vong 2 "hiệp sỹ" đường phố

Ngày 14/5, Công an Quận 3 phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương truy xét nhóm tội phạm táo tợn, đâm tử vong hai "hiệp sỹ” đường phố tối 13/5.

Khởi tố 5 bị can là Bác sĩ và điều dưỡng viên BVĐK tỉnh về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

(HBĐT) - Ngày 11/5, Cơ quan CSĐT (PC44) Công an tỉnh đã ra Quyết định khởi tố 5 bị can là Bác sĩ và điều dưỡng viên BVĐK tỉnh về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ba "hiệp sĩ" bị nhóm trộm cướp đâm tử vong

Ngày 14-5, Công an quận 3 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, đơn vị này đang khẩn trương phối hợp các phòng nghiệp vụ của Công an Thành phố, tiến hành điều tra, truy xét một nhóm trộm cướp sử dụng hung khí, đâm ba người dân tử vong khi bị truy bắt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục