Tự "vẽ” cho mình trở thành nhân vật quan trọng, có mối quan hệ rộng, quen biết với lãnh đạo nhiều sở, ngành các địa phương trong và ngoài tỉnh, Nguyễn Thị Bình đã lừa xin việc cho gần 100 người với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Niềm tin mù quáng
Trong phiên toà xét xử các bị cáo Nguyễn Thị Tăng (SN 1958), trú tại tổ 25, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình); Nguyễn Thị Minh Tâm (SN 1962), trú tại xã Quy Hậu (Tân Lạc) và Nguyễn Thị Bình (SN 1979), trú tại phố Ngọc, xã Trung Minh (TP Hòa Bình) - nguyên là cán bộ công tác tại Thanh tra tỉnh cùng đồng bọn phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, có một điểm chung là nhiều người trở thành nạn nhân của các đối tượng này. Nếu như ở vụ án của Nguyễn Thị Tăng chỉ có 21 nạn nhân thì trong vụ án của Nguyễn Thị Bình và đồng bọn có gần 90 nạn nhân bị các đối tượng lửa đảo. Đáng nói, trong các vụ việc này, các đối tượng đều sử dụng một "kịch bản” là gặp gỡ, làm quen và đưa thông tin bản thân có quen biết với nhiều lãnh đạo ở nhiều bộ, ngành Trung ương hoặc sở, ban, ngành các tỉnh. Qua đó, các đối tượng tự nhận có thể lo được cho người có nhu cầu xin việc tại các ngành Y tế, Giáo dục, Công an... với mức chi phí từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/ suất. Như Nguyễn Thị Tăng dùng thủ đoạn lừa có khả năng xin được vào biên chế với chi phí từ 70 - 200 triệu đồng/suất. Nguyễn Thị Bình tự nhận có thể lo được cho người có nhu cầu xin việc với chi phí từ 140 - 300 triệu đồng/suất. Các đối tượng đã lừa đảo hàng chục người với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Ông Triệu Phúc Vinh ở xóm Tằm, xã Cao Sơn (Đà Bắc) là một trong những nạn nhân của Nguyễn Thị Bình cho biết: Gia đình tôi hoàn cảnh khó khăn, mong muốn con cái có việc làm ổn định. Qua giới thiệu của một số người, sau đó tôi đã gặp trực tiếp và được Nguyễn Thị Bình, lúc đấy là cán bộ công tác tại Thanh tra tỉnh. Giới thiệu bản thân là người có mối quan hệ rộng nên có thể xin được việc cho cháu, tôi đã vay mượn 120 triệu đồng để nhờ Nguyễn Thị Bình "lo” cho cháu vào công tác trong ngành Giáo dục. Không ngờ, sự việc lại ra nông nỗi này. Đây là số tiền rất lớn chúng tôi vay mượn, bây giờ không biết làm thế nào để có thể trả được. Còn ông Đinh Công Thưởng ở đội 4, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai (Hà Nội) thì cay đắng: Do tin tưởng vào những lời hứa của Nguyễn Thị Bình là có thể xin được việc cho con trai là Đinh Hoàng Lâm nên gia đình đã đi vay mượn ngân hàng để lo liệu. Tôi đã đưa cho Nguyễn Thị Bình 100 triệu đồng. Đến nay vẫn chưa đòi lại được.
Cũng giống như gia đình ông Vinh, ông Thưởng, gia đình ông Phạm Văn Chúc ở thôn Tân Thành, xã Cố Nghĩa (Lạc Thuỷ) cũng đã tin tưởng và giao cho Nguyễn Thị Bình 160 triệu đồng để xin việc cho con, nhưng sau 3 năm đến nay số tiền này vẫn chưa đòi lại được. Con ông thì vẫn ở nhà vì chưa xin được việc làm. Trong khi đó, với nguồn sống chính là sản xuất nông nghiệp, gia đình ông cố lắm cũng chỉ đủ trả lãi ngân hàng số tiền đã vay để "chạy” việc cho con.
Trong gần 100 nạn nhân của Nguyễn Thị Bình và đồng bọn, người ít cũng vài chục triệu đồng, người nhiều thì vài trăm triệu đồng. Từ đó, đưa tổng số tiền Nguyễn Thị Bình và đồng bọn chiếm đoạt của các nạn nhân lên đến hàng chục tỷ đồng. Trong đó, riêng Nguyễn Thị Bình đã lừa đảo, chiếm đoạt của các nạn nhân gần 20 tỷ đồng. Hành vi này của Nguyễn Thị Bình và đồng bọn đã đẩy nhiều gia đình vốn có hoàn cảnh khó khăn lại càng trở nên khó khăn với món nợ "xấu”.
Câu chuyện về những chiếc "bánh vẽ” được hé lộ
Trong vụ án của Nguyễn Thị Tăng cùng đồng bọn, tại phiên toà xét xử, đối tượng này khai nhận đã dùng thủ đoạn lừa một số người về việc mình có khả năng xin được vào biên chế làm việc tại một số ngành như Y tế, Giáo dục, Công an. Cùng với đó, Nguyễn Thị Tăng còn trao đổi với Nguyễn Thị Minh Tâm tìm xem ai cần xin việc làm thì gom tiền và hồ sơ cho Tăng để thống nhất ăn chia % với nhau. Nghe theo Nguyễn Thị Tăng, Nguyễn Thị Minh Tâm đã tìm gặp một số người và đưa các thông tin như Tăng nói. Sau đó, Tâm đã nhận 21 hồ sơ. Ngoài ra, do tin tưởng những thông tin mà các đối tượng nói là thật, nên nhiều người đã gặp trực tiếp hoặc thông qua người trung gian đưa tiền cho Nguyễn Thị Tăng để xin việc cho 40 trường hợp với tổng số tiền 3,154 tỷ đồng. Số tiền này Tăng đã sử dụng vào mục đích cá nhân. Đến nay, Nguyễn Thị Tăng đã trả lại 415 triệu đồng, còn chiếm đoạt 2,739 tỷ đồng. Nguyễn Thị Minh Tâm đã nhận hồ sơ xin việc của 21 người với tổng số tiền 1,84 tỷ đồng.
Với cái "mác” là cán bộ công tác tại Thanh tra tỉnh, Nguyễn Thị Bình đã tự "vẽ” cho mình trở thành nhân vật quan trọng, có mối quan hệ rộng, quen biết với lãnh đạo nhiều sở, ngành các địa phương trong và ngoài tỉnh, có thể và có khả năng xin được việc cho người có nhu cầu. Tại phiên toà xét xử, Nguyễn Thị Bình thừa nhận: Khi gặp gỡ những người có nhu cầu xin việc đã đưa thông tin về việc bản thân có quen biết nhiều lãnh đạo cấp bộ, sở, ban, ngành các tỉnh. Do vậy, có thể lo được cho người có nhu cầu xin việc. Cùng với đó, Nguyễn Thị Bình cũng "rỉ” tai với những người đến nhờ xin việc trở thành chân rết cho Bình trong việc dụ dỗ, lừa phỉnh người khác để đưa tiền cho Bình. Đáng nói, Nguyễn Thị Bình khai nhận: Toàn bộ số tiền của các nạn nhân dùng để chi tiêu cá nhân và hầu đồng trong mấy năm liền.
Những vụ việc lừa đảo nêu trên dù thủ đoạn không mới, nhưng vẫn còn nhiều người mê muội tin theo. Đây là bài học đắt giá cho những người còn có một niềm tin mù quáng vào những người như Nguyễn Thị Tăng, Nguyễn Thị Bình để rồi nhận những quả đắng về mình...
M.H