Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh, người có gần 10 năm làm việc và chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử vẫn còn nhớ như in những ký ức gian khó, nhưng rất đỗi vinh quang, hào hùng những ngày mở đường, đánh địch. Ông kể: Mở đường, giữ đường gian khổ vô cùng. Hành quân đi không tiếng, nấu không khói. Đi đến đâu người đi sau phải lấp lá xóa dấu vết, đào bếp Hoàng Cầm để nấu ăn. Đơn vị bảo vệ suốt từ dốc Thơm, đến sông Bạc, đèo 5 đến ngã ba Đông Dương. Ác liệt nhất là từ năm 1967 - 1972, Mỹ tập trung đánh phá, hủy diệt đường Trường Sơn. Bom đạn dội xuống không biết bao nhiêu mà kể, cứ 15 phút quân thù oanh kích 1 trận. Lúc bấy giờ, mở đường chỉ vừa bánh xe đi, đi bằng 2 đèn rùa, bộ đội đứng trên làm cọc bảo hiểm, xi nhan cho xe đi. Xe đi cũng tính bằng phút. Nếu xe vượt quá thời gian, bộ đội phải cho người và hàng hóa xuống để nổ mìn, đánh bật xe xuống vực sâu. Vì nếu chỉ chậm một chút, thì bom dội chết và thiệt hại cả đoàn.
Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh ôn lại những kỷ niệm ngày mở đường Trường Sơn.
Thời điểm Mỹ đánh phá ác liệt nhất vào năm 1968. Thời ấy, các loại bom, chất độc rải trắng rừng, bom bi, bom từ trường luôn đe dọa mạng sống bộ đội và thanh niên xung phong. Cũng trong gian khó có rất nhiều cách làm sáng tạo của bộ đội xử lý thông đường. Bộ đội ta vừa chiến đấu đánh trả máy bay, biệt kích của địch và lấy bom địch để phá đá, mở đường cho xe ta đi. Trung tá Ba kể: Vào năm 1970, khi có 1 quả bom khoảng 50 kg, ông vận động anh em khênh quả bom đặt vào chỗ ách tắc kích hoạt để bom địch đánh bay đất, thông đường cho xe ta đi. Sau trận đó, ông Ba được trao tặng Huân chương Chiến công... Trong các năm chiến trường ác liệt từ 1964 -1966, bộ đội ta hy sinh vì sốt rét cũng nhiều. Năm 1967 hy sinh do bom đạn vì Mỹ mở rộng leo thang chiến tranh, đánh bom hủy diệt tuyến đường. Hầu như 6 tháng mùa khô, bộ đội ta không bao giờ được ngủ trọn vẹn cả một đêm, cứ chập tối hành quân đi mở đường, thông đường đến tờ mờ sáng về chỗ đóng quân. Lúc bấy giờ, chỉ mong ngủ một đêm thoải mái là phấn khởi. Rồi mưa rừng, sốt rét, thiếu thốn cùng cực, ấy vậy mà tinh thần bộ độ vẫn rất lạc quan, kiên cường, mục tiêu giữ đường, mở đường là quan trọng hơn hết.
16 năm thực hiện nhiệm vụ chiến lược chi viện cho các hướng chiến trường, lực lượng cầu đường của bộ đội Trường Sơn với 4 sư đoàn công binh và 1 vạn thanh niên xung phong đã không quản ngại hy sinh, vất vả, kiên cường bám trụ làm nên một hệ thống giao thông vĩ đại gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang với hơn 17.000 km đường xe cơ giới.
Biết rõ đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là con đường chiến lược nối liền Nam - Bắc, nên Mỹ quyết tâm đánh phá. Nước Mỹ đã chi tiêu hàng tỷ đô la để hòng bóp nghẹt đường mòn Hồ Chí Minh. Nhưng đường Trường Sơn vẫn tồn tại, được nhận định là trận đồ bát quái trong rừng rậm, như con rắn nhiều đầu, đánh đầu này, mọc đầu khác, không thể hủy diệt.
60 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của trung tá Nguyễn Tài Ba cùng những đồng đội vẫn luôn tự hào về những năm tháng đầy gian khó được cống hiến và hy sinh trên chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - biểu tượng của ý chí, khát vọng cao đẹp của dân tộc Việt Nam.
Lê Chung