Hiện trường 620kg khẩu trang bị cơ quan chức năng phát hiện tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Như Lao Động đã đưa tin, chiều 22.2, Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, mới đây đơn vị đã kiểm tra, phát hiện đối tượng thu gom hơn 620kg khẩu trang, vật tư y tế đã qua sử dụng ở Vĩnh Phúc để mang về Hà Nội tập kết. Sự việc được phát hiện khi công an kiểm tra một ngôi nhà tại thôn Đa Hội, xã Bắc Sơn.
Tiến hành xác minh, cơ quan công an xác định Nguyễn N (sinh năm 1996 trú tại Phổ Yên, Thái Nguyên) là người đã thu mua số khẩu trang trên với giá 840.000 đồng rồi mang về cất giấu tại thôn Đa Hội.
Sau khi bị triệu tập tại cơ quan công an, Nguyễn N phủ nhận việc tái chế khẩu trang để bán ra thị trường. Người này cho biết vì lợi nhuận nên đã thu mua số khẩu trang và thiết bị y tế đã qua sử dụng về để phân tách và tạo hạt nhựa. Về nguồn gốc số khẩu trang và rác thải y tế, N khai mua tại Phú Bình, Thái Nguyên.
Tại cơ quan cảnh sát điều tra, N liên tục thay đổi lời khai. Trong lời khai ban đầu, N khẳng định thu mua khẩu trang cũ của một người tên Trung tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ngay sau đó N lại thay đổi lời khai và cho biết mua Thái Nguyên.
Thiếu tá Bùi Minh Đức – Công an huyện Sóc Sơn cho biết, việc đối tượng mua khẩu trang đã qua sử dụng để mang về tái chế là một hành động rất nguy hiểm. Điều này có thể làm phát tán dịch bệnh.
Toàn bộ số khẩu trang đã qua sử dụng cùng các loại rác thải y tế đã bị cơ quan chức năng tịch thu, tiêu hủy.Hiện cơ quan công an vẫn đang tạm giữ và tiếp tục làm việc với đối tượng Nguyễn Minh N để làm rõ động cơ thu gom số khẩu trang đã sử dụng này.
Vụ việc đang được cơ quan Công an huyện Sóc Sơn tích cực điều tra làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người có thể xử lý theo Điều 240 Bộ luật hình sự. Về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Theo luật sư Lực, hành vi thu gom hơn 600kg khẩu trang qua sử dụng của đối tượng nếu không đủ căn cứ xử lý hình sự thì cũng cần thiết xử lý bằng biện pháp hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo điểm b, Khoản 6, Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường không đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý chất thải theo quy định... |