Luật Cư trú (sửa đổi) thu hút sự quan tâm của đại biểu Quốc hội về các vấn đề thay quản lý qua sổ hộ khẩu bằng định danh cá nhân, điều kiện để đăng ký thường trú ở thành phố trực thuộc Trung ương...


Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, chiều 16/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ trong quản lý cư trú

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), đa số ý kiến của các đại biểu cơ bản đồng tình với các nội dung của dự án Luật. Nêu thực tế về việc hiện nay rất nhiều công dân sinh sống, làm việc lâu dài và thường xuyên không phải tại nơi đăng ký thường trú, nhiều đại biểu cho rằng nguyên nhân là do các công dân này không đủ điều kiện đăng ký thường trú ở nơi mình đang sinh sống, làm việc.

Cho ý kiến về vấn đề ứng dụng khoa học-công nghệ trong quản lý cư trú, đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) bày tỏ sự tán thành cao với quan điểm đổi mới hình thức quản lý cư trú trên cơ sở ứng dụng khoa học-công nghệ, đảm bảo công khai, minh bạch, thuận tiện cho việc đăng ký, quản lý cư trú. Tuy nhiên, theo đại biểu Trí, trong dự án Luật còn nhiều quy định về khai báo tạm vắng, thông báo lưu trú mang tính thủ công, chưa thuận tiện cho công dân.

Để giải quyết tình trạng trên, đại biểu Trí đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một điều về khoa học-công nghệ trong quản lý cư trú, trong đó quy định các nội dung: đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú trên nền tảng công nghệ thông tin, đảm bảo liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia, có thể chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước để thuận tiện cho công dân. Công dân không phải xin giấy xác nhận cư trú để nộp hồ sơ vào các cơ quan khác.

Đại biểu Lê Quang Trí cũng đề xuất bổ sung nội dung về đầu tư, phát triển, triển khai ứng dụng trên nền tảng công nghệ thông tin, công nghệ viễn thông để công dân dễ dàng khai báo tạm vắng, thông báo cư trú, đăng ký tạm trú, đăng ký thường trú.

Theo đó, ứng dụng quản lý cư trú tự động cập nhật thông tin lưu trú, tạm trú, thường trú của công dân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú.

"Với quy định này, các cơ quan quản lý về cư trú có được thông tin lưu trú của công dân chính xác, kịp thời. Các thông tin đó là cơ sở để quy hoạch hệ thống giáo dục, hệ thống y tế và các dịch vụ thiết yếu khác nhằm phục vụ công dân cũng như góp phần đảm bảo an ninh, trật tự,” đại biểu nhấn mạnh.

Cơ bản nhất trí với nội dung của dự án Luật, đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) cho rằng việc ban hành Luật sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới, bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính và ứng dụng khoa học-công nghệ với phương pháp đăng ký, quản lý cư trú.

Tuy nhiên, đại biểu Loan cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm một số nội dung nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hợp pháp của các quy định trong dự thảo Luật.

Góp ý về nội dung xóa đăng ký thường trú được quy định tại Điều 25 dự thảo Luật, đại biểu Loan nêu thực tế rằng hiện nay có nhiều trường hợp xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, cư trú nhiều năm ở nước ngoài, thậm chí có nhiều trường hợp lấy chồng, lấy vợ, sinh con nhiều năm ở nước ngoài nhưng không làm thủ tục xóa đăng ký thường trú nên gây khó khăn cho công tác quản lý.

Những đối tượng này thuộc diện bị xóa đăng ký thường trú. Đại biểu Loan đề xuất bổ sung cụm từ "trừ trường hợp xuất cảnh hợp pháp ra nước ngoài” nhằm để phân biệt những người xuất cảnh hợp pháp với những người xuất cảnh không hợp pháp.

Cũng tại Điều 25 dự án Luật, đại biểu Loan đề nghị bổ sung thêm quy định xóa đăng ký thường trú đối với trường hợp chấp hành hình phạt tù từ 12 tháng trở lên. "Vì thực tế bản thân đối tượng này khi chấp hành hình phạt tù đã bị tước quyền tự do cư trú và không còn ở tại nơi đăng ký thường trú,” đại biểu lý giải.

Ngoài ra, theo ý kiến của một số đại biểu, khi chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ sổ hộ khẩu thì việc này sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành; tác động tới các chính sách, quy định đối với hộ gia đình trong các lĩnh vực như giáo dục, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh doanh, đất đai, nhà ở… cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân (như về hưởng thừa kế, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng…), vì việc chứng minh hộ gia đình và quan hệ nhân thân hiện đang chủ yếu dựa vào sổ hộ khẩu, sổ khai báo tạm trú.

Các thủ tục này đang được quy định trong một số văn bản luật và nhiều văn bản dưới luật. Do đó, các đại biểu đề nghị, trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản để phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới thì cần xem xét, có giải pháp phù hợp thay thế các sổ nói trên trong việc chứng minh quan hệ hộ gia đình, xác định quan hệ nhân thân, giải quyết thủ tục hành chính để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.

Sổ hộ khẩu trong nhiều trường hợp cũng là căn cứ quan trọng để tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch dân sự như mua bán điện, nước, đăng ký dịch vụ điện thoại..., nhằm xác thực thông tin về nhân thân và nơi cư trú của bên sử dụng dịch vụ. Khi không còn sổ hộ khẩu, việc thực hiện các giao dịch có thể sẽ gặp khó khăn.

Bởi vậy, ngay trong dự án Luật cần có quy định về trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về cư trú giữa các cơ quan nhà nước. Việc khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu về cư trú của tổ chức, cá nhân cần được quy định theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi cần sử dụng thông tin về nhân thân, nơi thường trú, tạm trú… trong các cơ sở dữ liệu.

Tạo thuận lợi cho người dân khi thay đổi phương thức quản lý cư trú

Thay mặt cho cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cảm ơn ý kiến của các đại biểu Quốc hội vào nội dung dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Cơ bản dư luận của nhân dân và các đại biểu Quốc hội đều ủng hộ dự luật này, nhưng cũng có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung, hoàn chỉnh thêm về nội dung.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định Ban Soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, chỉnh lý, điều chỉnh trong thời gian tới.

Bộ trưởng khái quát lại một số nội dung cụ thể được các đại biểu quan tâm trên một số nhóm vấn đề lớn: Việc thay thế phương thức quản lý dân cư thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng phương pháp quản lý theo số định danh cá nhân; cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú; điều kiện được đăng ký thường trú ở thành phố trực thuộc Trung ương; vấn đề xóa đăng ký thường trú, quy định chuyển tiếp khi Luật có hiệu lực thi hành; một số khái niệm nội hàm, một số nội dung được quy định trong dự thảo Luật; tính khả thi, thời gian, thời điểm thi hành Luật Cư trú.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết theo đề xuất của cơ quan soạn thảo, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật này vào kỳ họp tới.

"Hiện nay chúng tôi đã hoàn thành cơ bản, cấp được khoảng 16 triệu số định danh và căn cước công dân,” Bộ trưởng thông tin. Theo đó, ước lượng còn khoảng 80 triệu người chưa được cấp căn cước công dân.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của lực lượng công an xã chính quy trong việc góp phần thực hiện công việc cấp căn cước công dân, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, Bộ Công an sẽ đề xuất với Chính phủ, Quốc hội có sự điều chỉnh giao dịch nhằm phục vụ thuận lợi cho người dân khi thay đổi phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ sổ hộ khẩu.

Bộ trưởng khẳng định, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra của Quốc hội và các cơ quan hữu quan khác để tiếp thu ý kiến về các nội dung khác, chỉnh lý dự án Luật, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV./.

Theo TTXVN

Các tin khác


Triệt phá nhóm “cho số đánh đề” lừa đảo hàng chục tỷ đồng

Cục Cảnh sát Hình sự (CSHS) - Bộ Công an vừa phối hợp với công an các tỉnh, thành phố đã triệt phá một đường dây tội phạm công nghệ cao quy mô lớn, hoạt động hầu khắp cả nước trong suốt vài năm qua. Bằng thủ đoạn cho số để đánh lô đề, chơi xổ số, đường dây tội phạm này đã lừa đảo, chiếm đoạt trên 40 tỷ đồng của hàng ngàn người.

Huyện Lạc Sơn: Tập huấn kiến thức, kỹ năng lái xe an toàn cho trên 250 đoàn viên, thanh niên

(HBĐT) - Vừa qua, tại nhà văn hóa huyện Lạc Sơn, Tỉnh Đoàn phối hợp với Huyện Đoàn Lạc Sơn, Hệ thống HEAD Honda Anh Kỳ Hòa Bình tổ chức chương trình tập huấn kiến thức, kỹ năng lái xe an toàn cho trên 250 đoàn viên, thanh niên huyện Lạc Sơn.

Bắt đối tượng vận chuyển trái phép 1 kg ma túy đá và 2 nghìn viên ma túy tổng hợp

(HBĐT) - Theo thông tin từ lực lượng chức năng, vào hồi 5h00’ ngày 12/6, tại xã Pà Cò (Mai Châu), Phòng Cảnh sát ma túy Công an tỉnh phối hợp với tổ công tác số 1, số 2 và Công an huyện Mai Châu phát hiện, bắt quả tang đối tượng Hờ A Đua (SN 1991), trú tại xóm Thung Mặn, xã Hang Kia (Mai Châu) về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.

Quyết liệt đấu tranh phòng, chống tội phạm

(HBĐT) - Trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp chính quyền triển khai, đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Bảo đảm an toàn các mục tiêu, địa bàn trọng điểm; ANCT-TTATXH tiếp tục giữ vững ổn định, góp phần tích cực phục vụ phát triển KT-XH của địa phương.

Xã Vầy Nưa: Sáng tạo đưa kiến thức pháp luật đến người dân

(HBĐT) - Bằng hình thức xây dựng điểm tuyên truyền, điểm gặp gỡ, giao lưu giữa các gia đình, đoàn thể ở cơ sở... đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, đưa kiến thức pháp luật đến người dân ở xã Vầy Nưa (Đà Bắc) thời gian qua.

Lần ra đường dây giả giấy tờ xuyên tỉnh từ vụ cha khai sinh cho con bằng hôn thú giả

Ngày 13-6, Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cho biết đang điều tra, xử lý đường dây làm giả con dấu, tài liệu từ TP.HCM về Đà Nẵng và nhiều địa phương khác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục