Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát nhằm ổn định thị trường hàng hóa.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi nhằm trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Đối tượng thường xuyên thay đổi địa bàn, quy luật hoạt động; trà trộn hàng cấm, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hoặc xuống hàng, gom hàng tại các kho nơi địa bàn hẻo lánh, ít người qua lại để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, sau đó vận chuyển dần đi tiêu thụ.
Các đối tượng chuyển hướng kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, giả mạo nhãn mác, xuất xứ, không rõ nguồn gốc qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện, mặt hàng chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Ngoài ra, lợi dụng kẽ hở của pháp luật và nhận thức còn hạn chế của một bộ phận người dân, các đối tượng thường đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng, tiêu thụ ở vùng sâu, xa, địa bàn hiểm trở, vi phạm thường tập trung ở những mặt hàng có thương hiệu và tiêu dùng thông thường, ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe người dân.
Nhằm kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện vi phạm, BCĐ 389 tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát, chủ động đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu, SX-KD hàng giả, gian lận thương mại. Các ngành thành viên BCĐ tỉnh thực hiện tốt việc phối hợp giữa ngành chức năng với chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm.
Đồng chí Nguyễn Bá Thức, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, cho biết: Với nhiệm vụ được giao là cơ quan thường trực BCĐ 389 tỉnh, Cục QLTT đã tích cực phối hợp các ngành thành viên, huyện, thành phố kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng thiết yếu của Nhân dân, triển khai giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường. Thông qua thực hiện công vụ, cán bộ QLTT kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các tổ chức, cá nhân hoạt động SX-KD để thực hiện theo đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhờ tích cực, chủ động triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong tháng 10, các cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 83 vụ vi phạm, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2019; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 188 triệu đồng, tăng 51% so với cùng kỳ. Trong đó, lực lượng Công an phát hiện, xử lý 23 vụ, thu nộp NSNN 62 triệu đồng; lực lượng QLTT phát hiện, xử lý 58 vụ, thu nộp NSNN 118 triệu đồng; cơ quan Thanh tra chuyên ngành phát hiện, xử lý 2 vụ, thu nộp NSNN 8 triệu đồng.
BCĐ 389 tỉnh nhận định, những tháng cuối năm, hoạt động buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại diễn ra với tính chất phức tạp, nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, gây khó khăn cho các lực lượng trong việc phát hiện, bắt giữ, xử lý. Vì vậy, cùng với thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của T.Ư và tỉnh về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, các lực lượng Công an, QLTT, KH-CN, NN& PTNT, GTVT, VH-TT&DL… và các huyện, thành phố cần tăng cường phối hợp kiểm tra liên ngành việc chấp hành quy định về chất lượng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu; kiểm tra về giá, niêm yết giá. Chủ động nắm bắt địa bàn, đối tượng, tụ điểm, nơi tập kết hàng; thường xuyên phối hợp chia sẻ thông tin về đối tượng, mặt hàng thường buôn lậu, phương thức thủ đoạn, nhất là thủ đoạn mới phát sinh. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm pháp luật…
Thu Hiền
Ngày 27/10, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Phạm Văn Dũng (sinh năm 1992, trú tại thôn Thanh Sơn, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm) về tội “Giết người” quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự.