(HBĐT) - Bật lửa đốt bỏ gần chục tờ tiền có mệnh giá 10 nghìn, 20 nghìn đồng, chị Lan - một tiểu thương buôn bán hoa quả ở chợ Tân Thành, phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) cho biết, đây là số tiền giả mà dịp trong Tết khách trả khi mua hàng, giá trị không lớn nên đốt bỏ để không còn được lưu thông, gây bức xúc cho người khác.


Tiền giả được rao bán trên các trang mạng xã hội gây bức xúc trong dư luận.

Mua tiền giả dễ như mua... rau

Qua tìm hiểu trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin quảng cáo, rao bán tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau. Tuy nhiên, để che giấu sự theo dõi của lực lượng chức năng, đa phần các đối tượng lập hội, nhóm kín để thực hiện việc trao đổi, giao dịch mua bán tiền giả. 

Trong vai một người cần mua tiền giả với số lượng lớn, phải mất nhiều thời gian chúng tôi mới thâm nhập, tham gia vào nhóm "Mua bán trao đổi tiền giả”. Đây là nhóm kín được lập trên mạng xã hội zalo do đối tượng giới thiệu tên Nguyễn Hương Thủy ở Cẩm Giàng (Hải Dương) lập và điều hành. Theo đối tượng này giới thiệu, chúng có cả một đường dây chuyên in và cung cấp tiền giả, chủ yếu mệnh giá thấp (từ 100 nghìn đồng trở xuống) cho các đối tượng có nhu cầu. Việc giao dịch mua bán diễn ra trực tiếp giữa người mua với người bán theo giá trị 1 triệu đồng tiền thật mua được 4 - 5 triệu đồng tiền giả. Việc mua bán, thanh toán theo phương thức chuyển tiền thông qua thẻ điện thoại Viettel hoặc chuyển qua tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp. Sau khi thống nhất việc mua bán, "chốt” số lượng tiền giả cần mua, người mua phải chuyển trước cho bên bán một nửa hoặc một phần tổng giá trị "lô hàng”, sau đó các đối tượng trong đường dây của Thủy sẽ giao hàng đến tay người mua theo những phương cách khác nhau. Với phương thức mua bán này, theo chia sẻ của Nguyễn Hương Thủy thì bọn chúng đã chốt đơn hàng thành công nhiều thương vụ, với số tiền giả được cung cấp cho các đối tượng ở nhiều địa phương khác nhau lên tới hàng trăm triệu đồng trong thời gian qua. 

Trong quá trình trao đổi, các đối tượng còn hướng dẫn cụ thể phương thức tiêu thụ tiền giả. Như do tiền giả chủ yếu có mệnh giá thấp, chỉ nên tiêu thụ ở khu vực chợ truyền thống dân sinh và đại lý bán lẻ, sử dụng để mua thuốc, nước, cafe..., không nên tiêu thụ tại các đại lý lớn hay hệ thống siêu thị để tránh bị phát hiện bởi các phương tiện phát hiện tiền giả chuyên dụng.

Cảnh giác với tiền giả tại chợ truyền thống và hệ thống bán lẻ dân sinh

Theo chia sẻ của một cán bộ ngân hàng, quá trình thu nhận, giao dịch nguồn tiền từ xã hội thông qua việc thanh toán các khoản nợ, hay gửi tiết kiệm bằng tiền mặt, nhiều khi cũng phát hiện một số ít tiền giả ở các mệnh giá thông qua việc soi chiếu và sự cảnh giác của cán bộ giao dịch. Đây không phải là hành vi cố tình, mà những người sử dụng tiền mặt để giao dịch với ngân hàng cũng là nạn nhân. Bởi trên thực tế hiện nay, việc làm tiền giả ngày càng tinh vi, bằng mắt thường rất khó có thể phân biệt, phát hiện đâu là tiền giả.

Xuất phát từ thực tế đó, việc tiền giả xâm nhập hệ thống chợ truyền thống và hệ thống bán lẻ dân sinh là vấn đề được cảnh báo lâu nay. Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 5 vụ tiêu thụ, lưu hành tiền giả. 100% vụ phát hiện, bắt giữ đều ở các quầy hàng trong hệ thống chợ truyền thống hoặc các cửa hàng bán lẻ dân sinh. Như Công an xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) phát hiện, bắt quả tang Bùi Thị Ại (SN 1959) và con gái là Bùi Thị Thiêu (SN 1993), cùng trú tại xã Yên Phú (Lạc Sơn) dùng tiền giả mua hàng. Khám xét trong người các đối tượng, lực lượng công an thu giữ 10 tờ tiền giả có mệnh giá 200 nghìn đồng. Khám xét nơi ở của các đối tượng tiếp tục thu giữ thêm một lượng lớn tiền giả có mệnh giá 200 nghìn đồng, với tổng trị giá 17,8 triệu đồng; hay Công an thị trấn Hàng Trạm phối hợp Công an huyện Yên Thủy bắt quả tang Nguyễn Thị Thạnh (SN 1982), trú tại xóm Xí Nghiệp, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy) lưu hành tiền giả tại chợ thị trấn Hàng Trạm. Khi phát hiện khách mua hàng lưu hành tiền giả, chủ cửa hàng hoa quả đã hô to và được sự giúp sức của lực lượng Công an thị trấn đã bắt được Nguyễn Thị Thạnh khi đối tượng này đang có ý định phi tang 4 tờ tiền giả có mệnh giá 200 nghìn đồng còn lưu giữ trong người. Đặc biệt, từ nguồn tin của quần chúng nhân dân, lực lượng chức năng Công an xã Khoan Dụ đã phối hợp Công an huyện Lạc Thủy phát hiện, bắt quả tang Trần Như Thăng (SN 1987), trú tại xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) lưu hành tiền giả trên địa bàn xã Khoan Dụ. Khám xét tại chỗ, lực lượng chức năng thu giữ 14,2 triệu đồng tiền giả (loại mệnh giá 200.000 đồng); khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng thu giữ thêm 400 tờ tiền giả mệnh giá 200 nghìn đồng. Tổng số tiền giả Trần Như Thăng lưu hành và tàng trữ là 94,2 triệu đồng. Khai thác ban đầu, đối tượng khai nhận số tiền giả trên được mua tại cửa khẩu Lạng Sơn mang về tiêu thụ.

Qua trao đổi, luật sư Vũ Duy Tôn, Trưởng Đoàn Luật sư tỉnh cho biết: Hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 207, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, mức phạt tù có thể từ 3 - 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người chuẩn bị phạm tội này bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 1 - 3 năm. Khi thực hiện hành vi vi phạm, cả người đặt mua và người rao bán tiền giả đều vi phạm pháp luật.

Trước thực tế trên, Công an tỉnh đã nhiều lần phát thông báo và khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh tiếp tay cho tội phạm, tốt nhất tránh xa những mặt hàng quốc cấm nguy hiểm như tiền giả, bởi các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ tiền giả bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

P.V

Các tin khác


Hiệu quả tiếp nhận phản ánh xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông

Liên tiếp trong thời gian gần đây, thông qua tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân trên mạng xã hội bằng hình ảnh, clip, lực lượng công an đã xác minh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), hầu hết các vi phạm về TTATGT gây bức xúc trong người dân và xã hội từng bước được xử lý theo quy định.

Tuyên án hàng loạt bị cáo mua bán người dưới 16 tuổi

Ngày 21/5, Hội đồng Xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương đã tuyên án đối với 15 bị cáo trong vụ án mua bán người dưới 16 tuổi, làm giả tài liệu của cơ quan và sử dụng tài liệu giả của cơ quan.

Huyện Lạc Thủy quyết liệt phòng, chống ma túy

Trong những năm qua, tình hình tội phạm về ma túy và tệ nạn ma túy trên địa bàn huyện Lạc Thuỷ diễn ra khá phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại tội phạm và tệ nạn xã hội khác, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Do đó, Công an huyện Lạc Thuỷ đã làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, tăng cường tuần tra kiểm soát, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy, góp phần thực hiện mục tiêu vì một cộng đồng sạch ma túy.

Tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng và an ninh

Thực hiện Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 5/9/2019 của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh và Công an tỉnh đã phối hợp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn xã hội (TTATXH), đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Qua đó góp phần quan trọng giữ vững ổn định về an ninh chính trị (ANCT), đảm bảo quốc phòng - an ninh (QP-AN) trên địa bàn tỉnh.

Triệt phá đường dây sản xuất giấy phép lái xe, đăng ký xe giả

Ngày 20/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố các bị can: Lê Xuân Giáp, Trịnh Thị Thu, Nguyễn Văn Tĩnh, Đặng Văn Nam và Hoàng Thị Hạnh về hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Công an huyện Tân Lạc bắt nhanh 2 đối tượng liên tiếp cướp tài sản trong đêm

Công an huyện Tân Lạc cho biết, đơn vị vừa bắt 2 đối tượng liên tiếp gây ra 2 vụ cướp trong đêm bằng hành vi đánh và xin "đểu” tiền người đi đường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục