Thời điểm trước năm 2019, tại tỉnh Lạng Sơn, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy xấu đến đời sống xã hội, kéo theo sự gia tăng của nhiều loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự...
Các băng nhóm, đối tượng hoạt động liên quan đến tín dụng đen cho vay lãi nặng ngang nhiên thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ bằng việc cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật. Trước thực trạng nêu trên, Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phát hiện, đấu tranh, không để tội phạm, hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen diễn biến phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận; làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; tập trung lực lượng điều tra khám phá nhanh các vụ án liên quan đến tín dụng đen, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội.
Nhờ vậy, từ năm 2019 đến ngày 14/4/2022, Công an tỉnh đã phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, khởi tố điều tra 38 vụ, với 59 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, xử phạt vi phạm hành chính một vụ, một đối tượng về hành vi hủy hoại tài sản liên quan đến hoạt động đòi nợ tín dụng đen. Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp thụ lý 37 vụ với 58 bị can, đã truy tố 32 vụ với 49 bị can. Tòa án nhân dân hai cấp thụ lý 35 vụ với 59 bị cáo (32 vụ với 55 bị cáo sơ thẩm và ba vụ với bốn bị cáo phúc thẩm), đã giải quyết 31 vụ với 51 bị cáo (đạt tỷ lệ 88,6%).
Mới đây, ngày 25/4/2022, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt giữ hai đối tượng là Nguyễn Thị Hương, sinh năm 1969 và Nguyễn Thị Đào, sinh năm 1967, đều trú tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, có hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Hai đối tượng đã cho nhiều người vay tiền dưới hình thức "bốc bát họ", với mỗi bát vay tương ứng 10 triệu đồng.
Trong đó, Nguyễn Thị Hương cắt lãi trước 2,5 triệu đồng/bát, người vay chỉ được nhận 7,5 triệu đồng/bát và phải trả lãi trong 50 ngày, với số tiền 200 nghìn đồng/ngày, tương ứng lãi suất 182,5%/năm; Nguyễn Thị Đào thì cắt lãi trước 2 triệu đồng/bát, người vay nhận 8 triệu đồng/bát và phải trả lãi trong 50 ngày với số tiền 200 nghìn đồng/ngày, tương ứng lãi suất 146%/năm. Cả hai đối tượng đã cho vay khoảng 4,8 tỷ đồng... Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.
Qua hơn ba năm đấu tranh quyết liệt, hiện nay các băng nhóm, đối tượng hoạt động liên quan đến tín dụng đen, cho vay lãi nặng trên địa bàn không còn ngang nhiên thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật như trước. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng đen và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan trên địa bàn vẫn tiềm ẩn diễn biến khó lường, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, tác động tiêu cực đến thu nhập, việc làm của người lao động.
Các đối tượng chuyển sang hoạt động lén lút với thủ đoạn tinh vi hơn nhằm trốn tránh sự phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng; hoạt động huy động vốn, vay đáo hạn ngân hàng với lãi suất cao, tín dụng đen trên không gian mạng, cho vay tiền online vẫn diễn ra phức tạp...
Trung tá Hoàng Gia Định, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh chia sẻ: Lợi dụng sự phát triển của công nghệ, các đối tượng đã chuyển hướng sử dụng các website, ứng dụng (app) cho vay trên điện thoại di động (FECredit, Uvay, Rồng Vàng, DoctorDong, F88.vn, MoneyCat, Cash24.vn,...).
Người vay tiền chỉ cần đăng ký tài khoản, khai báo thông tin, cung cấp ảnh căn cước công dân hoặc giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu, số tài khoản ngân hàng và đồng ý cho ứng dụng truy xuất dữ liệu (danh bạ, ảnh) trên điện thoại cá nhân là có thể vay được tiền. Nếu người vay không trả nợ đúng kỳ hạn theo đăng ký thỏa thuận trên app, website, thì cả người vay và những người có tên trong danh bạ điện thoại sẽ bị nhân viên gọi điện nhắc nợ, quấy rối, sử dụng hình ảnh phản cảm đăng tải lên mạng xã hội, gửi cho người thân, bạn bè... ảnh hưởng đến cuộc sống, uy tín, danh dự của người vay tiền.
Vì vậy, người dân cần cảnh giác cân nhắc kỹ, thận trọng, khi tham gia các hoạt động giao dịch, vay tiền trên in-tơ-nét, mạng xã hội... để không bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây ra nhiều hệ lụy phức tạp về an ninh trật tự.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu khẳng định: Trong thời gian tới, tỉnh xác định rõ nội dung, nhiệm vụ, phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen trên địa bàn lồng ghép với các chương trình, kế hoạch, đề án về đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong việc chấp hành chính sách tài chính, quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn; tập trung tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, tác hại của hoạt động tín dụng đen, nhất là các thủ đoạn cho vay tiền qua mạng; tích cực phát động, tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư an toàn về an ninh trật tự.