(HBĐT) - Các phương tiện thủy chở khách không đảm bảo điều kiện an toàn để đăng ký đăng kiểm (ĐKĐK) vẫn hoạt động trên khu vực hồ Hòa Bình đã tồn tại lâu nay, nguy cơ cao tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy. Các ngành chức năng đề xuất giải pháp gỡ khó cho công tác ĐKĐK, hỗ trợ chủ phương tiện thủy ĐKĐK để đảm bảo các yêu cầu an toàn khi hoạt động theo quy định.
Khu vực hồ Hòa Bình có 260 phương tiện thủy nội địa, song chỉ có 91 phương tiện được phép hoạt động. Trong tổng số phương tiện thủy có 99 tàu chưa được cấp giấy chứng nhận (GCN) an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT&BVMT), đó là các phương tiện không có hồ sơ thiết kế được cơ quan đăng kiểm thẩm định, chiều dầy tôn, kết cấu, chống chìm… không đáp ứng quy chuẩn hiện hành. 70 tàu đã được cấp GCN ATKT&BVMT nhưng hết hạn; các phương tiện này tự ý hoán cải… dẫn tới làm sai lệch so với hồ sơ ban đầu, nên không đảm bảo đủ điều kiện cấp lại GCN ATKT&BVMT.
Sau Tết Nguyên đán 2023, các lực lượng chức năng của tỉnh quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải thủy trên hồ Hòa Bình; tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý phương tiện không đủ điều kiện an toàn theo quy định, hàng loạt phương tiện phải dừng hoạt động, không được phép vận chuyển khách trên hồ Hòa Bình; không để các cơ sở, bến thủy nội địa tự phát không đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn. Theo một chủ tàu chở khách trên hồ Hòa Bình, việc thực hiện các quy định về ĐKĐK rất khó khăn. Vì thực tế các phương tiện thủy của người dân hầu hết được hoán cải từ thuyền, tàu chở hàng hóa, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định mới. Hoạt động du lịch trên hồ vừa sôi động trở lại sau 2 năm dịch bệnh, người dân tranh thủ làm để có thu nhập song lại không được hoạt động, trong khi đó chi phí đầu tư đóng tàu, sửa chữa rất cao, phải thường xuyên trả lãi ngân hàng. Biết tàu không đủ điều kiện hoạt động theo quy định hiện hành, tuy nhiên nhiều chủ tàu cố tình luồn lách tại các eo lạch, trốn tránh sự kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng. Cơ quan chức năng cần có chính sách, giải pháp hỗ trợ bà con ĐKĐK để đưa tàu hoạt động, cải thiện sinh kế.
Theo đồng chí Bùi Thị Hòa Bình, Phó Giám đốc Sở GTVT: Các phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh được đóng theo phương thức truyền thống đã hoạt động nhiều năm, không có hồ sơ thiết kế ban đầu, hoạt động tự phát, chưa được quản lý, cấp ĐKĐK theo quy định. Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về đăng kiểm phương tiện thủy được nâng lên với yêu cầu cao về chất lượng, bởi vậy lượng phương tiện vận tải thủy của bà con chưa được ĐKĐK hoặc đã hết hạn kiểm định nhưng không kiểm định lại được còn nhiều. Chi phí đầu tư cho thực hiện đăng kiểm lại phương tiện thủy rất khó khăn do người dân phải sửa chữa, hoán cải với chi phí lớn, dao động từ 400 triệu đến 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc áp dụng sử dụng thiết bị AIS đối với phương tiện thủy chưa thực hiện được. Địa bàn tỉnh hiện có 1 trạm bờ AIS (tại trụ sở Đội Thanh tra - An toàn số 9 - Âu Cơ, Hòa Bình) và chưa lắp đặt trạm VHF. Tuy nhiên, hệ thống các trạm bờ AIS và phần mềm nghiệp vụ thu nhận tín hiệu, quản lý hiện trạng AIS của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam quản lý, do một số khó khăn nên đến nay vẫn tạm dừng hoạt động, phạm vi phủ sóng của trạm bờ AIS trên là không xác định.
Nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động thủy nội địa, tỉnh đã đề xuất Bộ GTVT xem xét các tiêu chuẩn cho phương tiện phù hợp ở vùng hồ nước ngọt, nơi có điều kiện mặt nước tĩnh, ít chịu tác động của gió bão như: Miễn giảm hoặc gia hạn việc trang bị thiết bị AIS cho các phương tiện hoạt động trên vùng hồ Hòa Bình; ban hành các quy định áp dụng cho vùng SIII. Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam chỉ đạo cơ quan liên quan tiếp tục bố trí đủ cán bộ, chủ động trong kiểm tra các điều kiện an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường đối với phương tiện thủy trong khu vực cảng, bến (cảng Thung Nai, cảng Bích Hạ và khu vực hạ lưu). Chỉ cấp giấy phép ra vào bến cho phương tiện có đủ điều kiện theo quy định, kiên quyết không để phương tiện không có ĐKĐK hoặc hết hạn đăng kiểm đón khách, vận chuyển khách du lịch trên hồ Hòa Bình, kịp thời thông tin đến Đội Cảnh sát giao thông đường thủy nếu phát hiện phương tiện không đủ điều kiện cố ý hoạt động đón, trả, vận chuyển hành khách để có phương án xử lý theo quy định pháp luật.
Phối hợp địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn Luật Giao thông đường thủy nội địa tới các tổ chức, người dân trên địa bàn tỉnh; tăng cường tuần tra kiểm soát, kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân không chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động đường thủy nội địa, nhất là phương tiện chở khách du lịch trên vùng lòng hồ Hòa Bình. Tăng cường vận động bà con sửa chữa phương tiện thủy nội địa theo hồ sơ thiết kế được duyệt, nhằm đủ điều kiện được cấp đăng kiểm theo quy định đối với trường hợp phương tiện đã được đơn vị chức năng lập thiết kế kỹ thuật, được duyệt hợp pháp, nhưng chủ phương tiện chưa thực hiện sửa chữa theo hồ sơ thiết kế được duyệt.
Lê Chung