Trước tình trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) trên không gian mạng (KGM) tiếp tục diễn biến phức tạp với các phương thức, thủ đoạn tinh vi, các đơn vị chức năng Công an tỉnh liên tục đưa ra cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác.
Cán bộ Công an thành phố Hòa Bình tuyên truyền cho ĐV-TN các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng để phòng ngừa.
Theo đơn vị chức năng Công an tỉnh, các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn thay đổi, đan xen mới và cũ, ngày càng tinh vi hơn. Từ đầu năm 2024 đến nay, các đơn vị chức năng Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố đã tiếp nhận nhiều tin báo tố giác tội phạm LĐCĐTS trên KGM. Thống kê từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị Công an trong toàn tỉnh đã tiếp nhận 35 vụ LĐCĐTS trên KGM với tổng số tiền bị chiếm đoạt khoảng trên 25 tỷ đồng. Trên thực tế, công tác đấu tranh, khám phá án liên quan đến loại tội phạm này đạt tỷ lệ rất thấp. Từ thực tế trên, các đơn vị chức năng Công an tỉnh đã liên tục đưa ra nhiều cảnh báo để người dân tự nâng cao ý thức cảnh giác, tránh trở thành nạn nhân.
Theo thượng tá Nguyễn Cao Cường, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (ANM&PCTPCNC), Công an tỉnh: Thời gian gần đây, trên môi trường mạng xuất hiện một số chiêu thức lừa đảo trực tuyến hết sức tinh vi. Cụ thể như các đối tượng làm giả tên tài khoản facebook trùng với tên tài khoản ngân hàng để lừa đảo; sử dụng các mã QR dán đè lên mã QR của các cửa hàng, đại lý để chuyển tiền đến tài khoản của đối tượng lừa đảo; sử dụng app làm giả hóa đơn chuyển tiền khi mua bán hàng hóa... Thậm chí gần đây còn xuất hiện nhiều tài khoản giả mạo phòng ANM&PCTPCNC và Cục ANM&PCTPCNC (Bộ Công an) để hỗ trợ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng lấy lại tiền. Nhằm đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo mong lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng đã giả danh cán bộ an ninh mạng hướng dẫn nạn nhân đóng phí để hỗ trợ hoặc làm nhiệm vụ để rút tiền trên hệ thống...
Một phương thức lừa đảo khác thời gian qua nhiều người trên địa bàn tỉnh gặp là nhận được bưu phẩm từ người giao hàng, khi mở ra bên trong có phiếu cào trúng thưởng. Trên phiếu khi cào có giải thưởng nhưng để được nhận thưởng phải truy cập vào đường link trên mã QR và cung cấp thông tin cá nhân để làm thủ tục. Theo Phòng ANM&PCTPCNC, đây là hình thức LĐCĐTS tinh vi, mới xuất hiện gần đây. Do vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, không vì tò mò hay tham nhận quà mà bị mắc bẫy của tội phạm.
Thượng tá Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh chia sẻ: LĐCĐTS qua mạng ngày càng nở rộ với nhiều thủ đoạn, chiêu trò tinh vi. Các đối tượng thường nhắm đến những người cao tuổi, phụ nữ, người dân vùng nông thôn nhận thức và trình độ công nghệ hạn chế; lợi dụng tâm lý sợ hãi, mất cảnh giác của người dân để yêu cầu chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản.
Để phòng, chống loại tội phạm này, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều thông báo, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động. Trong đó, khuyến cáo người dân tuân thủ chặt chẽ, triệt để "4 không”: không sợ (không hoảng sợ khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn từ người lạ thông báo liên quan đến vụ án, vụ việc, tai nạn); không tham (không tham lợi nhuận phi thực tế, không nhận tài sản, quà tặng không rõ nguồn gốc); không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ; không chuyển khoản khi chưa biết cụ thể cá nhân, tài khoản nhận tiền. Đồng thời, thực hiện "2 phải”: phải thường xuyên cảnh giác, chủ động bảo mật thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; phải liên hệ với cơ quan Công an khi nghi ngờ, nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ hoạt động lừa đảo, không có cơ sở khẳng định nội dung...
Để tránh là nạn nhân của tội phạm công nghệ cao, người dân cần nâng cao kiến thức, ý thức cảnh giác khi tham gia các hoạt động trên môi trường mạng. Tích cực theo dõi, quan tâm, chia sẻ, lan tỏa các nội dung tuyên truyền, khuyến cáo, thông báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm; thông tin về công tác phòng, chống tội phạm trên các phương tiện thông tinh đại chúng và fanpage, trang tin điện tử của cơ quan chức năng. Kịp thời tố giác, cung cấp thông tin đến Công an nơi gần nhất khi phát hiện các nghi vấn liên quan đến tội phạm LĐCĐTS để được hỗ trợ, giúp đỡ.
Mạnh Hùng
Ngày 2/4, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở và các nhiệm vụ công tác trọng tâm để triển khai thi hành. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ Trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu Công an tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Ban Chỉ đạo (BCĐ) 09 tỉnh vừa ban hành Quyết định số 77/QĐ-BCĐ về việc công nhận các xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh chuyển hóa đạt trong năm 2023.
Nghị định số 70/2019/NĐ-CP ngày 23/8/2019 của Chính phủ quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân (CAND). Nghị định gồm 4 chương, 19 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2019 và thay thế Nghị định số 129/2015/NĐ-CP, ngày 15/12/2015 của Chính phủ quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND. Nghị định quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục tuyển chọn và chế độ, chính sách đối với công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND.
Công an tỉnh vừa tổ chức tổng kết đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Tân Lạc tập trung quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản (TNKS) hiệu quả. Hoạt động khai thác, quản lý, bảo vệ TNKS đi vào nền nếp.
Tháng Thanh niên - tháng cao điểm diễn ra nhiều hoạt động nhằm khơi dậy sức trẻ tình nguyện vì cộng đồng đã không còn xa lạ với tuổi trẻ cả nước nói chung và tuổi trẻ Công an nhân dân (CAND) nói riêng.