Vụ án cố ý gây thương tích có nhiều người cùng tham gia, hậu quả nghiêm trọng nhưng chỉ một người phạm tội bị xử lý cả về hình sự lẫn dân sự, những người khác hoặc không đủ cơ sở xử lý hoặc không xác định được gây thương tật cho bị hại đến đâu nên... thoát tội
Sau khi TAND quận Tân Phú - TPHCM xử phạt bị cáo Trần Đắc Nở (SN 1982) 4 năm tù về tội cố ý gây thương tích, cả bị cáo và bị hại cùng kháng cáo vì không tâm phục, khẩu phục. Xét xử phúc thẩm mới đây, TAND TPHCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại theo thủ tục chung nhằm tránh lọt người, lọt tội.
Bị cáo Trần Đắc Nở trong giờ nghị án
Thừa gió bẻ măng
Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 17-4-2008, Nở đang ở tiệm hớt tóc trên đường Lê Khôi (quận Tân Phú) thì thấy vụ tai nạn giao thông xảy ra giữa hai xe gắn máy, trong đó H.A.Đ là người gây ra tai nạn. Sợ anh Đ. bỏ trốn, Nở bước ra giữ xe lại chờ cảnh sát giao thông xuống giải quyết. Lúc này Diệp Hoàng Ngân- bạn anh Đ. - bảo Đ. chở nạn nhân đi cấp cứu, Ngân ở lại hiện trường. Nói rồi, Ngân bước đến chỗ đậu xe của mình để lấy xe đưa Đ. Nghĩ là Ngân bỏ trốn, Nở dùng nón bảo hiểm đánh một cái vào đầu Ngân. Ngay lúc này, Nguyễn Hữu Thọ và Lê Văn Tuấn cũng chạy đến nắm giữ tay trái, tay phải của Ngân, kéo lại không cho đi, còn Nở tiếp tục dùng nón bảo hiểm đánh liên tiếp 2 cái vào vùng đầu bên phải gần thái dương của Ngân.
Sau khi buông tay Ngân ra, Tuấn đánh vào gò má, lưng và bụng Ngân rồi ngáng chân làm Ngân té xuống đất (hai tay chống đất, đầu gối chạm đất). Lê Văn Thanh- anh của Tuấn- đi tới thấy Ngân dùng tay chống trả và bỏ chạy nên đẩy Ngân lùi lại. Lúc này, người nhà, bạn bè của mỗi bên đến tăng cường dẫn đến xô xát, ẩu đả. Ngân vừa đứng dậy liền bị Tuấn đánh mạnh- hướng đánh ngang từ phải qua trái trúng vào vùng thái dương bên trái - làm Ngân té xỉu. Thanh cũng bị một người bạn của Ngân đánh chảy máu.
Theo bản giám định pháp y của Trung tâm Pháp y, Sở Y tế TPHCM, Diệp Hoàng Ngân bị “chấn thương đầu mặt, gây sưng vùng thái dương trái, máu tụ trong não thái dương phải, đỉnh phải xuất huyết liềm não”, “hiện còn di chứng tổn thương não, tỉ lệ thương tật toàn bộ 45% vĩnh viễn”.
Nhiều người tham gia, một người chịu tội
TAND quận Tân Phú xét thấy Nguyễn Hữu Thọ có hành vi giữ tay bị hại với mục đích không cho rời khỏi hiện trường tai nạn giao thông, không phải để Nở dùng nón bảo hiểm đánh. Thọ với Nở không có mối quan hệ gì, cũng không bàn bạc với nhau nên không phải là đồng phạm trong vụ án. Vì vậy, Công an quận Tân Phú đã ra quyết định xử phạt hành chính.
Đối với Lê Văn Thanh đã có hành vi dùng tay đẩy Ngân lùi lại nhưng không tham gia đánh bị hại, CQĐT không đưa vào xử lý nên không xét.
Đối với Lê Văn Tuấn có hành vi giữ tay bị hại cũng với mục đích không cho rời khỏi hiện trường. Nhưng Tuấn đã dùng tay trái đánh mạnh một cái vào gò má phải, dùng tay phải đấm mạnh trúng vào thái dương bên trái, gây chấn thương đầu mặt, gây sưng vùng thái dương trái. CQĐT đã yêu cầu Trung tâm Pháp y TPHCM xác định hành vi của Tuấn gây tỉ lệ thương tật cho bị hại là bao nhiêu phần trăm nhưng nơi đây không xác định được. TAND quận Tân Phú đã 2 lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ nội dung này, tuy nhiên, VKSND quận Tân Phú trả lời không xác định được và vẫn giữ quan điểm không truy tố. HĐXX kiến nghị cơ quan cấp trên có thẩm quyền đưa Tuấn vào tố tụng xử lý.
Đối với bị cáo Trần Đắc Nở, có đủ căn cứ kết luận hành vi của bị cáo cấu thành tội “cố ý gây thương tích”. Bị cáo phạm tội mang tính côn đồ khi dùng nón bảo hiểm đánh vào đầu bị hại Ngân gây thương tích với tỉ lệ thương tật 45% vĩnh viễn.
Về khắc phục hậu quả, trong quá trình điều tra, bị hại yêu cầu bồi thường 40 triệu đồng. Gia đình bị cáo Nở đã tự nguyện bồi thường 10 triệu đồng; Tuấn, Thọ, Thanh bồi thường 30 triệu đồng.
HĐXX cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Nở 4 năm tù, buộc bồi thường cho bị hại 100 triệu đồng.
Hủy án để tránh lọt người, lọt tội
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo cho rằng thương tật trên đầu anh Ngân không phải do bị cáo gây ra vì bị cáo chỉ đánh từ vai xuống, không trúng đầu. Vả lại, buộc một mình bị cáo phải bồi thường cho bị hại là không công bằng. Anh Ngân kháng cáo yêu cầu tăng tiền bồi thường, tăng mức án đối với bị cáo đồng thời yêu cầu xử lý hình sự đối với Tuấn, Thọ, Thanh cũng như buộc họ cùng chịu trách nhiệm bồi thường số tiền 100 triệu đồng. Bị hại khẳng định trong vụ án này có 4 người cùng tham gia: “Tôi bị 4 người giữ tay và đánh nên không thể bỏ chạy hay đánh lại được” và bị cáo Nở có dùng nón bảo hiểm đánh vào đầu bị hại. Người liên quan Lê Văn Tuấn thừa nhận có gây thương tích cho bị hại nhưng không xác định được mức độ đến đâu.
Đại diện VKSND TPHCM nhận định mức án 4 năm tù đối với bị cáo Nở là mức thấp nhất của khung hình phạt nên đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị cáo. Nhận thấy vụ án có nhiều người cùng phạm tội, trong đó Thọ, Thanh và đặc biệt là Tuấn cũng là người trực tiếp tham gia trong việc gây thương tích cho bị hại. Dù qua giám định không tách riêng được thương tật do Tuấn và Nở gây ra cho bị hại cụ thể mỗi người là bao nhiêu phần trăm nhưng cả hai cùng tham gia đánh thì hậu quả phải gánh chung.
Vì vậy, nếu chỉ xử lý một mình bị cáo Nở thì ảnh hưởng đến việc lượng hình đối với bị cáo cũng như về mặt dân sự (tiền bồi thường). Hơn nữa, tại phiên tòa sơ thẩm, các bên chưa thỏa thuận về số tiền bồi thường cũng như phương thức bồi thường nhưng HĐXX lại tuyên buộc bị cáo phải bồi thường 100 triệu đồng là không hợp lý. Nhằm tránh lọt người, lọt tội, VKSND TPHCM đề nghị hủy án sơ thẩm. Sau khi xem xét, đánh giá, TAND TPHCM đã chấp nhận kháng cáo của bị hại và đề nghị hủy án của VKSND TPHCM.
Theo NLĐ
Sáng nay Công an tỉnh Phú Thọ xác nhận ông Nguyễn Quang Hùng (Hạt phó Kiểm lâm thành phố Việt Trì) đang bị tạm giữ để điều tra hành vi nhận hối lộ
Ngày 6-2, Ðội Cảnh sát kinh tế Công an quận Long Biên (Hà Nội) bắt quả tang xe ô-tô khách BKS 14M-4023, do Phạm Huy Kháng, quê Tiên Du, Bắc Ninh điều khiển chở hơn hai tấn hàng lậu từ Quảng Ninh về Hà Nội tiêu thụ.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra - TPHCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND TPHCM đề nghị truy tố Phan Thị Lệ Hoa (SN 1965, ngụ quận Tân Phú TPHCM), Lâm Thị Dung (SN 1987, ngụ quận Tân Phú TPHCM), Đoàn Thị Bích Phương (SN 1983, ngụ quận Bình Tân TPHCM), Lê Ngọc Quí (SN 1956, ngụ quận Thủ Đức TPHCM), Huỳnh Văn Cảnh (SN 1958, ngụ tỉnh Bình Dương) về các hành vi “Lưu hành các giấy tờ có giá giả khác”, “Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận của cơ quan, tổ chức”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “Trốn thuế”.
(HBĐT) - Mô hình “Làng mán tự quản về ANTT” tại xã Hưng Thi, huyện Lạc Thuỷ tiền thân là các phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ như: hòm thư tố giác tội phạm, tổ tuần tra, tổ bảo vệ trị an .v.v.. Đúc rút kinh nghiệm thức tế từ các mô hình đó, cấp uỷ, chính quyền xã nhận thấy cần có mô hình tự quản, trong đó, người dân trực tiếp đứng ra tổ chức, chỉ đạo và thực hiện phong trào. Đến tháng 8/2008, mô hình “làng Mán tự quản về ANTT” chính thức ra mắt.
Trong một thời gian, trên địa bàn huyện Phong Thổ (Lai Châu) liên tiếp xảy ra nhiều vụ chiếm đoạt trẻ em, chủ yếu là những bé trai vài ngày tuổi cho đến nhiều tháng tuổi, khiến người dân hết sức lo lắng. Hầu hết những vụ này xảy ra giữa ban ngày, rất trắng trợn…
Lao Banh thu giữ hộ chiếu và nhốt các cô gái vào trong một căn phòng, còn Hồng thu giữ giấy chứng minh nhân dân của các cô. Hằng ngày Lao Banh đi tìm và đưa đàn ông Thái Lan đến phòng, ép buộc các cô phải bán dâm.