Đặng Hữu Anh Tuấn trước vành móng ngựa.
"Tại sao bị cáo đã dừng xe, sao lại không lùi xe mà tiếp tục cán người đến 3 lần?" – câu hỏi như một nỗi ám ảnh đối với những ai tham dự phiên tòa ngày hôm đó. Cái chết của cô gái mới 17 tuổi để lại quá nhiều đau xót, nhưng cái chết đầy thương cảm ấy có làm thức tỉnh lương tâm số tài xế đang hàng ngày ngồi sau vô-lăng chạy trên đường với suy nghĩ lạnh lùng, tàn nhẫn, nếu lỡ gây tai nạn, "làm sao cho nạn nhân... chết”.
Ngày 29/4 vừa qua, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM đã xét xử phúc thẩm vụ tài xế xe container nhẫn tâm cán chết người. Hội đồng xét xử tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm, tăng án đối với Đặng Hữu Anh Tuấn (25 tuổi, quê tỉnh Bình Thuận) từ 8 năm tù lên thành 18 năm tù về tội "Giết người".
Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, từ một vụ tai nạn giao thông trở thành vụ án "giết người", gây rất nhiều bức xúc trong dư luận suốt thời gian qua…
Cán qua người rồi… cán lại
Tai nạn giao thông xảy ra vào lúc 22h5 ngày 14/5/2009, trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú - TP HCM). Em Nguyễn Thị Hội, 17 tuổi trên đường dự tiệc về đã ngã vào trục bánh sau bên phải xe container (do Đặng Hữu Anh Tuấn điều khiển, Nguyễn Văn Quyền làm phụ xe), bị bánh xe thứ tư cán qua phần đùi, người mắc kẹt vào trục bánh sau xe container.
Anh Lê Phước Tươi (nhân chứng) kể lại vụ tai nạn trong nỗi bức xúc tột cùng: "Trong lúc cùng gia đình đi ăn tối về, ngang qua quán Cây Sung, tôi thấy cháu Hội đang nằm dưới bánh xe container. Tôi dừng xe lại, chạy đến xốc hai cánh tay cháu để kéo ra nhưng không được. Hội bấu chặt tay tôi, "Chú ơi, cứu con!". Hội thét lên đau đớn. Tôi cố kéo đôi chân của cháu đang bị đè bởi sức nặng của một xe container chứa đầy hàng hóa, mà không được. "Con buông tay chú ra để chú kêu tài xế lùi xe lại cứu con". Tôi vừa nói vừa gỡ tay Hội, tôi chạy lên kêu tài xế de xe lại để cứu cháu bé thì thấy anh ta đang gọi điện thoại cho ai đó”.
Rồi mặc cho nhiều người nữa tại hiện trường phản ứng, khản cổ kêu lùi xe, tài xế vẫn ngồi yên trong cabin, không lùi xe lại mà cho xe chạy lên phía trước khoảng 2m, đụng vào xe máy của anh Tươi làm bánh xe container cán qua người Hội. Tài xế Tuấn cho xe lùi lại khoảng 3m cán Hội lần thứ hai, đánh tay lái sang trái để tránh xe máy anh Tươi rồi cho xe bỏ chạy về phía trước làm bánh xe cán lên người Hội lần thứ ba. Xe container tiếp tục lao đi.
Không để tài xế trốn thoát, anh Tươi và nhiều người dân lấy xe máy rượt theo chiếc container đến quán cà phê Sao Mai (đường Lũy Bán Bích), cách hiện trường vụ tai nạn khoảng 400m, cùng nhiều bảo vệ của quán chặn đầu xe. Tuy nhiên, tài xế xe container vẫn tiếp tục cho chiếc container lao tới khiến tất cả mọi người phải dạt qua hai bên, anh Tươi vượt lên trước, dùng xe máy chặn đầu xe container. Bất chấp, gã tài xế điên cuồng tông thẳng và kéo lê xe máy anh Tươi một đoạn khoảng 3-4m mới dừng lại.
Hội được đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, chấn thương sọ não 70%, mất máu nhiều và em đã tử vong 2 giờ sau đó.
Từng lời của anh Lê Phước Tươi tại tòa dựng lại từng giây phút cuối cùng đầy đau đớn, kinh hoàng trước cái chết của cô gái trẻ, trước cái ác đến tận cùng của kẻ máu lạnh. Trước tòa, anh Tươi phẫn nộ: "Hành động của Tuấn không chỉ vi phạm đạo đức của người lái xe mà còn mất nhân tính. Bị cáo đã dừng xe, đã biết có người đang mắc dưới gầm nhưng vẫn bất chấp, điên cuồng cho xe chạy tới. Nếu bị cáo chịu lùi xe, cháu Hội có thể đã không chết tức tưởi như thế. Đến bây giờ tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi tiếng xương gãy dưới sức nặng của cả chiếc xe khổng lồ, hình ảnh cháu Hội đưa tay cầu cứu tôi trong đớn đau, tuyệt vọng và vẻ mặt lạnh lùng, vô tri vô giác của kẻ lái xe...".
Khi nội dung vụ án được vị đại diện Viện KSND TP HCM công bố trước tòa. Chốn pháp đình đều lặng cả đi. Mọi ánh mắt đổ đồn về bị cáo trẻ đứng co rúm người lại trước vành móng ngựa, mặt cúi gằm. Tuấn với đôi mắt đỏ ngầu, giờ thì không ai có thể hình dung được đó chính là "kẻ ác" đã nhẫn tâm, lạnh lùng, vô cảm gây nên cái chết đau đớn của một cô gái 17 tuổi.
Tại phiên xử sơ thẩm diễn ra vào ngày 24/3/2010, TAND TP HCM chỉ tuyên phạt Đặng Hữu Anh Tuấn mức án 8 năm tù về tội "Giết người" khiến hầu hết những ai có mặt tại phiên tòa đều bất bình. Dù mức án nhẹ so với tội danh, Tuấn vẫn làm đơn kháng cáo xin được... giảm nhẹ hình phạt. Ba lần cố ý cán người và bản án 8 năm tù dành cho bị cáo, nếu so với cuộc đời còn rất dài đã bị tước đoạt một cách tàn nhẫn của một cô gái trẻ, liệu có thỏa đáng?
Nhận định, bản án sơ thẩm chưa tương xứng với tính chất hành vi phạm tội của Tuấn, Viện trưởng Viện KSND TP HCM ra quyết định kháng nghị, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng tăng nặng hình phạt đối với Tuấn; sau đó thừa ủy quyền của Viện KSND tối cao, Viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại TP HCM (Viện Phúc thẩm 3) có kháng nghị bổ sung, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xét xử Tuấn theo điểm N khoản 1 điều 93 Bộ luật Hình sự về tội "Giết người" (phạm tội có tính chất côn đồ) với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân, tử hình.
Làm sao cho nạn nhân…chết(!?)
Cái dáng gầy gò, liêu xiêu của Đặng Hữu Anh Tuấn lại thêm một lần lọt thỏm trước vành móng ngựa, vẫn với khuôn mặt cúi gằm và những câu trả lời lí nhí.
Tôi còn nhớ, tại phiên tòa sơ thẩm, khi trả lời những câu hỏi của HĐXX: "Bị cáo có hiểu người ta kêu lùi xe lại để làm gì không?" - "Dạ, cứu người". "Tại sao ban đầu bị cáo đã dừng xe, về sau lại không lùi xe mà tiếp tục cán người đến 3 lần?" - "Bị cáo rối... hoảng...".
Tại phiên tòa phúc thẩm này, Tuấn vẫn khai nhận: vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, qua gương chiếu hậu bị cáo có nhìn thấy chiếc xe máy của bị hại. Bị cáo đang de xe lại thì nghe có người kêu tới thì bị cáo cho xe chạy tới. Tuấn cũng cho rằng, do tâm lý hoảng loạn nên không đủ bình tĩnh để xử lý tình huống Tuấn trình bày: "Sau khi gây tai nạn, bị cáo sợ bị người dân đánh chết nên mới cho xe chạy để tránh sự truy đuổi của nhiều người, rồi sẽ đến Cơ quan Công an gần nhất trình báo".
Tại phiên tòa phúc thẩm, Tuấn vẫn một mực cho rằng vì sợ hãi, hoảng loạn khi biết đã gây tai nạn nên đã điều khiển xe không theo chủ đích, vô tình mà cán lên người nạn nhân thêm... hai lần nữa. Tuy nhiên, thẩm phán Phạm Công Hùng, chủ tọa phiên tòa, đã truy vấn bị cáo nhiều lần về tình huống được gọi là "hoảng loạn" của bị cáo.
Các dẫn chứng của tòa cho thấy, Tuấn đã có bằng lái dấu D từ năm 2004, lái xe container đường dài tới hơn 1 năm, đã có rất nhiều kinh nghiệm về lái xe. Tuấn cũng không trả lời được chất vấn của HĐXX: Vì sao hoảng loạn không tông cửa xe bỏ chạy ra ngoài mà lại tiếp tục vào số, tăng ga chạy tới, lùi xe rồi lại chạy tới để làm bánh xe cán lên người nạn nhân nhiều lần, dẫn đến cái chết của cô gái trẻ?
Phần thẩm vấn cho thấy để chạy tới, chạy lui rồi lại chạy tới, bị cáo Tuấn đã phải thực hiện rất nhiều động tác đổi số. Mà bị cáo Tuấn thực hiện các động tác này rất chuẩn, với mục đích chính là bỏ chạy khỏi hiện trường, bất chấp tính mạng của nạn nhân vẫn còn kẹt dưới bánh xe của mình. Những lời khai của Tuấn đã bị HĐXX liên tục bác bỏ, bởi lẽ theo lời của các nhân chứng, khi người này leo lên xe để yêu cầu Tuấn lùi xe thì thấy Tuấn vẫn đang điện thoại thông báo vụ tai nạn, chứng tỏ vào thời điểm ấy, Tuấn không thể... hoảng loạn.
Cố tình không cứu giúp người bị nạn, cố tình thực hiện hành vi cán lên người nạn nhân nhiều lần - đó là tội ác. Có lẽ vì thế, dù rất cố gắng bào chữa cho bị cáo, ngay cả luật sư cũng đã tỏ ra lúng túng khi phân tích động cơ phạm tội cũng như tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo...
Theo nhận định của HĐXX, hành vi phạm tội của Tuấn rất nguy hiểm, gây bức xúc trong dư luận về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận tài xế xe tải nói riêng, sự xuống cấp của đạo đức xã hội nói chung. Chỉ vì muốn chạy thoát thân khỏi vụ tai nạn giao thông do mình gây ra mà Tuấn bất chấp nạn nhân đang nằm dưới gầm xe, bất chấp tiếng kêu la cầu cứu của những người đi đường, khiến hậu quả đáng tiếc xảy ra. Hành vi này phạm vào tội "Giết người" với tính chất côn đồ, tàn nhẫn.
Tuy nhiên, xét thấy Tuấn lần đầu phạm tội, thành khẩn khai báo, gia đình Tuấn đã khắc phục một phần hậu quả, đại diện hợp pháp cho em Hội cũng xin giảm án cho Tuấn... nên HĐXX quyết định giảm một phần hình phạt. Từ đó, HĐXX tuyên chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND TP HCM và kháng nghị của Viện Phúc thẩm 3, bác kháng cáo của Tuấn, sửa một phần bản án sơ thẩm, áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự, tăng án đối với Đặng Hữu Anh Tuấn lên 18 năm tù về tội "Giết người".
Nén nỗi đau, bà ngoại và mẹ của nạn nhân vẫn xin tòa giảm án cho Tuấn. |
Tại phiên tòa này, tôi đã nghe một câu chuyện rất nhân bản, gia đình nạn nhân đã xin giảm án cho bị cáo, kẻ gây ra cái chết thương tâm cho Hội, họ đã suy nghĩ rằng, con mình dù sao cũng đâu còn sống, vả lại Tuấn còn rất trẻ, còn vợ con và gia đình. Tôi chợt đắng lòng cho tài xế Tuấn, 25 tuổi, cuộc đời còn rất dài ở phía trước nhưng chỉ vì những toan tính thiệt hơn mà đánh mất lương tâm, mất đi tính "nhân" trong con người. Hy vọng những tháng ngày trong trại giam, Tuấn sẽ tìm lại được chính phần người của mình...
Đã từ lâu, người viết có nghe nói đến một "điều luật" bất thành văn nhưng hết sức "vô nhân đạo" trong một số tài xế bất lương là nếu có lỡ để xảy ra tai nạn thì làm sao để cho nạn nhân... chết(!?). Như thế, tiền đền bù, bồi thường một lần sẽ ít hơn tiền chu cấp cho người bị nạn, có khi là cả đời khi mà nạn nhân còn sống nhưng bị thương tật.
Vài năm trước, đã có một vụ án tương tự. Huỳnh Văn Nhân (SN 1959, ngụ huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) lái xe máy cày gây tai nạn cho anh L.T.T.. Thấy nạn nhân nằm trên vũng máu, miệng ú ớ, hai tay còn quơ qua quơ lại..., trong lúc đường vắng không một bóng người, Nhân nảy sinh ý định giết chết anh T. để khỏi tốn nhiều tiền bồi thường. Huỳnh Văn Nhân lôi nạn nhân đến gầm xe, đặt nằm dọc theo bánh xe rồi lùi xe cán lên người khiến anh T. chết ngay tại chỗ.
Với những chứng cứ không thể chối cãi, Nhân đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Ngày 16/8/2007, TAND tỉnh Tây Ninh đã tuyên phạt Nhân mức án 20 năm tù về tội "Giết người".
Ngày 23/3/2010, tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên Phạm Quang Minh 18 năm tù về tội "Giết người" và phải chịu hình phạt 18 năm tù giam cho hành vi lái xe cán qua người ông Lê Ngọc Hồ (Bí thư Chi bộ thôn Tiến Minh, xã Hàm Minh, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận). Tịch thu chiếc ôtô mà bị cáo dùng để gây án.
Trước đó, do mâu thuẫn trong việc vận chuyển và buôn bán thanh long với vợ chồng anh Lê Ngọc Hiếu (em ruột ông Hồ), đêm 19/1/2009, Phạm Quang Minh cùng vợ lái ôtô biển số 52X-2456 đến nhà ông Hiếu gây sự. Ông Hồ (nhà ở đối diện) sang can ngăn. Thấy ông Hồ đứng trước đầu xe mình chỉ trỏ, Minh đã cho xe tông thẳng vào. Xốn mắt, khi thấy ông Hồ bị hất ngã xuống đất, Minh lùi xe lại rồi tiến tới tông tiếp một lần nữa. Hậu quả: ông Hồ bị thương tật vĩnh viễn 88,7%.
Trước phiên tòa sơ thẩm, các cơ quan tố tụng ở Bình Thuận đã đồng ý chuyển tội danh của Minh từ "Giết người" xuống "Cố ý gây thương tích", Tòa sơ thẩm diễn ra ngày 7/2/2009 chỉ tuyên phạt Minh 10 năm tù. Sau đó, Viện KSND tối cao đã có bản kháng nghị đề nghị Tòa phúc thẩm xét xử Phạm Quang Minh theo hướng tăng nặng hình phạt và chuyển tội danh của bị cáo Minh từ "Cố ý gây thương tích" sang tội "Giết người". Nạn nhân cũng có đơn kháng cáo.
Vị đại diện Viện KSND tối cao nêu quan điểm luận tội, bị cáo Minh dùng ôtô cán qua người ông Hồ là hành vi cố ý giết người chứ không phải cố ý gây thương tích. Bởi vì ông Hồ còn sống là ngoài ý muốn của bị cáo. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cũng nhận định: Viện KSND tối cao có kháng nghị chuyển tội danh của bị cáo từ "Cố ý gây thương tích" sang "Giết người" là hoàn toàn có cơ sở".
"Điều luật" ác nghiệt trên có tồn tại trong một bộ phận của giới tài xế hay không? Xin dành câu trả lời cho họ.
Bản án đã tuyên, nhưng vẫn còn đó một câu hỏi nhói lòng: "Tại sao bị cáo đã dừng xe, sao lại không lùi xe mà tiếp tục cán người đến 3 lần?" - như một nỗi ám ảnh đối với những ai tham dự phiên tòa ngày hôm đó. Cái chết của cô gái mới 17 tuổi để lại quá nhiều đau xót, nhưng cái chết đầy thương cảm ấy có làm thức tỉnh lương tâm số tài xế đang hàng ngày ngồi sau vô-lăng chạy trên đường với suy nghĩ lạnh lùng, tàn nhẫn, nếu lỡ gây tai nạn, "làm sao cho nạn nhân... chết”
Theo Báo CAND
Đô bất ngờ khi cuộc trò chuyện tình cờ lại diễn ra đúng vào ngày Kim Chi, đứa con gái đầu lòng của Đô lên xe hoa về nhà chồng. Hôm nay, khi tiệc cưới của con gái đang bắt đầu thì Đô ngồi trong khu giam tử hình và khóc, nức nở y như một đứa trẻ. Đôi bàn tay bị còng giơ lên, cố che đi những giọt nước mắt nhưng không được. Tôi ngồi lặng đi, trân trân nhìn vào đôi bàn tay Đô mà thoáng rùng mình.
Ngày 20-5, Nghị định 34/2010/NÐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực thi hành. Ðiểm mới của nghị định này là áp dụng mức phạt cao hơn, tăng quyền cho các cơ quan chức năng, thí điểm chế tài mạnh hơn đối với một số vi phạm trong khu vực nội thành ở hai đô thị loại đặc biệt Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Ngày xưa, ông T.V.M không chỉ giàu có nổi tiếng ở Hố Nai mà còn có tướng tá khá oai vệ, nặng gần 90 kg. Giờ đây, người quen khó lòng nhìn ra ông chỉ sau bốn năm. Câu chuyện dưới đây về ông, giới giang hồ, cờ bạc Đồng Nai đều biết rõ.
Nguyễn Xuân Cường bị cảnh sát bắt quả tang mặc áo blouse, mang thẻ bác sĩ giả xuất hiện tại Bệnh viện 115, Nghệ An.
Ngả lưng trên chiếc giường kê tạm trong hầm chỉ huy cũ của địch, ông Giáp suy nghĩ nhiều về câu Cụ Hồ viết trong thư: Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Ông Cụ đã thấy trước và đã khẳng định: Chặng đường đấu tranh trước mắt còn dài. Mấy chục năm sau, nhớ lại, Võ Nguyên Giáp viết: Những lời như vậy chỉ có được ở Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau 4 năm gia nhập quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu với quân Pôn Pốt tại nước bạn Campuchia, anh trở về TP HCM lao vào trận tuyến mới. Anh "biến" ngôi nhà nhỏ của mình tại địa chỉ 192/6 CMT8 (phường 10, quận 3) trở thành mái nhà bình yên của nhiều trẻ em mồ côi, lang thang. Cũng ở mái ấm này, anh giúp nhiều nô lệ "nàng tiên nâu" cai nghiện…