Một người bạn lâu năm của nhà tâm lý Trương Thị Bích Hà cho biết, sau khi biết chuyện nữ tiến sỹ tâm lý bị bắt giữ, họ không bất ngờ vì bản thân bà Hà đã gây ra tai tiếng rất nhiều năm vì chuyện vay nợ không trả. Tuy nhiên, do có tài ăn nói nên bà Hà đã "xoa dịu" được nhiều chủ nợ. Mặt khác, do bà ta vẫn đều đặn "lên sóng" nhà đài nên nhiều người vẫn đặt niềm tin đối với "nữ chúa Chổm" này.
Ngày 5/6, trao đổi với phóng viên Báo CAND, điều tra viên Đội 9 Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV (PC46) Công an Hà Nội cho biết, sau khi Báo CAND đăng bài phản ánh việc nữ tiến sỹ tâm lý Trương Thị Bích Hà lạm dụng chiếm đoạt tài sản, đến nay đã có thêm nhiều bị hại đến cơ quan trình báo bị bà Hà chiếm đoạt tiền với số tiền bước đầu lên tới hơn 10 tỷ đồng. Theo những người bị hại, "nghệ thuật" nói chuyện, đánh trúng tâm lý của nữ tiến sỹ đã khiến mọi người đều xiêu lòng khi cho bà Hà vay mượn tiền bạc... Chị Đào Thanh H. ở phường Mai Dịch, quen nữ tiến sỹ Trương Thị Bích Hà trong những lần đi lễ chùa. Hỏi chuyện, biết bà Hà ở gần nhà, từ đó hai chị em trở nên thân thiết. Năm 2004, chị H. đặt cọc mua một căn hộ chung cư tại Ciputra. Sau đó, do khó khăn về tài chính nên chị H. không có khả năng nộp tiền mua. Một lần khi đi lễ chùa, chị H. có kể chuyện này với bà Hà. Bà Hà sốt sắng nói cũng đang tìm mua một căn hộ chung cư cao cấp cho con gái, đã đi xem thử một số nhà ở khu Mỹ Đình nhưng không ưng. Bà Hà nói đưa giấy đặt cọc cho xem để quyết định mua. Biết bà Hà từng là giáo viên ĐH Sư phạm, tiến sỹ tâm lý học, lại thường xuyên xuất hiện trên đài, ti vi nên chị H. đã đưa bản đăng ký đặt chỗ và biên lai đóng tiền đặt cọc cho bà Hà. Bẵng đi một thời gian không thấy bà Hà nói gì, chị H. hỏi thì bà ta trả lời đã đưa những giấy tờ đó cho bạn bè xem ai có nhu cầu sẽ "bán suất" hộ chị H. Nghĩ đơn giản tờ giấy đặt cọc tiền không có giá trị nên chị H. cũng không hỏi đến nữa. Bẵng đi một thời gian, chị H. bất ngờ được chị T., giảng viên một trường ĐH gọi điện hỏi về căn hộ chung cư ở Ciputra. Chị T.. cho biết trước đó có cho bà Hà vay 120.000 USD. Do không có tiền trả nên bà Hà đã gán nợ bằng căn hộ trên. Khi bán, bà Hà có nói mua lại của chị H. với giá 100.000 USD. Ngoài tờ biên lai đóng tiền đặt cọc của chị H, bà Hà còn đưa cho chị T. một giấy mua bán viết tay (sau này xác định bà Hà đã giả chữ ký của chị H.). Nghe chuyện, chị H. tá hỏa điện thoại cho bà Hà trách móc. Nữ tiến sỹ giả vờ khóc sướt mướt, thừa nhận trước đây có vay mượn tiền của chị T. để làm ăn. Không ngờ chị T. quên tình cảm bạn bè, thúc ép, đe dọa đòi tiền và đòi phải có tài sản thế chấp nên đành phải tạm đưa giấy tờ của chị H. ra để làm tin. Bà Hà van vỉ chị H. cho thời gian để thu xếp tiền trả nợ chị T. xong sẽ trả lại giấy tờ. Không ngờ sau đó, bà Hà bán nhà ở phố Mai Dịch, chuyển sang khu Mỹ Đình ở và tiếp tục đi lừa nhiều người khác. Quyết định truy nã đối tượng Trương Thị Bích Hà. Ngoài những người bị hại đã đến cơ quan Công an trình báo, theo tìm hiểu của phóng viên Báo CAND, còn rất nhiều người bị hại khác của bà Hà vì nhiều lý do đã chưa tìm đến cơ quan điều tra. Trong đó, ngay tại khu vực phố Mai Dịch, quận Cầu Giấy, nơi trước đây bà Hà và gia đình cư trú, một loạt những người quen biết, hàng xóm… đã trở thành nạn nhân của nữ tiến sỹ tâm lý này. Ông Nguyễn Văn S., là một trong những người đã bị bà Hà chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Nhà ông S. thuộc diện khá giả ở phố Mai Dịch bởi vợ ông đi XKLĐ tại Đức từ những năm 2003. Hàng năm, tiền tích cóp được, vợ ông S. gửi về cho chồng. Bà Hà đặt vấn đề vay tiền ông S. để kinh doanh, trả lãi suất cao. Tuy nhiên, đến hạn, bà Hà không trả lãi, cũng không trả tiền gốc và tìm cách lảng tránh. Một bị hại khác là chị V.A., chủ một hiệu may nổi tiếng cho biết, bà Hà là khách hàng lâu năm của chị. Mỗi lần đến cửa hàng, bà Hà thường đặt may cả chục bộ quần áo, tiền tiêu rủng rỉnh. Sau một thời gian thân thiết, bà Hà hỏi vay 100 triệu đồng để đóng cổ phần cáp treo chùa Hương, hẹn trong vòng 1 tháng sẽ trả cả gốc và lãi. Sau đó, bà Hà trả tiền rất đúng hẹn nên đã tạo lòng tin với chị V.A. Năm 2004, bà Hà tiếp tục hỏi vay 200 triệu đồng với lý do góp vốn làm ăn với một vị lãnh đạo của Bộ GD&ĐT để nhập khẩu thiết bị dạy học. Do bà Hà từng là giảng viên ĐH Sư phạm, lại thường xuyên tư vấn trong các chương trình của Đài Phát thanh và truyền hình nên chị V.A. không nghi ngờ gì. Bà Hà còn đưa ra giấy mua bán gần 700m2 đất tại huyện Chương Mỹ (quê chồng của bà Hà) để thế chấp làm tin. Tuy nhiên, sau 1 năm không thấy bà Hà trả tiền và có dấu hiệu trốn tránh, chị V.A. tìm gặp. Bà Hà trấn an: "Chị đang đầu tư tiền làm ăn, chưa rút vốn ra được. Chị đang là người của công chúng thế này, đời nào lại đi lừa dối mọi người". Nghe bà Hà nói rất "có lý", chị V.A. tiếp tục chờ đợi, không ngờ bà Hà bí mật bán nhà, thu dọn đồ đạc trong đêm rồi chuyển đi thuê một căn biệt thự ở Mỹ Đình. Khi chị V.A. tìm được địa chỉ này, mới biết có rất nhiều người cũng đang săn tìm bà Hà để đòi tiền. Tuy nhiên, bà Hà trốn biệt và thách thức những người đòi tiền nếu "xâm phạm" vào nhà bà sẽ báo Công an đến bắt. Bà ta còn hù dọa đã ra cơ quan Công an làm việc nhưng chẳng vấn đề gì. Ngược lại, nếu mọi người ra cơ quan Công an tố bà ta, sẽ rất khó để giải trình nguồn gốc số tiền đã cho vay… Điều mà những người đã bị bà Hà chiếm đoạt tiền bức xúc là mặc dù họ đã phản ánh việc bà Hà có dấu hiệu vi phạm pháp luật tới các cơ quan truyền thông, nơi bà Hà vẫn đều đặn "lên sóng" trong các chương trình tư vấn, song không thấy các đơn vị này xem xét. Chính vì vậy, lợi dụng hình ảnh của mình trong các chương trình này, bà Hà tiếp tục tạo niềm tin cho nhiều người khác để vay tiền rồi chiếm đoạt. Hành vi phạm tội này kéo dài cho tới tận trước khi bà Hà bị bắt giữ. Ngoài những người quen biết, trong số bị hại của bà Hà, có cả những khách hàng từng được bà ta tư vấn tâm lý tại Trung tâm Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (trụ sở tại đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy). Điển hình như bà Nguyễn Thị T. ở quận Ba Đình. Hoàn cảnh bà T. khá đặc biệt, cậu con trai tuổi trưởng thành nhưng "có vấn đề" về giới tính. Bà T. đã đưa con đến Trung tâm Ánh Sáng để kiểm tra và được hướng dẫn gặp tiến sỹ Trương Thị Bích Hà để tư vấn về tâm lý cho cả hai mẹ con. Gặp nữ tiến sỹ có tài ăn nói, bà T. như cởi tấm lòng, tâm sự hết mọi điều gan ruột. Có người để chia sẻ nỗi đau thầm kín, bà T. coi nữ tiến sỹ thân thiết như người nhà. Nữ tiến sỹ tỏ ra rất quan tâm đến hai mẹ con bà T. nên tìm đến tận nhà bà T. để tư vấn trực tiếp. Thấy gia đình bà T. kinh tế khá giả, tháng 5/2009, nữ tiến sỹ này đặt vấn đề vay 30.000 USD. Thấy người đã quá nhiệt tình giúp đỡ mình, bà T. vui lòng cho vay tiền với hàm ý trả ơn. Cho đến khi hay tin bà Hà bị bắt, bà T. mới biết sự thật về nữ tiến sỹ tâm lý mà bấy lâu bà vẫn thần tượng. Tìm hiểu tại Trung tâm Ánh Sáng, được biết bà Hà chỉ là cộng tác viên của trung tâm. Bà Hà trực tiếp phụ trách Phòng Truyền thông tư vấn của Công ty TNHH Đàm Khánh do bà Hà làm giám đốc. Đầu năm 2009, thấy có nhiều người đến tìm bà Hà đòi tiền, trung tâm đã yêu cầu bà Hà tạm dừng hoạt động của Phòng Tư vấn và đề nghị bà chuyển văn phòng mượn tạm của Trung tâm Ánh Sáng đi nơi khác. Những người đang làm việc tại trung tâm này cũng hết sức bức xúc và bất bình về việc bà Hà đã lợi dụng danh nghĩa của trung tâm để hoạt động vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan này Bên cạnh hình thức vay tiền nhưng… không trả, bà Hà còn chiếm đoạt tiền của nhiều người khác bằng cách nhận sổ đỏ để giúp vay vốn ngân hàng. Sau khi bà Hà bị bắt, rất nhiều khổ chủ đang tá hỏa trước nguy cơ bị ngân hàng phong tỏa nhà đất mà Trương Thị Bích Hà đã dùng sổ đỏ của họ đặt vay tiền để chiếm đoạt cá nhân. Điển hình như trường hợp 2 anh Nguyễn Đỗ Nghĩa và Nguyễn Đỗ Tuân ở huyện Đan Phượng. Năm 2007, qua người quen, hai anh được dẫn tới gặp chuyên gia tư vấn tâm lý Trương Thị Bích Hà. Bà Hà cho biết sẽ sử dụng pháp nhân Công ty TNHH Đàm Khánh do bà ta làm giám đốc để vay vốn ngân hàng giúp. Sau khi làm hợp đồng ủy quyền và giao 2 cuốn sổ đỏ cho bà Hà, 2 anh đợi mãi nhưng không thấy được vay tiền ngân hàng. Hỏi lấy lại sổ đỏ, bà Hà ậm ừ nói đã làm hồ sơ gửi ngân hàng rồi nhưng đang vướng mắc một số thủ tục nên phải chờ đợi. Đến lúc hay tin bà Hà bị bắt, anh Nghĩa và Tuân liền đến cơ quan điều tra trình báo, mới hay 2 cuốn sổ đỏ này đã được bà Hà thế chấp tại ngân hàng SHB để vay trên 2 tỷ đồng, đến nay không có khả năng trả nợ cho ngân hàng... Sau khi bà Hà bị bắt giữ, luật sư Ngô Ngọc Thủy, Đoàn luật sư Hà Nội đã tới cơ quan điều tra làm việc, đề nghị được tham gia bào chữa cho thân chủ theo yêu cầu của người nhà bà Hà. Luật sư Thủy cho biết trước Tết Nguyên đán Canh Dần 2010, người nhà đã đưa bà Hà tới văn phòng để xin tư vấn. Bà Hà chỉ nói đang gặp vướng mắc trong việc sử dụng giấy đặt cọc căn hộ ở Ciputra của chị Hương để bán cho người khác. Luật sư Thủy đã khuyên bà Hà cần trả lại tiền đã chiếm đoạt để khắc phục sớm hậu quả. Tuy nhiên sau đó bà Hà không quay lại văn phòng nữa. Theo một người cháu của bà Hà cho biết, thời gian trước đây, bà Hà có tâm sự với người thân đầu tư tiền để kinh doanh bất động sản với một số người bạn. Nhưng những người cộng sự đã rút vốn trước thời hạn, sau đó phần đất kinh doanh bị "dính" quy hoạch nên bà Hà phải gánh hết phần thiệt thòi. Người cháu này nhận định, có thể bà Hà phải đi vay tiền của người này để trả nợ cho người khác, tạo thành vết trượt dài. Tuy nhiên, cho dù là nguyên nhân gì thì hành vi gian dối, chiếm đoạt tiền của bà Trương Thị Bích Hà đã quá rõ. Điều khiến mọi người bức xúc là bà Hà đã dùng hình ảnh của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng để gieo lòng tin đối với mọi người nhằm chiếm đoạt tài sản. Một người bạn lâu năm của bà Hà cho biết, sau khi biết chuyện nữ tiến sỹ tâm lý bị bắt giữ, họ không bất ngờ vì bản thân bà Hà đã gây ra tai tiếng rất nhiều năm vì chuyện vay nợ không trả. Tuy nhiên, do có tài ăn nói nên bà Hà đã "xoa dịu" được nhiều chủ nợ. Mặt khác, do bà ta vẫn đều đặn "lên sóng" nhà đài nên nhiều người vẫn đặt niềm tin đối với "nữ chúa Chổm" này. Với một người từng là giáo viên sư phạm, có trình độ cao, có uy tín trong "nghề" tư vấn tâm lý như bà Hà thì đây quả là điều hết sức đáng tiếc Theo Báo CAND
Sau khi liên hệ và thoả thuận mua 2 máy tính với giá 26,6 triệu đồng, Tiên ra ngân hàng in số dư tiền trong tài khoản sau đó cạo sửa thêm số và photo lại fax qua Công ty CMC. Sau khi giao hàng, kiểm tra lại, công ty mới tá hỏa phát hiện trong tài khoản chỉ có 600.000 đồng.
Một số hộ đã lắp thiết bị phụ vào trước mặt đồng hồ làm đồng hồ ngừng hoặc quay chậm lại, hay không dùng nước qua đồng hồ mà trích một đường trước đồng hồ vào nhà để sử dụng. Khó phát hiện nhất là “chiêu” đục ống nước dưới đất, thanh tra ngành nước muốn bắt quả tang thì phải theo dõi trong một thời gian dài.
Kiều nữ lái xe máy bằng chân, quay video clip rồi tung lên mạng internet gây xôn xao dư luận được Công an huyện Gia Lâm phối hợp với Đội CSGT số 5 - Công an TP Hà Nội xác định là Kiều Lan Anh (SN 1989, ngụ tại tổ Thành Chung, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm).
(HBĐT) - Sáng 4/6, tại Sở LĐTB&XH, Ban điều hành Đề án đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện giai đoạn I Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ năm 2009 -2012.
(HBĐT) - Hưởng ứng “Tháng hành động phòng chống ma tuý năm 2010”, trong những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 2010, Công an thành phố Hoà Bình đã chỉ đạo các lực lượng tấn công trấn áp mạnh các điểm mua bán, tàng trữ trái phép chất ma tuý.
Khe Nét thuộc rừng phòng hộ Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã được Thủ tướng đưa vào quy hoạch thành lập khu bảo tồn thiên nhiên. Thế nhưng tốc độ phá rừng ở đây vẫn diễn ra chóng mặt. Báo chí đã len vào một đường dây lâm tặc để tìm câu trả lời.