Để được mua thêm nền đất tái định cư, hai vợ chồng bàn nhau ly dị giả và nuôi con... ảo. Nhưng hậu quả người trong cuộc phải gánh chịu lại không lường...
Năm 1994, ông Phạm Duy Hương (SN 1957, ngụ phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) kết hôn với bà Nguyễn Thị Phượng (SN 1958). Trong thời gian sống với nhau, hai người không có con.
Đến năm 2004, tỉnh Bình Phước có chủ trương mở rộng đường Trần Hưng Đạo nên thu hồi đất dân để làm đường, trong đó gia đình ông Hương có hai căn nhà nằm ở góc đường Trần Hưng Đạo – Nguyễn Bình bị giải tỏa.
Minh họa: NGUYỄN TÀI
Kịch bản suôn sẻ
Ông Phạm Duy Hương kể: Nghe một số người mách bảo, trong gia đình có nhiều nhân khẩu, khi bị giải tỏa sẽ được Nhà nước bán thêm một suất đất tái định cư, vợ chồng ông Hương bàn nhau... ly dị giả để được ưu tiên mua thêm nền đất. Để “chắc ăn”, họ quyết định làm giấy khai sinh cho một đứa con... không có thật mang tên Phạm Thị Bích Thảo, sinh ngày 15-5-2001.
Sau đó, ông Hương ra UBND phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài làm giấy khai sinh cho con “ảo”. Theo quy định, khi đăng ký làm giấy khai sinh, bắt buộc phải có giấy chứng sinh. Trường hợp không có giấy chứng sinh (sinh con trong vùng hẻo lánh, sinh tại nhà...) phải có hai người làm chứng.
Ông Hương làm đơn, ghi tên hai nhân chứng là Lê Thị Tuyết Hoa và Nguyễn Thị Huyền rồi... tự ký luôn tên của họ. Do quen biết, cán bộ Tư pháp UBND phường Tân Phú không đi xác minh, đã cấp cho vợ chồng ông Hương bản sao giấy khai sinh mang tên Phạm Thị Bích Thảo, được đánh số 56, quyển số 2, ngày 14-11-2003.
Có giấy khai sinh của con “ảo”, ngày 22-11-2004, vợ chồng ông Hương làm đơn gửi TAND thị xã Đồng Xoài xin ly hôn. Nhận thấy các thủ tục pháp lý đầy đủ, ngày 29-11-2004, TAND thị xã Đồng Xoài ra biên bản thuận tình ly hôn cho ông Hương và vợ.
Đến ngày 16-12-2004, TAND thị xã Đồng Xoài ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn phân chia tài sản, quyền nuôi con. Theo quyết định này, phần tài sản do vợ chồng ông Hương tự thỏa thuận giải quyết; “con gái” giao bà Phượng nuôi, mỗi tháng ông Hương phải chu cấp cho “con” 1 triệu đồng, thời gian cấp dưỡng tính từ ngày 1-12-2004 đến khi “con” đủ 18 tuổi.
Hậu quả thật
Sau khi có quyết định ly hôn không bao lâu, bà Phượng đi bước nữa với một người đàn ông khác, bán hết số tài sản được chia với ông Hương rồi đi nơi khác sinh sống. Ông Hương cũng đi bước nữa.
Cuối năm 2009, do tuổi cao trong khi bản thân là thương binh nặng, ông Hương quyết định bán bớt đất của mình để lấy tiền xây phòng trọ cho thuê. Khi biết được sự việc, bà Phượng làm đơn gửi Cơ quan Thi hành án thị xã Đồng Xoài để nhờ đơn vị này buộc ông Hương thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng 1 triệu đồng/tháng cho “con gái” tên Phạm Thị Bích Thảo (tính từ khi TAND ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực là 4 năm, với số tiền 48 triệu đồng).
Ông Hương đương nhiên không đồng ý chu cấp cho đứa con không hề tồn tại thật trên đời. Khổ nỗi, việc nuôi con “ảo” chỉ ông và bà Phượng là rõ nhất, còn Thi hành án thị xã Đồng Xoài chỉ làm theo quyết định, bản án của tòa, buộc lòng họ phải ra văn bản đề nghị các cơ quan chức năng không cho ông Hương chuyển nhượng hay cầm cố đất cho ai.
Đất đã bán nhưng bị ngăn chặn, ông Hương gửi đơn lên TAND tỉnh Bình Phước xin hủy bỏ việc nuôi và cấp dưỡng cho đứa con “ảo”.
Tuy nhiên, theo một thẩm phán, nếu TAND tỉnh kháng nghị giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm thì thời hiệu không còn vì đã quá 3 năm kể từ khi quyết định (bản án) có hiệu lực. Nếu kháng nghị theo trình tự tái thẩm là một năm kể từ ngày phát hiện chứng cứ mới (chứng cứ mới có thể làm thay đổi nội dung vụ án) và chứng cứ đó (đứa con “ảo” – PV) đương sự phải hoàn toàn không biết. Nhưng ở đây, cả hai người đã bàn bạc ngay từ đầu và cố tình làm sai.
Hiện vụ việc đang được Phòng Giám đốc Kiểm tra thuộc TAND tỉnh Bình Phước thụ lý giải quyết theo đơn của ông Hương. Có điều, bao giờ vụ án đứa con “ảo” kết thúc thì... thật khó trả lời.
Theo Báo NLĐ
Cùng với việc mở rộng địa giới hành chính, thời gian qua, số người tạm trú trên địa bàn Hà Nội ngày một gia tăng. Việc xét, cấp hộ chiếu phổ thông cho các đối tượng này là một trong những biện pháp cải cách thủ tục hành chính, thực hiện Nghị định 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Không có tiền trả nợ, Hoàn đem ôtô mượn của chị Bình đi bán. Đòi xe không được, chị Bình làm đơn tố cáo lên cơ quan Công an…
Bà Vi Thị Hồng Nhung nhận 25 triệu đồng tiền 'chạy án' của gia đình bị can, hướng dẫn các bên đương sự ghi không đúng bản chất sự thật của vụ án để có lý do đình chỉ điều tra đối với bị can.
Dư luận hết sức bất bình về tình trạng nhiều phương tiện giao thông tự trang bị còi hơi, bấm còi vô tội vạ gây kinh hoàng cho người đi đường. Người đi đường yếu tâm lý dễ bị lạc tay lái dẫn đến tai nạn bởi lý do không đáng có.
Từ sau Tết Nguyên đán Canh Dần đến nay, trên địa bàn huyện Mộ Ðức, Quảng Ngãi, đã liên tiếp xảy ra hàng chục vụ trộm cắp cây cảnh và hàng loạt vụ trấn lột ngay giữa "thanh thiên bạch nhật". Tuy nhiên, điều đáng nói là trong khi người dân rất lo lắng, thì các ngành chức năng vào cuộc quá chậm.
(HBĐT) - Thực hiện chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm, góp phần giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ, đối tượng chính sách, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức của tỉnh, Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm - Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức được 12 lớp dạy nghề cho 358 học viên, gồm 8 lớp dạy nghề sửa chữa xe máy, 2 lớp hàn điện, 2 lớp tin học văn phòng, 2 lớp nhân viên bảo vệ.