Cả học trò lẫn thầy cô giáo đều phải lăn lộn trên thao trường, khổ luyện để làm chủ các kỹ năng võ thuật, bơi, lặn bí mật, leo trèo… Để cho "ra lò" những thế hệ học trò có năng lực thực thi nhiệm vụ trong các tình huống gay cấn như giải cứu con tin, hỗ trợ phá các tổ chức tội phạm, chống khủng bố…, việc đào tạo phải rất công phu. Đó là những gì mà thầy và trò Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang khổ công luyện đức, rèn tài.
Tuổi trẻ phát huy vai trò xung kích
Sân trường như một thao trường là cảm nhận của chúng tôi khi đến Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang vào lúc 14h ngày 1/7. Chỗ này là nơi luyện tập bắn súng, chỗ kia bơi lội, chỗ nọ tập võ thuật…
Ngoài ra, các em còn đến các hồ, sông, đồi núi, quốc lộ quanh khu vực trường đóng quân để tập luyện, làm quen với các điều kiện địa hình. Người dân ở quanh hồ Văn Sơn, đập Đồng Chanh, hồ Hòa Sơn, núi Lâm Sơn, núi Hòa Sơn, sông Bùi… quen với việc các học viên của trường ra đây bơi lội, leo trèo.
Nhìn các học viên có làn da rám nắng, mồ hôi ướt đầm đủ biết, các em luyện tập rất vất vả. Mặc dù trong giờ học chính đã đổ mồ hôi luyện tập các bài học kỹ năng, phản xạ nhưng khi đến giờ chơi (16h), chúng tôi lại thấy các em say sưa đá bóng, tập tạ… Điều này càng làm cho môi trường đào tạo lính đặc nhiệm, cơ động, bảo vệ, giáo viên võ thuật, quân sự thêm đúng chất Cảnh sát vũ trang.
Đừng tưởng rằng những chiến sỹ Cảnh sát đặc nhiệm, Cảnh sát cơ động… tương lai chỉ say mê hoạt động mà họ còn có thể tĩnh khi ngồi trên giảng đường, trong thư viện. Cũng trong buổi chiều 1-7, chúng tôi đã chứng kiến khí thế của các đoàn viên, các lãnh đạo đoàn khi họ tham gia ký kết giao ước thi đua thực hiện cuộc vận động "CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ".
Học viên Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang với bài tập võ thuật. |
Dưới sự chứng kiến của Đại tá, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nguyễn Hùng Thanh, Ban Thanh niên Tổng cục Xây dựng lực lượng và lãnh đạo các phòng, khoa, đại diện Chi đoàn các lớp, các đơn vị trong trường cùng ký cam kết thực hiện cuộc vận động.
Nội dung các đoàn viên cam kết thực hiện rất cụ thể, thiết thực như: Triển khai sâu rộng nội dung của cuộc vận động đến hoạt động công tác, học tập, rèn luyện hàng ngày; thực hiện nghiêm Điều lệnh CAND; "Tuổi trẻ T45 nói không với thuốc lá, thuốc lào"; 100% các chi Đoàn thành lập các tổ xung kích kiểm tra, giám sát việc thực hiện cuộc vận động…
Xác định đoàn viên thanh niên là lực lượng nòng cốt nên ngay từ đầu tháng 3, khi Bộ Công an ra kế hoạch thực hiện cuộc vận động "CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ", Ban chấp hành Đoàn trường đã triển khai cuộc vận động. Các tổ điều lệnh mà chủ lực là lực lượng thanh niên xung kích đã kiểm tra, giám sát việc thực hiện Điều lệnh.
Trung úy Bùi Sỹ Nam, Bí thư Đoàn trường thẳng thắn nhìn nhận, trong quý II năm nay vẫn còn 20 đoàn viên vi phạm điều lệnh. Phát hiện vi phạm thì nhắc nhở, kiểm tra thấy vi phạm phải xử lý nghiêm là ý kiến của thầy Hiệu trưởng khi nghe đồng chí Bí thư Đoàn báo cáo về tình hình phát hiện và xử lý vi phạm kỷ luật của học viên.
Dùng biện pháp "rắn" để quản lý
Bên cạnh việc thông qua công tác Đoàn triển khai sâu rộng đến từng đoàn viên, Phòng Quản lý học viên cũng qua công tác chuyên môn của mình để cuộc vận động đi vào nếp sống, nếp nghĩ và việc học tập, rèn luyện của từng học viên.
Thượng tá Hoàng Xuân Canh, Phó trưởng phòng cho chúng tôi biết, đặc thù của trường là học viên nam chiếm chủ yếu. Giới tính, tuổi mười tám, đôi mươi cộng với đặc thù học tập ở môi trường vũ trang nên các em rất hiếu động, tinh nghịch. Nếu không quản lý tốt, rất có thể các em sẽ áp dụng chính các bài học được học trong trường để vượt rào trốn ra ngoài chơi game, lang thang quán xá…
Do được đào tạo bài bản, chuyên sâu các kỹ năng như một chiến sỹ đặc công nên các học viên của trường có tài thoắt ẩn, thoắt hiện. Việc áp dụng biệt tài này trong đấu tranh phòng chống tội phạm rất hữu hiệu, nhất là trong những tình huống nguy nan. Trong các vụ giải cứu con tin, việc huy động Cảnh sát đặc nhiệm, cơ động là đương nhiên.
Các chiến sỹ này có thể vượt qua địa hình phức tạp như trèo nhà cao tầng, đu dây, leo mái nhà… để khéo léo áp sát đối tượng. Để kịp thời ứng phó trong các tình huống nguy cấp, nếu không được học hành bài bản, không tu dưỡng rèn luyện thì khó hoàn thành nhiệm vụ.
Trở lại với việc quản lý các học viên có biệt tài leo trèo, bơi lội, đồng chí Canh cho biết, bên cạnh việc giáo dục các em còn phải áp dụng cả biện cứng rắn để kịp thời phát hiện học viên vi phạm. Theo thời khóa biểu, giờ học, giờ ăn, giờ chơi của học viên bất di, bất dịch trong ngày. Quân số luôn được kiểm tra, giám sát trong suốt cả ngày, ngay như buổi tối, từ 19h đến 21h30' hai lần điểm danh. Thế nhưng với những học trò cá biệt, khi kẻng báo giờ đi ngủ vang lên, đèn tắt thì lại lẻn vượt tường trốn ra ngoài… rong chơi.
Khi có kẻng báo động kiểm tra, học viên trong phòng sẽ gọi điện báo cho "kẻ đi chơi đêm" biết để trở về. Để "bắt quả tang" với chứng cứ không thể chối cãi, ngoài nhanh chóng kiểm tra quân số, các tổ do lực lượng thanh niên xung kích làm nòng cốt sẽ đứng chặn ở những vị trí được phán đoán là học viên lẻn ra ngoài sẽ quay về. "Tang chứng, vật chứng" cụ thể, học viên trốn ra ngoài không thể chối cãi.
Mức xử lý kỷ luật đối với học viên vi phạm cũng được nhà trường quy định rất chặt chẽ. Ví dụ như với học viên vay nợ mà nhà trường nhận được đơn thư sẽ xử lý, nặng nhất là buộc thôi học. Hay như với học viên bị phát hiện uống rượu bia say sẽ bị khiển trách; hút thuốc lá lần 1: cắt điểm thi đua trong tháng. Lần 2: kỷ luật… Việc kết hợp giáo dục với biện pháp hành chính đã hạn chế tình trạng học viên vi phạm kỷ luật.
Đồng chí Canh cho rằng, cuộc vận động "CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ" có tác động tích cực đến chuyển biến nhận thức, hành động của học viên. Điển hình phải kể đến tuân thủ việc mặc quần áo, đi giày đúng quy định; cách xưng hô, giao tiếp giữa đồng sự, với các thầy cô đúng chuẩn mực; các hoạt động hàng ngày đi vào nề nếp, quy củ hơn. Đặc biệt là ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, trật tự nội vụ được các em chú trọng hơn.
Đại úy Lê Kim Chinh, giáo viên chủ nhiệm 3 lớp khối C4K5 - chuyên ngành giáo viên quân sự, võ thuật cho biết, các lớp này đa số học viên là cán bộ đi học, thời gian luyện tập ở khu vực bên ngoài trường là chủ yếu nên cách quản lý, tiếp xúc cũng đòi hỏi người giáo viên phải khéo léo. Để các học viên lớp mình chủ nhiệm nhận thức đúng đắn về cuộc vận động và có những việc làm cụ thể để hưởng ứng, giáo viên chủ nhiệm phải khơi dậy lòng tự trọng trong mỗi học viên - những người được đào tạo để làm thầy. "Nếu học viên không có ý thức tự giác, tinh thần ham học hỏi, tu dưỡng đạo đức, lối sống thì giáo viên chủ nhiệm khó hoàn thành nhiệm vụ của người quản lý lớp", Đại úy Chinh đánh giá.
Thiện chiến, chính quy là mục tiêu mà cả thầy và trò Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang đang nỗ lực tu luyện trong suốt hành trình dạy và học. Gần 4.000 giáo viên, học viên của trường tích cực tham gia cuộc vận động "Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ" cũng là để hoàn thiện nhân cách, lối sống lành mạnh, tinh thần "vì nước quên thân, vì dân phục vụ" của người chiến sỹ Công an nhân dân.
Theo Báo CAND
Kết quả xét nghiệm tử 148 người có nghi vấn sử dụng trái phép chất ma túy tại trụ sở cơ quan CA cho thấy 72 đối tượng dương tính với ma túy.
6 tháng qua, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra hàng chục vụ chặt trộm cây gỗ sưa. Chỉ riêng trong đêm 24 rạng ngày 25/6, 3 cây gỗ sưa đỏ đã bị "sưa tặc" cưa trộm.
(HBĐT) - Ngày 1/7, Công an tỉnh đã tổ chức hội thảo phương án bắt giữ đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy bằng phương tiện cơ giới trên quốc lộ. Đồng chí Bùi Đức Sòn – UVTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh đã dự và chủ trì hội thảo.
(HBĐT) - Chúng tôi có dịp gặp gỡ thượng tá Trần Văn Ba – Phó phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (PC81) khi anh vừa chỉ huy lực lượng bảo vệ phiên tòa xét xử đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
(HBĐT) - Theo thống kê của lực lượng chức năng, trong 6 tháng đầu năm 2011 toàn tỉnh đã xảy ra 289 vụ phạm tội về trật tự xã hội, tăng 86 vụ so với cùng kỳ năm 2010. Làm 10 người chết, 56 người bị thương, số tài sản bị thiệt hại trị giá gần 5 tỷ đồng.
Trước tình trạng “làm xiếc” với giá gửi xe, đầu tháng 6 vừa qua, GĐ Sở Y tế Hà Nội đã kiểm điểm GĐ các bệnh viện Hà Đông, Thanh Nhàn, Phụ sản… Tuy nhiên, đến thời điểm này, tình trạng "móc túi" người nhà, bệnh nhân vẫn không thay đổi ở các bãi xe.