Truy tìm người mất tích, tung tích nạn nhân hay truy tìm tang vật, tài sản liên quan đến các vụ án đều là những việc tưởng chừng như vô vọng, dễ khiến người ta nản chí. Thế nhưng, bằng sự kiên trì, bền bỉ, lần theo từng mắt xích, chắp nối các thông tin, các chiến sĩ Phòng Truy tìm - Cục Cảnh sát truy nã tội phạm đã đến được đích bằng con đường ngắn nhất.
Niềm vui của những người thân khi tìm được con em mình trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc của các anh, giúp các anh quên đi hết mệt nhọc và có thêm năng lượng, niềm tin cho những hành trình phía trước. Trong một lá thư gửi về Phòng Truy tìm, một người mẹ có con gái đột ngột mất tích đã viết trong nước mắt: "Cháu là một học sinh giỏi nhiều năm, được thầy cô, bạn bè quý mến, vậy mà không hiểu vì lý do gì cháu bỏ nhà đi. Cả tôi và chồng đều choáng váng khi biết tin này. Gọi điện hỏi hết những địa chỉ có nhiều khả năng cháu đến nhưng họ đều trả lời không gặp cháu. Điện thoại của cháu tắt máy. Trong đầu tôi lúc đó đã nghĩ đến những khả năng xấu nhất xảy ra với cháu: Có thể cháu bị lừa gạt, dụ dỗ bán qua biên giới. Cũng có thể cháu thân quen với một thanh niên nào đó để rồi cả hai bỏ nhà ra đi. Hay cháu bị tai nạn giao thông...? Lá đơn này đến với các anh cùng với tất cả niềm hy vọng cuối cùng của gia đình tôi. Bởi cháu là đứa con duy nhất của chúng tôi. Nếu không thấy cháu, chắc vợ chồng tôi sẽ không sống nổi...". Chúng tôi đã lặng người đi khi đọc những dòng chữ đó và càng hiểu hơn nỗi đau của những gia đình có con em bị mất tích. Nó không chỉ đảo lộn cuộc sống gia đình mà còn là nỗi lo, sự đau đớn khôn nguôi khi người thân phải nghĩ tới những hậu quả xấu nhất có thể xảy ra. Đất trời rộng lớn khôn cùng, con người lại quá bé nhỏ, tìm họ giữa mênh mông trời đất ấy quả là việc không dễ dàng. Các chiến sĩ Công an cứ lần theo từng dấu vết, từng đầu mối thông tin hết ngày này sang ngày khác, tuần này sang tuần khác, thậm chí vài tháng, song không phải lúc nào cũng mang lại kết quả như mong muốn. Nhưng họ vẫn làm; làm vì lương tâm, trách nhiệm của người chiến sĩ Công an nhân dân. Thượng tá Đinh Xuân Dụa, Trưởng phòng Truy tìm chia sẻ: “Có một thực tế đau lòng là mấy năm gần đây, số các em học sinh bỏ nhà ra đi khá nhiều. Đa phần là các em gái, độ tuổi từ 16 - 17. Việc bỏ nhà ra đi của các em đều xuất phát từ một số lý do nhất định như bố mẹ bất hòa, cãi nhau, bố hay mẹ quan hệ bất chính, mâu thuẫn về tiền bạc, làm ăn... khiến các em buồn bã, chán nản khi phải chứng kiến những "tấm gương" của mình bị hoen mờ. Một số khác bị bạn xấu rủ rê, lôi kéo vào con đường chơi bời, lêu lổng nên bỏ nhà đi để thoát khỏi sự kiểm soát của gia đình. Một số em bị lạm dụng tình dục hoặc bọn tội phạm lừa đảo bán sang biên giới. Với trường hợp bị bán, việc truy tìm gặp khó khăn gấp bội. Ngoài truy tìm, chúng tôi còn kiêm thêm cả việc truy bắt đối tượng truy nã. Song, thực tế cho thấy truy tìm người mất tích lại gặp những cái khó riêng. Sự liên kết giữa người mất tích với bạn bè, người thân có khi phải rà soát rất nhiều, trải trên một địa bàn rộng. Nhưng các cụ mình vẫn dạy, trong cái khó ló cái khôn, chúng tôi cứ kiên trì, tháo gỡ mớ bòng bong đó với tinh thần quyết tâm cao nhất”. Còn Thiếu úy Lò Ngọc Hoàng kể cho chúng tôi nghe một vụ truy tìm mà anh cùng đồng đội tham gia và đã thành công. Đó là trường hợp cô bé Nguyễn Thị Ngọc Dung (SN 1997, tên nhân vật đã được thay đổi), nhà ở Quốc Oai, Hà Nội, đang học lớp 8 thì bỏ nhà ra đi. Cùng với những thông tin gia đình Dung cung cấp, các trinh sát hướng dẫn bố mẹ cháu một số biện pháp để xác minh thông tin và phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an cùng tìm Dung. Nguyên nhân cháu Dung bỏ nhà đi qua tìm hiểu được biết do cháu chểnh mảng học tập, bố mẹ đã đánh cháu, không cho cháu dùng điện thoại di động. Là đứa trẻ mới lớn, Dung rất buồn về việc này, nghĩ là bố mẹ không thương mình nữa nên bỏ nhà đi.
Các chiến sĩ Phòng Truy tìm triển khai kế hoạch truy tìm một đối tượng mất tích.
Hơn một tháng vẫn bặt vô âm tín, không có bất cứ một thông tin nào về Dung. Tiếp tục lần theo các mối quan hệ, cuối cùng các trinh sát biết được một thông tin quan trọng từ chị Nguyễn Thị Minh, nhà ở Yên Bái nhưng đang tạm trú tại Hà Nội. Khi được mời đến làm việc, chị Minh cho biết: Một ngày tháng 7/2011, chị lên Đông Ngạc, Từ Liêm dự sinh nhật một người bạn. Ăn uống xong, nhóm bạn của chị ra ngoài uống nước mía thì gặp Dung. Hai người có trao đổi rồi xin số điện thoại của nhau. Từ hôm đó, hai chị em thường xuyên liên lạc qua điện thoại. Các trinh sát lập kế hoạch để Minh và Dung gặp nhau tại một địa điểm đã định.
Đúng giờ hẹn, Dung tới địa điểm gặp Minh. Các trinh sát cũng có mặt ở đó và đưa cháu về Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm - Công an TP Hà Nội lập biên bản, ghi lời khai và làm các thủ tục theo quy định pháp luật. Gặp con, bố mẹ cháu Dung vô cùng mừng rỡ vì những giả thiết "kinh khủng" nhất đã không xảy ra. Còn cháu Dung thì vừa khóc vừa kể: Sau khi bỏ nhà, cháu lang thang ở Liên Trung, huyện Đan Phượng rồi Thượng Cát, Liên Mạc, huyện Từ Liêm. Trong túi không có một đồng nào, cháu phải xin người ta cho bán nước mía, rửa bát thuê, tối đến xin ngủ lại luôn ở đó. Cháu biết mình sai khi làm bố mẹ phải lo lắng, các chú Công an phải mất bao công sức đi tìm và hứa sẽ học hành chăm chỉ, không "tái phạm" nữa.
Một câu chuyện khác mà chúng tôi nghe được từ Trung tá Phan Trung Kiên, Phó trưởng Phòng Truy tìm và Thượng úy Trần Văn Quân khiến chúng tôi càng cảm phục hơn về công việc thầm lặng của các anh.
Đầu tháng 11/2010, em Nguyễn Thị Bích (tên nhân vật đã được thay đổi), SN 1993, học lớp 12, một trường THPT trên địa bàn Hà Nội bỗng nhiên mất tích. Gia đình, nhà trường đã tìm khắp nơi nhưng không hề có tin tức gì về Bích. Sau nhiều đêm thức trắng, gia đình em đã đến Cục Cảnh sát truy nã tội phạm trình báo.
Sau khi được giao nhiệm vụ, Phòng Truy tìm đã vào cuộc, phối hợp với Công an địa phương tìm Bích. Ngoài tấm ảnh nhận dạng, các thông tin về Bích hầu như không có gì. Khi đi, Bích có mang theo một điện thoại di động nhưng sau khi mất tích, số điện thoại này cũng tắt máy luôn. Các trinh sát đã làm việc với nhà trường nơi Bích học, giáo viên chủ nhiệm cho biết, Bích sống nội tâm, ít chơi với các bạn. Một số bạn học của Bích cho biết, năm lớp 11, Bích sống hòa đồng với mọi người nhưng đến năm lớp 12 thì ít chơi với các bạn. Thời gian nghỉ giải lao, Bích chỉ chăm chú dùng điện thoại nhắn tin cho bạn. Nghe đâu Bích đã có bạn trai.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát phát hiện, trong số bạn của Bích có một thanh niên nhà ở huyện Mê Linh, Hà Nội. Nghe bạn bè Bích nói, anh này là thầy dạy võ. Trung tuần tháng 11, bằng sự nỗ lực của Cục Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an TP Hà Nội, các trinh sát đã xác định Bích đi cùng một thanh niên, xuất hiện nhiều nơi ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Bình Định. Ngăn chặn việc Bích có thể bị lừa vào một đường dây buôn bán phụ nữ ra nước ngoài, các trinh sát đã tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ.
Ngày 28/11/2010, Bích từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Các trinh sát đã kịp thời có mặt và đưa Bích về trụ sở Công an. Theo lời trình bày ban đầu thì Bích quen một người thanh niên qua mạng và nhận lời yêu anh ta. Bích chỉ biết người yêu mình là thầy dạy võ, còn dạy ở đâu, trường gì thì anh ta không tiết lộ. Anh này cũng không kể cho Bích bất cứ thông tin gì về anh ta.
Sự việc rất may được kết thúc, nhưng những người cha, người mẹ cần có những biện pháp cần thiết để giám sát, quản lý con em mình bởi từ những suy nghĩ bồng bột, rất có thể các em sẽ phải chuốc lấy những hậu quả khó lường.
Trong 2 năm 2010 và 2011, Phòng Truy tìm đã tìm được 17 đối tượng, bắt 26 đối tượng truy nã, tìm 6 ôtô, xe máy, máy tính xách tay là tang vật các vụ án. Những con số đã nói lên tất cả, về tinh thần trách nhiệm cũng như những nỗ lực không ngừng nghỉ của các chiến sĩ Công an với nhiệm vụ đặc biệt này.
Những diễn biến của đời sống xã hội ngày càng phức tạp, công việc của các anh cũng ngày một nhiều hơn, khó khăn hơn. Song, chúng tôi tin rằng, với sự nỗ lực, kiên trì, bằng tất cả sự đam mê và nhiệt huyết, các anh sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, mang lại hạnh phúc cho nhân dân và niềm tin vào những chiến sĩ Công an luôn tận tụy với công việc
Theo Báo CAND
Cách đây 50 năm, trước yêu cầu cấp thiết chi viện cho chiến trường miền Nam, ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759 (sau đổi tên thành Đoàn 125). Từ đây, những con tàu không số thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hơn 150 nghìn tấn vũ khí cùng hơn 80 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND sáng 3/10, Thượng tá Bùi Như Luyến, Trưởng Công an huyện Bình Giang (Hải Dương) cho biết: Cơ quan CSĐT đã ra lệnh truy nã 5 đối tượng trong nhóm đánh bạc, cướp tài sản và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Nghe vị đạo sĩ có số máy 01644356999 hù dọa 2 vợ chồng sẽ gặp bất hạnh nếu không mua, vì tên đã được khắc lên "cặp đá uyên ương", anh Hải buộc phải chuyển tiền vào tài khoản của gã ... Chờ mãi không thấy "đôi uyên ương" kỳ lạ, anh Hải mới tá hỏa gọi điện hỏi thì không liên lạc được, lúc này anh mới biết mình bị lừa.
(HBĐT) - Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Theo đó, lực lượng Cảnh sát PCCC (C66) được thành lập và ngày 4/10 trở thành ngày truyền thống của lực lượng C66.
(HB§T) - Đồng chí Bùi Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc (Yên Thủy) cho biết: Từ kinh nghiệm xây dựng mô hình “tổ luỹ tre xanh” của xóm Lạc Vượng, chính quyền đã chỉ đạo các xóm nghiên cứu, học tập và nhân mô hình ra tất cả các xóm trong xã.
Tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới Việt - Trung đã ở mức báo động và ngày càng xuất hiện nhiều chiêu thức mới. Trong Hội nghị quốc tế Việt Nam - Trung Quốc do Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm tổ chức, hai bên đã thống nhất kế hoạch phối hợp mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới Việt - Trung.