Ma Seo Chứ (người thứ 2, từ trên đỉnh dốc xuống - mặc thường phục, không đội mũ) dẫn đoàn cán bộ trèo đèo lội suối đến hàng trăm cái hang mà Chứ từng sinh sống suốt 20 năm!
Từng là phó chủ tịch UBND xã, đang làm Xã đội trưởng Nàn Xín (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), bị nghi ma tà, năm 1990, Ma Seo Chứ phải sợ hãi lẩn vào rừng già sống như hoang thú.
Sau khi trở thành “người vượn” hơn 2.000 ngày; vào năm 1997, Ma Seo Chứ đã cướp súng AK và 5 viên đạn tại UBND xã Tả Thàng, 1 năm sau, anh ta bắn chết ông Tráng Sín Trà - Trưởng Công an xã Thanh Bình (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai). Lập hàng trăm “căn cứ” dọc 80km sông Chảy cực kỳ hoang vu, năm 2010, Chứ sa lưới sau cuộc truy lùng xuyên thế kỷ của cơ quan công an. “Người rừng Ma Seo Chứ” trở thành tên tội phạm đặc biệt nhất, đến mức trong lực lượng Công an Lào Cai, khó có ai không biết “tăm tiếng” của anh ta, đến mức cụm từ trong ngoặc kép kể trên đã đi vào các văn bản chính thức, các cuộc họp quan trọng của ban chuyên án.
Kết thúc chuỗi ngày đằng đẵng 20 năm liên tục lẩn trốn trong hang đá, năm 2010, Chứ trở về bằng một phiên toà, bị tuyên án tù chung thân. Bây giờ, ở tuổi 56, đứa con mà khi Chứ bỏ đi nó mới tập lẫy tập bò cũng đã lấy vợ và cõng con vào trại giam Tân Lập thăm bố, Ma Seo Chứ ngồi trước mặt tôi và khóc...
Các chi tiết sững sờ của cuộc truy lùng xuyên thế kỷ
Tôi bảo Chứ, tôi vừa đi dọc sông Chảy chi chít các hang đá phòng thủ suốt 20 năm của anh ta dọc các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương (đều của tỉnh Lào Cai) về, mắt Seo Chứ sáng lên. “Anh có gặp bác Giàng Ly Pao không?”. Tôi nói “có”. Ông Pao là đại tá, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai, người trực tiếp bao năm theo đuổi chuyên án lùng bắt Ma Seo Chứ trong rừng, rồi ông Pao cũng trực tiếp trang phục người Mông, vào trại tạm giam, tặng quà, nói chuyện với Chứ bằng tiếng Mông.
Sau 20 năm liền sống trong rừng núi, Chứ liên tục phải cảnh giới và chạy trốn, sau hàng chục lần ăn lá rừng bị ngộ độc, bị rắn cắn, gấu tát chết đi sống lại rồi bị lực lượng chức năng nước ta và Trung Quốc truy đuổi rát rao tới mức “không dám tin mình còn sống” - Chứ đã thật sự nghĩ mình không bao giờ còn có cơ hội được nói tiếng... người.
Khi tuổi đã tiến dần đến mức... nghỉ hưu, Ma Seo Chứ cầm 3 khẩu súng giấu ở ba hang đá sâu hoắm, mỗi cửa hang đặt một cái bẫy sắt to như ngón chân cái, có thể giết cả voi, cả hổ để bảo vệ.
Sinh năm 1954, ở xã Nàn Xín, huyện Bắc Hà, Chứ nhập ngũ ngày 2/9/1976, có 8 năm trong quân đội, được thăng đến chức tiểu đội trưởng, có nhiều thành tích trong bắt biệt kích thám báo, ra quân lại làm xã đội trưởng, được phát súng và lựu đạn bảo vệ bà con, nên Chứ rất am hiểu chiến thuật ẩn mình, phòng thủ, rút lui. 20 năm lẩn trốn, chưa bao giờ Chứ phải đứng trước nguy cơ bị bắt sống. Thế nhưng, Chứ bị bắt “tình cờ” bởi các đồng chí dân quân không có vũ khí trong tay. Người ta hò hét, đuổi bắt, ném đá vào đầu, trói và khiêng anh ta về nộp công an.
Hôm đó là chủ nhật, đầu năm 2010, đại tá Giàng Ly Pao - Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lào Cai - nguyên là Trưởng Công an huyện Si Ma Cai - nhận được tin, lập tức cho lực lượng vào xem có đích thị là bắt được “người rừng Ma Seo Chứ” không. Bởi, khi được tổ chức điều ra tỉnh làm việc, bàn giao cho người kế nhiệm nhiều thứ lắm, nhưng ông Pao có cái trăn trở, gửi gắm nhất vẫn là theo đuổi vụ Ma Seo Chứ. Chứ bị ném vỡ đầu, máu chảy lêu lao.
Sau 4 ngày bình phục, từ bệnh viện đến phòng tạm giam, anh ta chỉ một mực sợ hãi. Sểnh ra là chui tọt xuống gầm ghế hay sàn nhà. Người co rúm lại, ú ớ, không ăn uống gì. Mà ở rừng nhiều, ăn lá và quả rừng, ăn củ mài và ngô sống suốt hai thập niên, giờ được cán bộ cho ăn cơm, có đường, có mỡ (những thứ trong rừng không có) là Chứ bị... đau bụng.
Chứ vẫn nghe được tiếng người. Chỉ gật và lắc, anh ta khai nhận khá nhiều, thậm chí, vài tháng sau khi bị bắt, Chứ còn theo lực lượng điều tra đi mấy trăm cây số về hang Khỉ, nơi anh ta bắn chết đồng chí Tráng Sín Trà; về các “căn cứ” dọc sông Chảy của Chứ để tìm 3 khẩu súng, thuốc súng tự chế, bẫy thú và nhiều thứ khác phục vụ điều tra “thực nghiệm hiện trường”. Làm ngần ấy việc, nhưng Chứ vẫn im bặt, chưa bao giờ nói được một tiếng của con người.
Rõ ràng, với tinh thần “hợp tác” kể trên, thì không phải Ma Seo Chứ giả câm để cứng đầu trì hoãn việc điều tra. “Người rừng” đã quên tiếng người? Có thể vì bị trầm uất bởi mất niềm tin, vì thời gian 20 năm như “vượn” đã khiến anh ta không thể hoặc không tin mình còn có thể cất lên tiếng người? Đoàn cán bộ mấy chục người đi theo Chứ vào các hang anh ta ẩn mình suốt nhiều năm, có nhiều cán bộ phải cưỡi lưng trâu leo núi khi kiệt sức, có khi leo 6 tiếng để đến được một cái hang giữa đỉnh đá tai mèo chênh vênh, sắc lẻm thò ra vực xoáy sông Chảy.
Họ thấy những cái lều áp vào vách đá, ở đó đầy bẫy thú, bẫy chim; “núi” lông chim và xương thú mà Chứ “đánh chén” rồi vứt lại đầy kín các lòng hang. Chứ còn có một cuốn lịch đặc biệt để trong ống tre, kỷ niệm những năm tháng ở rừng làm “người vượn”. Chứ nuôi ong mật trong các ống tre để phục vụ dưỡng chất trong mùa đông khắc nghiệt. Chứ mài 20 cái kim nhọn để tự châm cứu chữa bệnh cho mình. Chứ làm lồng chim, bẫy chim chào mào, hoạ mi về huấn luyện làm bầu bạn. Chứ có nhiều súng và rải “vũ khí” bố trí dọc các hang đề phòng bị tấn công bất ngờ. Những chi tiết này đã khiến các cán bộ điều tra sững sờ.
“Người rừng” phủ phục lần tìm bàn chân mẹ
Có thể thấy, Chứ là người khá tinh ranh, có kiến thức tự lập sống trong rừng rậm. Tại sao Chứ không mở miệng? Đại tá Giàng Ly Pao và các chiến sĩ cảnh sát hình sự quyết định để ông Pao mặc quần áo người Mông, coi như “người cùng cảnh ngộ” vào sống trong buồng giam với Chứ. Chứ quý “anh bạn mới nhập buồng” lắm, nhưng vẫn không nói gì. Chỉ ú ớ, co ro. Ông Pao cứ tâm sự bằng tiếng Mông cho Chứ quen dần giọng của con người. Rồi ông cho cán bộ về huyện Bảo Yên đón bà mẹ già gần 80 tuổi của Chứ lên thăm con.
Bà cụ khóc thống thiết: “Tao là mẹ mày đây, thằng Chứ ơi, tao tưởng mày chết rục trong hang núi từ 20 năm trước. Ối Giàng ơi!”. Chứ sửng sốt. Anh ta tiến lại phía mẹ. Quỳ xuống chân mẹ, tấm váy mông trùm lơ phơ lên cổ anh ta. Chứ cắm mặt vào bàn chân bên trái của mẹ, rồi Chứ sờ như một người mù tìm vật gì đó.
Dường như, những miếng “con người” còn sót lại trong Chứ nó dần sống dậy. Dấu hiệu ở ngón chân, gót chân hay đâu đó, đã khiến Chứ nhận ra đó đích thực là bà mẹ đã đẻ ra và chăm sóc Chứ. Anh ta rơm rớm. Điều này không qua được mắt các điều tra viên. Ông Giàng Ly Pao quay mặt đi, Phó phòng Cảnh sát hình sự, thiếu tá Nguyễn Minh Thắng hỏi điều gì đó, ông Pao chỉ quay mặt đi và im lặng.
“Hôm ấy, tôi đã khóc. 6 tháng trời liên tục gặp lại con người, thiếu tá Thắng đã tặng cả áo rét cho anh ta mặc, sau khi gặp mẹ, Chứ đã nói được. Chứ bảo, chân mẹ Chứ lạ lắm, có 5 ngón dài bằng nhau, gót có cái sẹo lớn, Chứ nhớ lắm” - ông Pao kể.
Trăm nghìn nỗi đau, chỉ tại niềm tin ma tà
Hơn chục năm làm phó chủ tịch UBND xã, làm xã đội trưởng, vợ đẹp, 4 đứa con kháu khỉnh, bỗng dưng Chứ bỏ vào rừng sống, điều đó khiến ai ai cũng phải xót xa. Bây giờ biết nói rồi, Chứ kể: “Lâu lắm rồi không nói tiếng người, lúc bị bắt tôi không biết nói”.
“Hồi mới vào rừng, đói quá, ăn quả rừng, đào hết củ mài ở khu vực hang núi này, lại sang khu vực hang khác để đào củ mài mà sống. Cứ có bóng người qua khu vực tôi ở, là tôi rời đi nơi khác sống. Có lần ăn quả rừng bị ngộ độc, có lần bị rắn cắn, gấu vồ. Lần nào tôi cũng tự nhủ, “phát này” mình chết trong rừng rồi. Có khi chết (ngất) gần 2 ngày, song lại tỉnh dậy. Tôi mặc hết quần áo, mắc võng bằng dây rừng mà ngủ ở trên cao, để mình chết thì con chuột, con chồn cáo nó không ăn xác mình được. Tôi vót 20 cái kim châm cứu cho mình, cắm sai huyệt, méo mồm, phọt máu ào ào, cũng chết đi 1 ngày rồi lại tỉnh. Thế nhưng, thà chết trong rừng, tôi không dám về nhà, vì sợ người ta bắt, trói lại, đuổi khỏi làng, vì người ta bảo tôi là người bị ma nhập về hại dân làng”.
Cơ quan điều tra cũng đã tìm hiểu và kết luận, sau khi bị mất gà, lại thấy có người thập thò đầu nhà mình trong đêm, Chứ đã bắt và tát “kẻ khả nghi” một cái. Lúc biết “đối tượng” là thầy phù thuỷ chuyên làm lễ ma khô rất mưu mẹo, sợ nó trả thù, Chứ đã xách súng AK và lựu đạn nhà nước cấp, đem trả cho Công an huyện rồi bỏ trốn lên rừng.
Gia đình và bản làng tưởng Chứ bị ma nhập nên rình bắt, trói Chứ vào giữa nhà, làm lễ, mời thầy cúng người Mông, người Tày về rinh rượp rượu thịt, ma quái trong 3 ngày đêm. Chứ đem vợ đến nhà ông bác sinh sống, ông ấy cũng bỏ cả nhà mà chạy trốn “con ma Chứ”. Không ai chứa được mình, Chứ mới lên rừng sống rồi bao nhiêu là hệ lụy.
Thụ án tù chung thân tại trại giam của Bộ Công an, Chứ vẫn hết sức hồn nhiên. “Ở trại giam, sướng gấp trăm lần ở rừng. Ở rừng, năm nào cũng vài lần chết đi sống lại. 20 năm ở rừng, rồi quên cả tiếng con người là án tù lớn nhất của đời tôi rồi mà” - Chứ nói sắc sảo lắm.
“Hồi họ làm lễ cúng ma cho tôi, tôi thấy buồn cười lắm, suốt 3 ngày đêm, có bao nhiêu bò, gà, chó mổ hết để đãi thầy cúng và dân làng. Trong khi tôi bị ốm, chỉ bán một con gà đi, mua thuốc uống là khỏi bao nhiêu bệnh. Tôi càng phân tích kiểu thế thì họ lại càng bảo tôi bị ma nhập nặng, rồi họ lấy roi đánh tôi máu me be bét, đánh để cho chết con ma ngủ trong da thịt tôi. Buồn cười thật...” - Chứ kể rồi cười sảng khoái.
Theo Báo Laodong
Ngày 5/10, hội nghị trực tuyến tập huấn công tác văn thư hành chính, hồ sơ lưu trữ văn bản quản lý Nhà nước trong Công an nhân dân (CAND) đã diễn ra tại Hà Nội. Trung tướng Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự, chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị có đại diện Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng Bộ Công an.
Trong những ngày tác nghiệp tại vùng “rốn lũ” tại các huyện đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp, phóng viên Báo CAND đã ghi nhận nhiều câu chuyện cảm động về người dân, các em học sinh, sinh viên… tại các “rốn lũ” cùng với lực lượng Công an, Quân đội, lực lượng cứu hộ nỗ lực gia cố đê bao, bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân trong mùa lũ. Trong đó, nhiều người dân đã không tiếc công sức, tài sản của mình, chung sức cùng với chính quyền địa phương tập trung hộ đê, cứu lúa.
(HBĐT) - Nói về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn, chị Nguyễn Thị Bích Ngân, Trưởng phòng Tư pháp thành phố chia sẻ: Thành phố Hòa Bình là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, đời sống KT-XH phát triển, nhân dân thường xuyên được tiếp cận với nhiều loại hình thông tin như internet, báo chí, truyền thanh - truyền hình, kiến thức, hiểu biết của nhân dân về các lĩnh vực đời sống KT-XH được nâng cao.
Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị hiện trưng bày nhiều lá thư như thế được tìm thấy trong các cuộc quy tập hài cốt liệt sỹ. Và giữa những con chữ lặng im ấy chợt nhận ra khí phách của những người lính bất khuất, giúp thế hệ mai sau hiểu sâu sắc hơn "vì sao chúng ta chiến thắng" để biết trân trọng hơn giá trị của hòa bình.
Truy tìm người mất tích, tung tích nạn nhân hay truy tìm tang vật, tài sản liên quan đến các vụ án đều là những việc tưởng chừng như vô vọng, dễ khiến người ta nản chí. Thế nhưng, bằng sự kiên trì, bền bỉ, lần theo từng mắt xích, chắp nối các thông tin, các chiến sĩ Phòng Truy tìm - Cục Cảnh sát truy nã tội phạm đã đến được đích bằng con đường ngắn nhất.
Những đối tượng cho vay "tín dụng đen" thường có "đầu bò, đầu bướu" để uy hiếp người vay. Không chỉ "biểu dương" lực lượng để thị uy, với những trường hợp cho vay số tiền lớn, chúng còn yêu cầu người vay phải viết khế ước bán nhà, bán tài sản có giá trị cao. Đến hạn, không trả được chúng sẽ cho "nhân viên" đến càn quấy buộc người vay gán nhà cửa, xe cộ với giá rẻ mạt...