Sinh viên Học viện ANND bày tỏ ngưỡng mộ với các Anh hùng trong tối giao lưu.
Những kỷ niệm về tình thầy trò, những ký ức về một thuở ban đầu tề tựu dưới mái trường C500 còn bao bỡ ngỡ; những đêm chong đèn dầu ngồi học trong khu ký túc xá lợp tranh tre nứa lá cùng bao kỷ niệm xúc động khác đã được 10 Anh hùng lực lượng vũ trang (AHLLVT) của Học viện ANND chia sẻ trong đêm giao lưu ấm tình đồng đội với cán bộ, học viên của nhà trường vào tối 4/11...
Nhưng chính những khó khăn, “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” lại thắp lên một khát vọng hoài bão đam mê học tập và rèn luyện, và cũng chính môi trường học tập khắc nghiệt với “kỷ luật thép” ấy lại là nơi nuôi dưỡng tốt nhất phẩm chất người lính kiên cường. Để hôm nay, các thế hệ học viên của Học viện ANND có thể tự hào về những lớp đàn anh đi trước đã trở thành những tướng lĩnh tài ba, những AHLLVTND… 10 AHLLVT có mặt trong buổi giao lưu xúc động không phải là những người xa lạ, tên tuổi của họ đã quá quen thuộc gắn liền với những chiến công trên lĩnh vực bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH. Nhưng có lẽ đêm nay, nhiều bạn học viên của Học viện ANND mới biết thêm rằng, phía sau những tấm huân, huy chương lấp lánh của những tướng lĩnh Anh hùng kia là những đêm trắng thao thức không ngủ để tìm phương án, kế sách đấu tranh với tội phạm; là những vất vả, hy sinh, những cuộc đối đầu một mất một còn với bọn tội phạm trong bảo vệ bình yên cuộc sống… Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an, là cựu sinh viên khóa D1, đã nhắc nhớ lại kỷ niệm học tập trong điều kiện đầy gian khó của lứa sinh viên đầu tiên bậc đại học. Dẫu khó khăn, học và ăn ở trong những dãy nhà tranh tre nứa lá, nhưng đấy lại là những ngày tháng tươi đẹp và tràn đầy kỷ niệm. ý chí, nghị lực và kỷ luật thép trong mỗi sinh viên lực lượng Công an cũng được tôi luyện từ đó. Và công đầu cho những thành công trong sự nghiệp đấu tranh với tội phạm của “mẻ thép” đầu tiên ấy thuộc về các thầy cô dưới mái trường này. “Tôi vô cùng biết ơn nhà trường đã trang bị cho tôi phương pháp luận về nhân sinh quan, thế giới quan, khối kiến thức về nghiệp vụ, kiến thức về pháp luật và đặc biệt là tâm lý. Sau ngày ra trường, những kiến thức đó đã được tôi vận dụng thành công trong thực tế công tác, đấu tranh phòng chống tội phạm rất hiệu quả”, Thiếu tướng Vũ Hùng Vương đã xúc động khi nhắc đến cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, cái nghiệp gắn với ông suốt nhiều năm. Kinh nghiệm của một vị tướng dạn dày kinh nghiệm, ông đúc kết rằng, đấu tranh với tội phạm ma túy là cuộc chiến khốc liệt, đầy gian khổ. Tính đến nay đã có 17 đồng chí hy sinh, nhiều đồng chí bị thương trong đấu tranh với bọn tội phạm này. Trong cuộc chiến đấu này, chiến sĩ Công an ngoài trách nhiệm với công việc cần có trí tuệ, bản lĩnh và tình yêu với công việc phải cương quyết, khôn khéo và cần bản lĩnh vì bọn tội phạm sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả, hoặc dùng tiền để mua chuộc… Điều mà vị tướng Anh hùng muốn nhắn đến các bạn sinh viên của Học viện ANND hôm nay, cần tận dụng tối đa quỹ thời gian ở nhà trường để nắm những kiến thức nền tảng về nghiệp vụ và trau dồi trình độ ngoại ngữ, đáp ứng nhiệm vụ của người chiến sỹ Công an thời kỳ hội nhập. Không giữ vẻ nghiêm nghị vốn có của một Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an, trong buổi giao lưu, Trung tướng, PGS.TS Hoàng Kông Tư đã dí dỏm kể về những kỷ niệm của các cựu học viên D3, đi học sơ tán, ở nhờ nhà dân, giảng đường là sân chùa. Không có bàn học, chỉ có ghế mượn của dân rồi kê sách lên đùi viết. Điều khiến các bạn sinh viên Học viện ANND thấm thía qua câu chuyện của ông, về các chuyên án đấu tranh với bọn phản động là dù khó khăn, vất vả đến cỡ nào nhưng cũng không được phép lùi bước, phải luôn tỉnh táo, sáng tạo, linh hoạt trong công tác nghiệp vụ. Trung tướng Hoàng Kông Tư có gợi nhắc đến kỷ niệm của những ngày vào Tây Nguyên tham gia giải quyết điểm nóng. Đấy là thời điểm vô cùng cam go khi bọn phản động âm mưu gây bạo loạn chính trị ở vùng đất cao nguyên này. Cùng với nhiều lực lượng, ông và nhiều cán bộ của Bộ Công an vào trực tiếp chỉ đạo và tăng cường cho Công an tỉnh Đắk Lắk đã phải xa nhà, lăn lộn với địa bàn. ông đã làm cho không khí buổi giao lưu gần gũi, ấm áp hơn khi dí dủm đọc bài thơ viết tặng một cô gái Tây Nguyên trước khi trở về Hà Nội. Không phải ngẫu nhiên mà các Anh hùng, cựu học viên C500 có mặt trong đêm giao lưu tại mái trường xưa đều quá đỗi xúc động trước sự khang trang, Hiện đại của Học viện ANND hôm nay. Trung tướng Phạm Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, cựu học viên D6 tâm sự: “Tôi đã từng có cả trăm lần vào trường nhưng lần nào cũng bồi hồi và bao giờ tôi cũng phải chạy ra đầu sân vận động, chỗ xưa là những dãy nhà lá, với những dãy ghế sắt hoen gỉ mà những anh chị từ khóa D1 đã từng ngồi học”. Những gian khó ấy đã tôi luyện bản lĩnh cho những người trẻ khát khao cống hiến, để hôm nay trả lời câu hỏi của các bạn sinh viên về chất anh hùng thể hiện trong công tác Công an là gì? Trung tướng Phạm Dũng đã mạnh mẽ trả lời đấy là sự “liều lĩnh có tổ chức”.
Thiếu tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND và Trung tướng Phan Đức Dư, Giám đốc Học viện cùng cán bộ, giảng viên chụp ảnh lưu niệm với các Anh hùng trong buổi giao lưu.
Những kiến thức và rèn luyện gian khổ trong trường đã tôi luyện thành bản lĩnh, thấy khó khăn không sợ, biết lao lên phía trước như thể “nơi hầm tối là nơi sáng nhất”. Ông cũng nhắc nhở với các chiến sĩ trẻ của Học viện, phải biết kết hợp phương pháp luận khoa học và tư duy, gặp tình huống khó khăn phải biết tư duy chính xác, thì không còn trở ngại nào, không còn khó khăn nào mà không vượt qua.
Gắn bó với công tác đảm bảo an ninh ở dải đất miền Trung, Đại tá Đặng Trọng Hải, nguyên Trưởng CATP Vinh (Nghệ An) đã khẳng định: “Chúng tôi vào ngành Công an, được rèn luyện trong Học viện ANND không phải mục đích để trở thành anh hùng mà chúng tôi có được vinh dự như hôm nay là sự nỗ lực không ngừng, luôn hướng về sự nghiệp của Đảng, của ngành”.
Giao lưu với các bạn sinh viên, Đại tá Đặng Trọng Hải đã tâm huyết nhắn gửi, các em cần nhớ đến học ở Học viên để đạt được hai mục tiêu chính: “Học về nghiệp vụ và rèn về ý chí, tinh thần. Trong bối cảnh hiện nay, công tác công an liên quan đến mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực trong xã hội, nếu không rèn luyện tốt, rất dễ bị sa ngã. Chính nhờ các thầy cô giáo và rèn luyện của bản thân mà chúng tôi có được thành công như hôm nay”.
Rất nhiều bạn trẻ của Học viên ANND tối 4/11, mới biết Đại tá Nguyễn Xuân Hà, Phó Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên, người gắn bó với vùng đất nắng và gió trong suốt nhiều năm, lại là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Không giống như nhiều người, muốn ở lại công tác tại Thủ đô, tốt nghiệp, ra trường chàng trai Nguyễn Xuân Hà lại hăm hở tình nguyện vào Tây Nguyên.
Từ bỡ ngỡ, lạc lõng không hiểu tiếng đồng bào, anh đã chủ động tìm hiểu, gẫn gũi với bà con. Thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi, nhất là điều kiện vật chất của đồng bào, với trách nhiệm của Bộ giao, đã thôi thúc anh ở lại thực hiện “3 cùng” với nhân dân, vững an ninh chính trị tại địa phương, để đổi thay cuộc sống của đồng bào.
Không chỉ đến khi tham gia chỉ đạo chuyên án cướp tiệm vàng Ngọc Bích ở huyện Lục Nam (Bắc Giang), cái tên Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát điều tra tội phạm, Bộ Công an, mới được dư luận cả nước biết đến. Cho dù ở vị trí công tác nào, ông cũng thể hiện bản sắc và dấu ấn của người chỉ huy trong mỗi trận đánh. Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh đã truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho các bạn trẻ của Học viện, đấu tranh với tội phạm không chỉ cần đến nghiệp vụ giỏi, mà còn phải có một tình yêu luôn ấm nóng.
Sự bất ngờ, đầy trân trọng trong buổi tối giao lưu tại Học viện ANND, sự kiện chào mừng Học viện tròn 65 tuổi, là sự xuất hiện của hai nữ anh hùng, là hai chị em ruột trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng: Đại tá Nguyễn Thị Minh Hiền (tên thật là Phan Thị Ngọc Châu), người được phong Anh hùng năm 20 tuổi, và Anh hùng Phan Thị Ngọc Tươi. Câu chuyện của hai chị em anh hùng lớn lên từ cái nôi cách mạng Bến Tre, đã khiến cả hội trường lặng đi.
Nhiều bạn sinh viên đã bật khóc và đặt câu hỏi với Đại tá Minh Hiền và Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi rằng, điều gì khiến hai chị có đủ can đảm hoạt động cách mạng, vượt qua đòn roi, tra tấn dã man của kẻ thù khi đang ở tuổi thiếu niên.
Đại tá Minh Hiền kể, 4 anh em chị sống trong gia đình, cả cha và mẹ đều tham gia cách mạng. Mẹ chị có biệt danh Sáu Lực, tham gia đội quân tóc dài của cô Ba Định. Ba là đảng viên, Chi ủy xã, thường dạy các con: “Đế quốc Mỹ cướp nước, gia đình ta phải cùng đồng đội đánh cho Mỹ cút, giành độc lập”. Rồi lần lượt ba tôi hy sinh, rồi đến anh ba. Nỗi đau cứ nhân lên. Rồi em gái tôi (Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi) cũng bị địch bắt, tra tấn dã man…
Sinh viên Học viện ANND bày tỏ ngưỡng mộ với các Anh hùng trong tối giao lưu. |
Câu chuyện về tinh thần dũng cảm của Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi khi bị địch bắt tra tấn, bẻ gãy ngón tay đã không run sợ đầu hàng mà còn thốt lên hai dòng thơ kiêu hãnh nhắn gửi về khích lệ đồng đội: “Xương ta gãy để nối liền Nam Bắc; Máu ta rơi cho bộ đội trưởng thành”, đã thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết trong những gương mặt trẻ của Học viện.
Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi đã tâm sự rất chân thành với các bạn sinh viên rằng: “Nếu như hồi đó chúng tôi được học, có kiến thức từ trong nhà trường trước khi ra trận thì cuộc đấu tranh với kẻ thù còn thành công sớm hơn. Đối với nữ Công an thì ngoài kiến thức cần có, thông minh thì phải có cảm xúc và giàu nữ tính”. Đấy là kinh nghiệm xương máu của hai nữ Anh hùng của lực lượng Công an, sau ngày đất nước thống nhất đã tiếp tục được học tập dưới mái trường C500 và tiếp tục cống hiến cho ngành Công an.
Tôi xin được lấy câu chuyện mà Đại tá Đường Minh Hưng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị VI, Tổng cục An ninh I, làm lời kết cho bài viết này. Chuyện kể về sự tình cờ một quả trứng của tổ quạ ở trên cây đã bị rơi xuống một trang trại gà. Một mẹ gà đã ấp ủ để quả trứng quạ kia ra đời, được mẹ gà dẫn đi kiếm mồi. Rồi một hôm quạ nhìn lên bầu trời thấy những con vật có hình thù giống mình mà lại biết bay, nó cũng nhón chân, đạp cánh để thử bay nhưng không được, những chú gà con bên cạnh đã ghé tai bảo, cậu là gà thì làm sao bay được.
Đại tá Đường Minh Hưng đã ý nhị gửi gắm thông điệp về môi trường đào tạo và tôi luyện con người. Các bạn trẻ của Học viện ANND hôm nay đang được thừa hưởng một môi trường giáo dục tốt, cộng với nỗ lực bản thân thì chắc chắn sẽ thành công
Theo Báo CAND
Từ 5/11, lực lượng công an sẽ thí điểm xử lý người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vi phạm quy định về nồng độ cồn ở Hà Nội.
Ngày 3/11, sau khi phát hiện Nguyễn Thị Dậu “biến mất”, cơ quan công an đã khám xét khẩn cấp ngôi nhà của Dậu tại số 5, phố Nguyễn Thái Học, quận Hà Đông.
Dư luận tỉnh Hà Tĩnh những ngày này lại tiếp tục chấn động với vụ vỡ nợ tín dụng đen lên tới hàng chục tỷ đồng. Đối tượng vỡ nợ lần này là một dược sĩ y khoa mang vỏ bọc của một đại gia bất động sản.
Tại Km 150 quốc lộ 6 thuộc địa phận xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu (Sơn La), tổ công tác Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Sơn La phối hợp với Công an huyện Mộc Châu và Phòng 2 Cục CSĐT tội phạm về ma túy bắt quả tang Bùi Thị Dẹn, 44 tuổi và Bùi Thị Hiền, 39 tuổi, cùng trú tại huyện Lạc Sơn, Hòa Bình đang vận chuyển trái phép chất ma túy.
Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Kỳ họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 80, Chủ tịch Interpol Khoo Boon Hui cho rằng, Kỳ họp ĐHĐ lần này là cơ hội để xem xét lại các hình thức an ninh và đưa ra những sáng kiến mới để mở rộng triển vọng hợp tác an ninh của từng quốc gia và trên phạm vi toàn cầu.
Ở phía Tây thành phố Đồng Hới có một cơ sở sản xuất gốm sứ đang “ăn nên làm ra”. Ông chủ công ty là cựu chiến binh Trần Đức Huấn, thuộc Đoàn tàu không số huyền thoại. Trước lúc lên đường ra Hà Nội dự Hội nghị tổng kết 5 năm CCB toàn quốc làm kinh tế giỏi, ông đã kể cho tôi nghe những kỷ niệm khó quên về cuộc đời ông. Đó là những ngày cùng đồng đội vượt sóng gió trên Biển Đông. Phục viên, ông lại vượt qua mọi gian truân để làm kinh tế, vươn lên làm giàu.