Không thể giáo dục, thuyết phục người đàn bà này, các điều tra viên quyết định phải “đấu” bằng chứng cứ. Một mặt, các anh tiến hành thu thập các lời khai nhân chứng. Mặt khác, họ thu thập tỉ mỉ hiện trường gây án, đưa ra phân tích bằng khoa học. Kết quả cho thấy, chính bà Nga là người có mặt và gây ra cái chết của chị Thủy.
“Tôi biết giấu mãi cũng không được. Tôi xin khai nhận về hành vi giết hại chị Thủy của mình”- giọng bị can Trần Thị Nga, người gây ra vụ giết hại người giúp việc gây xôn xao dư luận tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) lạc đi. Bà ta đưa cánh tay vuốt mặt, căng thẳng. Lúc đó, điều tra viên Tăng Bá Minh của Đội điều tra trọng án 1 (Đội 9) Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an TP Hà Nội trong lòng nén chặt niềm vui. Bởi sau gần chục ngày đấu trí căng thẳng đối với người đàn bà gây án, phải nói rằng lì lợm nhất các anh từng gặp, nhưng các anh đã chiến thắng.
Trần Thị Nga.
Vụ trọng án được phát hiện vào 16h20 ngày 15/11, chị Trần Thanh Hương, chủ căn hộ số 1203 CT1 – Bắc Linh Đàm, thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai về nhà, phát hiện người giúp việc của gia đình là chị Nguyễn Thị Thủy, 46 tuổi, HKTT tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa bị chết trong tư thế nằm sấp trên sàn nhà, cạnh giường trong phòng ngủ của vợ chồng chị…
Ngay tại thời điểm đầu tiên, khi xuống hiện trường khám nghiệm và thu thập tài liệu chứng cứ, nghi vấn của các điều tra viên đã tập trung vào đối tượng Trần Thị Nga, mẹ chị Hương. Bởi tại thời điểm chị Thủy bị giết hại, bà Nga đã đến nhà con gái trông hộ.
Một người bạn chị Thủy, cùng làm giúp việc tại khu nhà cho biết, khoảng 10h ngày 15/11, chị có gọi điện sang cho nạn nhân thì nghe thấy tiếng ú ớ của chị Thủy trong điện thoại. Người này vội chạy lên phòng 1203 CT1 tìm chị Thủy nhưng chỉ gặp bà Trần Thị Nga đang ở trong căn hộ trên. Khi đó, bà Nga khóa cửa trong và nói vọng ra rằng chị Thủy đã xuống dưới…
Ngay chiều tối hôm đó, Trần Thị Nga đã được triệu tập lên Công an quận Hoàng Mai. Khuôn mặt bà Nga lạnh băng, mọi hành vi, lời nói đều cố gồng lên để chứng tỏ mình không phạm tội. Bà ta đã chuẩn bị sẵn một bài tường trình về sự vô tội của mình.
Theo bản tường trình này, ngày 15/11, bà Nga ở nhà chị Hương với người giúp việc. Đến khoảng 9h, chị Thủy nhờ bà Nga trông nhà chạy đi có việc. Trong lúc này, có 2 người giúp việc ở tòa nhà bên cạnh chạy sang hỏi chị Thủy. Khoảng 12h45, chị Thủy đi về. Hai người ngồi xem tivi đến 13h thì bà Nga về nhà mình ở Nam Đồng…
Một điều tra viên của Công an quận Hoàng Mai cho biết: “Chưa bao giờ gặp đối tượng phạm tội nào khai báo lì lợm như Trần Thị Nga”. Trên mặt bà Nga có một vết bầm tím mới. Khi các điều tra viên hỏi xoáy về vết bầm này, bà Nga leo lẻo: “Tôi bị đập vào thành bếp khi tắm cho cháu chiều tối hôm trước”. Ngay lập tức, một tổ trinh sát của Công an quận Hoàng Mai được cử đi xác minh chi tiết này.
Chị Hương, con gái bà Nga và các con đều ngơ ngác, bởi “cả bữa cơm tối ngồi với nhau không ai thấy bà Nga bị bầm tím trên mặt”. Rõ ràng là thế, nhưng người đàn bà này vẫn lì lợm: “Tại chúng nó không nhìn thấy”.
Vì sự lì lợm của bà Nga, hôm sau, lãnh đạo Phòng PC45 Công an TP Hà Nội quyết định “nhấc” đối tượng lên đấu tranh tại số 7 Thiền Quang. Ngay cả các điều tra viên của Đội 9 Phòng PC45, những người từng đấu trí với những tên giết người dã man kiểu như Nguyễn Đức Nghĩa cũng cho biết, họ chưa từng gặp trường hợp nào lì đến mức khó chịu như người đàn bà phạm tội giết người này. Đuối lý thì đưa tay vuốt mặt, ngồi im, không nói câu gì. Thế nhưng, khi các điều tra viên quay lại hỏi về vấn đề bà ta vừa không giải thích được, thì bà ta lại khai nhận… y như cũ.
Không thể giáo dục, thuyết phục người đàn bà này, các điều tra viên quyết định phải “đấu” bằng chứng cứ. Một mặt, các anh tiến hành thu thập các lời khai nhân chứng. Mặt khác, họ thu thập tỉ mỉ hiện trường gây án, đưa ra phân tích bằng khoa học. Kết quả cho thấy, chính bà Nga là người có mặt và gây ra cái chết của chị Thủy.
Lệnh bắt khẩn cấp Trần Thị Nga được lãnh đạo Phòng PC45 phê chuẩn ngày 18/11, đúng 3 ngày sau khi vụ án mạng xảy ra. Đến lúc nghe công bố lệnh bắt khẩn cấp và bị chuyển vào trại tạm giam, bà Nga mới giật mình. Lâu nay, bà Nga cứ nghĩ rằng, mình cứ nhất định không khai thì cơ quan Công an không thể kết tội được. Tuy nhiên, bà Nga lại không hiểu được rộng hơn rằng, lời khai của đối tượng gây án chỉ là một chứng cứ mà thôi.
Nhưng sự thoáng giật mình của bà Nga đã được các trinh sát nắm bắt được. Những ngày sau, khi vào hỏi cung đối tượng trong trại tạm giam, các điều tra viên đã phân tích cho bà Nga hiểu rằng, luật pháp là nghiêm minh và công bằng với tất cả mọi người. Nếu khai báo thành khẩn sẽ được khoan hồng, ngược lại, sẽ bị trừng trị nghiêm khắc. Trần Thị Nga vẫn không nói gì nhưng sắc thái đã bắt đầu lo lắng, chuyển biến.
Đúng 1 tuần sau khi vụ án xảy ra, khi điều tra viên chính của vụ án là Tăng Bá Minh vào hỏi cung, anh thấy bị can Trần Thị Nga rất phờ phạc, dường như vừa trải qua một đêm mất ngủ. Sau mấy câu dạo đầu, bà Nga ngước lên nhìn anh Minh: “Tôi biết giấu mãi cũng không được. Tôi xin khai nhận về hành vi giết hại chị Thủy của mình”.
Giây phút ấy, anh biết rằng những người chỉ huy của mình cũng rất vui, bởi dù công việc điều tra của họ vẫn phải tiếp tục, nhưng để Trần Thị Nga thừa nhận có hành vi giết người là họ đã chiến thắng bước đầu tiên…
Theo Báo CAND
(HBĐT) - Đó là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Ban ATGT tỉnh đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường các biện pháp đảm bảo ATGT nên việc chấp hành pháp luật giao thông của người dân đã từng bước được nâng lên, TNGT được kiềm chế. Tuy nhiên, việc chấp hành pháp luật giao thông của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế nên tình hình TNGT còn có những diễn biến phức tạp, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về mất ATGT.
(HBĐT) - Hiện nay ở Kim Bôi, tình hình KT-XH đang trên đà phát triển. Đời sống đa số nhân dân được cải thiện rõ rệt nhờ biết phát huy những thế mạnh ở mỗi địa bàn. Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, từng bước xóa đói - giảm nghèo, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận đối tượng tha hóa về đạo đức, lối sống, xa rời mối quan hệ tốt đẹp của gia đình và cộng đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình ANTT trên địa bàn.
(HBĐT) - Là địa bàn rộng, trải dài trên quốc lộ 6A và tiếp giáp với thành phố Hòa Bình, thị trấn Kỳ Sơn có những điều kiện thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, theo đồng chí Trần Mạnh Hùng, Trưởng Công an thị trấn Kỳ Sơn thì đây cũng là khó khăn, thách thức mà thị trấn phải đối mặt nhằm kiềm chế, ngăn chặn các loại tội phạm và TNXH xâm nhập địa bàn. Với nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong nhiều năm qua, tình hình ANTT được đảm bảo, không có điểm nóng. Các vụ việc về an ninh trật tự luôn được giải quyết ngay tại cơ sở, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Thế giới đối thoại, hợp tác và đấu tranh, là một thực tế đang diễn ra trên thế giới. Vừa kế thừa phẩm chất của lực lượng Anh hùng tôi luyện trên nửa thế kỷ, vừa tiệm cận bản sắc riêng của an ninh trong thế giới đối thoại. Cục Bảo vệ chính trị III, Tổng cục An ninh I - đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới.
Ngày 23-12, tại Hà Nội, Bộ tư lệnh Binh chủng Pháo binh tổ chức hội nghị quân chính, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012.
(HBĐT) - Ngày 23/12, tại khách sạn Kim Liên (Hà Nội), Bộ Thông tin- Truyền thông (Bộ TT-TT) tổ chức hội nghị tập huấn cho hơn 100 phóng viên báo, Đài PT-TH các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc về công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm giai đoạn 2011 – 2015. Tới dự có đồng chí Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ TT-TT, lãnh đạo Cục Báo chí, Cục Phòng chống TNXH, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Cục CSĐT (Bộ Công an).