Xuất phát từ những người nông dân, LLVT của tỉnh đã không ngừng lớn mạnh qua từng trận đánh, từng giai đoạn lịch sử. Ảnh: Lực lượng dân quân du kích xã Sủ Ngòi (TPHB) thường xuyên nâng cao chất lượng công tác huấn luyện.
(HBĐT) - Từ một đội quân nông dân với vũ khí thô sơ gậy gộc, giáo mác, cung, nỏ, LLVT cách mạng tỉnh đã không ngừng lớn mạnh qua từng trận đánh gây cho quân Pháp nỗi hoang mang, khiếp đảm...
Bước sang năm 1948, trong bối cảnh quân Pháp bị thất bại nặng nề trong chiến dịch thu - đông năm 1947 làm thất bại chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh, buộc quân Pháp phải chuyển sang chiến lược đánh lâu dài. Thực hiện âm mưu này, chúng đã mở rộng vùng chiếm đóng, xây dựng phòng tuyến sông Đà, hình thành khu tam giác sắt Hà Nội - Sơn Tây - Hòa Bình nhằm chia cắt đồng bằng Bắc Bộ, bảo vệ các khu vực chiếm đóng ở vùng đồng bằng, chặt đứt con đường giao lưu giữa đồng bằng, Liên khu 4 với Việt Bắc. Thực hiện âm mưu đó, địch đã tăng cường càn quét, bình định, chiếm đóng. Đầu năm 1948, địch từ Mai Châu tập trung binh lực tiến công đánh chiếm Quốc lộ 12, các huyện Lạc Sơn, Kỳ Sơn và Lương Sơn. Các mũi tiến công của địch đều có lực lượng lớn, có xe cơ giới, đại bác 105 mm bắn yểm trợ.
Đối lập với quân Pháp, lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích của ta có lực lượng rất mỏng, súng đạn, mìn, lựu đạn thiếu thốn, bị chia cắt, bị tấn công từ nhiều hướng. Tuy nhiên, với tinh thần ý chí quyết chiến, quyết thắng cao độ, LLVT tỉnh, dân quân, du kích các địa phương đã phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực của Trung đoàn 52 (Tây Tiến) chiến đấu anh dũng. Bằng chiến thuật phục kích, tập kích, chiến đấu theo các tổ, nhóm du kích nhỏ lẻ đã gây cho địch nhiều khó khăn và tổn thất đáng kể. Điển hình như trận đánh địch tại Suối Măng (thuộc xã Tú Sơn - Kim Bôi ngày nay) đã diễn ra vô cùng ác liệt. Chỉ với vũ khí thô sơ như mìn, lựu đạn, súng trường... nhưng bộ đội, lực lượng dân quân, du kích vẫn kiên cường chiến đấu, ngăn chặn mũi thọc sâu của địch vào vùng căn cứ của ta, tiêu diệt và làm tiêu hao một lượng lớn sinh lực địch. Trước sức kháng cự mạnh mẽ của ta đã buộc quân Pháp phải rút lui. Nhờ đó, ta đã bảo vệ các cơ quan Ban Tỉnh ủy, ủy Ban kháng chiến hành chính tỉnh di chuyển an toàn.
Trong chiến đấu, dù lực lượng ít, vũ khí thô sơ nhưng bằng sự sáng tạo trong lối đánh du kích đã đạt hiệu quả chiến đấu rất cao như tại một số địa phương vùng tạm chiếm, LLVT của ta đã sáng tạo, mưu trí, dũng cảm tổ chức đánh du kích ngay trong lòng địch. Một số nơi bước đầu đã phát huy được lối đánh du kích như du kích Yên Lương - Phú Lẫm (nay là xã Phú Lương - Lạc Sơn) đã sáng tạo trong cách đánh khi dùng rượu cần trộn với lá ngón để giết giặc; du kích đồng bào Dao, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) đã dùng bẫy đá, cần bật bằng tre để giết giặc. Cùng với đẩy mạnh chiến đấu, công tác xây dựng lực lượng cũng luôn được chú trọng. Hàng nghìn người nông dân chân đất đã xung phong gia nhập các đơn vị bộ đội địa phương. Tính đến giữa năm 1949, toàn tỉnh đã xây dựng được 5 Đại đội bộ đội địa phương với 549 CBCS gồm có: Đại đội 39, đại đội 6 của tỉnh, đại đội 112 Lạc Sơn, đại đội 121 Lương Sơn, Đại đội 16 Kỳ Sơn và Đại đội 100. Ngoài ra, còn có thêm 3 trung đội bộ đội địa phương làm nhiệm vụ bảo vệ hành lang giao thông trên tuyến quốc lộ 6. Cùng với xây dựng và phát triển bộ đội địa phương, lực lượng dân quân du kích cũng đã được mở rộng và phát triển nhanh. Nếu như ở thời điểm giữa năm 1947 toàn tỉnh mới chỉ có 5.000 người, đến giữa năm 1949 đã tăng lên 14.000 người. Mỗi xã được biên chế thành 1 - 2 tiểu đội, 1 - 2 trung đội cấp huyện và đại đội cấp tỉnh. Với sự lớn mạnh không ngừng, LLVT tỉnh đã tổ chức được nhiều trận đánh làm tiêu hao sinh lực địch. Theo đó, tính từ khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10/1949, các đơn vị bộ đội địa phương và dân quân, du kích của tỉnh đã chiến đấu 37 trận, trong đó, riêng tháng 8/1949 đã tổ chức đánh địch 18 trận. Từ đó, đã góp phần làm cho phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ, ngày càng rộng khắp và hiệu suất chiến đấu ngày càng cao. Phong trào đánh địch của du kích cũng phát triển mạnh. Trên các tuyến quốc lộ 6, quốc lộ 12, quốc lộ 15, các cuộc hành quân, vận chuyển của địch hầu như thường xuyên vấp phải các trận phục kích, đánh mìn, phá cầu của bộ đội và du kích địa phương. Chỉ tính riêng trong năm 1949 các đơn vị LLVT tỉnh đã tổ chức đánh 122 trận, trong đó có 58 trận phục kích, 13 trận tập kích, 14 trận diệt tề, 3 trận quấy rối, 20 trận chống càn. Từ các trận đánh nay đã tiêu diệt được 236 tên địch, làm bị thương 157 tên, bắt sống 37 tên, thu, phá hủy hàng trăm khẩu súng và các phương tiện chiến tranh của địch. Về phía ta, chỉ có 9 du kích hy sinh, 7 bị thương và 5 bị bắt.
(Còn nữa)
(Tiếp theo: Vũ khí thô sơ, trận đầu thắng Pháp)
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã được đánh giá và ghi nhận những đóng góp xứng đáng trong việc chi viện sức người, sức của; phối hợp với quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
(HBĐT) - Khoảng 6 giờ, ngày 18/12, chiếc xe tải biển kiểm soát 28H-4316 trong khi đang di chuyển hướng thị trấn Đà Bắc – TP. Hòa Bình đến địa phận tổ 17, phường Tân Hòa, cách khu vực nghĩa trang Sông Đà (TPHB) khoảng hơn 100m đã bị lật rơi xuống hố rộng khoảng 5m, sâu 4m. Đây là hố đơn vị thi công Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 433 đào lên để thi công cống thoát nước.
(HBĐT) - Liên tiếp thất bại trên các hướng, các mặt trận, với âm mưu giành lại thế chủ động trên chiến trường, cuối năm 1951, Pháp đã tung một lượng lớn binh lực cùng phương tiện chiến đấu vào Hòa Bình nhằm thu hút, tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta, nối lại hành lang Đông - Tây, khôi phục lại “Tam giác sắt” Hà Nội - Sơn Tây - Hòa Bình; chặn đứng con đường vận chuyển, tiếp tế của ta lên Việt Bắc. Với âm mưu đó, từ ngày 9 - 14/ 11/1951, quân Pháp đã huy động 20 tiểu đoàn, có máy bay, pháo binh yểm trợ tiến đánh Hòa Bình. Trong vòng 10 ngày, chúng đã chiếm được một vùng rộng lớn dọc quốc lộ 6 và sông Đà.
(HBĐT) - Năm 2014, Viện KSND tỉnh khởi tố mới 217 vụ án vi phạm về trật tự an toàn xã hội, giảm 8 vụ so với cùng kỳ năm 2013. Nhìn vào con số “giảm”, ít nhiều cũng đã có điểm đáng mừng. Tuy nhiên, những người trực tiếp làm công tác điều tra, xét xử những vụ việc này vẫn không thể buông tiếng thở phào nhẹ nhõm bởi thực tế: tình hình thế tội phạm ở lĩnh vực này tiếp tục có những diễn biến ngày càng phức tạp với tính chất, hậu quả hết sức nghiêm trọng, đặc biệt là các tội: xâm hại tình dục đối với trẻ em, mua bán người, giết người, chống người thi hành công vụ...
(HBĐT) - Ngày 16/12, Phòng Chính trị Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức lễ đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba.