Các học viên đang chữa trị cắt cơn tại Trung tâm CB - GD - LĐXH tỉnh được học nghề mây - tre đan.
(HBĐT) - Đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp hạn chế tái nghiện ở cộng đồng. Đây là một trong những điểm mới được quy định tại Nghị định số 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, theo Nghị định, việc áp dụng các văn bản liên quan đến việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp vướng mắc do các quy định của pháp luật còn nhiều điểm không khả thi so với thực tế.
Vấn đề người nghiện còn phức tạp
Theo kết quả điều tra đối tượng nghiện ma tuý của Chi Cục Phòng, chống TNXH tỉnh, tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 1.846 người nghiện có hồ sơ quản lý. Trong đó, số người nghiện có mặt ngoài xã hội là 1.663 người ở 136/210 xã, phường, thị trấn. Người nghiện chủ yếu là nam giới, chiếm tỷ lệ 98,2%; độ tuổi dưới 18 có 14 người, chiếm 0,8%, từ 18 - 30 tuổi có 774 người, chiếm 46,6%, trên 30 tuổi có 875 người, chiếm 52,6%. Ngoài ra, qua điều tra, thống kê toàn tỉnh có 556 người nghi nghiện. Địa bàn có số người nghiện nhiều nhất vẫn là thành phố Hoà Bình với 679 người, tiếp đến là huyện Mai Châu 304 người, Lương Sơn 168 người, Lạc Sơn 158 người... Nhìn chung, tình hình người nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Hàng năm, số người nghiện ma tuý tăng. Nguyên nhân là do công tác quản lý, kiểm soát địa bàn ở một số địa phương đối với người sau cai nghiện chưa phù hợp, tỷ lệ tái nghiện còn cao.
Theo thượng tá Bùi Văn Tiếm, Phó phòng CSĐT tội phạm về ma tuý (PC47) - Công an tỉnh, hiện nay, chúng ta mới thống kê những người nghiện có hồ sơ quản lý. Đây là những người nghiện đã thừa nhận mình nghiện ma tuý hoặc là những người qua quá trình bắt giữ, cơ quan chức năng chứng minh được đấy là đối tượng nghiện. Những người có sử dụng nhưng không thừa nhận mình nghiện thì chỉ đưa vào diện nghi nghiện. Hàng năm, Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý - Công an tỉnh đã phối hợp với Công an các huyện, thành phố tổ chức thống kê 2 đợt. Qua điều tra, rà soát, có một thực tế là số người nghiện sót lọt ở các huyện chiếm từ 10 - 15%, còn địa bàn thành phố sót lọt khoảng 30%. Theo đánh giá, hiện nay, đối tượng nghiện trên địa bàn tỉnh tính cả trong trại giam, ngoài xã hội và số sót lọt dao động từ 2.500 - 2.700 người. Hàng năm, trung bình toàn tỉnh có từ 150 - 200 người nghiện mới. Hiện nay, chúng ta đang đặt mục tiêu ngăn được sự phát sinh số người nghiện mới. Với thực tế số người nghiện mới vẫn gia tăng hàng năm có thể nói, tình hình ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp.
“Vướng” chính sách, không đưa được người nghiện đi cai bắt buộc
Tình hình người nghiện vẫn còn những diễn biến phức tạp, tuy vậy, việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 15/3, toàn tỉnh đã lập được 115 hồ sơ và cơ quan chức năng đã chuyển sang TAND các huyện, thành phố 108 hồ sơ. TAND đã duyệt 77 hồ sơ và đã có quyết định, chưa duyệt 31 hồ sơ. Đã đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 53 người. Trong số đó có 3 tội phạm bị bắt truy tố trong quá trình lập hồ sơ. Còn 21 trường hợp sau khi có quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc của toà án đã bỏ trốn khỏi địa phương. Xung quanh vấn đề này, thượng tá Bùi Văn Tiếm thẳng thắn chỉ rõ: Việc lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc theo các quy định mới nhằm đáp ứng yêu cầu về vấn đề nhân quyền trước những yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao. Tuy nhiên, có một số văn bản quy định đưa ra không phù hợp với thực tế như Nghị định số 221/NĐ-CP quy định để hoàn thiện hồ sơ thi hành cai nghiện bắt buộc đòi hỏi phải có biên bản bắt quả tang về hành vi sử dụng. Trên thực tế, người nghiện thường sử dụng lén lút, rất khó để phát hiện, bắt quả tang. Một năm, lực lượng công an trong toàn tỉnh chỉ có thể theo dõi, phát hiện và bắt quả tang được 20 - 30 đối tượng nghiện đang sử dụng ma túy. Về vấn đề này, chúng tôi đã nghiên cứu, kiến nghị nhiều lần ở nhiều cấp nhưng đến nay vẫn chưa được sửa đổi cho phù hợp. Trước mắt, để giải quyết vấn đề này, chúng tôi vận dụng theo Điều 103, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo Điều 103 quy định khi có tài liệu chứng minh người nghiện ma túy thì có thể xử lý. Ngoài ra, hiện nay “vướng” nhất là xác định tình trạng nghiện. Điều này khó hơn trước đây nhiều, theo quy định, người nghiện phải có 3 ngày tự nguyện đến cơ sở y tế để theo dõi sau đó mới ký giấy xác nhận tình trạng nghiện. Điều này rất khó vì chẳng có người nghiện nào chịu nằm ở cơ sở y tế để theo dõi, xác nhận tình trạng nghiện. Cùng với đó, về điều kiện cơ sở vật chất ở các trạm y tế tuyến cơ sở của tỉnh chưa thể đáp ứng được. Dù cho toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn, cấp chứng chỉ cho cán bộ y tế xã, phường. Với lại đây là việc xác định tình trạng nghiện đối với người nghiện ma túy dạng thuốc phiện. Còn đối với ma túy dạng tổng hợp thì phải ra khoa thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoặc Bệnh viện thần kinh T.ư mới xác định được.
Không chỉ khó khăn về xác định tình trạng nghiện mà việc lập hồ sơ đưa đối tượng nghiện đi cai nghiện bắt buộc vẫn còn nhiều vướng mắc. Về trình tự, thủ tục lập hồ sơ quản lý người nghiện hiện nay cũng phải qua nhiều cơ quan như Công an xã, Công an huyện, Phòng Tư pháp, Phòng LĐ-TB& XH, TAND cấp huyện nên mất nhiều thời gian. Nếu thực hiện theo đúng quy trình, thời gian ra quyết định đưa người đi cai nghiện nhanh nhất là 1 tháng. Ngoài ra, theo quy định trong thời gian chờ có quyết định, người nghiện có hộ khẩu thường trú tại địa phương sẽ được gửi về gia đình quản lý, những người không rõ nơi cư trú phải đưa đến các cơ sở xã hội quản lý. Tuy nhiên, các địa phương chưa có nhà lưu giữ, không có cán bộ chuyên trách để xử lý cắt cơn nghiện nên việc quản lý, lưu giữ đối tượng cũng là một vấn đề rất khó khăn. Do vậy, “Đề nghị ngành Tư pháp cần phải có quá trình thẩm định hồ sơ nhanh chóng và cần có sự vận dụng các quy định phù hợp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Từ thực tế trên cũng mong các cấp có thẩm quyền của tỉnh có kiến nghị với các bộ, ngành chức năng, Chính phủ, Quốc hội sửa đổi các quy định, có cơ chế, chính sách giải quyết vấn đề người nghiện một cách phù hợp với thực tế” - Thượng tá Bùi Văn Tiếm nhấn mạnh.
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP với mức phạt nặng hơn nhằm tăng tính răn đe, giáo dục.
(HBĐT) - Không được đào tạo cơ bản, phần nhiều dựa vào kinh nghiệm, ít quan tâm tới các điều kiện về an toàn lao động, làm việc theo thỏa thuận, người lao động, làm thuê trực tiếp đối mặt với nguy cơ tai nạn lao động, nhẹ thì vẫn còn làm được, nặng thì từ bỏ nghề, có khi mất mạng.
(HBĐT) - Ngày 31/5, tại xã Đồng Tâm, Ban CHQS huyện Lạc Thủy đã tổ chức hội thao huấn luyện trung đội dân quân cơ động năm 2016.
(HBĐT) - Luật Đất đai được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 29/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Luật được ban hành với nhiều điểm mới nổi bật, trong đó có những quy định liên quan sát thực đến người dân như: quy định cụ thể hóa các quyền, nghĩa vụ của Nhà nước đối với người sử dụng đất; mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp; quy định đầy đủ, rõ ràng các đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; xác định rõ và quy định cụ thể những trường hợp Nhà nước phải thu hồi đất; thể hiện một cách đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất phù hợp từng hình thức sử dụng đất cụ thể như giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất...
(HBĐT) - Bà Nguyễn Thị Nga (thành phố Hoà Bình) hỏi: Trường hợp cơ quan thanh tra kết luận cán bộ, công chức vi phạm thì việc xử lý được thực hiện như thế nào?
(HBĐT) - Luật Trẻ em năm 2016 được Quốc hội thông qua ngày 5/4/2016 có một số điểm mới nổi bật như sau: