Thi trắc nghiệm ở nước ta không phải là hình thức mới. Việc thi Toán bằng hình thức trắc nghiệm có thể là mới với chúng ta nhưng nhiều nước đã áp dụng.
Thi trắc nghiệm ở nước ta không phải là hình thức mới. Việc thi Toán bằng hình thức trắc nghiệm có thể là mới với chúng ta nhưng nhiều nước đã áp dụng từ lâu.
Bộ GD-ĐT vừa trả lời những câu hỏi thắc mắc của thí sinh và dư luận về hình thức thi trắc nghiệm của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, trong đó có môn Toán.
1. Học sinh có phải thay đổi như thế nào về cách học khi một số môn thi chuyển từ hình thức tự luận sang trắc nghiệm?
Trả lời: Trắc nghiệm khách quan (TNKQ) hay tự luận chỉ là hình thức của câu hỏi kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học. Cùng một nội dung kiến thức có thể kiểm tra bằng câu hỏi TNKQ hoặc tự luận. Câu hỏi tự luận không cho trước đáp án mà đòi hỏi thí sinh phải "tìm" đáp án; còn câu hỏi TNKQ thì học sinh phải "chọn" đáp án trong số những lựa chọn của câu hỏi. Để "chọn" được đáp án đúng thì thí sinh phải biết "tìm" đáp án một cách nhanh chóng và chắc chắn.
Điểm khác biệt duy nhất giữa hai hình thức này là thí sinh phải trình bày lời giải (đối với câu hỏi tự luận) haykhông phải trình bày lời giải (đối với câu hỏi TNKQ). Như vậy, hình thức câu hỏi TNKQ hay tự luận không ảnh hưởng gì đến cách dạy và cách học. Dù câu hỏi theo hình thức nào thì học sinh cũng phải nắm vững kiến thức, kĩ năng thì mới "tìm" rồi "chọn" được đáp án đúng một cách nhanh nhất, chắc chắn nhất.
2. Khi chuyển từ thi tự luận sang thi TNKQ thì sách giáo khoa có cần phải thay đổi không?
Trả lời: Sách giáo khoa là tài liệu cụ thể hoá những nội dung giáo dục được quy định trong chương trình, cung cấp tri thức nền tảng, hệ thống, toàn diện và được lựa chọn theo các quy luật sư phạm; hướng dẫn hoạt động học, hỗ trợ hoạt động dạy. Vì vậy, không có sách giáo khoa nào biên soạn riêng cho thi tự luận hay cho thi TNKQ.
Dù là thi theo hình thức tự luận hay TNKQ thì học sinh vẫn cần phải nắm vững và sử dụng cùng một kiến thức, kĩ năng theo chuẩn kiến thức, kĩ năng trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, thể hiện trong sách giáo khoa để trả lời câu hỏi. Gần mười năm nay các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức TNKQ nhưng giáo viên và học sinh vẫn sử dụng sách giáo khoa hiện hành để dạy-học và vẫn cho kết quả tốt, điều đó cho thấy việc dùng sách giáo khoa hiện hành không ảnh hưởng gì đến việc thi theo hình thức TNKQ hay tự luận.
3. Thi trắc nghiệm, đặc biệt là trắc nghiệm môn Toán có kiểm tra được tư duy logic, sáng tạo của thí sinh không?
Trả lời: Thi trắc nghiệm ở nước ta không phải là hình thức mới. Việc thi Toán bằng hình thức TNKQ có thể là mới với chúng ta nhưng nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng từ lâu. Trắc nghiệm môn Toán được áp dụng ở các bài thi SAT và ACT của Hoa Kỳ là một ví dụ. Mỗi bài thi này có khoảng trên 50 câu hỏi Toán hoàn toàn thi bằng hình thức TNKQ. Hằng năm mỗi bài thi này thu hút hàng triệu lượt thí sinh tham gia dự thi để ứng tuyển vào khoảng 1800 trường đại học của Hoa Kỳ.
Trắc nghiệm khách quan có nhiều ưu điểm, đặc biệt là sự khách quan và công bằng cho tất cả thí sinh. Đề thi TNKQ được thiết kế tốt sẽ đánh giá được nhiều khả năng tư duy, năng lực ở các mức độ khác nhau của người học. Cho dù có nhiều cách giải khác nhau trong bài toán cũng cùng đến một kết quả do vậy khi thiết kế câu hỏi thi các chuyên gia đã tính toán tối thiểu phải qua bao nhiêu bước tư duy mới giải được và mất tối thiểu bao nhiêu thời gian, nếu có những cách giải sáng tạo để thu ngắn các bước tư duy và thời gian thì các thí sinh này thực sự có năng lực bậc cao để giải quyết hết các câu hỏi trong bài thi. Thực tế, trong các các câu hỏi TNKQ, trong số 4 phương án trả lời thường có 2-3 phương án rất gần nhau, đòi hỏi thí sinh phải suy nghĩ kỹ lưỡng và có lập luận chặt chẽ để chọn câu trả lời chính xác nhất. Do vậy, hình thức thi TNKQ hoàn toàn có thể kiểm tra được tư duy logic và sự sáng tạo của thí sinh.
|
Giám thị gọi thí sinh vào phòng thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 |
4. Bài thi Khoa học tự nhiên và bài thi Khoa học xã hội là bài thi tích hợp hay bài thi tổ hợp? Việc làm và chấm điểm các môn thi thành phần như thế nào? Thí sinh có phải làm cả hai bài thi này không?
Trả lời: Các bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH) là bài thi tổ hợp, mỗi bài thi gồm các môn thi riêng rẽ, các môn được bố trí tuần tự hết môn này đến môn khác. Kết quả chấm thi sẽ đưa ra điểm từng môn thành phần và điểm của cả bài thi tổ hợp phục vụ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Nhằm hạn chế việc thí sinh có thể chỉ làm bài thi đối với một số môn thành phần, bỏ qua một số môn khác trong bài thi, Quy chế thi THPT quốc gia sẽ quy định cụ thể cách thức tổ chức thi và mức điểm tối thiểu đối với mỗi bài thi, môn thi (điểm liệt) để làm điều kiện xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Để được xét tốt nghiệp THPT, ngoài 3 môn bắt buộc, thí sinh chọn thi thêm bài thi KHTN hoặc bài thi KHXH. Nếu có nguyện vọng, thí sinh có thể thi cả 2 bài thi này để tăng cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ nhiều ngành khác nhau. Khác với các năm trước, năm nay thí sinh biết trước các môn thi ngay từ đầu năm, do đó giúp thí sinh chủ động hơn trong ôn tập.
5. Thay đổi cấu trúc bài thiTNKQcó thể dẫn đến thay đổi mẫu Phiếu trả lời trắc nghiệm. Điều này có gây khó khăn cho thí sinh khi làm bài? Việc chấm thi bằng máy sẽ thực hiện như thế nào?
Trả lời: Mặc dù cấu trúc bài thi TNKQ có thay đổi so với các năm trước (với các bài Toán, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội) nhưng hình thức câu hỏi TNKQ và phương án trả lời sẽ không thay đổi so với trước đây. Vì vậy, sẽ không gây khó khăn gì cho thí sinh khi làm bài thi TNKQ. Về cơ bản mẫu Phiếu trả lời trắc nghiệm của các môn thi độc lập sẽ giữ như năm 2015, 2016. Phiếu trả lời trắc nghiệm của các bài thi Khoa học tự nhiên và bài thi Khoa học xã hội sẽ bố trí phù hợp với yêu cầu thi các môn thành phần. Việc chấm thi bằng máy sẽ thực hiện tương tự như những năm trước: bài thi của thí sinh với mã đề thi xác định sẽ được quét vào máy tính, phần mềm chấm sẽ nhận dạng phương án trả lời của thí sinh, đối chiếu với đáp án để quy điểm. Bộ sẽ cung cấp phần mềm chấm thi trắc nghiệm và yêu cầu các Hội đồng thi thống nhất sử dụng phần mềm chấm thi này để đảm bảo an toàn trong chấm thi và độ tin cậy của kết quả thi.
6. Việc giao cho các Sở GDĐT chủ trì cụm thicó đảm bảo tính khách quan để sử dụngkết quả kỳ thi?
Trả lời: Năm 2017, Bộ chỉ tổ chức 1 loại cụm thi ở tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước do Sở GDĐT chủ trì. Để đảm bảo tính trung thực, khách quan của kỳ thi, hạn chế tối đa tiêu cực phát sinh trong quá trình coi thi, chấm thi, trong kỳ thi sắp tới, mỗi thi sinh trong phòng thi có một đề thi trắc nghiệm riêng với các câu hỏi khác nhau và có độ khó tương đương. Bài làm của thí sinh được chấm bằng máy quét. Với điều kiện kỹ thuật đó, cùng với sự phối hợp, hỗ trợ và giám sát của các trường đại học trong công tác tổ chức thi, coi thi và chấm thi, kết quả của kỳ thi sẽ đảm bảo được độ tin cậy.
7. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh có gì thay đổi so với năm 2016 không?
Trả lời: Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh được thực hiện như năm 2016, do Sở GDĐT thực hiện theo phương thức tính điểm xét tốt nghiệp như sau: 50% số điểm từ 4 bài thi (đối với thí sinh phổ thông) hay từ 3 bài thi (đối với thí sinh giáo dục thường xuyên) và 50% số điểm từ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12.
Quy chế thi THPT quốc gia sẽ quy định cụ thể mức điểm tối thiểu đối với mỗi bài thi, môn thi (điểm liệt) để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đây là giải pháp để góp phần khắc phục tình trạng học lệch.
8.Để được vào ĐH, CĐ, thí sinh có phải thực hiện 2 kỳ thi như trước kia hay không?
Trả lời: Qua 2 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, nhờ đảm bảo được độ tin cậy, trung thực, khách quan, có tính phân hóa tốt nên hầu hết các trường ĐH, CĐ đều đã sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh, không tổ chức thi tuyển sinh riêng, giảm áp lực thi cử và tốn kém. Năm 2017, các trường lựa chọn 4 phương thức tuyển sinh: 1) Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia; 2) Sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh; 3) Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT; 4) Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh.
Khi Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, kết quả trung thực, khách quan như phương án thi/tuyển sinh 2017 đã dự kiến thì phần lớn các trường ĐH, CĐ sẽ căn cứ vào kết quả Kỳ thi để tuyển sinh. Chỉ có một số ngành năng khiếu sẽ tổ chức thi thêm môn năng khiếu và một số trường/ngành có yêu cầu cao sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Tuy nhiên, việc tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ được tổ chức theo hướng nhẹ nhàng, thuận lợi, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực, luyện thi tràn lan hay gây ra các bức xúc, khó khăn cho thí sinh. Các trường phải công khai đề thi minh họa của bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi (trắc nghiệm hay tự luận), cách tính điểm xét tuyển từ kết quả THPT và kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt để thí sinh biết.
9. Việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH, CĐ như thế nào?
Trả lời: Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển phải sớm công bố phương thức tuyển sinh của mình. Phương thức tuyển sinh cần chỉ rõ: sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển hay chỉ để sơ tuyển và có thêm hình thức đánh giá năng lực chuyên biệt; tổ hợp các môn thi/bài thi để xét tuyển vào ngành/khối ngành, hệ số đối với môn thi/bài thi (nếu có); các điều kiện xét tuyển khác... Thí sinh theo dõi trang tuyển sinh của các trường để nắm thông tin, định hướng ôn tập và nộp đăng ký xét tuyển vào các ngành nghề yêu thích.
10. Thí sinh đã ôn thi theo khối thi truyền thống A, B, C, D, A1 từ trước nay sẽ thi như thế nào?
Trả lời: Đối với các khối thi truyền thống A, A1, B, C, D, khi điều chỉnh quy chế tuyển sinh sắp tới Bộ sẽ có quy định yêu cầu các trường dành chỉ tiêu thích hợp để xét tuyển đảm bảo quyền lợi của thí sinh đã ôn tập theo khối thi từ trước. Năm 2015, các trường đã dành ít nhất 75% chỉ tiêu để xét tuyển theo khối thi truyền thống; năm 2016 đã dành ít nhất 50% và dự kiến năm 2017 các trường sẽ dành ít nhất 25%.
Tổ hợp các môn thi của các khối thi truyền thống được xác định như những năm trước đây. Các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ không có gì thay đổi. Các môn còn lại: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí sẽ lấy điểm thành phần tương ứng của các bài thi tổ hợp.
Cũng như năm 2015 và năm 2016, ngoài các tổ hợp xét tuyển truyền thống, các trường có thể quy định các tổ hợp xét tuyển mới, bao gồm cả bài thi KHTN hay bài thi KHXH, để xét tuyển vào các ngành nghề phù hợp.
11. Thí sinh được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ? Liệu có xảy ra tình trạng thí sinh ảo như năm 2016 không?
Trả lời: Năm 2017, để đảm bảo tối đa quyền lợi của thí sinh, dự kiến thí sinh sẽ được đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành của một hoặc nhiều trường và được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Điều này làm phát sinh hiện tượng “thí sinh ảo”. Để khắc phục tình trạng này, Bộ đã và đang tích cực chuẩn bị thực hiện đồng bộ các giải pháp cả về phương diện quản lý và kỹ thuật.
Về mặt quản lý, Bộ sẽ rà soát, đánh giá năng lực đào tạo của các trường ĐH, CĐ; trên cơ sở đó, yêu cầu các trường xác định chỉ tiêu sát với nhu cầu của thị trường lao động, năng lực đào tạo thực tế và khả năng có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp... để tránh hiện tượng xác định “chỉ tiêu ảo” trong tuyển sinh.
Về mặt kỹ thuật, Bộ tiếp tục chuẩn bị các điều kiện ứng dụng triệt để CNTT trong tuyển sinh nhằm giải quyết tình trạng “thí sinh ảo”. Trong hai năm qua, Bộ GDĐT đã chuẩn bị phần mềm quản lý tuyển sinh có thể lọc ảo và đã tiến hành chạy thử nghiệm trên cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển của các năm 2015 và 2016. Qua thử nghiệm cho thấy, phần mềm vận hành ổn định có độ tin cậy cao, có thể sử dụng hiệu quả trong năm 2017. Phần mềm sẽ xác định danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển với nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Danh sách này sẽ được gửi đến các trường để hỗ trợ cho các trường trong xử lý vấn đề thí sinh ảo. Các trường có thể cân đối, điều chỉnh dựa vào các điều kiện thực tế của trường (đã nêu trong đề án tự chủ tuyển sinh) để quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức.
12. Hiện nay trên mạng xã hội đã lan truyền các bộ đề thi trắc nghiệm môn toán. Đó có phải là bộ đề thi minh họa của Bộ? Khi nào Bộ ban hành đề thi minh họa?
Trả lời: Để có bộ đề thi trắc nghiệm chuẩn hoá với yêu cầu đánh giá và phân loại được thí sinh một cách rõ ràng, khách quan nhất thì cần phải có thời gian chuẩn bị, sử dụng thử, điều chỉnh...
Hiện nay, Bộ GDĐT đang phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội (đơn vị đã được giao thí điểm đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2013 và đã áp dụng thành công việc sử dụng đề TNKQ để đánh giá năng lực thí sinh) rà soát, đánh giá, chuẩn hoá đề thi thêm một bước nữa cho phù hợp với mục đích của kỳ thi THPT quốc gia, bổ sung ngân hàng câu hỏi để xây dựng đề thi minh hoạ cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Dự kiến đề thi minh họa sẽ được công bố đầu tháng 10 tới để thí sinh biết định dạng của đề thi, yên tâm ôn tập.
Các đề thi trắc nghiệm môn Toán đang lan truyền trên mạng xã hội không phải là đề thi minh họa của Bộ. Thí sinh nên tham khảo ý kiến các thầy cô giáo khi nghiên cứu các đề thi này, tránh nhầm lẫn với đề thi minh hoạ chính thức của Bộ GDĐT. Đề thi minh họa của Bộ sẽ công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ tại địa chỉ: http://www.moet.gov.vn./.
Theo VOV.VN
“Bộ GD&ĐT phải công bố lộ trình đổi mới ít nhất 3 năm để học sinh chuẩn bị. Từ nay đến lúc các em thi chỉ còn 9 tháng, làm sao các em chuẩn bị kịp?”. Đó là chia sẻ của GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ Quốc hội với Tiền Phong trước quan điểm của Bộ GD&ĐT về kỳ thi năm 2017.
Đến thời điểm này, kỳ xét tuyển đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2016 đã gần như kết thúc khi nhiều cơ sở đào tạo dù tuyển không đủ chỉ tiêu vẫn không muốn kéo dài thêm các đợt xét tuyển tiếp theo. Nhiều vấn đề bất ổn của việc xét tuyển năm nay đã được phơi bày, nhưng liệu có được Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) khắc phục cho mùa xét tuyển năm 2017?
(HBĐT) - Ông Hoàng Văn Thực (Kỳ Sơn) hỏi: Đề nghị cho biết thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn với người bị xử phạt từ đủ 18 tuổi trở lên được quy định như thế nào?
(HBĐT) - Năm học 2016 – 2017 sẽ là một năm học hết sức đặc biệt đối với Nguyễn Thị Phượng (học sinh lớp 12A2 trường THPT Nguyễn Trãi, huyện Lương Sơn).
(HBĐT) - Năm học 2015 - 2016, đội tuyển học sinh giỏi lớp 9 môn lịch sử của trường THCS Phú Lai có 9 em tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện thì cả 9 em đều đoạt giải. Trong đó có 1 em đoạt giải nhất, 5 em đoạt giải nhì, 2 em đoạt giải ba và 1 em đoạt giải khuyến khích. Có 4 em được lựa chọn tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh cả 4 em đều đoạt giải với 2 giải ba, 2 giải khuyến khích. Thêm một lần nữa, trường THCS Phú Lai tiếp tục khẳng định vị trí trong top đầu của giáo dục Yên Thủy, đặc biệt là với một bộ môn “khó nhằn” như lịch sử.
Năm học mới bắt đầu, nhiều bậc phụ huynh lại lo lắng về tình trạng lạm thu, là việc dạy thêm học thêm tràn lan…