Chiều 5-11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gặp mặt các thành viên Hội đồng Chức danh giáo sư (GS) nhà nước, các tân GS, đại diện các tân phó giáo sư (PGS) được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh năm 2016.

 

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chúc mừng các tân GS, đại diện tân PGS được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh năm 2016. Chủ tịch nước nhấn mạnh, dân tộc ta có nền văn hiến lâu đời, trong đó lòng hiếu học, tôn sư, trọng đạo, trọng dụng hiền tài đã trở thành đạo lý cao đẹp, là tài sản vô giá, được giữ gìn, liên tục tiếp nối từ đời này qua đời khác. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến sự nghiệp đào tạo, xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, phát hiện và trọng dụng nhân tài, coi đó là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Đảng, Nhà nước, nhân dân ta luôn trân trọng ghi nhận, đánh giá cao những công lao của đội ngũ GS, PGS đã góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước, nhất là trong 30 năm đổi mới vừa qua.

 

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các đại biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: TTXVN

 

Chủ tịch nước đề nghị các GS, PGS tiếp tục phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, tập trung tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định và triển khai các chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế... 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang giao nhiệm vụ cho Hội đồng Chức danh GS nhà nước tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách thu hút các GS, PGS là người Việt Nam ở nước ngoài và các GS, PGS là người nước ngoài tham gia đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của Việt Nam. Mục tiêu đặt ra là đưa nhanh các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà hội nhập với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên toàn cầu, vượt qua thách thức, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, sớm đưa nước ta thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trước đó, Hội đồng Chức danh GS Nhà nước đã tổ chức lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2016. Năm nay, Hội đồng Chức danh GS Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS lần thứ 25. Trong năm 2016, đã có thêm 65 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS và 638 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS.

Tại buổi lễ, chung vui với các tân GS, PGS, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học, đặc biệt là các GS, PGS đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp phát triển khoa học - công nghệ nói riêng và sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung. Đất nước đang phát triển, xu hướng toàn cầu hóa, phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ càng khẳng định vai trò và tầm quan trọng của tri thức, đội ngũ trí thức, các nhà giáo, nhà khoa học. Theo Phó Thủ tướng, không chỉ là những nhà khoa học, nhà sư phạm giỏi trong nghiên cứu, trong giảng dạy, các GS, PGS còn là tấm gương về nhân cách trong nhà trường, trong nghiên cứu, trong giảng dạy, trong đời sống, trong xã hội. Dù pháp luật đã quy định rõ GS, PGS là chức danh khoa học do cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm nhưng GS, PGS cũng là chức danh được xã hội, được nhân dân đặc biệt tôn trọng.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS, Bộ GD-ĐT đang phối hợp cùng Hội đồng Chức danh GS Nhà nước và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo văn bản mới thay thế các quyết định của Thủ tướng quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS để trình Thủ tướng phê duyệt. Dự thảo văn bản mới sẽ được xây dựng theo hướng tiếp cận với cách làm và chuẩn mực của các nước có nền giáo dục tiên tiến theo lộ trình thích hợp, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Năm nay, tân GS trẻ nhất là TS Trần Đình Thắng (41 tuổi), ngành hóa học, Trường Đại học Vinh, thuộc khu vực miền Trung, có nhiều thành tích khoa học và đào tạo xuất sắc với 75 bài báo quốc tế SCI, SCIE và tham gia ban biên tập của 2 tạp chí quốc tế có uy tín. Tân GS sử học Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH-NV - ĐHQG Hà Nội) có 10 công bố quốc tế, trong đó có 4 ISI và Scopus. PGS trẻ nhất là TS Trần Xuân Bách (32 tuổi), ngành y học, Trường Đại học Y Hà Nội, có 50 bài báo quốc tế SCI, SCIE, SSCI và Scopus, chỉ số H = 22, có nghĩa là tân PGS Trần Xuân Bách có 22 bài báo quốc tế chất lượng cao và mỗi bài trong số đó được trích dẫn 22 lần trở lên (ở Mỹ GS chỉ số H = 18); tham gia ban biên tập 2 tạp chí quốc tế có uy tín. Năm nay có một ứng viên xét đặc cách GS là TS Đào Văn Lập, Trường Đại học Công nghệ Swinburne, Australia, ngành vật lý với nhiều công trình và hoạt động khoa học xuất sắc, 110 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín.

Năm nay cũng ghi nhận những cặp vợ chồng, gia đình cùng được công nhận chức danh GS, PGS như: tân GS Trần Quốc Thành và vợ là tân PGS Dương Hải Hưng người dân tộc Nùng, cả hai cùng là giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; tân PGS Nguyễn Hoàng Giang, ngành xây dựng, Trường ĐH Xây dựng và vợ là tân PGS Vũ Thu Trang, ngành công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; tân PGS Thái Minh Sâm và vợ là PGS Lê Anh Thư, cả hai đều là bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. Hai anh em ruột đều là tân PGS là Nguyễn Đăng Hào và Nguyễn Thị Minh Hà, đều là giảng viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế…

 

 

                                                                                    Theo SGGP

Các tin khác

Không có hình ảnh

Giải pháp xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã ở huyện Kim Bôi

(HBĐT) - Duy trì và phát triển bền vững các Trung tâm học tập cộng đồng, phối hợp chặt chẽ giữa Phòng GD&ĐT và Hội Khuyến học huyện trong công tác tham mưu, tổ chức thực hiện xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã. Đó là những giải pháp chủ yếu đã được huyện Kim Bôi thực hiện khá hiệu quả trong thời gian qua nhằm xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã.

Kinh nghiệm từ sáp nhập các trường mầm non, tiểu học, THCS ở huyện Yên Thủy

(HBĐT) - Ngày 1/6, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1431/QĐ - UBND phê duyệt đề án sắp xếp tổ chức các trường học DTNT và các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong năm học 2015-2016 và 2016 - 2017, toàn tỉnh có 67 trường tiểu học, THCS và 7 trường mầm non sáp nhập.

Tuyên duơng, khen thuởng 376 tập thể, cá nhân tiêu biểu

(HBĐT) - Ngày 30/10, Hội Đồng giáo dục huyện Cao Phong đã tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng công tác khuyến học, khuyến tài và trao tặng kỷ niệm chuơng “ Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Hội Cựu giáo chức Việt Nam” năm 2016. Tới dự có lãnh đạo Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức tỉnh; lãnh đạo Huyện uỷ, HĐND,UBND huyện Cao Phong; các xã, thị trấn; các thầy, cô giáo và đông đảo các em học sinh trên địa bàn huyện.

Nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích và thiết thực

(HBĐT) - Đối với sinh viên, công việc học tập, bồi dưỡng tri thức luôn phải được chú trọng ưu tiên và đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, bên cạnh việc học tốt thì tham gia các hoạt động Đoàn cũng là một điều hết sức quan trọng.

Học văn hóa và học cách đối nhân xử thế

(HBĐT) - Văn hóa ứng xử là cách người nói, cách thể hiện ra bên ngoài của bản thân đối với một hoặc nhiều người. Trong giới trẻ, nhất là ở bộ phận sinh viên hiện nay, các bạn hầu hết có kiến thức rất rộng, nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin, tinh thần cầu thị trong học tập, khả năng ứng dụng những kiến thức học vào thực tiễn cao, quý trọng thầy, cô, đoàn kết với bạn bè, sống có kỷ cương, không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập và trong cuộc sống.

Luôn tự tin trên bước đường sự nghiệp của mình

(HBĐT) - Cũng như tất cả các bạn học sinh khác, đầu năm lớp 12, tôi nghĩ đến lựa chọn ngành gì sau khi học xong THPT? Trong đầu tôi lúc đó đưa ra rất nhiều ngành nghề. Tuy nhiên, trong một lần đi qua trường mầm non, tiểu học, nhìn thấy tấm băng zôn “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, những hình ảnh, hoạt động và không khí ấy đã làm tôi rất ấn tượng, làm trỗi dậy sự thích thú, đam mê với công việc của một cô giáo. Tôi bắt đầu tìm hiểu ngành học tiểu học, tầm quan trọng cũng như những kiến thức, công việc và cơ hội việc làm liên quan đến nó. Sau khi tìm hiểu, tôi càng thấy hứng thú hơn và quyết định lựa chọn theo học Khoa Tiểu học - trường CĐSP Hòa Bình, một cái nôi duy nhất đào tạo giáo viên cho tỉnh Hòa Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục