Câu chuyện học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học, đã đến trường vào thời điểm này dẫn đến nhiều tranh luận về việc nên hay không.


Cô trò Trường tiểu học Phú Thọ (Q.11, TP.HCM) trong ngày tựu trường - Ảnh: N.HÙNG

Tuổi Trẻ ghi nhận tại một số địa phương và ý kiến từ Bộ GD-ĐT.

Tập trung sớm để "rèn nề nếp"

Một số phụ huynh có con vào học lớp 1 năm nay chia sẻ quan điểm trên các diễn đàn cha mẹ, lo lắng "có biết bao nhiêu thứ phải rèn con vào nề nếp, trong khi trẻ 6 tuổi mới từ mầm non lên. Ví dụ như việc ngồi yên trong lớp, tập trung nghe cô nói, cách ngồi, cách cầm bút, tự lập trong sinh hoạt cá nhân... Vì thế cho con đến trường sớm để "tập dượt" vẫn tốt hơn".

Có phụ huynh cho biết đã lo lắng quá nên phải cho con "học trước", vì thế muốn học sinh lớp 1 được tập trung sớm hơn các lớp khác.

Theo các trưởng phòng GD-ĐT tại Hà Nội thì đối với học sinh đầu cấp nói chung và học sinh lớp 1 nói riêng, rất cần tập trung học sinh sớm hơn. "Sẽ có nhiều chệch choạc với những trẻ 6 tuổi lần đầu tiên đi học.

Có những đợt đi kiểm tra các trường, chúng tôi bắt gặp các cháu lớp 1 mới đi học còn khóc vì lạ trường, lạ lớp, cô phải dành thời gian dỗ dành. Nhiều cháu chưa quen với nề nếp học tập nên cần thời gian hướng dẫn trước khi vào học chính thức" - ông Phạm Ngọc Anh, trưởng Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy, chia sẻ.

Với lý do tập trung sớm để "rèn nề nếp", nhưng mỗi trường thực hiện một khác. Có những trường không thông tin cho cha mẹ học sinh kế hoạch triển khai trước ngày tựu trường là phải tập trung bao nhiêu buổi, làm những gì trong các buổi này khiến nhiều người bị thụ động trong việc đưa đón, chăm sóc trẻ những ngày này.

Nhưng bên cạnh đó, nhiều trường ở Hà Nội đã tổ chức tuần "đón học sinh mới" có ý nghĩa như tổ chức cho học sinh tham gia các trò chơi trí tuệ, hoạt động tập thể để trẻ bước qua giai đoạn e dè, bớt đi sự sợ hãi khi đến một môi trường học tập còn xa lạ. Nhưng những trường làm được việc này chủ yếu là các trường tư thục, công lập tự chủ.

Ngoài lý do cho học sinh làm quen nề nếp, một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng cuối học kỳ 1 sẽ có một tuần để các trường thực hiện hoạt động ngoại khóa, cuối học kỳ 2 cũng vậy, rồi còn thời gian để giáo viên chấm bài kiểm tra, lên điểm, bình xét thi đua, tổ chức lễ bế giảng năm học... sao cho kịp để giáo viên có thể nghỉ hè từ ngày 1-6.

Sao không để ngày khai trường thêm ý nghĩa?

Chị Huyền Anh - phụ huynh có con sẽ vào học lớp 2 năm học này ở Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Hà Nội - cho biết ngày 5-9 trường mới khai giảng. Mặc dù thời gian này chị vẫn phải gửi con cho ông bà, nhưng ủng hộ việc tựu trường đúng vào ngày khai giảng năm học.

Cũng vậy, đa số phụ huynh đều muốn "ngày khai giảng năm học mới sẽ là ngày đầu tiên con đến trường". Anh Châu Văn Thành - phụ huynh có con học Trường tiểu học Dịch Vọng A, quận Cầu Giấy - nói: "Nếu trẻ đã đi học bình thường từ mấy tuần trước thì ngày khai trường không còn nhiều ý nghĩa nữa. Tôi ủng hộ việc các trường tiểu học ở Hà Nội cho học sinh tựu trường đúng ngày khai giảng".

Chị Trần Thị Mỹ Hạnh (xã Bình Hòa Phước, Long Hồ, Vĩnh Long) cho biết cứ đinh ninh giữa tháng 8 mới bắt đầu tập trung như mọi năm, nhưng tình cờ nghe hàng xóm nói và coi thông báo ở trường thì thấy ngày 12-8 nhập học.

"Dù đã chuẩn bị trước sách vở nhưng cháu nghỉ hè tôi gửi về quê không kịp đón. Thiết nghĩ các bé mới cấp I mà phải học sớm thì không cần thiết lắm" - chị Hạnh bày tỏ.

"Con tôi năm nay vào học lớp 5 thì 4 năm qua, cứ đến cuối tháng 5 là cháu toàn chơi. Nếu có hoạt động ngoại khóa thì cũng chỉ diễn ra một ngày, chứ đâu có kéo dài suốt tuần" - chị Vũ Thu Hiên, phụ huynh học sinh ở quận 3 (TP.HCM), cho biết.

Chị Hồng Vân ở huyện Châu Thành (Bến Tre) cũng cho rằng: "Chương trình cấp I chưa nhiều, bắt học sinh phải đi học từ đầu tháng 8, trong khi các bé đến trường chỉ nửa buổi phụ huynh phải đón về. Tôi hỏi vô lớp học chưa thì con tôi nói cô chỉ kể chuyện, hát và cho các bé chơi".

Từ đó, chị Thu Mai, phụ huynh ở quận 1 (TP.HCM), đặt câu hỏi: "Nếu cần thêm thời gian thì tại sao không chọn cách kết thúc năm học trễ hơn, thay vì bắt đầu năm học mới sớm hơn?".

Tuy có ý kiến về việc chuẩn bị nề nếp, ông Phạm Ngọc Anh cũng chia sẻ ở Hà Nội, học sinh các lớp ở bậc tiểu học tựu trường đúng ngày khai giảng là hợp lý. Điều đó cũng khiến ngày khai trường có ý nghĩa hơn với các bạn nhỏ.


Theo Báo Tuổi Trẻ

Các tin khác


Cần chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 từ sớm, không lơ là, chủ quan

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã nhấn mạnh điều này tại cuộc họp phiên đầu tiên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và tuyên dương học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023 - 2024

Ngày 16/5, Sở GD&ĐT tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú lần thứ XVI, năm 2023 và tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023 - 2024. Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu.

Nhiều bất cập với giáo viên được nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo

Tại dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT cho biết, thực tế đội ngũ nhà giáo còn có một số bất cập.

Đồng bộ giải pháp đảm bảo đủ SGK cho năm học mới

Bảo đảm đủ sách giáo khoa (SGK) cho học sinh luôn là nhiệm vụ các nhà trường, địa phương đặc biệt quan tâm.

Những lưu ý trong tuyển sinh

Hiện nay, các trường đại học bắt đầu triển khai các phương thức xét tuyển sớm trong tuyển sinh năm 2024. Để hạn chế các sai sót, tạo thuận lợi cho thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã đưa ra các lưu ý để thí sinh, trường đại học và các đơn vị liên quan triển khai công tác tuyển sinh đạt kết quả tốt nhất.

Dự thảo Luật Nhà giáo: Quy định chức danh, chuẩn nhà giáo

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định chức danh, chuẩn nhà giáo, chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục